Nghị quyết số 297-CP về một chính sách đối với tôn giáo do Hội đồng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 297-CP |
Ngày ban hành | 11/11/1977 |
Ngày có hiệu lực | 26/11/1977 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Hội đồng Chính phủ |
Người ký | Phạm Văn Đồng |
Lĩnh vực | Quyền dân sự,Văn hóa - Xã hội |
HỘI
ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 297-CP |
Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 1977 |
VỀ MỘT CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI TÔN GIÁO
Trong những năm qua, chính quyền các cấp và nhân dân các địa phương đã chấp hành nghiêm chỉnh chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Đồng bào các tôn giáo đoàn kết chặt chẽ cùng toàn dân tích cực tham gia công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Ngày nay, nước nhà đã hoàn toàn độc lập, thống nhất và đang vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trước tình hình mới, để bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân đồng thời ngăn ngừa những phần tử phản cách mạng, những phần tử xấu lợi dụng tôn giáo, gây trở ngại cho công cuộc xây dựng đất nước, nhất là ở những vùng mới giải phóng, căn cứ vào sắc lệnh số 234-SL ngày 14 tháng 06 năm 1955, Hội đồng Chính phủ quyết định những nguyên tắc và chính sách cụ thể đối với tôn giáo như sau,
1. Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và quyền tự do không tín ngưỡng của nhân dân.
2. Các nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo đều được hưởng mọi quyền lợi và phải làm mọi nghĩa vụ của người công dân.
3. Các tôn giáo và mọi công dân theo đạo hoặc không theo đạo đều bình đẳng trước pháp luật.
4. Các tôn giáo phải tuân theo Hiến pháp, pháp luật và chủ trương, chính sách, thể lệ của Nhà nước trong mọi lĩnh vực hoạt động của mình.
5. Những kẻ lợi dụng tôn giáo để phá hoại nền độc lập của Tổ quốc, chống lại chế độc xã hội chủ nghĩa, phá hoại khối đoàn kết toàn dân, ngăn cản tín đồ làm nghĩa vụ công dân, chống lại các chính sách và pháp luật của Nhà nước sẽ bị pháp luật nghiêm trị.
II. MỘT SỐ CHÍNH SÁCH CHÍNH SÁCH CỤ THỂ
1. Đối với các hoạt động tôn giáo:
a) Tín đồ và nhà tu hành được hoạt động tôn giáo bình thường ở những nơi thờ cúng, nhưng phải tôn trọng pháp luật của Nhà nước, không gây trở ngại cho việc giữ gìn trật tự trị an, cho sản xuất và sinh hoạt bình thường của tín đồ.
Mỗi công dân được tự do tham gia hoặc không tham gia các hoạt động tôn giáo, không ai có quyền cưỡng ép người khác phải tham gia hoặc không được tham gia các hoạt động đó.
Ngoài những cuộc hành lễ thông thường, những hoạt động tôn giáo sau đây phải xin phép Ủy ban nhân dân xã, huyện hoặc tỉnh, thành phố:
- Những cuộc hành lễ có đông người từ các nơi khác đến dự,
- Những lớp giáo lý,
- Những cuộc hội họp của các tôn giáo như Khóa hạ và Đại hội của Phật giáo: đại hội đồng của Tin lành, cấm phòng linh mục của Thiên chúa giáo, v.v…
b) Những nhà tu hành và những người chuyên hoạt động tôn giáo được tự do giảng đạo tại nơi thờ cúng và trong các cơ quan tôn giáo. Khi truyền bá tôn giáo, ngoài việc giảng giáo lý, các nhà tu hành còn có nhiệm vụ động viên tín đồ làm tốt nghĩa vụ công dân và chấp hình tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước; không được tuyên truyền chống chế độ xã hội chủ nghĩa, chống chính quyền, chống chính sách, pháp luật của Nhà nước, không được tuyên truyền chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo, tuyên truyền mê tín dị đoan.
2. Đối với nơi thờ cúng:
a) Những nơi thờ cúng của các tôn giáo được Nhà nước bảo hộ;
b) Những nơi thờ cúng đã bỏ không từ lâu không có người tu hành hoặc người chuyên trách, không có nhân dân đến lễ bái thì Ủy ban nhân dân cấp cơ sở có trách nhiệm quản lý, khi cần thiết có thể mượn làm trường học, nơi hội họp v.v… nhưng phải giữ gìn chu đáo, không được dùng vào những việc xúc phạm đến tình cảm và tín ngưỡng của nhân dân; những nơi thờ cúng quá hư hỏng chính quyền muốn dỡ đi thì phải được nhân dân đồng tình và Ủy ban nhân dân cấp trên đồng ý.
3. Về việc đào tạo, bổ nhiệm, thuyên chuyển những người chuyên hoạt động tôn giáo:
a) Các tôn giáo được mở trường lớp đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo của mình. Những người được tuyển chọn để đào tạo phải là những người có tư cách công dân, có tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội. Khi mở trường lớp, các tôn giáo phải xin phép Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc cấp trung ương và tuân theo những quy định sau đây:
- Học sinh được tuyển để đào tạo phải do Ủy ban nhân dân cấp cơ sở nơi quê quán hoặc nơi đang ở, xác nhận là công dân tốt, không vi phạm pháp luật;
- Những người phụ trách giảng dạy trong các trường lớp tôn giáo phải được Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc cấp tương đương chấp thuận;
- Nội dung giảng dạy về tôn giáo không được trái pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước ;
- Nếu các trường lớp này có dạy thêm văn hóa thì phải theo chương trình của Bộ Giáo dục nhưng có châm chước. Các Sở, Ty Giáo dục có trách nhiệm xem xét chương trình, nội dung giảng dạy và tổ chức việc phổ biến thời, sự, chính sách cho học sinh.