Nghị quyết 30/NQ-HĐND năm 2021 về Chương trình việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 30/NQ-HĐND
Ngày ban hành 26/04/2021
Ngày có hiệu lực 26/04/2021
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Lê Trường Lưu
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 30/NQ-HĐND

Thừa Thiên Huế, ngày 26 tháng 4 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

CHƯƠNG TRÌNH VIỆC LÀM TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
KHÓA VII, KỲ HỌP CHUYÊN ĐỀ LẦN THỨ 15

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Bộ luật Lao động năm 2019;

Căn cứ Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Luật Việc làm năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 196/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định thành lập và hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm;

Căn cứ Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm và Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm;

Xét Tờ trình số 3221/TTr-UBND ngày 20 tháng 4 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về Chương trình việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025; Báo cáo thẩm tra của Ban văn hóa - xã hội và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Chương trình việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025, với các nội dung chính sau:

1. Mục tiêu, chỉ tiêu

a) Mục tiêu

Giải quyết việc làm cho người lao động, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về nguồn lao động ở địa phương phục vụ cho quá trình tăng trưởng, phát triển bền vững của tỉnh, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, sớm đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

b) Chỉ tiêu

Giải quyết việc làm giai đoạn 2021 - 2025 cho 83.400 lao động, cụ thể: năm 2021: 16.000, năm 2022: 16.300, năm 2023: 16.500, năm 2024: 17.000, năm 2025: 17.600. Trong đó, tạo việc làm thông qua phát triển các ngành kinh tế của tỉnh cho 61.400 lao động; hỗ trợ tạo việc làm cho 12.000 lao động thông qua các dự án vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm; đưa 10.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có 3.000 lao động thuộc diện chính sách.

Tỷ lệ thất nghiệp dưới mức 1,5% (thất nghiệp thành thị dưới 2,1%).

Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70 - 75%.

100% người lao động đến Trung tâm dịch vụ việc làm được tư vấn về chính sách, việc làm và học nghề, trong đó 70% người lao động được giới thiệu việc làm và 50% người lao động tìm được việc làm.

2. Đối tượng áp dụng: Người lao động từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc; các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương và các tổ chức có liên quan.

3. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

a) Đẩy mạnh phát triển kinh tế, thu hút đầu tư để tạo việc làm

Tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm tạo thêm nhiều việc làm mới, giải quyết việc làm cho người lao động.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực trong tỉnh, nguồn lực của các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài vào các ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế, tạo ra giá trị gia tăng cao, thu hút nhiều lao động.

Phát triển nhanh khu, cụm công nghiệp - xây dựng, bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung. Tập trung hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng các khu - cụm công nghiệp, khuyến khích mọi thành phần kinh tế vào phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp.

Phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững trên cơ sở đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hoá, tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản.

[...]