HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 355/NQ-HĐND
|
Hưng Yên, ngày 22
tháng 3 năm 2023
|
NGHỊ QUYẾT
THÔNG
QUA VIỆC ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI TỈNH HƯNG
YÊN GIAI ĐOẠN 2011-2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 (ĐIỀU CHỈNH CỤC BỘ QUY HOẠCH)
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
KHÓA XVII KỲ HỌP THỨ MƯỜI HAI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính
phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 ngày 11 năm 2017;
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày
20 ngày 11 năm 2018;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11
năm 2008;
Căn cứ Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng
6 năm 2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện
chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng
mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030;
Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số 92/NĐ-CP
ngày 07 tháng 9 năm 2006 về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát
triển kinh tế - xã hội; số 04/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 về sửa đổi, bổ
sung một số điều của Nghị định số 92/NĐ-CP ngày 07 năm 9 năm 2006 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 26 tháng 8
năm 2022 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm
2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính
sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy
nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030;
Căn cứ Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01 tháng 9
năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ
2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Thông tư liên tịch số
02/2012/TTLT-BGTVT-BKHĐT ngày 17 tháng 01 năm 2012 của Bộ Giao thông vận tải và
Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn nội dung, trình tự lập quy hoạch tổng thể
phát triển giao thông vận tải cấp tỉnh;
Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31
tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn tổ chức lập,
thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội;
quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;
Thực hiện Thông báo số 949-TB/TU ngày 06 tháng
02 năm 2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về điều chỉnh, bổ sung một số tuyến đường
trong Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên giai đến
đoạn 2011-2020 và định hướng năm 2030;
Xét Tờ trình số 19/TTr-UBND ngày 09 tháng 3 năm
2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về điều chỉnh, bổ sung một số tuyến đường trong
Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên giai đoạn
2011-2020 và định hướng đến năm 2030 (Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch); Báo cáo thẩm
tra số 165/BC-KTNS ngày 21 tháng 3 năm 2023 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng
nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận và kết quả biểu quyết của các vị đại biểu Hội đồng
nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua điều chỉnh
Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên giai đoạn
2011-2020 và định hướng đến năm 2030 (Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch) với những
nội dung cơ bản như sau:
1. Sự cần thiết phải điều chỉnh
quy hoạch
Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh
Hưng Yên giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030 đã được HĐND tỉnh thông
qua tại Nghị quyết số 106/NQ-HĐND ngày 21/7/2017 và UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết
định số 3353/QĐ-UBND ngày 29/12/2017. Đến nay, Quy hoạch đã triển khai thực hiện
được 5 năm và đến chu kỳ phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung.
Việc nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để thực
hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX và Nghị
quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình phát triển giao thông, vận
tải tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025; tạo tiền đề quan trọng để thúc đẩy mạnh
mẽ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hưng Yên; đáp ứng yêu cầu phát triển
kinh tế - xã hội cho đến khi Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, với tầm
nhìn dài hạn đến năm 2050 được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật
Quy hoạch.
Quy hoạch rà soát, cập nhật, bổ sung các dự án,
công trình giao thông được nghiên cứu đầu tư trong giai đoạn công trung hạn
2021-2025; cập nhật, điều chỉnh, bổ sung theo Đồ án quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời
kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Bộ Giao thông vận tải góp ý tại Văn
bản số 4686/BGTVT-KHĐT ngày 13 tháng 5 năm 2022.
2. Phạm vi, đối tượng, thời kỳ
lập điều chỉnh quy hoạch
- Phạm vi: trên toàn bộ địa bàn tỉnh Hưng Yên, có
nghiên cứu quy hoạch chung của ngành trên phạm vi cả nước, của vùng và các tỉnh
trong khu vực.
- Đối tượng: một số tuyến đường được quy hoạch điều
chỉnh, bổ sung trên địa bàn tỉnh.
- Thời kỳ lập quy hoạch điều chỉnh: giai đoạn
2011-2020 và định hướng đến năm 2030.
3. Nội dung điều chỉnh quy hoạch
a) Đường cao tốc, vành đai, quốc lộ
Được cập nhật theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày
01/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ
2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và phù hợp với thực tế địa phương.
- Cao tốc Hưng Yên - Thái Bình (CT.16):
tuyến có điểm đầu giao đường Vành đai 4-Thủ đô Hà Nội tại khu vực xã Tân Tiến,
huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đến giao đường cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng-Quảng
Ninh tại thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Hưng
Yên được quy hoạch nâng cấp từ ĐT.379 và tuyến đường nối hai đường cao tốc Hà Nội-Hải
Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình. Điểm đầu nút giao với Vành đai 4-Thủ
đô Hà Nội thuộc xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, điểm cuối xã Hoàng Hanh, thành phố
Hưng Yên, chiều dài khoảng 37,1km; quy hoạch tối thiểu 4 làn xe cơ giới.
