Nghị quyết 35/NQ-HĐND năm 2024 đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Số hiệu 35/NQ-HĐND
Ngày ban hành 11/07/2024
Ngày có hiệu lực 11/07/2024
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Phạm Văn Hậu
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 35/NQ-HĐND

Ninh Thuận, ngày 11 tháng 7 năm 2024

 

NGHỊ QUYẾT

ĐẨY MẠNH VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
KHÓA XI, KỲ HỌP THỨ 19

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và

Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND;

Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 26/BC-ĐGS ngày 05 tháng 7 năm 2024 của Đoàn Giám sát HĐND tỉnh về kết quả giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh “Kết quả triển khai thực hiện chính sách pháp luật về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2023” và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Đánh giá kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2021-2023

HĐND tỉnh cơ bản tán thành nội dung Báo cáo số 26/BC-ĐGS ngày 05 tháng 7 năm 2024 của Đoàn Giám sát HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh với những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân chủ yếu sau đây:

1. Việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực; có bứt phá, phát triển đúng định hướng, có hiệu quả; thị trường du lịch được mở rộng, lượng khách tăng hằng năm; sản phẩm du lịch từng bước đa dạng hoá trên cơ sở khai thác thế mạnh, tiềm năng tài nguyên thiên du lịch của từng địa phương. Hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư xây dựng, tạo điều kiện tăng trưởng các chỉ tiêu phát triển du lịch, đem lại hiệu quả về kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Du lịch cơ bản đã tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội phát triển, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển làng nghề. Du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có giá trị gia tăng cao và sức cạnh tranh lớn.

2. Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển du lịch vẫn còn một số tồn tại, hạn chế:

Công tác tham mưu cụ thể hóa các chủ trương, chính sách về phát triển du lịch chưa đầy đủ, hiệu quả chưa cao. Việc phát huy giá trị và khai thác các nguồn tài nguyên du lịch chưa rõ nét, chưa có sự đầu tư để tạo thành điểm nhấn khác biệt cho phát triển du lịch Ninh Thuận. Công tác quản lý, bảo vệ, tôn tạo, khai thác giá trị tài nguyên du lịch tại các di tích, danh lam thắng cảnh còn hạn chế. Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong khu bảo tồn biển của Vườn Quốc gia Núi chúa chưa được xây dựng kịp thời. Việc sử dụng đất để phát triển du lịch nông nghiệp, sinh thái, cộng đồng đang gặp khó khăn, vướng mắc. Chưa xây dựng được chương trình quảng bá, xúc tiến đầu tư bằng những câu chuyện làm nổi bật giá trị của các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa để tạo điểm nhấn, hấp dẫn, thu hút du khách; thiếu sự phối hợp, kết nối chặt chẽ giữa các làng nghề, điểm tham quan du lịch tạo thành chuỗi dịch vụ du lịch hoàn chỉnh giữa các địa phương trong tỉnh. Các loại hình du lịch mới, khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm quy mô lớn, chất lượng cao chậm đầu tư khai thác Chưa có sự liên kết vùng trong phát triển du lịch để tạo sản phẩm du lịch có giá trị, mang tính cạnh tranh cao và có sức hấp dẫn. Đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch còn chậm; một số dự án quy mô lớn, dự án trọng điểm được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chậm triển khai, kéo dài gây lãng phí nguồn lực. Vẫn còn một số hộ kinh doanh dịch vụ du lịch tự phát, chưa đảm bảo các điều kiện theo quy định về kinh doanh, an toàn cho du khách. Nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch còn thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 13/2022/NQ-HĐND ngày 22/7/2022 của HĐND tỉnh Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch Ninh Thuận giai đoạn 2022 - 2025 còn nhiều khó khăn, vướng mắc; Hoạt động du lịch cộng đồng còn mang tính tự phát, chưa xây dựng Đề án để triển khai thực hiện một cách bài bản; chưa thể hiện được nét đặc trưng riêng của vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi để thu hút khách du lịch. Vấn đề môi trường, tình hình an ninh trật tự tại các điểm du lịch vẫn còn xảy ra nhất là rác thải tại các bãi biển, tuyến đường ven biển.

