Nghị quyết 26-NQ/TW năm 2003 tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước do Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành

Số hiệu 26-NQ/TW
Ngày ban hành 12/03/2003
Ngày có hiệu lực 12/03/2003
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Ban Chấp hành Trung ương
Người ký Nông Đức Mạnh
Lĩnh vực Bất động sản

BAN CHẤP HÀNH
TRUNG ƯƠNG ĐẢNG
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------

Số: 26-NQ/TW

Hà Nội, Ngày 12 tháng 3 năm 2003

 

NGHỊ QUYẾT

TIẾP TỤC ĐỔI MỚI CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ ĐẤT ĐAI TRONG THỜI KỲ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC

I- TÌNH HÌNH VÀ NGUYÊN NHÂN

Những đổi mới trong chính sách, pháp luật về đất đai hơn 15 năm qua đã đưa đến những kết quả tích cực, thúc đẩy kinh tế phát triển, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Người sử dụng đất gắn bó nhiều hơn với đất đai. Đất đai được sử dụng có hiệu quả hơn. Đất xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp, dịch vụ và xây dựng đô thị tăng tương đối nhanh, đồng thời diện tích đất sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp tục tăng. Công tác quản lý nhà nước về đất đai có tiến bộ; hệ thống quản lý được tăng cường, từng bước phân cấp nhiều hơn cho địa phương.

Quyền sử dụng đất đã bước đầu trở thành một nguồn vốn để Nhà nước và nhân dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Thị trường bất động sản tuy còn sơ khai, nhưng đã thu hút được một lượng vốn khá lớn vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện về mặt bằng cho các ngành sản xuất, kinh doanh phát triển, cải thiện điều kiện về nhà ở cho nhân dân, nhất là tại các đô thị.

Đạt được những thành tựu trên là do Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, tạo ra động lực mới, được nhân dân đồng tình; cấp uỷ, chính quyền các cấp đã vận dụng sáng tạo chính sách, pháp luật về đất đai vào thực tiễn địa phương.

Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất đai hiện nay còn nhiều hạn chế, yếu kém và nhiều vấn đề bức xúc.

Tiềm năng đất đai chưa được phát huy tốt; đất đai chưa được chuyển dịch hợp lý, hiệu quả sử dụng còn thấp. Đất sản xuất nông nghiệp còn manh mún; rừng tiếp tục bị tàn phá, diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất bị xói mòn còn lớn. Việc sử dụng đất của nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp, cơ quan còn lãng phí. Tình trạng người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai và tình hình khiếu kiện về đất đai diễn ra nghiêm trọng và phổ biến. Việc Nhà nước thu hồi đất, đền bù giải toả mặt bằng thực hiện hết sức khó khăn.

Hoạt động của thị trường bất động sản không lành mạnh, tình trạng đầu cơ về đất đai và bất động sản gắn liền với đất rất nghiêm trọng, đẩy giá đất lên cao, đặc biệt là ở đô thị, gây khó khăn, cản trở lớn cho cả đầu tư phát triển và giải quyết nhà ở, tạo ra những đặc quyền, đặc lợi, dẫn đến tiêu cực và tham nhũng của một số cá nhân và tổ chức.

Những hạn chế, yếu kém trên do đất đai có nguồn gốc phức tạp; chính sách đất đai thay đổi qua nhiều thời kỳ; quản lý đất đai chuyển từ cơ chế tập trung, bao cấp sang cơ chế thị trường đặt ra nhiều vấn đề mới, trong khi chúng ta còn thiếu kiến thức và kinh nghiệm; nhưng nguyên nhân chủ yếu là:

- Chưa nhận thức đúng mức đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là nguồn nội lực quan trọng và nguồn vốn to lớn của đất nước; chưa khẳng định rõ quyền sử dụng đất là hàng hoá đặc biệt và cần có cơ chế quản lý phù hợp. Quản lý nhà nước về đất đai còn nhiều hạn chế, yếu kém, quản lý thị trường bất động sản bị buông lỏng. Người sử dụng đất chưa thực hiện tốt các nghĩa vụ đối với Nhà nước. Chính sách tài chính đối với đất đai còn nhiều bất cập, gây thất thoát lớn cho ngân sách Nhà nước. Khuynh hướng tự phát chạy theo cơ chế thị trường đã gây ra nhiều sai lệch trong việc thực hiện chính sách đất đai.

