Nghị quyết 35/NQ-HĐND năm 2011 ban hành Quy chế hoạt động tham vấn ý kiến nhân dân của Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu

Số hiệu 35/NQ-HĐND
Ngày ban hành 29/07/2011
Ngày có hiệu lực 29/07/2011
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Bạc Liêu
Người ký Võ Văn Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 35/NQ-HĐND

Bạc Liêu, ngày 29 tháng 7 năm 2011

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ HAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2004;

Căn cứ Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân năm 2005;

Xét Tờ trình số 03/TTr-HĐND ngày 20 tháng 7 năm 2011 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh “về việc ban hành Quy chế hoạt động tham vấn ý kiến nhân dân của Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu”,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành Nghị quyết về Quy chế hoạt động tham vấn ý kiến nhân dân của Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu.

Điều 2. Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm phối hợp trong hoạt động tham vấn theo yêu cầu của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VIII, kỳ họp thứ hai thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Võ Văn Dũng

 

QUY CHẾ

THAM VẤN Ý KIẾN NHÂN DÂN ĐỐI VỚI VIỆC BAN HÀNH VÀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 35/NQ-HĐND ngày 29 tháng 7 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định về hoạt động tham vấn ý kiến nhân dân đối với việc ban hành và thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh; quy định chi tiết về quy trình, hình thức, nội dung, công tác phối hợp thực hiện tham vấn ý kiến nhân dân đối với việc ban hành và thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.

2. Quy định quyền hạn, trách nhiệm của Thường trực, các Ban, Tổ Đại biểu, Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp; các tổ chức và cá nhân liên quan trong việc thực hiện tham vấn ý kiến nhân dân đối với việc ban hành và thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.

3. Đối tượng chịu sự điều chỉnh của Quy chế này gồm: Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ Đại biểu và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp; các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh; các tổ chức và cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Một số từ ngữ trong Quy chế này được hiểu như sau:

- “Tham vấn” là tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp,… về những vấn đề quan trọng, liên quan đến nhiều người, nhiều đối tượng bằng các hình thức phù hợp, nhằm thu thập thông tin cần thiết từ nhiều nguồn, nhiều đối tượng khác nhau; phục vụ cho việc xem xét, quyết định ban hành chính sách mới hoặc giám sát việc thực hiện Nghị quyết đã ban hành.

- “Tham vấn ý kiến nhân dân” được viết gọn là “tham vấn”.

Điều 3. Mục đích, ý nghĩa của tham vấn

1. Tạo điều kiện để nhân dân, các ngành, các cấp nắm bắt các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; kịp thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp hữu hiệu trong việc xây dựng và triển khai thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.

2. Giúp cho Hội đồng nhân dân tiếp nhận được những thông tin mới, những ý kiến đóng góp sát thực trước khi quyết định ban hành Nghị quyết mới đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế của địa phương. Đồng thời, có những đánh giá đầy đủ, khách quan về những kết quả, hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết, từ đó có cơ sở xem xét sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ Nghị quyết đã ban hành mà không còn phù hợp.

[...]