Nghị quyết 25/2016/QH14 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 do Quốc hội ban hành

Số hiệu 25/2016/QH14
Ngày ban hành 09/11/2016
Ngày có hiệu lực 24/12/2016
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Nguyễn Thị Kim Ngân
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Nghị quyết số: 25/2016/QH14

Hà Nội, ngày 09 tháng 11 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH 5 NĂM QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2016-2020

QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13;

Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 453/BC-CP ngày 18 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ; Báo cáo thẩm tra số 179/BC-UBTCNS14 ngày 19 tháng 10 năm 2016 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách; Báo cáo tiếp thu, giải trình số 48/BC-UBTVQH14 ngày 08 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và ý kiến đại biểu Quốc hội,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Mục tiêu tổng quát

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế và cơ chế tài chính quốc gia; huy động, phân phối, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, đáp ứng yêu cầu và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; từng bước cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước; cân đối giữa tích lũy và tiêu dùng, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, đầu tư hợp lý cho con người và giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính đi đôi với đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát tài chính; giảm mạnh và kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia.

Điều 2. Mục tiêu cụ thể

1. Phấn đấu tổng thu ngân sách nhà nước cả giai đoạn 2016-2020 khoảng 6.864 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 1,65 lần so với giai đoạn 2011-2015; bảo đảm tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước không thấp hơn 23,5% GDP, trong đó từ thuế, phí, lệ phí khoảng 21% GDP; tỷ trọng thu nội địa bình quân khoảng 84 - 85% tổng thu ngân sách nhà nước.

2. Từng bước cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng tích cực. Tổng chi ngân sách nhà nước cả giai đoạn 2016-2020 khoảng 8.025 nghìn tỷ đồng, trong đó, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển chiếm bình quân khoảng 25-26% tổng chi ngân sách nhà nước; giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 64% tổng chi ngân sách nhà nước; ưu tiên bảo đảm chi trả nợ, chi dự trữ quốc gia.

Tổng chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 tối đa khoảng 2.000 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chi từ nguồn trái phiếu Chính phủ là 260 nghìn tỷ đồng (bao gồm 60 nghìn tỷ đồng còn lại của giai đoạn 2014 - 2016), từ nguồn vốn ngoài nước là 300 nghìn tỷ đồng, từ nguồn bán bớt phần vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp là 250 nghìn tỷ đồng (bao gồm cả 10 nghìn tỷ đồng dự kiến bù hụt thu ngân sách trung ương năm 2015 nhưng chưa sử dụng). Phân bổ 1.800 nghìn tỷ đồng, dành 10% dự phòng chưa phân bổ để xử lý rủi ro về thu và các yêu cầu cấp bách về đầu tư trong điều hành. Căn cứ tình hình thực tế, số bố trí chi đầu tư phát triển sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm.

3. Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước cả giai đoạn 2016-2020 không quá 3,9% GDP, trong đó bội chi ngân sách trung ương không quá 3,7% GDP và bội chi ngân sách địa phương không quá 0,2% GDP. Phấn đấu giảm mạnh bội chi ngân sách nhà nước để đến năm 2020 không quá 3,5% GDP nhằm thực hiện cân đối ngân sách nhà nước tích cực, bảo đảm nợ công trong giới hạn cho phép.

4. Bảo đảm an toàn nợ công, với mục tiêu:

a) Nợ công hằng năm không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.

b) Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia dưới 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ.

c) Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm cho vay lại) không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước hằng năm.

Điều 3. Định hướng

1. Về thu ngân sách nhà nước: Tiếp tục sửa đổi, bổ sung chính sách thu, nâng dần tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách nhà nước, bảo đảm tỷ trọng thu nội địa không thấp hơn mức quy định trên, phù hợp với sự phát triển của đất nước. Bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế trực thu và thuế gián thu; tăng tỷ trọng thu nội địa; giảm tỷ trọng các khoản thu từ dầu thô, tài nguyên, xuất nhập khẩu; khai thác tốt nguồn thu từ cổ tức, lợi nhuận được chia cho phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Thực hiện cắt giảm thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do, hội nhập kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu thuế, giảm mạnh nợ đọng thuế và các khoản thu ngân sách nhà nước. Hạn chế tối đa việc đề ra các chính sách làm giảm thu ngân sách nhà nước.