- Một số chủ trương, chính sách lớn rất quan trọng của Đảng về đất đai chưa được thể chế hoá (như: chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai; thị trường bất động sản, trong đó có quyền sử dụng đất...). Văn bản pháp luật về đất đai ban hành nhiều, nhưng chồng chéo, thiếu đồng bộ. Chưa làm tốt việc phổ biến, tuyên truyền chính sách, pháp luật về đất đai trong nhân dân. Nhiều chính sách đã ban hành chưa được tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn và thi hành nghiêm túc.

- Vai trò và trách nhiệm đại diện chủ sở hữu của Nhà nước đối với đất đai chưa được xác định rõ. Chưa quan tâm đúng mức việc đầu tư cho công tác quản lý đất đai, xây dựng bộ máy và chỉ đạo công tác quản lý đất đai. Chưa thực hiện tốt công khai, dân chủ trong việc thực thi các chính sách, pháp luật về đất đai. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai ở các địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. Chưa kịp thời thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về đất đai.

- Một bộ phận cán bộ, đảng viên tha hoá, đã lợi dụng chức quyền để trục lợi, tham nhũng trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, gây ảnh hưởng xấu trong xã hội và bất bình trong nhân dân.

- Chậm tổng kết thực tiễn để làm rõ nhiều vấn đề lý luận về quản lý đất đai trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Công tác nghiên cứu khoa học về đất đai còn yếu. Chậm tháo gỡ các vướng mắc trong chính sách, pháp luật về đất đai.

II- QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO TIẾP TỤC ĐỔI MỚI CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ ĐẤT ĐAI

- Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; Nhà nước giao đất, cho thuê đất cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài hoặc có thời hạn theo quy định của pháp luật. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được Nhà nước giao cho cá nhân, tổ chức sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách đất đai.

- Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là nguồn nội lực và nguồn vốn to lớn của đất nước; quyền sử dụng đất là hàng hoá đặc biệt. Chính sách đất đai phải chú ý đầy đủ tới các mặt kinh tế, chính trị, xã hội; bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, người đầu tư và người sử dụng đất, trong đó cần chú trọng đúng mức lợi ích của Nhà nước, của xã hội. Tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi thành viên trong xã hội đối với việc quản lý và sử dụng đất.

- Khai thác, sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực về đất; đầu tư mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng và bảo vệ đất canh tác nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và môi trường sinh thái theo quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước.

- Đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai phù hợp với đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chủ động phát triển vững chắc thị trường bất động sản (trọng tâm là tại các đô thị) có sự quản lý và điều tiết của Nhà nước, với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo; không tách rời thị trường quyền sử dụng đất và các tài sản gắn liền với đất; chống đầu cơ đất đai.

- Kiên quyết lập lại trật tự trong quản lý, sử dụng đất đai theo luật pháp. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân Việt Nam, các đoàn thể nhân dân và toàn dân trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai. Bảo đảm sự quản lý nhà nước thống nhất của Trung ương, đồng thời phân cấp cho địa phương, có chế tài nghiêm trong thực thi chính sách, pháp luật đất đai.

III- TIẾP TỤC ĐỔI MỚI CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ ĐẤT ĐAI

1. Về chế độ sử dụng đất

a) Đối với đất sản xuất nông nghiệp

Quản lý chặt chẽ, bảo vệ đất canh tác nông nghiệp, đặc biệt là đất tốt trồng lúa theo quy hoạch để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Có quy định cụ thể về quản lý, bảo vệ chất lượng đất nông, lâm, ngư nghiệp, đất làm muối.

b) Đối với đất phi nông nghiệp

- Đẩy nhanh việc quy hoạch phát triển đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng văn minh, hiện đại. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch sử dụng đất và tăng cường công tác quản lý thực hiện quy hoạch. Ban hành pháp luật về quản lý xây dựng ở đô thị. Tăng cường quyền hạn và trách nhiệm của uỷ ban nhân dân các đô thị trong việc tổ chức thực hiện và giám sát, bảo đảm trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy hoạch. Phân công rõ trách nhiệm và có cơ chế phối hợp tốt giữa các cơ quan quản lý đất đai, quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng, quản lý nhà và quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Tiếp tục hoàn chỉnh cơ chế sử dụng đất đô thị phải trả tiền. Thực hiện đấu giá đất đối với các tổ chức, cá nhân xin thuê đất để đầu tư kinh doanh nhà, đất theo quy hoạch. Không giao đất hoặc nhượng bán quyền sử dụng đất để từng gia đình làm nhà ở riêng lẻ tại các đô thị lớn hoặc các đô thị có quỹ đất ít; chuyển sang giao (cho thuê) cho các tổ chức kinh tế đầu tư xây dựng đồng bộ các khu nhà chung cư mới theo quy hoạch để bán hoặc cho thuê.

[...]