Giai đoạn 2021-2025: đầu tư xây dựng hoàn
thành toàn bộ đoạn tuyến trên địa phận tỉnh Hưng Yên theo quy mô đường cấp II đồng
bằng 4 làn xe cơ giới.
Giai đoạn sau 2025: nghiên cứu đầu tư hoàn
chỉnh (nút giao, hệ thống an toàn giao thông,...) để khai thác theo dòng cao tốc.
Xây dựng hoàn thiện các công trình đường bên và công trình khác theo quy hoạch
của địa phương.
- Các tuyến quốc lộ (QL) bao gồm: QL.5,
QL.38, QL.38B, QL.38C, QL.39, QL.39B: được quy hoạch đường cấp II đồng
bằng, 4 làn xe cơ giới, các đoạn trong đô thị theo quy hoạch đô thị và đảm bảo
quy mô tối thiểu 4 làn xe cơ giới. Quy hoạch nút giao khác mức giữa QL.38C với
tuyến đường nối đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh
Bình.
Giai đoạn 2021-2025: nghiên cứu đầu tư xây dựng
một số đoạn tuyến với quy mô tối thiểu đường cấp III đồng bằng, 2 làn xe cơ giới
và một số nút giao trên tuyến.
Giai đoạn sau 2025: nghiên cứu xây dựng hoàn
chỉnh các tuyến theo quy hoạch.
b) Một số tuyến đường tỉnh và tuyến đường quy hoạch
tương đương được điều chỉnh, bổ sung quy hoạch
- Đường tỉnh ĐT.376: điểm đầu Km0+000
giao với QL.5 thuộc địa phận xã Trưng Trắc huyện Văn Lâm, điểm cuối Km37+855
giao với QL.39 thuộc địa phận xã Thiện Phiến huyện Tiên Lữ, chiều dài tuyến khoảng
37,855km; quy hoạch đường cấp I đồng bằng, 6 làn xe cơ giới.
Kéo dài ĐT.376 từ nút giao với ĐT.381C quy hoạch
(ngã ba xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang) khoảng 1km đến vị trí giao với tuyến cao
tốc CT.38-Vành đai 4-Hà Nội; quy hoạch đường cấp I đồng bằng, 6 làn xe cơ giới.
Bổ sung quy hoạch đoạn tuyến tránh khu vực đông dân
cư xã Trung Hòa, xã Tân Việt, huyện Yên Mỹ dài khoảng 5km; quy hoạch đường cấp
I đồng bằng, 6 làn xe cơ giới.
Giai đoạn 2021-2025: đầu tư xây dựng hoàn chỉnh
đoạn tuyến qua thị trấn Yên Mỹ với quy mô mặt cắt ngang từ 7,5m-13,9m và 34m,
chiều dài 6,1km. Đầu tư xây dựng đoạn tuyến tránh khu vực đông dân cư xã Trung
Hòa, xã Tân Việt, huyện Yên Mỹ dài khoảng 5km với quy mô đường cấp II đồng bằng,
4 làn xe cơ giới.
Giai đoạn sau 2025: nghiên cứu đầu tư xây dựng
hoàn chỉnh toàn tuyến theo quy hoạch.
- Đường tỉnh ĐT.376B: tuyến đường là
một trục ngang trung tâm của tỉnh đi từ Đông sang Tây. Điểm đầu giao với tuyến
đường Tân Phúc-Võng Phan (ĐT.386C), điểm cuối giao cắt với Tuyến đường kết nối
di sản văn hóa du lịch - phát triển kinh tế dọc sông Hồng (ĐT.378B) tại xã Phú
Cường, thành phố Hưng Yên. Tuyến đi qua huyện Ân Thi, huyện Kim Động và thành
phố Hưng Yên, chiều dài tuyến khoảng 16km; quy hoạch đường cấp II đồng bằng 4
làn xe cơ giới.
Giai đoạn 2021-2025: đầu tư xây dựng tuyến
đường theo quy mô đường cấp II đồng bằng, 4 làn xe cơ giới mặt cắt ngang từ 24m
đến 31m.
Giai đoạn sau 2025: nghiên cứu xây dựng hoàn
chỉnh các nút giao và công trình kết nối giao thông, hệ thống đảm bảo an toàn
giao thông.
- Đường tỉnh ĐT.378B : được nghiên cứu
điều chỉnh từ tuyến đường ven đê tả sông Hồng; là tuyến đường kết nối di sản
văn hóa du lịch - phát triển kinh tế dọc sông Hồng. Tuyến đường là một trục dọc
phía Tây của tỉnh kết nối với thành phố Hà Nội. Điểm đầu tại xã Xuân Quan, huyện
Văn Giang, giáp ranh với thành phố Hà Nội, điểm cuối tại xã Tân Hưng, thành phố
Hưng Yên, chiều dài tuyến khoảng 60km. Tuyến đường đi qua địa bàn các huyện Văn
Giang, Khoái Châu, Kim Động và thành phố Hưng Yên; quy hoạch tối thiểu đường cấp
II đồng bằng, 4 làn xe, mặt cắt ngang đường quy hoạch đến 71m-105m trong đó bao
gồm cả đất dự trữ để bố trí đường sắt chạy dọc theo đường bộ. Đoạn qua thành phố
Hưng Yên từ địa phận phường Lam Sơn đến xã Tân Hưng dài khoảng 16km gồm 02
nhánh, quy mô mặt cắt ngang tương đương đường cấp II đồng bằng 4 làn xe. Đoạn
qua huyện Văn Giang có 02 nhánh; quy hoạch tương đương đường cấp II đồng bằng 4
làn xe.
