HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 226/2021/NQ-HĐND
|
Lâm Đồng, ngày 26 tháng 3 năm 2021
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỒ ÁN QUY HOẠCH
CHUNG THÀNH PHỐ BẢO LỘC VÀ VÙNG PHỤ CẬN ĐẾN NĂM 2040
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ 18
Căn cứ Luật Tổ chức
chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22
tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Quy hoạch
đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật Xây dựng
ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm
2018; Luật số 62/2020/QH14 ngày 17 tháng 6 năm 2020 về sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13;
Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày
07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy
hoạch đô thị;
Căn cứ Nghị định số
44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 05 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số
nội dung về quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Nghị định số
72/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều
của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 về lập, thẩm định, phê
duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5
năm 2015 quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;
Xét Tờ trình số
1493/TTr-UBND ngày 12 tháng 3 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị
thông qua đồ án quy hoạch chung thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2040;
Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của
đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều
1. Thông qua đồ
án quy hoạch chung thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2040.
(Đính kèm nội dung
chính của đồ án quy hoạch).
Điều
2. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy
ban nhân dân tỉnh trình Bộ Xây dựng xem xét, có ý kiến thống nhất trước khi phê duyệt theo thẩm
quyền; tổ chức triển khai thực hiện
quy hoạch sau khi đồ án được phê duyệt.
2. Thường trực
Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội
đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện
Nghị quyết này.
Nghị
quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng khóa IX, kỳ họp thứ 18 thông
qua ngày 26 tháng 3 năm 2021 và có hiệu lực từ ngày
05 tháng 4 năm 2021./.
NỘI DUNG CHÍNH CỦA ĐỒ ÁN QUY HOẠCH CHUNG THÀNH PHỐ BẢO
LỘC VÀ VÙNG PHỤ CẬN ĐẾN NĂM 2040
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số: 226 /2021/NQ-HĐND ngày 26 /3/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng)
1. Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch: Tổng diện tích tự nhiên 597,71 km2 (59.771 ha),
gồm toàn bộ ranh giới hành chính của thành phố Bảo Lộc (06 phường, 05 xã) và
vùng phụ cận thuộc huyện Bảo Lâm (gồm 05 xã Lộc An, Lộc Tân, Lộc Thành, Lộc
Nam, Tân Lạc). Ranh giới lập quy hoạch
chung như sau:
- Phía
Đông: giáp huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng.
- Phía
Tây: giáp huyện Đạ Tẻh và huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng.
- Phía
Nam: giáp huyện Tánh Linh và huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.
- Phía Bắc:
giáp các xã còn lại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.
2. Mục tiêu phát triển:
a) Quy hoạch và phát triển
thành phố Bảo Lộc trở thành đô thị loại II vào năm 2025 và tiếp tục xây dựng thành phố tiệm cận tiêu
chí đô thị loại I vào năm 2040, theo xu hướng
quy mô tương đương tỉnh lỵ.
b) Xây dựng thành phố Bảo Lộc
trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030.
c) Là đầu mối giao thông về đường
bộ của vùng, trở thành một điểm đến hấp dẫn phía Nam của tỉnh. Phát triển các
trung tâm chuyên ngành cấp vùng và quốc gia bao gồm: thương
mại - dịch vụ - du lịch, trung tâm văn hóa - thể dục thể thao
cấp quốc gia, trung tâm nông nghiệp ứng
dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nông
nghiệp hữu cơ.
d) Phát triển bền vững, có bản
sắc, nâng cao khả năng cạnh tranh, đáp ứng linh hoạt
các nhu cầu phát triển trong nền kinh tế thị trường và bối cảnh hội nhập quốc tế.
đ) Phát triển không gian thành
phố Bảo Lộc đảm bảo đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng
xã hội theo chiến lược tăng trưởng xanh, trở thành một đô thị hiện đại, sinh
thái gắn với các làng đô thị xanh và đặc thù cảnh quan
của xứ B’Lao.
e) Vùng phụ cận thành phố Bảo
Lộc sẽ phát triển theo hướng hỗ trợ và tương tác lẫn nhau với các chức năng đô
thị của thành phố Bảo Lộc theo tiềm năng, lợi thế
riêng của từng địa phương theo hướng tích cực, bền vững và thông minh.
