Nghị quyết số 31-CP về việc tăng cường lực lượng lao động phụ nữ trong các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 31-CP
Ngày ban hành 08/03/1967
Ngày có hiệu lực 23/03/1967
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Phạm Hùng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 31-CP

Hà Nội, ngày 08 tháng 03 năm 1967 

 

NGHỊ QUYẾT 

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG LỰC LƯỢNG LAO ĐỘNG PHỤ NỮ TRONG CÁC CƠ QUAN, XÍ NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Hội đồng Chính phủ, trong phiên họp hội nghị thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 12 tháng 10 năm 1966, sau khi nghe Bộ Lao động báo cáo về vấn đề lao động phụ nữ trong các cơ quan, xí nghiệp, Nhà nước đã nhận định tình hình và đề ra phương hướng, nhiệm vụ, biện pháp tăng cường lực lượng lao động phụ nữ trong các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước trong thời gian tới.

I. NHẬN ĐỊNH TÌNH HÌNH LAO ĐỘNG PHỤ NỮ TRONG CÁC CƠ QUAN, XÍ NGHIỆP NHÀ NƯỚC TRONG THỜI GIAN QUA

Ngay từ khi chính quyền dân chủ nhân dân thành lập, Hiến pháp đầu tiên của nước ta đã ghi rõ quyền nam nữ bình đẳng, xác định quyền làm chủ đất nước của phụ nữ, tạo điều kiện căn bản cho phụ nữ tham gia các hoạt động xã hội. Từ sau ngày hòa bình lập lại đến nay, trong giai đoạn khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội, một số chính sách, chế độ đối với lao động phụ nữ được ban hành đã động viên đông đảo phụ nữ tham gia công tác, sản xuất trong các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước. Tỷ lệ nữ công nhân, viên chức trong khu vực Nhà nước đã từ 5% năm 1955 lên đến 27% năm 1965, và tính đến cuối năm 1966 lên đến khoảng từ 31 đến 32%. Trong nông nghiệp, lao động phụ nữ chiếm khoảng từ 60 đến 70% có nơi tới 80% và là lực lượng sản xuất chủ yếu hiện nay của các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp.

Những thành tích trong kháng chiến chống Pháp trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đặc biệt trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước hiện nay chứng tỏ rằng trên hầu hết các lĩnh vực công tác, phụ nữ hoàn toàn có đủ khả năng đảm nhiệm như nam giới, đặc biệt đối với một số ngành nghề thích hợp, phụ nữ lại có điều kiện làm tốt hơn.

Tuy nhiên, nhìn chung việc thi hành chính sách, chế độ đối với lao động phụ nữ trong thời gian vừa qua, chúng ta còn có những thiếu sót như:

1. Chưa nghiên cứu một cách toàn diện và kịp thời các chính sách, chế độ cụ thể, nhằm phát huy khả năng lao động của phụ nữ. Riêng trong khu vực Nhà nước, việc sử dụng lao động phụ nữ cũng còn quá ít, phần lớn phụ nữ còn lao động giản đơn, không có kỹ thuật.

2. Việc phân bổ và sử dụng lực lượng lao động phụ nữ trong các ngành kinh tế, văn hóa còn chưa hợp lý, nhiều nơi hạn chế việc sử dụng lao động phụ nữ, nhiều nơi phụ nữ còn phải làm các công việc quá nặng nhọc hoặc có tiếp xúc với chất độc, không phù hợp với cơ thể và điều kiện sinh lý riêng của phụ nữ. Việc quán triệt phương châm sử dụng đi đôi với bồi dưỡng lâu dài và công tác đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ, kỹ thuật và đề bạt phụ nữ vào các cơ quan lãnh đạo chưa đúng mức nên chưa giúp cho chị em phát triển tài năng của mình.

3. Việc chấp hành các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với nữ công nhân, viên chức chưa được nghiêm chỉnh, thậm chí có cơ quan cho phụ nữ thôi việc một cách tùy tiện, làm ảnh hưởng không tốt đến đời sống và nhiệt tình lao động của chị em. Một số quy định đối với nữ công nhân, viên chức có chỗ chưa hợp lý cũng chưa được nghiên cứu, bổ sung kịp thời.

