Kế hoạch 16/KH-BCĐ thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người năm 2020 do Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Kiên Giang ban hành

Số hiệu 16/KH-BCĐ
Ngày ban hành 04/02/2020
Ngày có hiệu lực 04/02/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kiên Giang
Người ký Phạm Vũ Hồng
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự,Văn hóa - Xã hội

UBND TỈNH KIÊN GIANG
BAN CHỈ ĐẠO PCTP, TNXH VÀ XDPT TOÀN DÂN BVANTQ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/KH-BCĐ

Kiên Giang, ngày 04 tháng 02 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI NĂM 2020

Thực hiện Kế hoạch số 06/KH-BCĐ ngày 08/01/2020 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người năm 2020 (Chương trình 130/CP); Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh (Ban Chỉ đạo tỉnh) xây dựng kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC TIÊU VÀ CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu:

- Phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường hợp tác quốc tế để ngăn chặn, kiềm chế hoạt động tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người; thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, đảm bảo quyền và lợi ích của nạn nhân.

- Tổ chức tổng kết thực hiện công tác phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020; đánh giá tính cấp thiết, những việc làm được, chưa làm được; triển khai thực hiện Chương trình 130/CP giai đoạn 2021-2025 theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 138/CP.

2. Các chỉ tiêu cụ thể:

- Có ít nhất 50% số xã trên địa bàn tỉnh có mô hình lồng ghép về phòng, chống mua bán người; ít nhất 30% số xã thuộc địa bàn trọng điểm (địa bàn có nhiều vụ việc xảy ra, có nhiều nạn nhân bị mua bán trở về hoặc có nhiều nguy cơ) có mô hình chuyên sâu về phòng ngừa mua bán người; 75% người dân tại các địa bàn trọng điểm, tập trung vào nhóm tuổi từ 14-60 tuổi, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em được tiếp cận các thông tin, có kiến thức pháp luật về phòng, chống mua bán người, kỹ năng xử lý các tình huống liên quan đến lĩnh vực này.

- 100% tuyến, địa bàn trọng điểm về mua bán người được các cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn; 100% thông tin liên quan đến tội phạm mua bán người chuyển đến cơ quan có thẩm quyền được phân loại, xử lý; trường hợp có dấu hiệu tội phạm được xác minh theo quy định pháp luật; 100% các vụ phạm tội về mua bán người phát hiện được khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử theo quy định của pháp luật.

- 100% các trường hợp đã tiếp nhận được tiến hành các thủ tục xác minh, xác định nạn nhân, được hưởng các chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật; 100% nạn nhân và người thân thích có nhu cầu được bảo vệ an toàn theo quy định của pháp luật; 100% các huyện, thành phố trọng điểm xây dựng được các mô hình hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán.

II. CÔNG TÁC TRỌNG TÂM

1. Công tác chỉ đạo, điều hành:

a) Nội dung hoạt động:

- Chỉ đạo tổng kết 5 năm (2016-2020) thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người, trọng tâm là 05 đề án tại các sở, ngành và địa phương, tiến tới tổng kết toàn tỉnh việc thực hiện Chương trình này. Đồng thời triển khai thực hiện Chương trình 130/CP giai đoạn 2021-2025 theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 138/CP.

- Chỉ đạo triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người năm 2020; duy trì giao ban và báo cáo kết quả quý, 6 tháng, năm về thực hiện Chương trình 130/CP.

- Thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình 130/CP tại các địa phương trọng điểm. Khai thác, sử dụng hiệu quả phần mềm “Quản lý công tác phòng, chống mua bán người” trên địa bàn tỉnh.

- Triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7” theo Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 10/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ và “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người - 30/7”, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các đoàn thể, tổ chức xã hội chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia đấu tranh chống tội phạm mua bán người; kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống mua bán người.

- Tham gia các lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề chuyên sâu nhằm phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn những lĩnh vực tội phạm mua bán người lợi dụng hoạt động. Chuẩn bị các báo cáo phục vụ yêu cầu trả lời cử tri về công tác phòng, chống tội phạm mua bán người.

b) Phân công trách nhiệm thực hiện:

- Công an tỉnh là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh, tham mưu giúp Ban Chỉ đạo tỉnh chủ trì thực hiện các hoạt động trên.

- Các cơ quan (đảng, chính quyền, đoàn thể) là thành viên của Ban Chỉ đạo tỉnh và UBND các huyện, thành phố phối hợp thực hiện.

2. Công tác truyền thông, phòng ngừa:

a) Nội dung hoạt động:

(1) Tăng thời lượng phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, chuyên mục, tin trên Đài Truyền thanh cấp huyện, Báo Kiên Giang, trang website, cổng thông tin điện tử, mạng điện thoại di động về phương thức, thủ đoạn hoạt động tội phạm; chính sách, pháp luật, các gương điển hình tiên tiến, mô hình hiệu quả, kinh nghiệm hay trong phòng, chống mua bán người, trong đó, tập trung tuyên truyền hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7” năm 2020.

(2) Tăng cường quản lý văn hóa, du lịch, phát huy hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở phòng, chống tội phạm mua bán người và xâm hại tình dục trẻ em gắn với xây dựng phong trào ở ấp, tổ dân phố, khu phố văn hóa.

(3) Triển khai quyết liệt Chiến lược truyền thông thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức phòng, chống mua bán người tại cộng đồng, trong đó chú trọng:

- Xây dựng, tập huấn xuống cơ sở tài liệu truyền thông chung về phòng, chống mua bán người.

[...]