3. Tính chất
đô thị:
a) Là đô thị hạt nhân phía Nam tỉnh Lâm Đồng; đô
thị tổng hợp hiện đại, thành phố thông minh; quy mô phát triển tương đương tỉnh
lỵ trong tương lai.
b) Là đô thị tăng trưởng xanh và bền vững, mang
đặc trưng phù hợp với yêu cầu phát triển trong tình hình mới và yêu cầu về thu
hút đầu tư; kiến tạo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
c) Là trung tâm dịch vụ - thương mại hỗn hợp;
Trung tâm văn hóa thể thao cấp quốc gia; trung tâm nông nghiệp chuyên canh theo
hướng công nghệ cao, nghiên cứu đổi mới sáng tạo sản phẩm; trung tâm dịch vụ du
lịch cấp vùng và quốc gia; trung tâm y tế và giáo dục - đào tạo cấp vùng; trung
tâm nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khoẻ cấp vùng và quốc gia; trung tâm kiểm định
hàng hóa và xuất nhập khẩu cấp vùng; trung tâm công nghiệp phụ trợ, chế biến sản
phẩm nông nghiệp của vùng; sản xuất vật liệu mới, chế biến dược liệu, công nghiệp
chế biến sâu sản phẩm từ khai khoáng.
d) Trung tâm kết nối giao thương của vùng tỉnh với
vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nguyên và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.
đ) Có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng của
tỉnh và vùng Tây Nguyên.
4. Quy mô quy hoạch:
a) Quy mô
dân số:
- Đến
năm 2030: Dân số đô thị khoảng 257.900 người; trong đó: nội thành 135.700
người, ngoại thành và vùng phụ cận 122.200 người.
- Đến
năm 2040: Dân số đô thị khoảng 320.000 người, trong đó: nội thành 168.000
người, ngoại thành và vùng phụ cận 152.000 người.
b) Quy mô diện
tích:
- Năm 2030: Đất xây dựng
đô thị khoảng 3.800 ha; trong đó, đất dân dụng khoảng 2.000 ha.
- Năm 2040: Đất xây dựng
đô thị khoảng 4.800 ha; trong đó, đất dân dụng khoảng 2.500 ha.
- Chỉ tiêu đất dân dụng
khoảng 80 - 100 m2/người; gồm: đất ở, từ 45 m2/người - 70
m2/người; đất cây xanh, từ 8 - 15 m2/người; đất công
trình công cộng, từ 6 - 10 m2/người; đất giao thông, từ 14 - 18 m2/người.
5. Định hướng
phát triển không gian:
a) Mô hình phát triển đô thị: cấu trúc đô thị
thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận phát triển theo mô hình đô thị trung tâm và
các cụm động lực được kết nối bởi tuyến vành đai xanh.
b) Định hướng phát triển đô thị: đô thị sinh
thái, thông minh, đa chức năng, trong đó:
- Thành phố Bảo Lộc: là đô thị trung tâm phát
triển các chức năng của đô thị tỉnh lỵ.
- Vùng phụ cận: phát triển theo định hướng nông
nghiệp đô thị sinh thái; nông nghiệp công nghệ cao; du lịch nông nghiệp; nông
nghiệp nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái kết hợp với bảo tồn không gian tự nhiên, bảo
tồn sự đa dạng sinh học. Hình thành các cụm đô thị động lực hỗ trợ cho sự phát
triển của đô thị trung tâm thành phố Bảo Lộc.
c) Các khu chức năng đô thị:
- Đô thị trung tâm thành phố Bảo Lộc, gồm các
phân khu:
+ Phân khu hiện trạng chỉnh trang: các khu vực
dân cư hiện hữu được cải tạo, chỉnh trang theo hướng xác định giá trị cốt lõi,
bảo tồn và phát huy bản sắc kiến trúc, lịch sử và văn hóa.
+ Phân khu công viên hồ Nam Phương: là công viên
trung tâm đô thị cấp vùng; được phát triển thành trung tâm sinh thái độc đáo, kết
nối không gian thiên nhiên, cây xanh, mặt nước với trung tâm đô thị; là không
gian công cộng đa chức năng với cảnh quan sinh thái phục vụ
hoạt động vui chơi, giải trí của nhân dân.