Giai đoạn 2021-2025: đầu tư xây dựng hoàn
thiện tuyến đường phù hợp theo từng đoạn tuyến đi qua quy hoạch đô thị, khu dịch
vụ, khu phục dựng di sản Phố Hiến xưa, khu dân cư và các quy hoạch liên quan
khác đã bố trí dọc tuyến, theo mặt cắt ngang từ 36m, 44m, 60m, 80m, riêng đường
tàu điện trên cao chỉ bố trí dự trữ diện tích đất phục vụ lâu dài quy hoạch
phát triển của ngành GTVT. Đoạn qua thành phố Hưng Yên dài khoảng 16km, trong
đó: nhánh 1 đoạn từ địa phận phường Lam Sơn đến xã Tân Hưng quy mô mặt cắt
ngang 50m, nhánh 2 quy mô mặt cắt ngang 25 m.
Giai đoạn sau 2025: nghiên cứu đầu tư xây dựng
hoàn chỉnh đoạn tuyến theo quy hoạch.
Quá trình thực hiện dự án cần đảm bảo xác định hướng
tuyến và cao độ tuyến đường phù hợp với quy hoạch phòng chống thoát lũ và quy
hoạch đê điều, thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo theo quy định của pháp
luật.
- Đường tỉnh ĐT.378C: đây là tuyến đường
từ xã Chí Tân, huyện Khoái Châu đi xã Toàn Thắng huyện Kim Động (giao QL.39).
Điểm đầu giao với QL.39 tại xã Toàn Thắng, huyện Kim Động, điểm cuối giao đường
kết nối di sản văn hóa du lịch - phát triển kinh tế dọc sông Hồng (ĐT.378B) thuộc
xã Chí Tân, huyện Khoái Châu. Chiều dài toàn tuyến khoảng 8,9km; quy hoạch đường
cấp II đồng bằng 4 làn xe cơ giới.
Giai đoạn 2021-2025: đầu tư xây dựng tuyến
đường với quy mô ngang 21m, trong đó bề rộng mặt đường xe chạy: 2x7,5m = 15m, dải
phân cách giữa: 2m, lề đất rộng 2x2m = 4m.
Giai đoạn sau 2025: nghiên cứu đầu tư xây dựng
hoàn chỉnh theo quy hoạch, các nút giao, các công trình kết nối và hệ thống an
toàn giao thông.
- Đường tỉnh ĐT.379: điểm đầu Km0+000
tiếp giáp với địa phận thành phố Hà Nội nối vào đường Vành đai 3 Hà Nội, điểm
cuối Km 17+400 giao với QL.39 thuộc địa phận xã Dân Tiến huyện Khoái Châu, chiều
dài tuyến khoảng 17,4km.
Đoạn 1: điểm đầu Km0+000 tiếp giáp với địa phận
thành phố Hà Nội nối vào đường Vành đai 3 Hà Nội thuộc địa phận xã Xuân Quan,
huyện Văn Giang và điểm cuối giao ĐT.381 thuộc địa phận xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ,
dài khoảng 13,3km; quy hoạch đường cấp I đồng bằng, 6 làn xe cơ giới.
Đoạn 2: điểm đầu Km13+300 giao ĐT.381 thuộc địa phận
xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ đến điểm cuối Km 17+400 giao với QL.39 thuộc địa phận
xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu, dài khoảng 4,1km; quy hoạch đường cấp II đồng bằng
4 làn xe cơ giới.
Bổ sung đoạn tuyến quy hoạch mới từ Km 13+300 đến
nút giao với đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và tuyến đường nối hai đường cao tốc
Hà Nội-Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, chiều dài khoảng 4,7km,
quy hoạch đường cấp I đồng bằng 6 làn xe cơ giới; đoạn tuyến từ khoảng Km
16+400 ĐT.379 đến giao ĐT.380 kéo dài 1,2km; quy hoạch đường cấp II đồng bằng 4
làn xe cơ giới.
Sau khi bổ sung 2 đoạn tuyến trên, toàn tuyến
ĐT.379 có chiều dài 23,3km.
Giai đoạn 2021-2025: đầu tư xây dựng đoạn
tuyến từ Km3+200 đến nút giao với đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và tuyến đường
nối hai đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình với
quy mô đường cấp II đồng bằng với chiều dài 15km.