3. Về nguyên nhân hạn chế: Bên cạnh nguyên nhân khách quan do điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn. HĐND tỉnh nhấn mạnh các nguyên nhân chủ quan, đó là: (1) Nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người dân về vai trò, tầm quan trọng của phát triển du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh chưa thực sự đầy đủ; một số địa phương có nhiều tiềm năng về du lịch chưa chủ động tìm biện pháp phát triển du lịch một cách hiệu quả và bền vững. (2) Công tác quy hoạch phát triển du lịch, quy hoạch các khu, điểm du lịch chưa được quan tâm đúng mức; hoạt động du lịch chủ yếu dựa vào tự nhiên, mang tính mùa vụ. (3) Tỉnh chưa xây dựng được cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút, khuyến khích mạnh mẽ nguồn vốn xã hội hóa và các nhà đầu tư có tiềm lực vào đầu tư phát triển du lịch. (4) Đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ tham mưu quản lý về du lịch tại các địa phương luân chuyển thường xuyên, chưa nắm bắt kịp thời thông tin nên tham mưu chuyên môn nghiệp vụ về du lịch chưa sâu và hiệu quả. (5) Thiếu cơ chế phối hợp giữa các ngành, địa phương trong việc quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo và khai thác tài nguyên phục vụ du lịch; nâng cấp sản phẩm du lịch; giữ gìn cảnh quan, môi trường du lịch phục vụ cho phát triển du lịch hoàn chỉnh, hấp dẫn và bền vững.

Điều 2. Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thời gian đến

1. Đối với HĐND tỉnh

1.1. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách pháp luật về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

1.2. Đôn đốc, chỉ đạo rà soát điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển du lịch, bảo đảm hiệu quả, khả thi, phù hợp với quy định pháp luật và tình hình thực tiễn của địa phương.

1.3. Tăng cường chỉ đạo hoạt động khảo sát, giám sát, nhằm đẩy mạnh việc tổ chức điều hành, thực hiện các nghị quyết và các cơ chế, chính sách có liên quan đến lĩnh vực du lịch.

2. Đối với UBND tỉnh

2.1. Tăng cường công tác tham mưu, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách liên quan phát triển du lịch như: Luật Du lịch, Nghị quyết của Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh thành các chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp tình hình thực tiễn của địa phương để kịp thời triển khai thực hiện hoạt động quản lý và phát triển du lịch đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

2.2. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về du lịch, quán triệt các chủ trương, biện pháp, mục tiêu, chỉ tiêu xây dựng phát triển du lịch Ninh Thuận là ngành kinh tế mũi nhọn, ngành kinh tế trụ cột đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2025-2030. Tổ chức biên soạn, giới thiệu, quảng bá các tài nguyên du lịch, các khu, điểm du lịch, sản phẩm du lịch thành những “câu chuyện” để quảng bá hình ảnh du lịch của tỉnh.

2.3. Rà soát đẩy mạnh công tác quy hoạch các khu, điểm du lịch, khu nghỉ dưỡng gắn với tiềm năng, lợi thế của từng huyện, thành phố. Hoàn thiện phê duyệt, thực hiện có hiệu quả các khu du lịch: Khu du lịch Vịnh Vĩnh Hy, Khu du lịch Quốc gia Ninh Chữ; Khu du lịch ven biển phía Nam; Phân Khu du lịch bãi biển Bình Sơn-Ninh Chữ; Quy hoạch chung xây dựng đô thị Cà Ná…Rà soát phê duyệt, công nhận các điểm du lịch trên địa bàn các huyện, thành phố. Lưu ý kế hoạch sử dụng các loại đất: đất giao thông, bãi đỗ xe, khu trưng bày hành lưu niệm, giới thiệu sản phẩm, đất phục vụ vui chơi, giải trí. Mua sắm, ẩm thực, hoạt động văn hóa, nghệ thuật… tại các khu điểm du lịch.

2.4. Lập đề án, kế hoạch quản lý, đầu tư, tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá, lễ hội truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo, gắn với phát triển du lịch bền vững. Chỉ đạo xem xét, giải quyết dứt điểm việc tranh chấp đất đối với di tích quốc gia Tháp PôRômê, để thực hiện công tác bảo tồn đảm bảo theo quy định. Rà soát, xây dựng và hoàn thiện hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia; xây dựng các hồ sơ, phong tục, tập quán để trình bổ sung vào danh mục văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

2.5. Chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện Đề án tổng thể phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong khu bảo tồn biển của Vườn Quốc gia Núi chúa trình cấp có thẩm quyền phê duyệt (Đề án bố trí cụ thể không gian biển cho các hoạt động được thực hiện trong vịnh Vĩnh Hy để hướng tới phát triển các môn thể thao trên biển gắn với du lịch; vị trí neo đậu nhà hàng nổi; vùng hoạt động dịch vụ mô tô nước trên biển đảm bảo khoa học, trật tự, hiệu quả và đúng quy định).

2.6. Tăng cường hợp tác liên kết vùng trong công tác xây dựng, thiết lập chuỗi giá trị du lịch mang tầm thương hiệu quốc gia, góp phần mở rộng không gian du lịch, đa dạng, kết nối các sản phẩm du lịch liên vùng tăng sức hấp dẫn của điểm đến, hỗ trợ kết nối, khai thác hiệu quả các tài nguyên, sản phẩm du lịch của tỉnh.

[...]