+ Phân khu trung tâm hành chính mới phía Bắc: là trung tâm hành
chính cấp vùng, thương mại dịch vụ; hệ thống hạ tầng đồng bộ,
đảm bảo kết nối giao thông thuận tiện giữa các khu vực.
+ Phân khu đô thị mới phía Đông: phát triển đô
thị theo từng cụm.
+ Phân khu công nghiệp phía Nam: giữ nguyên khu
công nghiệp Lộc Sơn và phát triển các ngành công nghiệp hạn chế ô nhiễm môi trường;
tập trung phát triển công nghiệp chế biến và công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ nông
nghiệp, may mặc,...
+ Phân khu phát triển giáo dục đào tạo chất lượng
cao phía Tây: phát triển các cơ sở đào tạo nhân lực cho tỉnh Lâm Đồng và vùng
Tây Nguyên, phát triển các trung tâm nghiên cứu, đào tạo,…
+ Phân khu phát triển cụm y tế, công viên đô thị,
trung tâm văn hóa - thể dục thể thao cấp quốc gia tạo nên không gian mở kết hợp
với khu vực cây xanh và không gian mặt nước tạo cảnh quan sinh thái cho đô thị.
+ Phân khu dự trữ phát triển đô thị phía Tây Bắc:
phát triển khu vực này theo mô hình đô thị nhà vườn.
- Khu vực tuyến đường vành đai xanh: là vùng
không gian đệm, quy hoạch các cực phát triển đô thị với chức
năng đặc thù, là cửa ngõ gắn kết thành phố với
vùng phụ cận; khoảng xanh bảo vệ có bề rộng
50m mỗi bên sẽ là không gian tổ chức các hoạt động cộng đồng; đồng thời quản lý trật tự xây dựng nghiêm ngặt, hạn chế phát triển dân cư ảnh hưởng đến cảnh
quan đường vành đai xanh; không được
xây dựng mới, từng bước di dời công trình đã
xây dựng.
- Khu vực vùng phụ cận
ngoài tuyến đường vành đai:
+ Núi Đại Bình, Núi Sa
Pung, sông Đại Bình, sông Đại Nga là khu vực khai thác du lịch, dịch vụ, nghỉ
dưỡng, vui chơi giải trí và chăm sóc sức khỏe với mật độ thích hợp. Ngoài ra, tại
khu vực đất quy hoạch ngoài 3 loại rừng, có thể thu hút đầu tư phát triển một số
vị trí để xây dựng đô thị sinh thái mật độ trung bình và thấp.
+ Phát triển các khu vực tạo động lực, hỗ trợ
khu vực đô thị trung tâm, gồm: khu vực trung tâm liên xã Lộc An, cụm du lịch xã ĐamB’ri, xã Đại Lào,…
+ Phát triển khu vực du
lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp
chất lượng cao, du lịch khám phá các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc, du lịch
làng nghề kết hợp quảng bá về ngành nghề trà, tơ lụa gắn kết việc đa dạng hóa
các sản phẩm du lịch; nâng cấp các khu du lịch hiện hữu.
+ Khu vực các xã lân cận: phát triển theo mô
hình các làng ven đô, làng đô thị xanh kết hợp hài hòa giữa các khu vực phát
triển dân cư tập trung với các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp; trong đó, đặc biệt
chú trọng việc bảo tồn các không gian nông, lâm nghiệp để hình thành các vùng
cây xanh vùng ven.
+ Định hướng phát triển không gian khu vực ngoại
ô, các điểm dân cư nông thôn được quản lý theo mô hình nông thôn mới, có hệ thống
hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, các làng đô thị xanh, đảm bảo sự phát
triển hài hoà giữa nông thôn và đô thị, tiếp cận tiện ích đô thị và thích ứng với
biến đổi khí hậu.
d) Các vùng kiến trúc, cảnh quan, các trục không
gian trục chính điểm nhấn đô thị:
- Tổ chức kiến trúc, cảnh quan dựa trên sự phát
triển đô thị đảm bảo hài hòa, đan xen với tự nhiên và không gian nông nghiệp; bảo
tồn các không gian tự nhiên, bằng cách tạo ra các vành đai xanh, vùng đệm bảo vệ.