Giai đoạn sau 2025: nghiên cứu đầu tư xây dựng
hoàn chỉnh tuyến đường theo quy hoạch.
- Đường tỉnh ĐT.379C: tuyến đi dọc
hai bên và tiếp giáp tuyến đường nối hai đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với đường
cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình (chuyển vị trí đường bên phía Đông sang tiếp giáp cao
tốc CT.16 và chuyển vị trí quy hoạch đường sắt sang vị trí đường bên đã dịch
chuyển theo thông báo số 124/TB-UBND ngày 27 tháng 4 năm 2021 của UBND tỉnh).
Điểm đầu giao với QL.39 tại xã Lý Thường Kiệt, huyện
Yên Mỹ; điểm cuối giao với tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch-phát triển
kinh tế dọc sông Hồng (ĐT.378B) tại xã Hoàng Hanh, thành phố Hưng Yên, chiều
dài tuyến khoảng 54km. Tổng chiều rộng mặt cắt ngang bao gồm cả tuyến nối 2 cao
tốc là 80m, trong đó ĐT.379C là 02 đường bên tổng quy mô 02 bên tương đương đường
cấp II đồng bằng, 4 làn xe cơ giới.
Giai đoạn 2021-2025: xây dựng hoàn thành đoạn
từ nút giao vào đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đến giao QL.39 xã Phương Chiểu,
thành phố Hưng Yên, chiều dài khoảng 24km, quy mô đường cấp III đồng bằng 2 làn
xe cơ giới trong đó đoạn từ giao QL.38B đến QL.39 theo quy hoạch Khu Đại học Phố
Hiến; xây dựng cầu vượt các nút giao với ĐT.384, ĐH.60 và ĐH.72...
Giai đoạn sau 2025: nghiên cứu đầu tư xây dựng
hoàn chỉnh tuyến đường theo quy hoạch.
- Đường tỉnh ĐT.382: điểm đầu Km0
giao với QL.38 tại cống Tranh thuộc địa phận xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, điểm cuối
Km27+800 tại bến phà Mễ Sở thuộc địa phận xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, chiều dài
tuyến khoảng 27,8km; quy hoạch đường cấp II đồng bằng 4 làn xe cơ giới.
Bổ sung quy hoạch đoạn tuyến tránh ĐT.382 từ xã Phù
Ủng, huyện Ân Thi cắt qua ĐT.376 tại xã Vân Du, huyện Ân Thi đến giao với
ĐT.382 khoảng Km 10+625, xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ, chiều dài khoảng
10,4km; quy hoạch đường cấp II đồng bằng 4 làn xe cơ giới.
Giai đoạn 2021-2025: đầu tư xây dựng đoạn
tuyến từ QL.39 đến Km 10+625 và đoạn tránh ĐT.382 từ xã Phù Ủng, huyện Ân Thi cắt
qua ĐT.376 tại xã Vân Du, huyện Ân Thi đến giao với ĐT.382 khoảng Km 10+625, xã
Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ, chiều dài khoảng 10,4km; quy mô đường cấp III đồng
bằng 2 làn xe cơ giới.
Giai đoạn sau 2025: nghiên cứu đầu tư xây dựng
hoàn chỉnh tuyến đường theo quy hoạch.
- Đường tỉnh ĐT.382B: tuyến chạy dọc
2 bên đường bộ cao tốc Hà Nội-Hải Phòng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Điểm đầu từ
xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, giáp thành phố Hà Nội, điểm cuối tại xã Bãi Sậy,
huyện Ân Thi, giáp tỉnh Hải Dương, chiều dài tuyến khoảng 53,88km. Quy hoạch
tương đương đường cấp I đồng bằng 6 làn xe cơ giới, đoạn qua khu đô thị, khu
công nghiệp theo quy hoạch đô thị, công nghiệp và đảm bảo quy mô tối thiểu 4
làn xe cơ giới.
Giai đoạn 2021-2025: đầu tư xây dựng toàn
tuyến đường theo quy mô đường cấp III đồng bằng 2 làn xe cơ giới.
Giai đoạn sau 2025: nghiên cứu đầu tư xây dựng
hoàn chỉnh tuyến đường theo quy hoạch.
- Đường tỉnh ĐT.382D: tuyến đường là
đường bên (đường song hành) dọc hai bên đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội đoạn
qua tỉnh Hưng Yên. Điểm đầu giao với tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch-phát
triển kinh tế dọc sông Hồng (ĐT.378B), điểm cuối hết địa phận tỉnh Hưng Yên thuộc
địa phận xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm; chiều dài một bên tuyến 19,3km. Tuyến đường
thực hiện theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg
ngày 29/7/2011; tổng chiều rộng mặt cắt ngang đoạn có đường sắt là 120m, đoạn
không có đường sắt là 90m bao gồm cả đường chính Vành đai 4, trong đó ĐT.382D
là 02 đường bên tổng quy mô 02 bên tương đương đường cấp II đồng bằng 4 làn xe
cơ giới.
