Nghị quyết 39-NQ/TW năm 2023 về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành

Số hiệu 39-NQ/TW
Ngày ban hành 18/07/2023
Ngày có hiệu lực 18/07/2023
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Ban Chấp hành Trung ương
Người ký Nguyễn Phú Trọng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số 39-NQ/TW

Hà Nội, ngày 18 tháng 7 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

I- TÌNH HÌNH VÀ NGUYÊN NHÂN

Trong 10 năm qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị khoá XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Kinh tế tăng trưởng khá nhanh, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô kinh tế được mở rộng, năm 2022 đạt khoảng 176 nghìn tỉ đồng, gấp gần 2,5 lần năm 2013, đứng thứ 10 toàn quốc; thu nhập bình quân đầu người tiếp tục tăng, đạt 51,4 triệu đồng, gấp hơn 2 lần năm 2013. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh; thu ngân sách đạt kết quả tích cực; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông và đô thị được đầu tư, nâng cấp. Hợp tác liên kết với các địa phương trong và ngoài vùng được đẩy mạnh; phát triển vùng miền Tây có nhiều khởi sắc. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân dần được nâng lên; giá trị văn hóa truyền thống xứ Nghệ được bảo tồn, phát huy; giáo dục và đào tạo phát triển khá toàn diện, giáo dục mũi nhọn tiếp tục khẳng định vị trí tốp đầu cả nước; mạng lưới y tế phát triển tương đối đồng đều; an sinh xã hội được bảo đảm; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; công tác dân tộc, tôn giáo được chú trọng. Công tác quản lý, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu được tăng cường. Nghệ An đang hướng tới trở thành trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về tài chính, công nghiệp công nghệ cao, thương mại, du lịch, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao. Thành phố Vinh, khu kinh tế Đông Nam cùng với thị xã Cửa Lò từng bước đóng vai trò là cực tăng trưởng, động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được củng cố; góp phần bảo vệ vững chắc biên giới, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Công tác đối ngoại đạt kết quả tích cực, nhất là với các địa phương của Lào có chung đường biên giới. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp được nâng lên; vị trí, vai trò, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội được phát huy; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường.

Tuy nhiên, Nghệ An vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn, chưa cân đối được ngân sách; chưa đạt được mục tiêu trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015 và tỉnh công nghiệp vào năm 2020, là trung tâm thương mại, du lịch, công nghiệp công nghệ cao của khu vực Bắc Trung Bộ. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông trọng yếu; tốc độ đô thị hoá chậm; khu vực miền Tây còn nhiều khó khăn. Phát triển kinh tế, nhất là kinh tế biển, du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tỉ trọng sản phẩm công nghiệp, dịch vụ có giá trị gia tăng cao còn thấp; nông nghiệp công nghệ cao chậm được nhân rộng; đa số doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ; liên kết, hợp tác với các tỉnh lân cận hiệu quả chưa cao. Phát triển văn hóa, xã hội còn nhiều bất cập; chất lượng giáo dục, đào tạo chưa đồng đều; khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa đáp ứng được yêu cầu; tỷ lệ hộ nghèo còn cao; đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận Nhân dân còn nhiều khó khăn; quản lý, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu chưa hiệu quả. An ninh, trật tự tiềm ẩn phức tạp, nhất là địa bàn Tây Nghệ An, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, cải cách hành chính có mặt còn hạn chế, ở một số nơi còn xảy ra tiêu cực, sai phạm.

Hạn chế, yếu kém nêu trên chủ yếu là do: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc tuyên truyền, quán triệt, học tập và tổ chức thực hiện Nghị quyết trong một số lĩnh vực chưa hiệu quả, thiếu quyết liệt; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chất lượng của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa ngang tầm nhiệm vụ; nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của tỉnh Nghệ An ở một số nơi chưa sâu sắc. Thiếu sự liên kết, đồng bộ, thống nhất, thậm chí xung đột, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch; giữa chiến lược, quy hoạch, kế hoạch với đầu tư. Công tác dự báo còn hạn chế, chưa đánh giá đầy đủ khó khăn, thách thức; một số chỉ tiêu đề ra quá cao, tính khả thi thấp. Cơ cấu đầu tư, nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách trung ương còn hạn chế, dàn trải, nhiều dự án, đề án không bảo đảm được nguồn lực để thực hiện; một số cơ chế, chính sách đột phá, đặc thù chậm được ban hành; thiếu giải pháp đột phá thu hút các nhà đầu tư chiến lược, nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư vào tỉnh.

II- QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

- Xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An tương xứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng, xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Nghệ An và cả nước.

- Vận dụng sáng tạo trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh, xây dựng, phát triển tỉnh Nghệ An toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

- Tiếp tục cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, kinh tế số, kinh tế cửa khẩu, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Phát triển nhanh và đột phá vùng phía Đông để thúc đẩy phát triển bền vững vùng phía Tây; tập trung đầu tư và có cơ chế, chính sách vượt trội để phát triển thành phố Vinh trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá của cả vùng Bắc Trung Bộ; tăng cường thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, theo hướng xanh, thông minh, hiện đại. Tăng cường quan hệ đối ngoại, nhất là với các nước thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây, các tỉnh của nước bạn Lào có chung đường biên giới.