- Khu vực phụ cận ngoài vành đai xanh: là vùng đệm
sản xuất nông nghiệp và không gian tự nhiên, có chức năng bảo vệ môi trường cho
khu vực đô thị trung tâm; bảo tồn và phát triển diện tích mặt nước của sông Đại
Nga, suối Đại Bình và ĐamB’ri và hệ thực vật ven mặt nước để hình thành không
gian sinh thái đặc trưng cho đô thị.
- Vành đai xanh là không gian cảnh quan gắn kết
thành phố trung tâm với vùng phụ cận đảm bảo tính liên tục và kết nối chặt chẽ
của không gian sinh thái giữa thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận, tạo một mạng
lưới chức năng các khu đa dạng sinh thái.
- Trục chính của đô thị trung tâm (trục Đông -
Tây): phát triển thương mại dịch vụ gắn với kiến trúc thấp tầng đa dạng của các
khu dân cư hiện trạng. Trục Bắc - Nam phát triển thương mại dịch vụ gắn với
phân khu hành chính theo định hướng kiến trúc hiện đại và cao tầng đáp ứng tính
chất đô thị vùng của thành phố Bảo Lộc.
- Các điểm nhấn đô thị bố trí tại khu vực trung
tâm có hình thức kiến trúc hiện đại, độc đáo với chiều cao phù hợp, đảm bảo bán
kính phục vụ cho người dân cũng như tính chất đô thị tỉnh lỵ đa chức năng.
6. Định hướng
phát triển hạ tầng kỹ thuật:
a) Về giao thông:
- Giao thông đối ngoại: đảm
bảo giao thông xuyên suốt và kết nối thuận lợi từ khu vực quy hoạch với các tuyến
đường giao thông ngoài khu vực quy hoạch như: cao tốc Dầu Giây - Liên Khương,
Quốc lộ 20, Quốc lộ 55, các tuyến ngoại thị kết nối thành phố Bảo Lộc đi các
vùng phụ cận.
- Giao thông đô thị:
+ Đường vành đai xanh:
Vành đai xanh có lộ giới từ 30 m đến 49 m và hai hành lang xanh mỗi bên có chiều
rộng 50 m.
+ Đường trục chính đô thị: đường giao thông Trục
Đông - Tây có lộ giới 27-50m; 02 đường giao thông trục chính đô thị Bắc – Nam,
gồm tuyến đường: Đinh Tiên Hoàng - Hai Mươi Tám Tháng Ba - Trần Quốc Toản; Lý
Thường Kiệt - Phạm Ngọc Thạch - Chi Lăng, có lộ giới từ 27-40m.
+ Đường chính đô thị, đường liên khu vực đảm bảo
đúng chức năng, phù hợp với định hướng phát triển không gian đô thị.
+ Bến xe, bãi đỗ xe: mở rộng bến xe Đức Long Bảo
Lộc lên 4ha, bố trí các bãi đỗ xe gần các trục đường chính đô thị với quy mô
0,5 - 2ha.
+ Giao thông cộng cộng: phát triển hệ thống xe
buýt, xe điện và các phương tiện giao thông công cộng thân thiện với môi
trường để đảm bảo giao thông được kết nối thuận tiện giữa các khu chức
năng.
b) Quy
hoạch cao độ nền:
- Chỉ san lấp cục bộ cho từng khu vực nhỏ, tận dụng
tối đa địa hình tự nhiên tránh đào đắp lớn.
- Các khu vực dốc trên 40%, không xây dựng công
trình mà quy hoạch cây xanh, công viên.
c) Thoát nước mặt:
- Cải tạo, nạo vét các tuyến thoát nước hiện có
(mương, cống, suối,…) trong khu vực trung tâm thành phố.
- Xây dựng mới hệ thống thoát nước mưa độc lập với
hệ thống thoát nước thải sinh hoạt.
d) Về cấp điện:
- Nguồn cung cấp điện từ trạm
biến áp 110/22KV (40MVA) trong trạm nối cấp trạm 220/110/22KV Bảo Lộc. Lắp đặt thêm 1 máy biến áp 110/22KV (40MVA) nâng công suất cấp điện
lên 80MVA, đồng thời xây dựng thêm trạm biến áp 110/22kV Bảo Lộc 2 (2x63MVA)
phía Tây thành phố.
- Tổng nhu cầu sử dụng điện của
đô thị đến năm 2030 khoảng 110MVA và đến năm 2040 khoảng 190MVA.