Giai đoạn 2021-2025: đầu tư xây dựng toàn
tuyến quy mô theo Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ
trương đầu tư Dự án xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội.
Giai đoạn sau 2025: nghiên cứu đầu tư xây dựng
hoàn chỉnh tuyến đường theo quy hoạch đô thị dọc hai bên tuyến.
- Đường tỉnh ĐT.384: tuyến có điểm đầu
Km0+000 giao với QL.38 thuộc địa phận xã Tân Phúc, huyện Ân Thi, điểm cuối Km
17+200 giao với ĐT.378 thuộc địa phận xã Liên Khê, huyện Khoái Châu; quy hoạch
cấp II đồng bằng 4 làn xe cơ giới.
Bổ sung đoạn tuyến kéo dài từ điểm cuối giao với
ĐT.378 đến tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch - phát triển kinh tế dọc
sông Hồng (ĐT.378B) xã Đại Tập, huyện Khoái Châu, chiều dài khoảng 2,9km; quy
hoạch đường cấp II đồng bằng 4 làn xe cơ giới.
Giai đoạn 2021-2025: đầu tư nâng cấp, mở rộng;
xây dựng mới một số đoạn tuyến đường theo quy mô đường cấp III đồng bằng 2 làn
xe cơ giới.
Giai đoạn sau 2025: nghiên cứu đầu tư xây dựng
hoàn chỉnh toàn tuyến theo quy hoạch.
- Đường tỉnh ĐT.384B (bổ sung mới):
tuyến đường có hướng tuyến cơ bản trùng với hướng tuyến cao tốc Chợ Bến-Yên Mỹ
(CT. 14) đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên. Tuyến có điểm đầu nối với đường nối
hai đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình tại khu vực
nút giao Lý Thường Kiệt thuộc xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ, điểm cuối giao với
tuyến đường kết nối di sản văn hóa-du lịch phát triển kinh tế dọc sông Hồng
(ĐT.378B) thuộc địa phận xã Chí Tân, huyện Khoái Châu, chiều dài tuyến khoảng
10,0km; quy hoạch đường cấp I đồng bằng 6 làn xe cơ giới.
Giai đoạn 2021-2025: đầu tư xây dựng toàn
tuyến với quy mô đường cấp II đồng bằng, 4 làn xe cơ giới.
Giai đoạn sau 2025: nghiên cứu đầu tư xây dựng
hoàn chỉnh toàn tuyến theo quy hoạch.
- Đường tỉnh ĐT.386C: đây là tuyến trục dọc phía
Đông của tỉnh, là tuyến đường Tân Phúc-Võng Phan (giao ĐT.378), tỉnh Hưng Yên.
+ Tuyến chính: điểm đầu tại xã Tân Phúc, huyện Ân
Thi tuyến đi qua cánh đồng thuộc các xã Tân Phúc, Hoàng Hoa Thám, Văn Nhuệ,
Nguyễn Trãi, Đa Lộc, Tiền Phong, Hạ Lễ, huyện Ân Thi; Minh Hoàng, Đoàn Đào,
Đình Cao, Tống Trân, huyện Phù Cừ; Minh Phượng, Cương Chính, huyện Tiên Lữ. Tuyến
cắt qua ĐT.386 tại khoảng Km5+400, QL38B tại khoảng Km15+530, đến giao ĐT.378 tại
khoảng Km23+600, tuyến vượt sông Luộc kết nối với QL.39 tại nút giao với đường
Thái Bình - Hà Nam (đường Vành đai V vùng thủ đô Hà Nội trên địa bàn tỉnh Thái
Bình), chiều dài khoảng 25km; quy hoạch đường cấp II đồng bằng 4 làn xe cơ giới.
+ Đoạn nhánh kết nối với đường dẫn lên cầu La Tiến:
điểm đầu đấu nối với nhánh chính tại Km22+800, tuyến cắt qua cánh đồng xã Minh
Phượng, huyện Tiên Lữ, các xã: Tống Trân, Minh Tiến, Nguyên Hòa huyện Phù Cừ,
sau đó tuyến đi trùng đường dẫn lên cầu La Tiến, chiều dài 4,1km; quy mô mặt cắt
ngang đường 30m trong đó chiều rộng phần xe chạy 2x12m, dải phân cách giữa 5m,
lề đường 2x0,5m (tương đương quy mô đường cấp II đồng bằng 4 làn xe cơ giới).
Giai đoạn 2021-2025: đầu tư xây dựng đường
bên hai bên tuyến chính từ đầu tuyến đến đoạn nhánh kết nối quy mô tương đương
đường cấp III đồng bằng 2 làn xe cơ giới (mặt cắt ngang nền đường một bên 13m),
chiều dài khoảng 24km và xây dựng hoàn chỉnh đoạn nhánh kết nối với quy mô mặt
cắt 30m.
Giai đoạn sau 2025: nghiên cứu đầu tư xây dựng
hoàn chỉnh toàn tuyến theo quy hoạch.
