Nghị quyết 29/NQ-HĐND năm 2023 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ mười một của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026
Số hiệu | 29/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 11/07/2023 |
Ngày có hiệu lực | 11/07/2023 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Thành phố Cần Thơ |
Người ký | Phạm Văn Hiểu |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 29/NQ-HĐND |
Cần Thơ, ngày 11 tháng 7 năm 2023 |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ MƯỜI MỘT
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;
Trên cơ sở kết quả chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ mười một của Hội đồng nhân dân thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân thành phố đánh giá phiên chất vấn đã diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm, nội dung chất vấn có phạm vi rộng, liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở hầu hết các lĩnh vực, nhằm đánh giá kết quả đạt được, khó khăn, hạn chế trong 6 tháng đầu năm để từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ thực hiện tốt hơn trong 6 tháng cuối năm 2023. Qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã làm rõ thêm nhiều vấn đề, trong bối cảnh khó khăn do giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu đầu vào, chi phí vận chuyển tăng cao, tình hình dịch bệnh, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân, nhất là hoạt động sản xuất kinh doanh,... nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy và chính quyền địa phương, các cấp, các ngành của thành phố đã tập trung cao trong thực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho người dân. Hội đồng nhân dân thành phố đánh giá cao những kết quả đạt được và các giải pháp, cam kết của Giám đốc Sở: Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Giám đốc Công an thành phố. Các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc tình hình, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề với tinh thần xây dựng, tập trung vào những nội dung trọng tâm, sát với thực tế và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành được chất vấn. Thủ trưởng các Sở, ngành cơ bản đã tập trung trả lời các câu hỏi có trọng tâm, giải trình cơ bản các vấn đề đại biểu đặt ra, đưa ra các giải pháp cần thiết, lộ trình thực hiện, hoàn thành hầu hết nội dung được đại biểu chất vấn; đồng thời, nghiêm túc nhận trách nhiệm liên quan đến ngành, lĩnh vực mình phụ trách, quản lý và có giải pháp cụ thể để khắc phục.
Điều 2. Để việc thực hiện nội dung chất vấn được tập trung, giải quyết dứt điểm từng vấn đề, Hội đồng nhân dân thành phố đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố, các Sở, ngành liên quan tập trung thực hiện những giải pháp đã cam kết, sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được chất vấn, thực hiện hiệu quả mục tiêu, chương trình, chiến lược trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các quy định của pháp luật, cụ thể như sau:
1. Đối với lĩnh vực công thương
a) Rà soát, đánh giá hiệu quả các vị trí đã quy hoạch chợ đầu mối trên địa bàn sau khi Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ đó tham mưu cơ quan có thẩm quyền về vị trí quy hoạch xây dựng các chợ đầu mối trong thời gian tới đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung đã được phê duyệt, đồng thời, thực hiện việc kêu gọi thu hút đầu tư để xây dựng các chợ đầu mối, sớm đưa các chợ vào hoạt động.
Riêng, đối với dự án Chợ chuyên doanh lúa gạo Thốt Nốt, khu vực Thới Hòa 1, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo thực hiện theo Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15 tháng 11 năm 2022 của Quốc hội về đẩy mạnh chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó, cần xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể, làm rõ trách nhiệm đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất.
b) Phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền về Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đến tất cả các cấp và các tầng lớp Nhân dân hiểu rõ về Chương trình để tích cực tham gia thực hiện. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của thành phố gắn với phát triển du lịch, tăng số lượng các sản phẩm vào hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các điểm đến du lịch,... tạo điều kiện nâng cao giá trị sản phẩm, đưa sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của thành phố trở thành sản phẩm thương hiệu chủ lực của thành phố trong phát triển kinh tế, du lịch, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.