đ) Về thông tin liên lạc: đảm bảo các chỉ tiêu về thông tin liên lạc thông suốt, hiện đại trong
khu vực quy hoạch phù hợp với quy định hiện hành và lộ trình phát triển đô thị.
e) Về cấp nước:
- Tổng nhu cầu sử dụng nước khu
vực quy hoạch đến năm 2030 khoảng
64.000 m3/ngày đêm và đến năm 2040 khoảng
110.000 m3/ngày đêm.
- Nguồn nước cung cấp:
từ hồ Lộc Thắng với dung tích khoảng
7,5 triệu m3, xây dựng đường
ven hồ có hệ thống cống thu gom nước thải tạo thành hành lang bảo vệ an toàn nguồn
nước; xây dựng nhà máy cấp nước
lấy nước thô từ hồ Lộc Thắng, với công suất thiết kế 110.000
m3/ngày đêm. Trong thời gian tới có
lộ trình phù hợp để giảm dần và dừng khai thác nước ngầm trên
địa bàn thành phố Bảo Lộc và nước mặt tại hồ Nam Phương.
g) Về thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang:
- Nước thải sinh hoạt: đến năm
2030 khoảng 28.000 m3/ngày
đêm và đến năm 2040 khoảng 44.000
m3/ngày đêm; xây dựng hệ thống thu gom, xử lý
nước thải tập trung để xử lý nước thải sinh hoạt đảm bảo phù hợp với quy định
trước khi đấu nối vào hệ thống thoát nước chung của khu vực.
- Chất thải rắn: đến năm 2040 khoảng
320 tấn/ngày đêm; rác thải sinh hoạt
được phân loại, thu gom đến các
điểm tập kết và trạm trung chuyển, sau đó được vận
chuyển bằng xe ép rác đến khu xử lý chất thải tập trung và khu xử lý chất
thải dự phòng tại xã Đại Lào.
- Nghĩa
trang: nghĩa trang tập trung tại khu vực
xã Đại Lào (quy mô khoảng 55 ha) và xã Lộc Thanh (quy mô khoảng 30 ha); đồng thời
từng bước đóng cửa các nghĩa trang
hiện có trong khu vực nội thị để quy hoạch thành các khu cây xanh tập trung.
7. Định hướng thiết kế đô thị:
a) Định hướng
thiết kế đô thị tổng thể:
- Xây dựng
thành phố Bảo Lộc là đô thị sinh thái, xanh trên cơ sở cảnh quan thiên nhiên chủ
đạo là khu vực núi Đại Bình, thác ĐamB’ri kết hợp với
hệ thống cây xanh, mặt nước (hồ, sông, suối).
- Định
hướng kiến trúc cảnh quan đô thị hiện đại gắn với bảo tồn kiến trúc có bản sắc
của địa phương.
b) Tổ chức
không gian các khu trung tâm, cửa ngõ đô thị, các trục không gian chính, quảng
trường lớn, điểm nhấn đô thị:
- Khu
trung tâm hiện hữu: xây dựng các công trình kiến trúc với mật độ cao kết hợp với
chỉnh trang đảm bảo vừa hiện đại, vừa gắn với văn hóa bản địa; tổ chức các công
trình điểm nhấn xung quanh quảng trường và không gian mở, nghiên cứu mở rộng không
gian đi bộ và không gian sinh hoạt cộng đồng.
- Khu vực trung tâm hành chính mới: xây dựng mật độ cao kết hợp
không gian cây xanh, mặt nước và hệ thống trung tâm thương mại, hỗn hợp,… với kiến trúc thân thiện với môi trường, cảnh quan
đảm bảo đồng bộ, hài hòa, gắn kết với cảnh quan và không gian tổng thể của
thành phố Bảo Lộc.
- Khu đô thị mới phía
Đông: xây dựng mật độ trung bình và thấp, diện tích không gian xanh lớn, hài
hòa với cảnh quan thiên nhiên và các di tích lịch sử - văn hóa hiện hữu. Hình thành
các công viên vui chơi giải trí, hệ thống hồ nước, các khoảng đệm và hành lang
cây xanh, đảm bảo việc tiêu thoát nước và tạo không gian sinh thái cho khu đô
thị mới.
