Nghị quyết 23/2007/NQ-HĐND7 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 do tỉnh Bình Dương ban hành

Số hiệu 23/2007/NQ-HĐND7
Ngày ban hành 12/12/2007
Ngày có hiệu lực 22/12/2007
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Vũ Minh Sang
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/2007/NQ-HĐND7

Thủ Dầu Một, ngày 12 tháng 12 năm 2007

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2008

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
KHÓA VII - KỲ HỌP THỨ 9

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Sau khi xem xét Báo cáo số 95/BC-UBND ngày 23 tháng 11 năm 2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh; báo cáo của các cơ quan hữu quan; báo cáo của các Ban của Hội đồng nhân dân và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành nội dung báo cáo tình hình kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2007; mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2008 được nêu trong báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, báo cáo của các cơ quan hữu quan và báo cáo của các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh một số vấn đề chủ yếu như sau:

1. Về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2007

Năm 2007, cùng với những thuận lợi cơ bản, tỉnh Bình Dương cũng gặp không ít khó khăn, bất lợi do ảnh hưởng của việc thay đổi lãi suất ngân hàng, sự cạnh tranh gay gắt khi năm đầu gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), giá cả nguyên, nhiên vật liệu tăng cao,… Tuy nhiên, kinh tế – xã hội của tỉnh vẫn tiếp tục phát triển; hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp; hai chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu tuy không đạt kế hoạch, nhưng giá trị tăng thêm ở các ngành này đạt cao, đã góp phần ổn định tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương. Lĩnh vực văn hóa – xã hội đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình về giáo dục – đào tạo, y tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo,... đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Bình Dương tiếp tục dẫn đầu các tỉnh, thành phố trong cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, Hội đồng nhân dân tỉnh nhất trí về những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2007 như báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh đã nêu.

2. Về nhiệm vụ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2008.

a) Mục tiêu tổng quát

Đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu và duy trì tốc độ phát triển kinh tế cao, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất, tăng khả năng cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế. Tăng trưởng kinh tế gắn với đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; chăm sóc sức khỏe nhân dân, giải quyết tốt các vấn đề bức xúc, an sinh xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước; thực hiện nghiêm công tác phòng chống tham nhũng, quan liêu, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,…. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong năm 2008.

b) Chỉ tiêu chủ yếu

- Về kinh tế:

+ Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng 15,4%.

Cơ cấu kinh tế của tỉnh trong GDP: Công nghiệp chiếm 65,1%; dịch vụ chiếm 29,7% và nông nghiệp chiếm 5,2%.

+ Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 29-30% so với năm 2007.

+ Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp tăng 5,5% so với năm 2007.

+ Giá trị dịch vụ tăng 22-23% so với năm 2007.

+ Kim ngạch xuất khẩu tăng 30% so với năm 2007.

+ Thu hút đầu tư nước ngoài đạt từ 1 tỷ đô la Mỹ trở lên.

+ Thu ngân sách Nhà nước từ kinh tế xã hội 8.930 tỷ 670 triệu đồng, tăng 17% so với năm 2007.

+ Tổng chi ngân sách 3.389 tỷ 685 triệu đồng, tăng 11% so với năm 2007; trong đó, chi đầu tư phát triển: 1.540 tỷ 660 triệu đồng, tăng 34% so với năm 2007.

- Về xã hội

+ Duy trì mức sinh thay thế.

[...]