Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Nghị định 31-CP năm 1997 ban hành Quy chế quản chế hành chính

Số hiệu 31-CP
Ngày ban hành 14/04/1997
Ngày có hiệu lực 29/04/1997
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Vi phạm hành chính

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 31-CP

Hà Nội, ngày 14 tháng 4 năm 1997

 

NGHỊ ĐỊNH

CHỦA CHÍNH PHỦ SỐ 31-CP NGÀY 14 THÁNG 4 NĂM 1997 BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN CHẾ HÀNH CHÍNH

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 06 tháng 7 năm 1995;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ;

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1.- Nay ban hành kèm theo Nghị định này "Quy chế quản lý hành chính".

Điều 2.- Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các quy định về quản chế hành chính trước đây đều bãi bỏ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ thống nhất chỉ đạo và giúp Chính phủ hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Nghị định này.

Điều 3.- Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

QUẢN CHẾ HÀNH CHÍNH
(Ban hành kèm theo Nghị định số 31/CP ngày 14 tháng 4 năm 1997 của Chính phủ)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Quản chế hành chính là biện pháp xử lý hành chính, buộc những người có hành vi vi phạm pháp luật quy định tại Điều 2 Quy chế này phải cư trú, làm ăn sinh sống ở một địa phương nhất định và chịu sự quản lý, giáo dục của chính quyền, nhân dân địa phương.

Thời hạn quản chế từ 6 tháng đến 2 năm.

Điều 2.- Quản chế hành chính được áp dụng đối với những người có hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm đến an ninh quốc gia được quy định tại Chương I phần các tội phạm của Bộ luật hình sự nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Không áp dụng quản chế hành chính đối với người dưới 18 tuổi.

Điều 3.- Quản chế hành chính phải đúng đối tượng, thẩm quyền, thủ tục và trình tự được quy định trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Quy chế này.

Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của người bị quản chế hành chính.

Điều 4.- Quyết định quản chế hành chính được thi hành tại nơi cư trú của người bị quản chế. Trường hợp xét thấy không thể để người bị quản chế hành chính cư trú ở những nơi quan trọng, xung yếu về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng hoặc những nơi mà người bị quản chế có điều kiện tiếp tục vi phạm pháp luật phương hại đến lợi ích quốc gia, thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh) quyết định quản chế hành chính họ ở nơi khác nhưng trong phạm vi tỉnh, thành phố. Khi chấp hành xong quyết định quản chế người bị quản chế được trở về nơi cư trú cũ của mình.

Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện) nơi có người bị quản chế hành chính có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm ăn, sinh sống của người bị quản chế.

Chương 2:

THỦ TỤC XÉT DUYỆT, QUYẾT ĐỊNH QUẢN CHẾ HÀNH CHÍNH VÀ GIẢM THỜI HẠN QUẢN CHẾ HÀNH CHÍNH

Điều 5.- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm lập hồ sơ đối với những người cần áp dụng biện pháp quản chế hành chính, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Cơ quan công an cấp huyện và Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) nơi có người cần áp dụng biện pháp quản chế hành chính cư trú, có trách nhiệm giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện trong việc thu thập tài liệu và lập hồ sơ.

[...]