Có những thiếu sót nói trên là do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do chúng ta chưa nhận thức và đánh giá đầy đủ về vai trò và khả năng của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng chung, chưa dả phá tận gốc tư tưởng phong kiến và tư sản (trọng nam khinh nữ, coi thường phụ nữ, chèn ép phụ nữ…). Do đó các ngành, các cấp, nhất là cấp cơ sở chưa có đầy đủ những biện pháp cụ thể cần thiết để bảo đảm việc thực hiện các chủ trương, chính sách đã đề ra về vấn đề này. Những thiếu sót đó đã hạn chế việc sử dụng lực lượng lao động phụ nữ và chưa phát huy đúng mức khả năng của chị em đóng góp vào sự nghiệp cách mạng chung trong tình hình mới và thực hiện giải phóng phụ nữ theo đường lối của Đảng và Nhà nước.

II. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ VÀ BIỆN PHÁP TĂNG CƯỜNG LỰC LƯỢNG LAO ĐỘNG PHỤ NỮ TRONG CÁC CƠ QUAN, XÍ NGHIỆP NHÀ NƯỚC TRONG THỜI GIAN TỚI

Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc hiện nay, việc tăng cường hơn nữa lực lượng lao động phụ nữ có một ý nghĩa chính trị, kinh tế rất lớn đồng thời là một nhiệm vụ cấp bách nhằm phân bổ và sử dụng hợp lý sức lao động của phụ nữ, thực hiện sự phân công lao động mới đổi với toàn bộ lực lượng lao động xã hội nhằm phát huy hơn nữa năng lực dồi dào của phụ nữ để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sản xuất, chiến đấu trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước hiện nay và yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa lâu dài của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, đồng thời, tiến thêm một bước mới trong việc thực hiện giải phóng phụ nữ và quyền nam nữ bình đẳng, tạo điều kiện cải thiện đời sống của phụ nữ, bảo vệ bà mẹ, trẻ em và giúp cho việc nuôi dạy con cái của chúng ta được tốt hơn.

Riêng trong khu vực Nhà nước, phương hướng sử dụng lao động phụ nữ trong thời gian tới là đi đôi với việc tăng cường hơn nữa lực lượng lao động phụ nữ trong các cơ quan, xí nghiệp, cần tiến hành phân bổ, điều chỉnh và sử dụng hợp lý lực lượng phụ nữ vào những ngành nghề thích hợp. Phải tích cực, chủ động đào tạo, bồi dưỡng về văn hóa kỹ thuật, nghiệp vụ và về công tác quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước cho phụ nữ để phấn đấu từng bước nâng cao tỷ lệ lao động phụ nữ có kỹ thuật, không ngừng tăng năng suất lao động của chị em, đi đôi với mạnh dạn đề bạt phụ nữ vào các cơ quan lãnh đạo các cấp, tiến tới xây dựng một đội ngũ đông đảo nữ cán bộ, công nhân trong các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước vừa có trình độ giác ngộ và tinh thần làm chủ cao, vừa có trình độ kỹ thuật nghiệp vụ giỏi.

Trong thời gian tới, cần tăng cường hơn nữa lực lượng lao động phụ nữ trong các cơ quan, xí nghiệp. Trước mắt từ nay đến cuối năm 1968 phải nâng tỷ lệ bình quân nữ công nhân, viên chức lên khoảng 35% trở lên so với tổng số công nhân, viên chức Nhà nước. Các ngành giáo dục, y tế, công nghiệp nhẹ, thương nghiệp… phải đưa tỷ lệ nữ công nhân viên chức lên từ 50 đến 70% hoặc cao hơn. Các ngành như công nghiệp nặng, giao thông, kiến trúc, thủy lợi, quốc phòng… cũng phải tăng thêm phụ nữ vào những công việc thích hợp. Những công việc như văn thư, đánh máy, điện thoại, kế toán, thống kê, nhân viên phục vụ… phải kiên quyết bố trí phụ nữ đảm nhiệm.

Cần nắm vững các nguyên tắc sau đây:

1. Những công việc thích hợp với cơ thể và khả năng của phụ nữ nhất thiết phải sử dụng lao động phụ nữ, những công việc quá nặng nhọc, độc hại không phù hợp với điều kiện sinh lý của phụ nữ, không được sử dụng lao động phụ nữ.

