Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Nghị quyết 39/2011/NQ-HĐND về Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030 do Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ khoá XVII, kỳ họp thứ 3 ban hành

Số hiệu 39/2011/NQ-HĐND
Ngày ban hành 12/12/2011
Ngày có hiệu lực 19/12/2011
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Nguyễn Doãn Khánh
Lĩnh vực Doanh nghiệp

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 39/2011/NQ-HĐND

Phú Thọ, ngày 12 tháng 12 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2011 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
KHOÁ XVII, KỲ HỌP THỨ BA

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 99/2008/QĐ-TTg ngày 14 tháng 7 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ đến năm 2020;

Sau khi xem xét Tờ trình số 4278/TTr-UBND ngày 21 tháng 11 năm 2011 của UBND tỉnh Phú Thọ về việc đề nghị thông qua Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách và thảo luận,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành thông qua "Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030”, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển

Quy hoạch phát triển công nghiệp phải phù hợp với Quy hoạch phát triển công nghiệp của cả nước, của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tập trung phát triển công nghiệp với tốc độ cao, tạo tiềm lực tăng nhanh quy mô giá trị sản xuất công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá để đưa Phú Thọ cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020. Phát huy vai trò các ngành công nghiệp truyền thống có thế mạnh, đồng thời khai thác các tiềm năng lợi thế của tỉnh để phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp mới, chế biến sâu có giá trị gia tăng lớn. Phát triển công nghiệp với quy mô và cơ cấu hợp lý, phù hợp với phát triển các ngành nông nghiệp và dịch vụ - thương mại. Phát triển công nghiệp chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái, gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia và giải quyết các vấn đề xã hội.

2. Định hướng phát triển công nghiệp

Phát triển công nghiệp phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, gắn với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã quy hoạch, phát triển vùng kinh tế động lực đã được xác định (Việt Trì, Phú Thọ, Phù Ninh, Lâm Thao, Tam Nông) làm nòng cốt, từ đó tạo sức lan tỏa ra các địa phương xung quanh. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp truyền thống, có lợi thế về nguồn nguyên liệu, nguồn nhân lực, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới. Tăng cường thu hút đầu tư và tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp có công nghệ và hiệu quả cao, các ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp thân thiện môi trường. Ưu tiên đầu tư phát triển các cơ sở công nghiệp ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng kinh tế - xã hội khó khăn, nhất là ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động và nguyên liệu tại chỗ.

3. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát

Phấn đấu đến năm 2020, đạt tiêu chí của tỉnh công nghiệp và đến năm 2030 là tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng công nghệ cao.

Tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tạo các điều kiện cần thiết và thuận lợi thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp. Mở rộng và phát triển các cơ sở công nghiệp hiện có, tăng cường thu hút đầu tư vào phát triển các ngành nghề mới và công nghệ cao như: Công nghiệp điện tử - bán dẫn và công nghệ thông tin; công nghiệp hóa dược và tân dược; chế biến sâu về khoáng sản, nông lâm sản; vật liệu mới, công nghệ sinh học và công nghiệp hỗ trợ. Đổi mới công nghệ các cơ sở công nghiệp hiện có nhằm nâng cao năng suất lao động và tạo ra các sản phẩm theo hướng có hàm lượng công nghệ cao. Sắp xếp và tổ chức lại sản xuất các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường theo hướng xử lý triệt để các vấn đề môi trường, đảm bảo phát triển sản xuất ổn định, bền vững và thân thiện với môi trường.

b) Mục tiêu cụ thể

- Giai đoạn 2011 - 2015: Tăng trưởng bình quân khoảng 15%/năm. Đến năm 2015, giá trị gia tăng ngành công nghiệp của tỉnh tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2010; tỷ trọng ngành công nghiệp (không tính xây dựng) trong cơ cấu kinh tế đạt 35%; tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng đạt khoảng 41,4%.

