Nghị quyết 327/NQ-HĐND năm 2022 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 tỉnh Thanh Hóa

Số hiệu 327/NQ-HĐND
Ngày ban hành 11/12/2022
Ngày có hiệu lực 11/12/2022
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Đỗ Trọng Hưng
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 327/NQ-HĐND

Thanh Hóa, ngày 11 tháng 12 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023 TỈNH THANH HÓA

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
KHÓA XVIII, KỲ HỌP THỨ 11

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Quyết định số 872/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hoá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023;

Căn cứ Nghị quyết số 17/NQ-HĐND ngày 17 tháng 7 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 tỉnh Thanh Hóa;

Xét Tờ trình số 215/TTr-UBND ngày 06 tháng 12 năm 2022 về việc đề nghị phê chuẩn Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 tỉnh Thanh Hóa; Báo cáo thẩm tra số 712/BC-KTNS ngày 07 tháng 12 năm 2022 của Ban Kinh tế - Ngân sách; ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022

1. Kết quả đạt được: Năm 2022, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức do tình hình thế giới biến động phức tạp, khó lường, giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao; những tháng đầu năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng và đời sống của Nhân dân. Song, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Có 23/25 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch, trong đó có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 12,51%, vượt kế hoạch, trong nhóm 7 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; GRDP bình quân đầu người ước đạt 2.924 USD. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 48.820 tỷ đồng, vượt 65% dự toán, tăng 20% so với cùng kỳ, cao nhất từ trước đến nay. Đã tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị, văn hóa lớn, có sức lan tỏa mạnh, tạo hiệu ứng tốt trong xã hội; văn hóa - xã hội tiếp tục chuyển biến tiến bộ; giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao duy trì trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống Nhân dân được nâng lên. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh.

2. Tồn tại, hạn chế: Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, yếu kém, đó là: Còn 02 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch. Sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ theo chuỗi giá trị chưa có nhiều chuyển biến. Một số cơ sở sản xuất công nghiệp gặp khó khăn, giá trị sản xuất giảm so với cùng kỳ. Mức chi tiêu bình quân trên lượt khách còn thấp. Tiến độ triển khai thực hiện một số dự án trọng điểm, các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn chậm; triển khai thực hiện các dự án có sử dụng đất gặp nhiều vướng mắc, chậm được tháo gỡ. Giá trị giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch. Tiến độ lập và trình duyệt một số quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phân khu chức năng trong Khu kinh tế Nghi Sơn còn chậm. Số dự án thu hút đầu tư và số vốn đầu tư đăng ký đạt thấp hơn so với các năm trước. Kết quả giải phóng mặt bằng đạt thấp so với kế hoạch; thiếu quỹ đất sạch để sẵn sàng thu hút đầu tư. Việc trùng tu di tích còn xảy ra sai phạm. Giáo viên còn thiếu ở nhiều cấp học, bậc học, nhất là đối với giáo viên tiểu học và giáo viên các môn đặc thù. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế xảy ra ở nhiều cơ sở y tế. Quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, đất đai, môi trường, di tích còn hạn chế. Tình hình mua bán, vận chuyển, tổ chức sử dụng trái phép ma túy vẫn diễn ra phức tạp; xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng; khiếu kiện đông người còn xảy ra.

Điều 2. Mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu năm 2023

1. Mục tiêu tổng quát

Kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh. Tiếp tục ưu tiên phát triển kinh tế theo hướng nhanh và bền vững gắn với đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội sinh và khả năng ứng phó linh hoạt của nền kinh tế trên cơ sở phát triển công nghiệp nặng, nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao là nền tảng; công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistic là đột phá; du lịch là mũi nhọn. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển đồng bộ và toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu

2.1. Về kinh tế

- Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 11,0% trở lên, trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,0% trở lên; công nghiệp - xây dựng tăng 14,2% trở lên (công nghiệp tăng 15,3%, xây dựng tăng 11,6% trở lên); dịch vụ tăng 9,8% trở lên; thuế sản phẩm tăng 9,6% trở lên.

- Cơ cấu các ngành kinh tế: Nông, lâm, thủy sản chiếm 13,6%; công nghiệp - xây dựng chiếm 48,9%; dịch vụ chiếm 30,8%; thuế sản phẩm chiếm 6,7%.

- GRDP bình quân đầu người đạt 3.200 USD trở lên.

- Sản lượng lương thực giữ ở mức 1,5 triệu tấn.

- Tổng giá trị xuất khẩu đạt 5.500 triệu USD.

- Tổng huy động vốn đầu tư phát triển đạt 140.000 tỷ đồng.

- Thu ngân sách nhà nước đạt 35.340 tỷ đồng.

- Diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao tăng thêm 7.100 ha.

- Thêm 01 huyện, 17 xã đạt chuẩn NTM; 22 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 08 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

- Số doanh nghiệp thành lập mới đạt 3.000 doanh nghiệp trở lên.

[...]