2. Đối với lĩnh vực giao thông vận tải
a) Thực hiện rà soát việc lắp đặt đèn tín hiệu giao thông đối với các dự án giao thông đang triển khai, cũng như đã hoàn thành đưa vào sử dụng trên địa bàn, kịp thời lắp đặt bổ sung, hoàn thiện hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại các vị trí còn thiếu trên các tuyến đường, trước mắt, thực hiện việc lắp đặt đèn tín hiệu giao thông tại một số vị trí trên Đường tỉnh 922, nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho Nhân dân.
b) Tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng theo Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ; có giải pháp khắc phục tình trạng công trình giao thông đã nghiệm thu đưa vào sử dụng nhưng sớm bị xuống cấp, hư hỏng, phải bố trí kinh phí để sửa chữa, khắc phục, làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư và gây bức xúc cho người dân.
c) Đôn đốc Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Thạnh đẩy nhanh tiến độ thi công một số dự án giao thông, như: Dự án cầu kênh E (đấu nối với tuyến đường huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang), đường kênh Đòn Dông (từ kênh F đến kênh H), đường giao thông nông thôn Ấp F1 (xã Thạnh An).
3. Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường
a) Tiếp tục rà soát đối với các dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, chậm tiến độ hoặc không thực hiện để tham mưu cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với từng dự án cụ thể, nhằm tháo gỡ khó khăn, bảo vệ quyền lợi cho người dân trong vùng dự án và báo cáo kết quả đến Hội đồng nhân dân thành phố vào kỳ họp thường lệ cuối năm 2023.
b) Thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho Ủy ban nhân dân quận, huyện trong công tác định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư,... theo Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2023 của Chính phủ về việc ủy quyền quyết định giá đất cụ thể.
c) Tăng cường công tác tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố để đẩy mạnh hơn nữa công tác chuyển đổi số đối với ngành tài nguyên và môi trường, cần hoàn thành sớm việc thiết lập cơ sở dữ liệu để làm nền tảng cho ứng dụng số trong hoạt động của ngành, cũng như việc liên kết, tra cứu thông tin đối với các ngành liên quan trong thực hiện chính quyền số.
4. Đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn
a) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 74/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2016 của Hội đồng nhân dân thành phố về thông qua Quy hoạch chi tiết trạm bơm điện quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2025; trước mắt, tập trung đầu tư các trạm bơm điện tại khu vực Bắc Cái Sắn và các khu vực có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp tập trung, diện tích phù hợp với trạm bơm điện có quy mô vừa và nhỏ, vùng có hệ thống đê bao cơ bản hoàn chỉnh, hệ thống cống được xây dựng khép kín; ưu tiên phát triển hệ thống điện ba pha để phục vụ cho các trạm bơm điện.
b) Có giải pháp giữ vững, nâng chất các chỉ tiêu nông thôn mới đạt chuẩn theo bộ tiêu chí nông thôn mới Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; rà soát, đề xuất nâng chất các tiêu chí lên chuẩn nông thôn mới nâng cao, nóng thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
c) Rà soát các chính sách ưu đãi, hỗ trợ nông dân về phát triển nông nghiệp đang thực hiện (như: hỗ trợ cây giống, con giống,...); đồng thời, nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân thành phố ban hành các chính sách để hỗ trợ nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn, nhằm đảm bảo chất lượng hàng nông sản trong tiêu thụ và xuất khẩu.
d) Có giải pháp thực hiện tốt việc chuyển đổi số trong nông nghiệp, ứng dụng sản xuất mô hình nông nghiệp thông minh nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị sản phẩm; phối hợp thực hiện việc hỗ trợ nông dân về chứng nhận nông sản an toàn, đăng ký nhãn hiệu, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.
đ) Sớm xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn để đáp ứng nguyên liệu đầu vào cho Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long khi đi vào hoạt động.
e) Tiếp tục hỗ trợ người dân thực hiện các mô hình sản xuất có hiệu quả, mô hình sản xuất theo chuỗi có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp nhằm giúp giảm chi phí và thu nhập ổn định; tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.