- Xây dựng hệ thống
công viên trung tâm, trung tâm văn hóa - thể dục thể thao cấp quốc gia kết nối
từ Bắc xuống Nam tại khu vực đô thị kết hợp hài hòa với không gian cây xanh, mặt
nước tạo nên không gian mở cho đô thị.
- Khu vực phía Tây:
xây dựng mật độ cao, phát triển mô hình theo cụm để hình thành cụm giáo dục đào
tạo chất lượng cao, các trung tâm nghiên cứu, đào tạo, trung tâm tài chính ngân
hàng, khách sạn, thương mại dịch vụ,…
- Các cực phát triển
đô thị trên tuyến vành đai xanh (cực phát triển phía Bắc; cụm du lịch phía Nam
gắn kết với núi Đại Bình; khu công nghiệp Lộc Sơn và các cụm công nghiệp khác
hình thành trong thời gian tới): xây dựng mật độ trung bình, hình thành trục
không gian thương mại - dịch vụ với các công trình cao tầng và tầng cao phù hợp
với không gian, cảnh quan để tạo hình ảnh đặc trưng cho các cửa ngõ đô thị.
- Các khu vực
trung tâm liên xã, các xã lân cận (cụm động
lực): xây dựng mật độ trung bình và thấp.
- Định hướng phát triển
không gian khu vực ngoại ô, các điểm dân cư nông thôn đáp ứng tiêu chí theo mô
hình nông thôn mới.
- Cải tạo, chỉnh trang
cho trục trung tâm hành chính (trục kết nối từ trung tâm hành chính cũ qua hồ
Nam Phương sang khu trung tâm mới).
- Xây dựng quảng trường,
không gian mở và các công trình điểm nhấn có hình thức kiến trúc hiện đại, độc
đáo với chiều cao và khoảng lùi phù hợp tại các vị trí trung tâm.
c) Tổ chức
không gian cây xanh mặt nước:
- Hình
thành các không gian cây xanh đa dạng của đô thị như: công viên trung tâm, vành
đai xanh bao quanh; hành lang xanh cách ly của các khu, cụm công nghiệp; các công
viên đô thị và công viên tự nhiên cấp vùng; kết hợp với bảo tồn và phát triển
không gian mặt nước, hệ thống sông suối, đảm bảo tạo cảnh quan sinh thái và hỗ
trợ tốt cho thoát nước đô thị; tuyến đường vành đai xanh chạy vòng quanh có hành lang 130 m (dải cây xanh bảo vệ mỗi bên 50m).
- Núi Đại Bình, sông Đại Nga
là không gian có cảnh quan tự nhiên đặc trưng phải được bảo tồn và nghiên cứu phát
triển du lịch ở khu vực này.
8. Đánh giá môi trường chiến lược:
a) Tác động của đồ án quy hoạch:
- Tích cực: kinh tế - xã hội của
thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận phát
triển, thu nhập và điều kiện sống của
người dân tốt hơn, cơ cấu lao động
chuyển dịch theo hướng tích cực. Hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được đầu tư, hoàn thiện và
đồng bộ, cảnh quan đô thị được chỉnh trang làm tiền đề cho phát triển đô thị với tốc độ cao.
- Tiêu cực: việc gia
tăng dân số, tốc độ đô thị hoá, công nghiệp hoá và phát triển kinh tế - xã hội,...
sẽ gây áp lực đối với việc khai thác, sử dụng tài nguyên đất, gây ô nhiễm môi
trường, không khí,...Trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng theo quy hoạch
được phê duyệt, sẽ có một bộ phận dân cư phải di dời, bồi thường giải phóng mặt
bằng; quá trình thi công sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định đến đời sống và
tâm lý người dân.
b) Biện pháp giảm thiểu
ô nhiễm và bảo vệ môi trường:
- Sử dụng đất hợp lý,
khoa học, hiệu quả theo đồ án quy hoạch; phân vùng bảo vệ môi trường để bảo tồn
cảnh quan, môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học trong quá trình phát triển
đô thị; áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường, hạn chế
sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học gây ô nhiễm môi trường đất tại khu vực
sản xuất nông nghiệp
- Xây dựng hệ thống
thoát nước mưa, thoát nước thải, thu gom chất thải rắn theo quy hoạch đảm bảo
hiệu quả khai thác và sử dụng. San nền theo nguyên tắc tôn trọng địa hình tự
nhiên. Hạn chế bê tông hóa bề mặt đô thị và khai thác trái phép nguồn nước
ngầm.
