Nghị quyết 278/2009/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách đặc thù trong quản lý, phát triển kinh tế - xã hội đối với thành phố Vinh - đô thị loại I trực thuộc tỉnh do Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XV, kỳ họp thứ 15 ban hành
Số hiệu | 278/2009/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 23/07/2009 |
Ngày có hiệu lực | 02/08/2009 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Nghệ An |
Người ký | Bùi Thị Thu Hương |
Lĩnh vực | Đầu tư,Xây dựng - Đô thị |
HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 278/2009/NQ-HĐND |
Vinh, ngày 23 tháng 7 năm 2009 |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
KHOÁ XV, KỲ HỌP THỨ 15
Căn cứ Luật
Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 16 tháng 8 năm 2004 của Bộ Chính trị về phát
triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và
Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010;
Căn cứ Quyết định số 239/2005/QĐ-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2005 của Thủ tướng Chính
phủ phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vinh thành trung tâm kinh tế -văn hóa
vùng Bắc Trung Bộ;
Căn cứ Quyết định số 1210/QĐ-TTg ngày 5 tháng 9 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ
về việc công nhận thành phố Vinh là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Nghệ An;
Xét Tờ trình số 4026/TTr-UBND ngày 29 tháng 6 năm 2009 của UBND tỉnh về một số
cơ chế, chính sách đặc thù trong quản lý, phát triển kinh tế - xã hội đối với
thành phố Vinh - đô thị loại I trực thuộc tỉnh;
Trên cơ sở xem xét Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế và ý kiến của các đại biểu
Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua một số cơ chế, chính sách đặc thù trong quản lý, phát triển kinh tế - xã hội đối với thành phố Vinh - đô thị loại I trực thuộc tỉnh như sau:
I. CÁC CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ ĐỐI VỚI THÀNH PHỐ VINH TRÌNH THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ QUYẾT ĐỊNH
1. Về quy hoạch, kế hoạch, kiến trúc, xây dựng
1.1. Hàng năm Thành phố cùng Tỉnh bảo vệ và nhận kế hoạch kinh tế - xã hội, vốn đầu tư XDCB và kế hoạch thu, chi ngân sách trực tiếp với các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính. Đồng thời, khi giao kế hoạch cho Tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có thông báo chi tiết kế hoạch của Thành phố.
1.2. Tổ chức lập quy hoạch chung xây dựng đô thị báo cáo UBND tỉnh xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
1.3. Căn cứ quy hoạch chung đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị theo phân cấp của tỉnh.
1.4. Ban hành Quy chế quản lý kiến trúc và quy hoạch đô thị, Quy chế quản lý thiết kế đô thị trên địa bàn thành phố nhằm cụ thể hóa các quy chuẩn, tiêu chuẩn của Nhà nước về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố.
1.5. Tổ chức lập các quy hoạch chuyên ngành, các chương trình, dự án quan trọng thuộc các lĩnh vực kinh tế - xã hội của Thành phố, thông qua Hội đồng nhân dân cùng cấp trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt; tổ chức quản lý, thực hiện sau khi được phê duyệt.
1.6. Trên cơ sở các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, dự án quan trọng đã được phê duyệt, UBND thành phố xem xét và quyết định: kế hoạch sử dụng đất; kế hoạch phát triển mạng lưới giao thông đô thị, hệ thống cấp thoát nước, cấp điện và vệ sinh môi trường; kế hoạch phát triển dịch vụ, du lịch, thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, kinh tế đối ngoại; Các chương trình, dự án phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh và xây dựng đô thị.
1.7. Tổ chức thực hiện theo ủy quyền các tiểu dự án ODA (nằm trong chương trình, dự án do Trung ương, Tỉnh quản lý).
1.8. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên ngành Trung ương trên địa bàn, cơ quan chuyên môn, đơn vị thuộc Tỉnh trong việc ban hành quy chế quản lý thống nhất các hoạt động xây dựng, khai thác, sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn Thành phố.
2. Về quản lý tài chính, hỗ trợ đầu tư phát triển
2.1. Ưu tiên bố trí vốn từ ngân sách Trung ương (bao gồm nguồn vốn hỗ trợ chính thức ODA, trái phiếu Chính phủ và các chương trình mục tiêu khác) thông qua các Bộ, cơ quan Trung ương, Tỉnh hoặc hỗ trợ một phần theo mục tiêu cho ngân sách Thành phố để đầu tư các dự án trọng điểm thực hiện Quyết định 239/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trước hết là:
- Các dự án về hạ tầng kỹ thuật đô thị: Dự án phát triển đô thị Vinh (vốn ODA), Dự án nâng cấp Quốc lộ 1 A đoạn Quán Bánh - Quán Hành và đường gom dọc tuyến; Quốc lộ 46 đoạn tránh Thành phố (Quán Bánh - Nam Giang); đường trục Vinh - Cửa Lò; đường 72m ngã ba Quán Bàu đến đường tránh Vinh; cầu vượt đường sắt tại Quán Bánh, Cửa Nam và Nguyễn Trường Tộ; đường Lê Mao kéo dài, đoạn từ Sông Vinh - Đường tránh Vinh; kênh thoát (rộng khoảng 80m) từ Kẻ Gai, qua Nghi Phú đến cống Rào Đừng; Cầu Bến Thủy 2 vượt sông Lam, dự án mở rộng nâng cấp Sân bay Vinh; Ga hàng hóa đường sắt.
- Các dự án về hạ tầng du lịch: hạ tầng du lịch Núi Quyết, hạ tầng du lịch Đường ven Sông Lam, hạ tầng du lịch Nam Sông Vinh...
- Các dự án: Tôn tạo di tích Thành Cổ, di tích Ngã ba Bến Thủy, Văn Miếu, Khu Lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai, các di tích Quốc gia trên địa bàn, Dự án Tháp truyền hình, Dự án Khu liên hợp thể thao.
- Các dự án hạ tầng thương mại - dịch vụ: Dự án Trung tâm xúc tiến thương mại và hội chợ triển lãm Nghệ An, Dự án xây dựng hệ thống kho bãi công cộng...
- Các khu, cụm công nghiệp, công viên công nghệ thông tin; Các công trình nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố.
2.2. Định mức phân bố dự toán chi ngân sách thường xuyên, định mức chi đầu tư phát triển cho thành phố phù hợp với đô thị loại I trực thuộc Tỉnh.
2.3. UBND Thành phố được phép:
a) Sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật - kinh tế - văn hóa - xã hội của Thành phố.
b) Vay vốn từ các nguồn tài chính của Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng, phát triển, có sự bảo lãnh của UBND tỉnh và Chính phủ theo quy định của pháp luật.
c) Lập "Quỹ đầu tư và phát triển đô thị Vinh" với sự tham gia góp vốn của Nhà nước, các tổ chức, các thành phần kinh tế và của cá nhân.