- Các tuyến đường tỉnh còn lại bao gồm:
ĐT.377, ĐT.377B, ĐT.378, ĐT.379B, ĐT.380, ĐT.381,ĐT.381B (Vành đai 3,5),
ĐT.381C, ĐT.382C; ĐT.383, ĐT385, ĐT.386 (đường nối Vành đai V), ĐT.386B, ĐT.387
Các tuyến đường được quy hoạch, định hướng quy hoạch
với quy mô là đường cấp II đồng bằng 4 làn xe cơ giới; đoạn qua đô thị theo quy
hoạch đô thị đáp ứng tối thiểu 4 làn xe cơ giới. Đồng thời căn cứ vào điều kiện
thực tế, quy hoạch có liên quan để nghiên cứu, thực hiện đầu tư, cắm cọc chỉ giới
hoặc điều chỉnh cọc chỉ giới đã cắm theo giai đoạn, phân kỳ đảm bảo sự phù hợp
để phát triển kinh tế xã hội và tầm nhìn dài hạn. Riêng ĐT.387 điều chỉnh chiều
dài là 16,3km do đoạn QL.38 đến đò Hà dài khoảng 2,1km điều chỉnh thành đường
huyện quản lý.
c) Một số đoạn tuyến thuộc đường tỉnh điều chỉnh
thành đường huyện quản lý
Đoạn tuyến cũ thuộc ĐT.376 từ thị trấn Ân Thi đến Hồng
Quang, từ Hải Triều đến Dốc Hới dài 13,59km và đoạn tuyến thuộc ĐT.387 từ QL.38
đến đò Hà dài khoảng 2,1 km điều chỉnh thành đường huyện quản lý; quy hoạch đường
cấp III đồng bằng 4 làn xe cơ giới (Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm trình
UBND tỉnh ban hành Quyết định điều chỉnh thành đường cấp huyện quản lý theo
đúng quy định hiện hành).
d) Một số tuyến đường xã nâng cấp lên đường huyện
quản lý
Quy hoạch nâng cấp khoảng 29 tuyến đường xã, liên
xã với tổng chiều dài khoảng 74,71 km lên đường huyện quản lý; quy hoạch đường
cấp III đồng bằng 4 làn xe cơ giới.
đ) Một số tuyến đường kết nối với tỉnh Hải Dương
Tuyến trục trung tâm Mỹ Hào với QL.38; tuyến đường
Bần-Vũ Xá kết nối QL.38; đoạn thị trấn Sặt kết nối ra QL.5; cầu Hải Hưng kết nối
sang trục Đông Tây Hải Dương và kéo dài sang phía Tây kết nối vào ĐH.63
(ĐT.386B quy hoạch); cầu Bãi Sậy trên ĐT.382B với tổng chiều dài khoảng 12km;
quy hoạch đường cấp II đồng bằng 4 làn xe cơ giới.
Giai đoạn 2021-2025: đầu tư xây dựng đoạn
tuyến dọc sông Bần-Vũ Xá, thị xã Mỹ Hào; đầu tư xây dựng cầu Hải Hưng (Đoàn Kết)
kết nối sang tỉnh Hải Dương đạt tải trọng tiêu chuẩn HL-93 và đoạn đường dẫn kết
nối hai tỉnh với quy mô đường cấp III đồng bằng 2 làn xe cơ giới; nghiên cứu đầu
tư một số công trình khác phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế.
Giai đoạn sau 2025: nghiên cứu đầu tư xây dựng
hoàn chỉnh các tuyến đường theo quy hoạch.
e) Đường thủy nội địa tỉnh gắn với quy hoạch các
tuyến đường
Quy hoạch các tuyến sông thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải
bao gồm: sông Sặt (còn gọi là sông Kim Sơn), sông Cửu An (còn gọi là sông Cửu
Yên), sông Chanh, sông Điện Biên, sông Tam Đô cải tạo, nâng cấp toàn tuyến đạt
quy mô sông cấp V.
Giai đoạn 2021-2025: nghiên cứu xây dựng cầu
mới trên các tuyến đường bộ; cải tạo, nâng cấp cầu trên tuyến đường cũ để đảm bảo
tải trọng và quy mô cấp sông theo quy hoạch.
Giai đoạn sau 2025: nghiên cứu cải tạo, nâng
cấp luồng lạch và các công trình trên luồng tuyến để đảm bảo khai thác đường thủy.
g) Một số tuyến đường quan trọng phát triển kinh
tế - xã hội của địa phương
- Tuyến đường Chùa Chuông kéo dài, thành phố
Hưng Yên: điểm đầu tại nút giao đường Chùa Chuông với đường Bãi Sậy
(khu vực trước cổng Chùa Chuông hiện tại), điểm cuối giao với tuyến đường kết nối
di sản văn hóa du lịch - phát triển kinh tế dọc sông Hồng thuộc địa phận phường
Hiến Nam thành phố Hưng Yên, chiều dài tuyến khoảng 800m.
