Nghị quyết 35/2016/NQ-HĐND18 về quan điểm và nguyên tắc đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn và ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020 do tỉnh Bắc Ninh ban hành

Số hiệu 35/2016/NQ-HĐND18
Ngày ban hành 08/12/2016
Ngày có hiệu lực 20/12/2016
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Ninh
Người ký Nguyễn Hương Giang
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 35/2016/NQ-HĐND18

Bắc Ninh, ngày 08 tháng 12 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ QUAN ĐIỂM VÀ NGUYÊN TẮC ĐẦU TƯ XỬ LÝ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔN VÀ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG LÀNG NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH, GIAI ĐOẠN 2016-2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH
KHÓA XVIII, KỲ HỌP THỨ BA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2014;

Sau khi xem xét Tờ trình số 365/TTr-UBND ngày 28/11/2016 của UBND tỉnh đề nghị thông qua: “Quan điểm và nguyên tắc đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn và ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh”; báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế - ngân sách và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1: Thống nhất quan điểm và nguyên tắc đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn và ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh.

Quán triệt và vận dụng có hiệu quả cơ chế cho phép chủ đầu tư được trực tiếp thu để bù chi phí xử lý, khắc phục hậu quả, cải tạo và phục hồi môi trường trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” và “người hưởng lợi từ môi trường phải trả chi phí”, coi đây là giải pháp căn bản để huy động nguồn lực từ xã hội, giảm gánh nặng ngân sách nhà nước.

I. Đối với môi trường nông thôn tỉnh:

1. Đối với xử lý chất thải từ hoạt động chăn nuôi, hạ tầng nông thôn (hệ thống thoát nước…): Thực hiện theo Nghị quyết số 31/2016/NQ-HĐND18 ngày 08/12/2016 của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh. Riêng các chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi thì các hộ bỏ chi phí xây dựng bể Biogas để xử lý trước khi thải ra khu xử lý chung.

2. Đối với việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt: Nhà nước hỗ trợ kinh phí vận chuyển từ điểm tập kết đến khu xử lý và xử lý; kinh phí mua chế phẩm sinh học để khử mùi. Nhân dân đóng góp kinh phí thu gom, vận chuyển từ gia đình đến điểm tập kết.

3. Đối với việc kiểm soát bao bì hóa chất bảo vệ thực vật đã sử dụng: Nhân dân đóng góp kinh phí thu gom, vận chuyển đến khu xử lý. Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng và xử lý tại khu xử lý chung.

4. Đối với việc xử lý chất thải từ hoạt động trồng trọt: Kinh phí thu gom, xử lý do nhân dân đóng góp.

II. Đối với môi trường làng nghề:

1. Về xử lý nước thải:

- Đối với các doanh nghiệp đầu tư mới: Phải tự đầu tư và vận hành công trình xử lý nước thải đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định.

- Đối với làng nghề đã tồn tại từ lâu đời:

+ Đối với nước thải phát sinh tại các cơ sở: Các cơ sở phải tự đầu tư hệ thống xử lý nước thải sơ bộ trước khi đấu nối vào hệ thống thu gom, xử lý tập trung.

+ Đối với công trình xử lý nước thải tập trung: Đề nghị áp dụng như làng nghề sản xuất giấy tại phường Phong Khê. Trong đó, nhà nước hỗ trợ 80% tổng kinh phí thực hiện dự án, 20% còn lại do doanh nghiệp, cơ sở phát sinh chất thải đóng góp (UBND cấp huyện yêu cầu các doanh nghiệp trong làng nghề phải ký cam kết và đóng góp đủ 20% tổng kinh phí thì mới cho thực hiện dự án). Kinh phí vận hành công trình xử lý chất thải tập trung do các doanh nghiệp trong làng nghề đóng góp 100%.

2. Về xử lý chất thải rắn:

- Đối với chất thải rắn tồn đọng tại các làng nghề từ trước đến nay: Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí để thu gom, vận chuyển và xử lý.

- Đối với chất thải rắn phát sinh từ các cơ sở sản xuất trong làng nghề: Các cơ sở sản xuất phải thuê đơn vị có đủ năng lực để thu gom, vận chuyển và xử lý.

3. Về xử lý khí thải: Các cơ sở sản xuất trong làng nghề phải đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý khí thải đảm bảo khí thải sau khi xử lý đạt quy chuẩn môi trường Việt Nam hiện hành.

Điều 2: Giao UBND tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức thực hiện Nghị quyết. Hằng năm, báo cáo kết quả thực hiện tại kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh.

Điều 3: Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh có trách nhiệm đôn đốc, giám sát, kiểm tra thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết được HĐND tỉnh khóa XVIII, kỳ họp thứ Ba thông qua ngày 08/12/2016 và có hiệu lực từ ngày 20/12/2016./.

 

[...]