2. Về chi ngân sách nhà nước: Giữ cơ cấu hợp lý giữa tích lũy và tiêu dùng, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, bảo đảm chi cho con người, an sinh xã hội và chi cho quốc phòng, an ninh. Phấn đấu bảo đảm 20% tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, đào tạo; 2% tổng chi ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ. Thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp ưu đãi đối với người có công tăng bình quân khoảng 7%/năm; căn cứ tình hình thực tế, mức điều chỉnh cụ thể sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm.

3. Về bội chi ngân sách nhà nước: Giảm mạnh tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước để bảo đảm mục tiêu cụ thể trên. Cơ cấu lại các khoản nợ công, giảm tỷ trọng nợ nước ngoài, tăng tỷ trọng nợ trong nước. Xây dựng thị trường trái phiếu, hạn chế phát hành trái phiếu quốc tế, giữ kỳ hạn trái phiếu Chính phủ trên 5 năm là chủ yếu, nâng kỳ hạn trung bình trái phiếu Chính phủ phát hành trong giai đoạn 2016-2020 lên khoảng 6-8 năm.

Điều 4. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện

1. Đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế tài chính và cơ chế tài chính quốc gia nhằm tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp, bảo đảm tính đồng bộ, công khai, minh bạch, ổn định và phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế. Thực hiện cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước bảo đảm theo mục tiêu, định hướng đã đề ra. Từng bước thực hiện quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ (kết quả đầu ra); thống kê ngân sách theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn tài chính quốc gia; kiên quyết giảm mạnh bội chi ngân sách nhà nước.

2. Thực hiện các giải pháp điều chỉnh chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thuế, điều chỉnh phạm vi, đối tượng; rà soát, thu hẹp diện miễn, giảm thuế; nghiên cứu bổ sung thuế tài sản phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Hạn chế tối đa việc lồng ghép các chính sách xã hội trong các luật về thuế. Rà soát các chính sách ưu đãi ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước.

3. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định về đổi mới quản lý ngân sách nhà nước theo Luật ngân sách nhà nước, sắp xếp các khoản chi, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tăng nguồn thu sự nghiệp; không ban hành các chính sách, chế độ, các chương trình, đề án khi không cân đối được nguồn; kiểm soát chặt chẽ việc ứng trước dự toán, chi chuyển nguồn, chi từ nguồn dự phòng ngân sách nhà nước. Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ.

4. Thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính trong thu, chi ngân sách nhà nước. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để chống thất thu, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế, chống thất thoát, lãng phí trong chi ngân sách nhà nước, đặc biệt là trong chi đầu tư xây dựng cơ bản. Tích cực đôn đốc, xử lý nợ đọng thuế và các khoản thu ngân sách nhà nước; giảm tối đa nợ đọng thuế. Xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý, thu, chi ngân sách nhà nước, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và đơn vị trong việc quản lý ngân sách nhà nước. Kiên quyết cắt giảm những khoản chi đã có trong dự toán nhưng không cần thiết, chậm triển khai; hạn chế chuyển nguồn đến ngày 31 tháng 12 hằng năm để kiểm soát chặt chẽ bội chi, trần nợ công hằng năm.

5. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các cơ chế, chính sách liên quan đến việc đổi mới cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là đẩy nhanh lộ trình thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ sự nghiệp công tiến tới tính đủ chi phí, góp phần nâng cao tính tự chủ của các đơn vị; có lộ trình thực hiện giá thị trường đối với giáo dục, đào tạo, y tế gắn với hỗ trợ đối tượng chính sách xã hội và hộ nghèo; tạo điều kiện để cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước, dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương, đồng thời đẩy mạnh việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy.

[...]