+ Đoạn từ nút giao Chùa Chuông đến đê tả sông Hồng:
quy hoạch đường chính và đường gom hai bên, trong đó:
* Đường chính có chiều rộng mặt cắt B=36m (chiều rộng
mặt đường Bm=23,0m; chiều rộng dải phân cách giữa Bdpc=3m;
chiều rộng vỉa hè Bvh=2bên x 5m = 10m);
* Đường gom hai bên có chiều rộng mặt cắt B=9,0m x
2bên=18,0m.
+ Đoạn còn lại: đường đô thị 8 làn xe cơ giới (chiều
rộng mặt đường Bm=33,0m; Chiều rộng dải phân cách giữa Bdpc=3m;
chiều rộng dải phân cách biên Bdpcb=2x2m; Chiều rộng vỉa hè Bvh=2bên
x 7m=14m; chiều rộng nên đường Bn=54,0m).
Giai đoạn 2021-2025: đầu tư xây dựng hoàn
thiện tuyến đường từ nút giao đường Chùa Chuông với đường Bãi Sậy (khu vực trước
cổng Chùa Chuông hiện tại) đến giao với tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch-
phát triển kinh tế dọc sông Hồng theo quy hoạch.
- Tuyến đường giao thông An Tảo - Trung Nghĩa
(đoạn từ sông Điện Biên đến sông Tân An): điểm đầu tiếp giáp bờ phía
Đông sông Điện Biên, thuộc địa phận phường An Tảo, điểm cuối giáp với sông Tân
An, thuộc địa phận xã Trung Nghĩa, chiều dài tuyến khoảng 1,83km; quy mô là đường
chính khu vực 04 làn xe cơ giới (chiều rộng mặt đường Bm=14,0m; chiều
rộng vỉa hè Bvh =2bên x 5m =10m; chiều rộng nền đường Bn=24,0m).
Giai đoạn 2021-2025: đầu tư xây dựng hoàn
thiện tuyến đường từ tiếp giáp bờ phía Đông sông Điện Biên đến giáp với sông
Tân An, thuộc địa phận xã Trung Nghĩa theo quy hoạch.
- Tuyến đường dọc sông Đống Lỗ, xã Bảo Khê
(đoạn từ Quốc lộ 39 đến đường trục trung tâm xã): điểm đầu giao với
QL.39 tại Km28+850, điểm cuối giao với đường trục trung tâm xã Bảo Khê, chiều
dài tuyến khoảng 900m; quy mô là đường chính khu vực 04 làn xe cơ giới (chiều rộng
mặt đường Bm=2x7m=14,0m; chiều rộng dải phân cách giữa Bdpc=2m;
chiều rộng vỉa hè Bvh=2bênx4m=8,0m; chiều rộng nền đường
Bn=24,0m).
Giai đoạn 2021-2025: đầu tư xây dựng hoàn
thiện tuyến đường từ giao với QL.39 tại Km28+850 đến giao với đường trục trung
tâm xã Bảo Khê theo quy hoạch.
- Tuyến đường Đông - Tây I (đoạn từ ĐT.378 đến
ĐT.382B): thực hiện theo Quyết định số 86/QĐ-TTg ngày 14/02/2023 của Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đến
năm 2040.
Điểm đầu giao với ĐT.378 thuộc địa phận thị trấn
Văn Giang, điểm cuối giao với ĐT.382B thuộc địa phận xã Long Hưng, huyện Văn
Giang, chiều dài tuyến khoảng 4,5km; quy mô là đường trục chính đô thị 08 làn
xe cơ giới (chiều rộng mặt đường Bm=2 x 15m=30,0m; chiều rộng dải
phân cách giữa Bdpc=9m; chiều rộng vỉa hè Bvh=2bênx6m=12m;
chiều rộng nền đường Bn=51,0m).
Giai đoạn 2021-2025: đầu tư xây dựng hoàn
thiện tuyến đường từ ĐT.378 thuộc địa phận thị trấn Văn Giang đến ĐT.382B thuộc
địa phận xã Long Hưng, huyện Văn Giang theo quy hoạch.
- Đường nối từ ĐT.386 đến ĐH.64 và tuyến nối
với ĐT.378 đoạn qua địa phận xã Nguyên Hòa, huyện Phù Cừ
+ Tuyến 1: điểm đầu giao với ĐT.386 (gần ngã ba lên
cầu La Tiến) tuyến đi thẳng qua cánh đồng xã Nguyên Hòa đến điểm cuối giao với
ĐH.64 tại Km2+700, chiều dài tuyến khoảng 1.592m. Quy hoạch tối thiểu đường cấp
III đồng bằng 2 làn xe cơ giới.
+ Tuyến 2: điểm đầu giao với tuyến 1, điểm cuối
giao với ĐT.378 thuộc địa phận xã Nguyên Hòa, huyện Phù Cừ, chiều dài tuyến khoảng
1.389m. Quy hoạch tối thiểu đường cấp III đồng bằng 2 làn xe cơ giới.
