Nghị quyết 24/2019/NQ-HĐND về biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh Nghệ An
Số hiệu | 24/2019/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 12/12/2019 |
Ngày có hiệu lực | 22/12/2019 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Nghệ An |
Người ký | Nguyễn Xuân Sơn |
Lĩnh vực | Trách nhiệm hình sự,Văn hóa - Xã hội |
HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 24/2019/NQ-HĐND |
Nghệ An, ngày 12 tháng 12 năm 2019 |
VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ 12
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật phòng, chống mua bán người ngày 29 tháng 3 năm 2011;
Căn cứ Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống mua bán người;
Xét Tờ trình số 8733/TTr-UBND ngày 06 tháng 12 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra số 260/BC-HĐND ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Ban pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
Nghị quyết này quy định một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức; tăng cường công tác quản lý nhà nước của các cấp, các ngành và thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người.
2. Đối tượng áp dụng:
Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người; cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến các ngành nghề, lĩnh vực dễ bị lợi dụng hoạt động mua bán người như: môi giới, xuất khẩu lao động, du học có yếu tố nước ngoài; môi giới hôn nhân với người nước ngoài; nhận con nuôi; y tế; kinh doanh dịch vụ giải trí, du lịch; xuất nhập cảnh…
1. Nâng cao năng lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo
Chính quyền các cấp, các ngành chức năng phải tập trung chỉ đạo triển khai, thực hiện nghiêm túc, kịp thời, có hiệu quả Luật phòng, chống mua bán người và các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người tại đơn vị, địa phương. Hàng năm, xây dựng chương trình, kế hoạch chuyên đề để chỉ đạo, trong đó phải đề cao và gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp, các ngành chức năng trong công tác phòng, chống mua bán người.
2. Chính quyền các cấp, các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể đổi mới, đa dạng các hình thức hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm phòng, chống mua bán người cho cán bộ và nhân dân; tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng ứng xử trong trường hợp có nghi ngờ về việc mua bán người và trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong công tác phòng, chống mua bán người; xây dựng và nhân rộng mô hình điển hình về phòng, chống tội phạm mua bán người.
3. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự gắn với ưu tiên các chính sách phát triển kinh tế xã hội tại các địa bàn trọng điểm, loại bỏ các nguyên nhân, điều kiện nảy sinh tội phạm mua bán người:
a) Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, quản lý cư trú, quản lý người nước ngoài; quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; các trung tâm môi giới hôn nhân, giới thiệu việc làm, đưa người đi du học hoặc xuất khẩu lao động làm việc tại nước ngoài; cho, nhận con nuôi; dịch vụ văn hóa, du lịch… chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm việc lợi dụng các hoạt động này để thực hiện hành vi mua bán người.
b) Các ngành chức năng (Công an, Quân sự, Biên phòng, Hải quan, Ngoại vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội) kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu, khu vực biên giới, các hoạt động xuất cảnh ra nước ngoài; phối hợp với các cơ quan chức năng của nước có chung đường biên giới trong việc tuần tra, kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn, phòng ngừa các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, lợi dụng di cư tự do để thực hiện hành vi mua bán người.
c) Thực hiện chính sách thu hút, khuyến khích, ưu tiên triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội nhằm tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao đời sống của người lao động… nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để hạn chế nguy cơ phát sinh tội phạm mua bán người.
4. Tập trung đấu tranh quyết liệt góp phần kìm giữ, làm giảm tiến tới ngăn chặn hiệu quả tội phạm mua bán người.
a) Thường xuyên tổ chức và triển khai có hiệu quả các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người. Tiếp nhận, giải quyết dứt điểm 100% tố giác, tin báo tội phạm về mua bán người và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm mua bán người. Tập trung làm tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án mua bán người và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan bảo đảm nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật. Quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo, điều tra, xử lý tội phạm mua bán người phải quán triệt yêu cầu bảo vệ nạn nhân, thân nhân gia đình nạn nhân, người tố giác, người làm chứng…
b) Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người, nhất là công tác giải cứu, bảo hộ công dân Việt Nam người Nghệ An là nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài; hỗ trợ đưa nạn nhân về nước. Tuân thủ và thi hành nghiêm túc các điều ước quốc tế và cam kết quốc tế về phòng, chống mua bán người mà Việt Nam là thành viên.
5. Công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
Ủy ban nhân dân các cấp, các ngành chức năng phải thường xuyên làm tốt công tác giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán: nhất là hỗ trợ về nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; hỗ trợ y tế; hỗ trợ tâm lý; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ học văn hóa, học nghề; trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn… để nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng. Bảo đảm 100% nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn đều được tiếp cận, tư vấn, hỗ trợ theo đúng quy định. Khuyến khích thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân.
6. Công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, sơ, tổng kết; khen thưởng, kỷ luật trong phòng, chống mua bán người
a) Ủy ban nhân dân các cấp đưa nội dung công tác phòng, chống mua bán người vào phiên họp định kỳ 06 tháng, năm hoặc đột xuất để đánh giá kết quả thực hiện, đề ra giải pháp trong thời gian tiếp theo và báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp.