Nghị quyết số 22/2006/NQ-CP về Phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2006 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 22/2006/NQ-CP
Ngày ban hành 05/09/2006
Ngày có hiệu lực 04/10/2006
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 22/2006/NQ-CP

Hà Nội, ngày 05 tháng 09 năm 2006 

 

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 8 NĂM 2006

Trong hai ngày 30 và 31 tháng 8 năm 2006, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8, bàn và quyết nghị những vấn đề sau:

1. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2006 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2007; Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Ngân sách Nhà nước năm 2006, dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2007.

Qua xem xét tình hình kinh tế - xã hội trong 8 tháng đầu năm, nhận định, dự báo về xu thế phát triển trong những tháng còn lại của năm 2006, Chính phủ nhất trí đánh giá năm 2006, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta đã có những chuyển biến tích cực, dự kiến hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu được nêu trong Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2006 thực hiện đều đạt và vượt. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả năm đạt khoảng 8%; cơ cấu ngành kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hoạt động đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế, xuất nhập khẩu và huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển đạt được nhiều kết quả tích cực; các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục ổn định; thu ngân sách vượt dự toán; tăng chi cho đầu tư phát triển, cải cách tiền lương. Các lĩnh vực xã hội có nhiều tiến bộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm, tuyển sinh mới đại học, cao đẳng và đào tạo nghề dài hạn tăng, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được củng cố.

Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng còn nhiều yếu tố không bền vững; việc quản lý và sử dụng các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội kém hiệu quả; chất lượng giáo dục ở các cấp học chưa cao; dịch vụ y tế chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân; cải cách hành chính chậm; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí tuy đã có những tiến bộ nhất định, nhưng nhìn chung, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi.

Năm 2007 là năm có ý nghĩa quan trọng tạo đà cho việc hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 – 2010. Trên cơ sở cụ thể hoá các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010, tình hình thực hiện kế hoạch năm 2006 và dự báo bối cảnh năm 2007, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2007 của Chính phủ cần đề ra được các giải pháp trọng tâm có tính chất đột phá để chuyển mạnh nền kinh tế nước ta sang hoạt động theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thu hút đầu tư nước ngoài và các nguồn lực đầu tư trong nước; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực; thực hiện cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí một cách mạnh mẽ.

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh các Báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và báo cáo Quốc hội.

2. Căn cứ bước đi của Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và quy định tại Nghị định số 203/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu chung và phương án điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội năm 2006.

Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh các văn bản, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trước ngày 15 tháng 9 năm 2006.

3. Chính phủ xem xét dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Điều 153 của Bộ Luật Lao động về Ban Chấp hành công đoàn lâm thời tại doanh nghiệp do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trình; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị định.

Trên cơ sở quy định của Bộ Luật Lao động và xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, Chính phủ thống nhất về sự cần thiết phải ban hành Nghị định này nhằm tạo hành lang pháp lý cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện việc hướng dẫn chỉ định Ban Chấp hành công đoàn lâm thời tại các doanh nghiệp chưa thành lập được tổ chức công đoàn.

Chính phủ đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan của Chính phủ, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

4. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ năm 2007; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về Dự kiến Chương trình này.

Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ năm 2007 tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp năm 1992 (đã được Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều trong năm 2001); thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và các Nghị quyết khác của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị. Trong đó, chú trọng việc xây dựng các luật, pháp lệnh đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính nhà nước, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Các dự án luật, pháp lệnh được đưa vào Chương trình cần có số lượng hợp lý,  được chuẩn bị tốt về mặt chất lượng và bảo đảm tiến độ, bảo đảm tính khả thi trong điều kiện năm 2007 là năm cuối của Quốc hội khóa XI và là năm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII.

Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ năm 2007, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

5. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình về việc bãi bỏ biện pháp quản chế hành chính và hủy bỏ Nghị định số 31/CP ngày 14 tháng 4 năm 1997 của Chính phủ về quản chế hành chính.

Chính phủ thống nhất, trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam Xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, thực hiện cải cách tư pháp hiện nay thì việc bãi bỏ biện pháp quản chế hành chính và hủy bỏ Nghị định số 31/CP về quản chế hành chính là cần thiết. Để có cơ sở pháp lý cho việc thực hiện, giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc hủy bỏ hoặc đình chỉ áp dụng một số điều, khoản liên quan đến quản chế hành chính của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, trên cơ sở đó huỷ bỏ Nghị định số 31/CP về quản chế hành chính.

6. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình dự án Luật Tương trợ tư pháp; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về dự án Luật này.

Hoạt động tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với các nước đã có từ nhiều năm, nhưng hệ thống pháp luật trong nước về tương trợ tư pháp còn chưa đầy đủ, chưa đồng bộ. Để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam ở nước ngoài cũng như ở trong nước, phục vụ tốt hơn quá trình hội nhập quốc tế thì việc sớm ban hành Luật Tương trợ tư pháp là rất cần thiết.

oaghiepehieGiao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh dự án Luật Tương trợ tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

7. Chính phủ đã xem xét Báo cáo kết quả giao ban sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 8 và tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng năm 2006 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình; Báo cáo tình hình thực hiện Ngân sách Nhà nước tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2006 do Bộ Tài chính  trình; Báo cáo tình hình thương mại tháng 8 năm 2006 do Bộ Thương mại trình.

Trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2006, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước tiếp tục phát triển ổn định. Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá. Sản xuất nông nghiệp ổn định, dịch cúm gia cầm tiếp tục được khống chế. Các lĩnh vực dịch vụ, xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển và thu chi ngân sách có nhiều tiến bộ. Công tác xoá đói giảm nghèo thu được những kết quả tốt. Tuy nhiên, nhiều khó khăn, hạn chế cũng còn tồn tại như giá xăng dầu và lãi suất ngân hàng tăng cao làm tăng chi phí sản xuất; dịch bệnh lây lan ở người và cây trồng, gia cầm, gia súc; thiên tai liên tiếp xảy ra gây thiệt hại lớn về người và vật chất; tình hình trật tự an toàn giao thông chưa có tiến bộ tích cực, số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tăng; tình trạng khiếu kiện chậm được giải quyết và một số vấn đề xã hội khác gây bức xúc trong nhân dân.

 Để phấn đấu hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2006, năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương không thoả mãn với các thành tích đã đạt được, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 01/2006/NQ-CP và Nghị quyết số 13/2006/NQ-CP của Chính phủ, các Chỉ thị số 27/2006/CT-TTg và 28/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tập trung nỗ lực tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật đã được Quốc hội thông qua; giữ vững an ninh, quốc phòng; kiềm chế tai nạn giao thông và phòng, chống nạn phá rừng./.


Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng,
- Uỷ ban Thường vụ Quốc hội,
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ,
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội,
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc
   Trung ương
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng,
- Văn phòng Quốc hội,
- Văn phòng Chủ tịch nước,
- Toà án nhân dân tối cao,
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao,
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể,
- Học viện Hành chính Quốc gia,
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ, Cục,  đơn vị   
   trực thuộc, BĐH 112, Website Chính phủ, Công
   báo, Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
- Lưu TH

TM. CHÍNH PHỦ
 THỦ TƯỚNG
 
 


Nguyễn Tấn Dũng
 
 

 

 

[...]