Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Nghị quyết 407/NQ-HĐND năm 2023 kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2022

Số hiệu 407/NQ-HĐND
Ngày ban hành 12/07/2023
Ngày có hiệu lực 12/07/2023
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Đỗ Trọng Hưng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Xây dựng - Đô thị

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 407/NQ-HĐND

Thanh Hóa, ngày 12 tháng 7 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ QUY HOẠCH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2016 - 2022

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
KHÓA XVIII, KỲ HỌP THỨ 14

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 297/NQ-HĐND ngày 13 tháng 7 năm 2022 về Chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh năm 2023;

Trên cơ sở Báo cáo kết quả giám sát số 423/BC-HĐND ngày 08 tháng 7 năm 2023 của Đoàn giám sát; ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành nội dung Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2022, với các nội dung chủ yếu sau:

1. Kết quả đạt được

Công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2022 đã được các cấp chính quyền quan tâm, thực hiện tương đối bài bản, chất lượng được nâng lên. Công tác lập, quản lý và thực hiện quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh đã được ưu tiên đầu tư đi trước để định hướng và bảo đảm tính đồng bộ; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo; quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch được chấn chỉnh; việc cấp giấy phép xây dựng từng bước thực hiện theo quy định. Các cấp độ quy hoạch được triển khai cơ bản đồng bộ với chất lượng đồ án quy hoạch ngày càng được nâng cao, làm cơ sở và công cụ để quản lý quá trình phát triển đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, thu hút dự án đầu tư.

Đến nay, Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, Thanh Hóa là tỉnh thứ 4 được phê duyệt Quy hoạch tỉnh; 23/23 huyện được phê duyệt quy hoạch vùng huyện; 255/343 xã có quy hoạch chung xã được duyệt; 34/34 đô thị (02 thành phố, 02 thị xã, 30 thị trấn) đã được phê duyệt quy hoạch chung.

Hệ thống đô thị tỉnh Thanh Hóa đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo động lực tăng trưởng vùng và địa phương; hệ thống hạ tầng đô thị được cải thiện rõ rệt, nhiều đô thị cũ được cải tạo, nâng cấp và được đầu tư xây dựng mới kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; nhiều đô thị mới, quy mô lớn ra đời, với những công trình kiến trúc hiện đại; kiến trúc và cảnh quan đô thị đã được quan tâm đầu tư phát triển; chất lượng đô thị đang từng bước được nâng cao; tỷ lệ đô thị hóa, năm 2010 chỉ là 10,4%, đến năm 2022 là 38%. Đến nay, đã có 12 huyện, thành phố, 349 xã, 884 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới. Quy hoạch xây dựng nông thôn mới tạo điều kiện xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; góp phần hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bộ mặt nông thôn từng bước đổi mới và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

2. Tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là:

- Chất lượng quy hoạch chưa cao, tầm nhìn hạn chế; một số đồ án quy hoạch được duyệt chưa phù hợp với thực tế. Không thống nhất giữa quy hoạch xây dựng với quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch chung với quy quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Chưa kịp thời rà soát, đánh giá kết quả thực hiện đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch phân khu được phê duyệt đã trên 05 năm.

- Tiến độ lập quy hoạch xây dựng nhìn chung còn chậm, cá biệt có huyện chưa có xã nào có quy hoạch chung xã, một số dự án đầu tư chưa phù hợp với quy hoạch xây dựng. Thời gian lập một số hồ sơ quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết còn kéo dài hơn so với quy định, ảnh hưởng đến công tác quản lý và đầu tư xây dựng; cá biệt có đơn vị lựa chọn tư vấn lập quy hoạch xây dựng không đúng, không đủ năng lực theo quy định.

- Vẫn còn tình trạng thẩm định, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, xin ý kiến chủ trương điều chỉnh quy hoạch chưa đúng thẩm quyền; phê duyệt quy hoạch chưa đầy đủ nội dung theo quy định; không lập kế hoạch để thực hiện quy hoạch sau khi đồ án được phê duyệt.

- Việc công bố công khai các quy hoạch xây dựng có nơi còn hình thức. Lưu trữ hồ sơ quy hoạch có nơi chưa khoa học, chưa đầy đủ. Chưa có quy chế quản lý kiến trúc được phê duyệt cả ở các đô thị và các điểm dân cư nông thôn.

- Nhiều quy hoạch đô thị được lập nhưng không triển khai hoặc triển khai chậm, không hiệu quả. Một số mặt bằng vi phạm quy định của pháp luật nên đã nhiều năm vẫn chưa cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Một số mặt bằng xây dựng các công trình không đúng quy hoạch chung, nhưng không kịp thời sửa chữa đến nay không thể khắc phục được.

- Hạ tầng đô thị, nhất là các khu dân cư cũ và các xã vùng ven đô thị khi sáp nhập vào thành phố, thị xã còn bất cập, yếu kém. Cắm mốc giới sau khi đồ án quy hoạch được duyệt thực hiện còn rất ít; một số xã, thị trấn khi triển khai đầu tư hạ tầng còn để sai mốc quy hoạch, dẫn đến phải xem xét điều chỉnh quy hoạch. Nguồn kinh phí lập, thẩm định phê duyệt, cắm mốc theo quy định chưa đáp ứng được nhu cầu.

- Việc đầu tư mở mới nhiều mặt bằng khu dân cư với tốc độ nhanh nhưng thiếu đồng bộ, tỷ lệ lấp đầy thấp, lãng phí nguồn lực; một số dự án không phát huy hiệu quả, phải chuyển đổi công năng. Tiến độ triển khai các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn chậm, còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa có sẵn diện tích lớn và mặt bằng sạch để kêu gọi, thu hút đầu tư. Tiến độ đầu tư xây dựng các công trình điện theo quy hoạch phát triển điện lực còn chậm. Việc quản lý công trình ngầm hiện nay còn nhiều tồn tại, vướng mắc. Chưa hoàn thiện cải tạo, chỉnh trang hạ tầng viễn thông. Hạ tầng giao thông đô thị còn hạn chế, thiếu các bãi đỗ xe; hệ thống cây xanh, mặt nước còn ít. Hệ thống thoát nước, thu gom, xử lý nước thải, rác thải chưa được đầu tư đồng bộ.

- Công tác dự báo về phát triển kinh tế - xã hội chưa sát. Nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện quy hoạch rất lớn, nhưng tỷ lệ huy động vốn thấp nên nhiều dự án quy hoạch “treo”. Nguồn vốn huy động để thực hiện các quy hoạch chủ yếu từ ngân sách Nhà nước bố trí theo kế hoạch và còn rất thấp so với nhu cầu.

- Thực hiện Chương trình phát triển đô thị tỉnh Thanh Hóa giai đoạn đến năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1252/QĐ-UBND ngày 11 tháng 4 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh còn nhiều bất cập.

- Công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện chưa thường xuyên, số lượng rất ít; việc xử lý vi phạm quy hoạch xây dựng còn chậm, nhiều trường hợp thiếu kiên quyết; số phạt vi phạm chưa tương xứng với tình hình vi phạm.

3. Nguyên nhân

3.1. Nguyên nhân khách quan

- Do tác động của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực quy hoạch xây dựng. Thanh Hóa là tỉnh có địa bàn rộng, địa hình phức tạp, chia cắt, nhiều đơn vị hành chính, nguồn lực của các địa phương không đồng đều; số lượng quy hoạch xây dựng cần lập rất lớn trong khi nguồn lực còn hạn chế, nhất là các huyện miền núi. Biến đổi khí hậu cần có sự ứng phó và điều chỉnh quy hoạch để phát triển kinh tế - xã hội.

[...]