- Trồng
cây xanh tại các khu đất trống quanh các khu vực đỗ xe, khu vực có mật độ giao thông cao, đảm bảo khoảng cây xanh cách ly xung quanh khu công nghiệp, cụm công
nghiệp,… Tỷ lệ đất trồng cây xanh trong khu, cụm công nghiệp tối thiểu 15%.
Từng bước di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp
trong các khu dân cư để đưa về các khu, cụm công nghiệp tập trung; di dời các
khu chăn nuôi tập trung ra khỏi khu vực đô thị.
- Nước
thải sinh hoạt tại các khu dân cư được thu gom và xử lý tập
trung đạt chuẩn theo quy định. Trong thời gian
chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung thì xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt quy mô nhỏ cho hệ
thống nhà hàng khách sạn để xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi xả thải ra môi
trường. Hạn chế việc khai thác trái phép nguồn nước ngầm, ưu tiên sử dụng nguồn
nước mặt.
- Thực hiện nghiêm
quy định về quản lý chất thải rắn; phân loại chất
thải rắn tại nguồn để thuận tiện
cho quá trình xử lý, các loại chất thải rắn không thể tái chế được thu gom và
vận chuyển đến khu xử lý tập trung; việc thu gom và vận chuyển rác thải phát sinh tại các khu vực để đưa đi xử lý trong ngày.
- Thực
hiện nghiêm công tác kiểm tra, đôn đốc
theo dõi và xử lý kịp thời theo quy định đối với công tác bảo vệ môi trường của
các dự án đầu tư trong khu vực quy hoạch (lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, tổ chức thi công các hạng mục xử lý nước thải, bảo vệ môi
trường,…).
- Xây
dựng kế hoạch quản lý, quan trắc, giám sát tác động môi trường, đặc biệt tại các khu vực có nhiều nguồn gây ô nhiễm môi
trường (khu công nghiệp, khu vực có giao thông mật độ cao, khu vực thi công
công trình xây dựng, khu sản xuất, chăn nuôi,…).
9.
Danh mục dự án thực hiện đầu tư:
a) Dự kiến các dự án
ưu tiên trong khu vực quy hoạch:
- Hoàn thành tuyến đường vành đai phía Nam và đầu tư xây dựng mới vành
đai phía Bắc.
- Đầu tư xây dựng vành đai xanh.
- Xây dựng trung tâm hành chính tại khu vực quy
hoạch mới.
- Xây dựng Khu sinh hoạt Thanh Thiếu niên thành phố.
- Cải tạo suối Hà Giang, phường 1.
- Đầu tư dự án hồ BlaoS’re gắn với nạo vét sông,
suối, hồ để phòng, chống ngập lụt trên địa bàn xã Lộc Châu, xã Đại Lào và phường B’lao.
- Xây dựng bệnh
viện chất lượng cao tại cơ sở cũ của bệnh viện II Lâm Đồng.
- Đầu tư xây dựng dự án tổ hợp dịch vụ - khách sạn
tiêu chuẩn 5 sao (tại khu vực chợ Bảo Lộc cũ).
- Đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái núi Sa Pung, núi Đại
Bình.
- Khu tổ hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Lộc Phát.
- Xây dựng hệ thống cấp nước, thu
gom và xử lý nước thải tập trung.
- Xây dựng nhà máy cấp nước, lấy nguồn nước từ hồ Lộc Thắng.
- Cải tạo chỉnh trang các khu vực đô thị hiện hữu.
- Nâng cấp, cải tạo nhà máy xử lý
rác thải.
- Xây dựng nhà tang lễ.
- Xây dựng bổ sung các công trình hạ tầng xã hội
phục vụ đô thị (trường học, trạm y tế, ...).
- Các dự án khu đô thị, khu dân cư,…
b) Nguồn lực thực hiện:
- Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước địa
phương.
- Các nguồn viện trợ, đầu tư của các tổ chức
trong và ngoài nước.
- Thông qua cơ chế, chính sách thu hút đầu tư dự
án; đẩy mạnh xã hội hóa trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hoá - thể
thao...
- Khai thác hiệu quả quỹ đất, tài sản công, tài
nguyên của địa phương và các nguồn lực khác để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng
theo quy định.