Nghị quyết 23/2006/NQ-HĐND về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2007 do tỉnh An Giang ban hành

Số hiệu 23/2006/NQ-HĐND
Ngày ban hành 08/12/2006
Ngày có hiệu lực 18/12/2006
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Võ Thanh Khiết
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/2006/NQ-HĐND

Long Xuyên, ngày 08 tháng 12 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2007

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
KHÓA VII KỲ HỌP THỨ 8

(Từ ngày 06 đến ngày 08/12/2006)

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Sau khi xem xét báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2006 và kế hoạch năm 2007; Báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1: Tán thành báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2006, kế hoạch năm 2007 và nhất trí khẳng định:

1. Năm 2006, tình hình thực tế có nhiều khó khăn như: dịch bệnh trên lúa, trên gia súc kéo dài; bệnh sốt xuất huyết tăng đột biến so nhiều năm trước; giá cả nhiều mặt hàng tăng cao; một số mặt hàng sản xuất, xuất khẩu gặp khó về thị trường tiêu thụ... đã tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân và vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân, của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cùng với sự tích cực của các tổ chức thành viên, các cấp, các ngành và đặc biệt là sự nỗ lực vượt bậc của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và doanh nghiệp trong tỉnh đã đoàn kết phấn đấu, khai thác tốt các nguồn lực, thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về kinh tế - xã hội năm 2006. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng ở mức khá; văn hóa - xã hội và cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; quan hệ hợp tác hữu nghị với các tỉnh biên giới Campuchia được giữ vững.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, còn phụ thuộc nhiều ở khu vực nông nghiệp, khu vực công nghiệp - xây dựng phát triển chậm, chưa tạo được sự đột phá; xuất khẩu lao động đạt thấp, số lao động về nước trước thời hạn tăng cao; tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm còn chậm; công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn nhiều vướng mắc, kéo dài thời gian, công trình chậm đưa vào khai thác, sử dụng, gây nhiều lãng phí. Văn hóa - xã hội phát triển chưa tương xứng với phát triển kinh tế, chất lượng nguồn nhân lực còn yếu kém chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển và hội nhập, công tác xã hội hóa trong phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao chậm chuyển biến, công tác cải cách hành chính tuy có chuyển biến nhưng chưa đạt so với yêu cầu.

2. Nhiệm vụ năm 2007:

a) Các chỉ tiêu chủ yếu:

- Tốc độ tăng trưởng (GDP) đạt 13,20%, trong đó khu vực nông nghiệp tăng 7,65%, khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 15,50%, khu vực dịch vụ tăng 15,82%;

- Cơ cấu kinh tế: khu vực nông nghiệp 31,64%, khu vực công nghiệp - xây dựng 12,73%, và khu vực dịch vụ 55,63%;

- GDP bình quân đầu người đạt 11,374 triệu đồng (tương đương 710 USD);

- Kim ngạch xuất khẩu đạt 420 - 450 triệu USD;

- Thu ngân sách: 2.109 tỷ đồng; vốn đầu tư xã hội chiếm 43,27% GDP;

- Tỷ lệ tăng dân số: 1,275 %; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn: 10,5 % (theo chuẩn mới);

- Số học sinh đi học các trường phổ thông đạt 16,7% dân số;

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo: 23,1 %; tạo việc làm mới cho 31 ngàn lao động, trong đó xuất khẩu lao động 2,5 ngàn người;

- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 22,5 %; tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch 60 % (trong đó thành thị: 83,0 %, nông thôn 50,38 %).

b) Một số giải pháp chủ yếu:

- Tập trung rà soát, xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch lĩnh vực, quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của từng địa phương; chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; huy động tốt và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật, các quy định theo thông lệ quốc tế để người dân, doanh nghiệp hiểu biết sâu và chủ động trong thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.

Tập trung xây dựng, rà soát hoàn chỉnh các quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội địa phương, quy hoạch ngành, lĩnh vực phù hợp với tình hình mới, đảm bảo yếu tố lâu dài, mang tầm nhìn chiến lược; khắc phục tình trạng phát triển không có quy hoạch, sai quy hoạch hoặc quy hoạch không khả thi. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện, quy hoạch, kế hoạch, chính sách để kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc.

Tiếp tục cải tiến các thủ tục liên quan đến thu hút đầu tư; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến mời gọi đầu tư; tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, mở rộng qui mô sản xuất, kinh doanh để tăng thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại nhà, đất công để có kế hoạch bố trí, sử dụng hợp lý, hiệu quả; tập trung tạo quỹ đất các dự án của kế hoạch năm 2006 còn tồn đọng. Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ ưu đãi của Trung ương để tạo quỹ đất cho đầu tư phát triển.

Triển khai nhanh các công trình, dự án đầu tư đã có kế hoạch, đủ thủ tục, đã được bố trí vốn. Hoàn chỉnh hạ tầng các khu công nghiệp Bình Long, Bình Hòa, các khu, cụm tiểu thủ công nghiệp địa phương, các khu kinh tế cửa khẩu; đẩy mạnh xúc tiến mời gọi doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng. Triển khai công tác thiết kế quy hoạch để từng bước hình thành khu công nghiệp Vàm Cống. Tập trung đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa cả khu vực thành thị lẫn nông thôn, tạo động lực chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu lao động.

Có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị phù hợp với yêu cầu thị trường; thực hiện có hiệu quả chương trình khuyến công kết hợp với công tác tập huấn, đào tạo, nâng cao kỹ năng quản lý của doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp trong tình hình mới.

[...]