2.  Tăng cường lực lượng lao động phụ nữ phải đi đôi với đào tạo, bồi dưỡng về văn hóa, kỹ thuật, nghiệp vụ và năng lực quản lý, giúp cho chị em phát triển được tài năng, hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất và công tác.

3. Sử dụng sức lao động phụ nữ phải đi đôi với việc bồi dưỡng và bảo vệ tốt sức khỏe, giải quyết tốt sự nghiệp phúc lợi xã hội, tăng cường trang bị kỹ thuật, cải tiến công cụ và điều kiện làm việc thuận lợi cho nữ công nhân, viên chức làm việc với hiệu suất cao, có điều kiện tiến bộ và có đủ sức khỏe lâu dài.

Để thực hiện được phương hướng, nhiệm vụ và các nguyên tắc nói trên, cần tiến hành tốt những biện pháp dưới đây:

1. Sử dụng hợp lý khả năng của phụ nữ trong các cơ quan, xí nghiệp.

a) Các ngành có trách nhiệm cần nghiên cứu và quy định cụ thể những nghề nghiệp hoặc công việc có thể sử dụng lao động phụ nữ. Trên cơ sở đó, khi lập kế hoạch phân bổ và tuyển dụng lao động hàng năm, phải quy định chi tiêu có biện pháp quản lý chặt chẽ việc thực hiện chi tiêu này trong các ngành, các cơ quan, xí nghiệp.

b) Để sắp xếp phụ nữ vào những công việc thích hợp, nâng dần tỷ lệ lao động có kỹ thuật, để phát huy khả năng, nâng cao năng suất lao động của chị em, các ngành cần căn cứ vào nghị quyết này và tinh thần Chỉ thị số 13-TTg/CN ngày 17-1-1966 của Chính phủ, có kế hoạch điều chỉnh công tác cho chị em phụ nữ đang làm các công việc không thích hợp (nhất là các công việc quá nặng nhọc hoặc có tiếp xúc với chất độc theo quy định), chuyển sang làm các công việc thích hợp hơn. Việc điều chỉnh này phải kết hợp chặt chẽ với việc đưa một số anh em nam giới khỏe mạnh sang làm những công việc khác theo kế hoạch điều phối lao động của Nhà nước trong năm nay. Các xí nghiệp, các cơ quan đang điều chuyển nhiệm vụ sản xuất và công tác càng chú ý sắp xếp kịp thời cho lực lượng lao động phụ nữ có thể tiếp tục làm việc.

Trong công tác quản lý lao động, các ngành, các cấp cần chấp hành nghiêm chỉnh điều lệ tuyển dụng và cho thôi việc đối với công nhân, viên chức Nhà nước ban hành theo Nghị định số 24-CP ngày 13-3-1963 của Chính phủ, không được nhân dịp điều chỉnh, cho chị em thôi việc tùy tiện hoặc tìm cớ buộc thôi việc những chị em có con mọn và sức yếu, trái với quy định của Chính phủ.

c) Để phù hợp với đặc điểm sinh lý và chức năng sinh đẻ, nuôi con của phụ nữ, từ nay về sau, khi định chỉ tiêu sử dụng lao động phụ nữ, các ngành các cấp cần căn cứ vào đặc điểm và tính chất công tác, sản xuất của từng loại công việc mà quy định thích đáng tỷ lệ chênh lệch so với chỉ tiêu của nam giới, nhưng không được vượt quá tỷ lệ chênh lệch bình quân chung đã quy định là 11%.

Bộ Lao động phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Y tế và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước nghiên cứu những quy định cụ thể hướng dẫn các ngành, các cấp thi hành.

2. Tích cực đào tạo, bồi dưỡng về văn hóa, kỹ thuật, nghiệp vụ và về công tác quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước cho phụ nữ, mạnh dạn đề bạt chị em vào các cơ quan lãnh đạo.

Các ngành, các cấp cần có kế hoạch tích cực thực hiện Nghị quyết số 153 ngày 10-1-1967 của Ban Bí thư trung ương Đảng và những chính sách của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng và đề bạt phụ nữ, đảm bảo phương châm: tích cực bồi dưỡng, mạnh bạo sử dụng và đề bạt, vừa mạnh bạo sử dụng, đề bạt, vừa tích cực và chủ động bồi dưỡng để sử dụng, đề bạt được tốt, đề bạt rồi phải tiếp tục bồi dưỡng và sử dụng tốt.

[...]
6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