- Giai đoạn 2016 - 2020: Tăng trưởng bình quân khoảng 13,2%/năm. Đến năm 2020, giá trị gia tăng ngành công nghiệp của tỉnh năm 2020 gấp 3,7 lần so với năm 2010; tỷ trọng ngành công nghiệp (không tính xây dựng) trong cơ cấu kinh tế đạt khoảng 41%; tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng đạt khoảng 50%.

- Giai đoạn 2021 - 2030: Dự báo nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng khoảng 11% - 12%/năm; trong đó, ngành công nghiệp có mức tăng trưởng khoảng 11,5% - 12,5%/năm. Với mục tiêu phát triển một cách bền vững, dần nâng cao hiệu quả sản xuất của toàn ngành công nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021 – 2030 tăng trưởng khoảng 11% - 12%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh năm 2030 gấp khoảng 3,2 lần so với năm 2020.

4. Định hướng phát triển theo vùng lãnh thổ

a) Vùng “Công nghiệp động lực” gồm thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ và các huyện Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Nông

Ngành dệt may - da giày, ngành chế biến giấy, nhựa - hóa chất… hạn chế đầu tư và chuyển dịch dần ra các địa phương xung quanh. Thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ ưu tiên thu hút đầu tư có chọn lọc, lựa chọn những ngành có công nghệ sạch, có giá trị gia tăng cao. Định hướng di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm ra ngoài thành phố Việt Trì. Các địa phương của vùng sẽ khuyến khích phát triển thêm các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho dân cư và lao động trong vùng như: Chế biến rau quả, chế biến chè, nón lá, đúc đồng phục vụ du lịch... Giai đoạn 2011 - 2015, giá trị sản xuất công nghiệp của vùng đạt mức tăng trưởng 14,6%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng 12,8%/năm; chiếm tỷ trọng trên 80% trong cơ cấu công nghiệp toàn tỉnh. Giai đoạn 2021 - 2030, dự báo giá trị sản xuất công nghiệp của vùng sẽ tăng trưởng khoảng 11,8%/năm; chiếm tỷ trọng khoảng 70% - 75% trong cơ cấu công nghiệp toàn tỉnh.

b) Vùng “Công nghiệp Tây Bắc” gồm các huyện: Đoan Hùng, Hạ Hòa, Thanh Ba và Cẩm Khê

Tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh và có thị trường, gồm các ngành: Sản xuất xi măng, khai thác khoáng sản, chế biến thực phẩm, đồ uống, chế biến chè, thức ăn gia súc, vật liệu xây dựng, chế biến gỗ... Giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 14%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 14%/năm. Giai đoạn 2021 - 2030, công nghiệp của vùng tăng trưởng khoảng 13,3%/năm. Chiếm tỷ trọng khoảng 14% - 16% theo từng giai đoạn phát triển trong cơ cấu công nghiệp toàn tỉnh.

c) Vùng “Công nghiệp Tây Nam” gồm các huyện: Yên Lập, Thanh Sơn, Thanh Thủy và Tân Sơn

Công nghiệp của vùng phát triển gắn với hình thành các vùng trồng cây công nghiệp tập trung, phát triển lâm nghiệp, khai thác lâm đặc sản và chăn nuôi đại gia súc tạo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Các ngành, sản phẩm công nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu công nghiệp của vùng là: Khai thác và chế biến khoáng sản; Chế biến nông lâm sản, thực phẩm; sản xuất vật liệu xây dựng (gạch xây dựng các loại), cơ khí… Giai đoạn 2011 - 2020, giá trị sản xuất công nghiệp của vùng tăng trưởng 21,5%/năm, chiếm tỷ trọng khoảng 7% trong cơ cấu công nghiệp của tỉnh. Giai đoạn 2021 - 2030, công nghiệp của vùng sẽ chiếm khoảng 10% - 11% trong giá trị công nghiệp toàn tỉnh.

5. Quy hoạch phát triển một số ngành công nghiệp chủ yếu giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030

[...]