Giai đoạn 2021-2025: đầu tư xây dựng hoàn
thiện tuyến đường (bao gồm tuyến 1 và tuyến 2) theo quy hoạch.
- Đường Trần Cao - Minh Tân: điểm đầu
giao với đường vào thị trấn Trần Cao, song song với ĐT.386 tại Km11+200 (xã
Minh Tân, huyện Phù Cừ), điểm cuối Km2+370 giao với đường quy hoạch khu dân cư
xã Minh Tân, huyện Phù Cừ, chiều dài tuyến khoảng 2,37km; quy hoạch tối thiểu
đường cấp IV đồng bằng 2 làn xe cơ giới.
Giai đoạn 2021-2025: đầu tư xây dựng hoàn
thiện tuyến đường theo quy hoạch (chiều rộng mặt đường Bm=10,5rn;
chiều rộng vỉa hè Bvh=5m; chiều rộng lề đất bên phải Blđ=0,5m;
chiều rộng nền đường Bn=16,0m).
- Đường bờ sông Tây Kẻ Sặt, huyện Ân Thi (đoạn
kết nối QL38 tại xã Phù Ủng đến ĐT. 382B): điểm đầu giao với đường từ
QL.38 mới vào Đền Phù Ủng, xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, sau đó tuyến mở mới đi
theo bờ sông Sặt (Kẻ Sặt) đến điểm cuối giao với ĐT.382B tại cầu Bãi Sậy, chiều
dài tuyến khoảng 4,68km; quy hoạch đường cấp III đồng bằng 4 làn xe cơ giới.
Giai đoạn 2021-2025: đầu tư xây dựng tuyến
đường quy mô đường cấp IV đồng bằng 2 làn xe cơ giới.
- Đường quy hoạch xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ:
điểm đầu giao với đường nối ĐT.381-ĐT.382 sau đó tuyến mở mới đến điểm cuối
giao với ĐH.45 tại nút giao ĐH.45 với đường quy hoạch 34m huyện Yên Mỹ (đường nối
ĐH.45 xã Đồng Than với ĐT.376 xã Ngọc Long); chiều dài tuyến khoảng 1,5km; quy
mô chiều rộng mặt cắt ngang B=34m (chiều rộng mặt đường Bm=2bên
x 10,5m=21,0m; chiều rộng dải phân cách giữa Bdpc=3m; chiều rộng vỉa
hè Bvh=2bên x 5m=10m).
Giai đoạn 2021-2025: đầu tư xây dựng tuyến
đường và cầu vượt sông Bắc Hưng Hải quy mô đường cấp III đồng bằng 2 làn xe cơ
giới.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh
phê duyệt chi tiết điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải
tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030 (Điều chỉnh cục bộ
Quy hoạch) và tổ chức thực hiện Nghị quyết này đảm bảo theo đúng quy định của
pháp luật, trong đó quan tâm chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:
a) Rà soát, điều chỉnh cấp đường đảm bảo phù hợp với
quy định của pháp luật và nội dung tại Thông báo số 949-TB/TU ngày 06 tháng 02
năm 2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc điều chỉnh, bổ sung một số tuyến đường
trong quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên giai đoạn
2011-2020 và định hướng đến năm 2030. Việc điều chỉnh từng tuyến đường cần rà
soát kỹ lưỡng đảm bảo phù hợp với các quy hoạch có liên quan (quy hoạch sử dụng
đất, quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều, quy hoạch của các địa
phương ...) và được tích hợp vào quy hoạch tỉnh theo quy định.
b) Quá trình triển khai tổ chức công bố quy hoạch cần
thực hiện các biện pháp tuyên truyền hiệu quả đến cộng đồng tổ chức, doanh nghiệp,
gia đình và cá nhân chịu tác động của việc điều chỉnh quy hoạch biết để thực hiện,
đồng thời phải đảm bảo tính phù hợp đối với từng đoạn đường để việc thực hiện
quy hoạch có hiệu quả.
c) Chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động xây dựng kế
hoạch lộ trình cắm mốc, phân kỳ đầu tư phù hợp để phục vụ phát triển kinh tế -
xã hội của tỉnh trong giai đoạn quy hoạch tránh việc thực hiện quy hoạch không
hiệu quả gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân và việc tổ chức sản xuất kinh
doanh của các tổ chức doanh nghiệp trong khu vực các tuyến đường được quy hoạch.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội
đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và các vị đại biểu Hội
đồng nhân dân tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp
luật, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng
Yên Khóa XVII, kỳ họp thứ Mười hai nhất trí thông qua ngày 22 tháng 3 năm 2023
và có hiệu lực kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Giao thông vận tải;
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND, UBND tỉnh;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Các vị đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Văn phòng: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH&HĐND, UBND tỉnh;
- TT HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện, thị xã, TP;
- Trung tâm Thông tin - Hội nghị tỉnh;
- Lưu: VT.
|
CHỦ TỊCH
Trần Quốc Toản
|