- Lấy con người làm trung tâm, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và xứ Nghệ là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh cho phát triển; tạo đột phá trong phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế. Phát triển hài hoà giữa các vùng, miền, giữa kinh tế với văn hóa - xã hội, giữa kinh tế với bảo vệ môi trường, nhất là hệ sinh thái rừng, biển, đảo, chủ động phòng, chống thiên tai và thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biên giới, biển, đảo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh; khơi dậy và phát huy cao độ sức mạnh của hệ thống chính trị, bản lĩnh, ý chí tự lực, tự cường, truyền thống cách mạng và khát vọng vươn lên của Nhân dân để phát triển Nghệ An nhanh, bền vững, toàn diện, văn minh và hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Nghệ.

2. Mục tiêu đến năm 2030

Nghệ An là tỉnh phát triển khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam và xứ Nghệ; là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có khả năng ứng phó và thích ứng có hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng cao; giá trị hệ sinh thái rừng, biển, đảo, văn hóa, lịch sử và truyền thống, nhất là văn hóa xứ Nghệ được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biên giới, biển, đảo được bảo đảm vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân và niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước được tăng cường.

3. Một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030

- Giai đoạn 2021 - 2030: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 10%/năm; năng suất lao động bình quân tăng khoảng 10-11%/năm; thu ngân sách trên địa bàn tăng khoảng 12%/năm; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khoảng 1.650 nghìn tỉ đồng.

- Đến năm 2030: Cơ cấu GRDP: Nông, lâm, thủy sản chiếm 13,5 - 14%; công nghiệp, xây dựng: 42 - 42,5%; dịch vụ: 39 - 39,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm: 4,5 - 5%; GRDP/người đạt khoảng 7.500 - 8.000 USD (giá hiện hành); tỷ lệ đô thị hoá đạt khoảng 40%.

Tuổi thọ trung bình của người dân đạt 75 tuổi; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 77%, trong đó, có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 38%; tỷ lệ bác sĩ trên 10.000 dân đạt trên 15 bác sĩ; tỷ lệ giường bệnh trên 10.000 dân đạt trên 50 giường; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 90%, nông thôn mới kiểu mẫu đạt 15%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 0,5 - 1,5%/năm. Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 58%; tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch đạt 94 - 98%; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn đạt 60%; tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị đạt 99%; tỷ lệ khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%.

4. Tầm nhìn đến năm 2045

Nghệ An là tỉnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, văn minh và hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân đạt mức cao; giá trị hệ sinh thái rừng, biển, đảo, văn hóa, lịch sử và truyền thống, nhất là văn hóa xứ Nghệ được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biên giới, biển, đảo được bảo đảm vững chắc; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường; tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, toàn diện.

III- NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy, khơi dậy khát vọng phát triển toàn diện, nhanh, mạnh hơn; phát huy truyền thống, văn hóa mang đậm bản sắc xứ Nghệ trở thành động lực, nguồn lực nội sinh cho phát triển

- Tập trung quán triệt, tuyên truyền tạo sự thống nhất cao, nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của tỉnh Nghệ An trong vùng Bắc Trung Bộ và cả nước; trách nhiệm, tự hào đối với quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tầm quan trọng của phát triển toàn diện đối với tỉnh Nghệ An. Đổi mới tư duy, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển, quyết tâm vươn lên, khắc phục khó khăn, tạo sức bật mới nhằm phát triển Nghệ An xứng đáng với vai trò là trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ. Phát huy cao độ truyền thống lịch sử, văn hóa xứ Nghệ, tiềm năng, thế mạnh về con người và tài nguyên thiên nhiên để xây dựng và phát triển Nghệ An toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

- Đầu tư tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử của Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên trở thành nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng xứng tầm với giá trị di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếp tục bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị hệ thống di tích và di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch. Đầu tư nâng cấp Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh và hệ sinh thái giá trị văn hóa phi vật thể dân ca Ví, Giặm. Xây dựng và phát triển nền thể thao thành tích cao, đưa Nghệ An trở thành trung tâm phụ trợ huấn luyện nâng cao thành tích thể thao của quốc gia.

2. Xây dựng và thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; tăng cường liên kết phát triển

- Tổ chức thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuân thủ các định hướng của quy hoạch vùng, hệ thống quy hoạch quốc gia; tổ chức, sắp xếp không gian các hoạt động kinh tế - xã hội phù hợp để bảo đảm phát triển nhanh, bền vững các ngành, lĩnh vực; kết nối liên vùng, liên ngành; có trọng tâm, trọng điểm và lộ trình hợp lý.

- Tập trung nguồn lực đầu tư để hình thành và phát triển 4 hành lang kinh tế: (1) Hành lang kinh tế ven biển với trọng tâm là phát triển đô thị, công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ tổng hợp và các ngành kinh tế biển. (2) Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh với trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng và du lịch sinh thái. (3) Hành lang kinh tế Quốc lộ 7 với trọng tâm là phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến; phát triển các loại hình du lịch sinh thái, mạo hiểm, cộng đồng. (4) Hành lang kinh tế Quốc lộ 48A với trọng tâm là phát triển lâm nghiệp, kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, dược liệu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến.

[...]
11
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