HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
20/2012/NQ-HĐND
|
Hải Phòng,
ngày 12 tháng 12 năm 2012
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP, CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN
VÀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ ĐÔ THỊ THEO HƯỚNG VĂN MINH HIỆN ĐẠI GIAI ĐOẠN 2013 -
2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
KHÓA XIV KỲ HỌP THỨ 5
(Từ ngày 05 đến
ngày 07 tháng 12 năm 2012)
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân thành phố ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 21/12/2004;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003; Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản ngày
19/6/2009; Luật Quy hoạch đô thị số ngày 17/6/2009 và các văn bản hướng dẫn thi
hành Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị;
Căn cứ Quyết định số 1448/QĐ-TTg ngày
16/09/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây
dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050;
Sau khi xem xét Tờ trình số 81/TTr-UBND ngày
01/12/2012 và Đề án số 8273 /ĐA-UBND ngày 01/12/2012 của Uỷ ban nhân dân thành
phố về nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách đẩy mạnh phát triển và tăng cường
quản lý đô thị theo hướng văn minh hiện đại giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến
năm 2025; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân thành
phố; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách đẩy mạnh
phát triển và tăng cường quản lý đô thị theo hướng văn minh, hiện đại giai đoạn
2013 - 2015, định hướng đến năm 2025 với các nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm, mục tiêu
a) Quan điểm
Xây dựng phát triển đô thị Hải Phòng theo hướng
đô thị kinh tế - sinh thái, cấu trúc chùm đô thị, trong đó có đô thị trung tâm
và các đô thị vệ tinh; có điều kiện sống tốt, có sức cạnh tranh cao trong khu vực
và quốc tế, thích ứng với quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu; đáp ứng yêu cầu
chuyển dịch cơ cấu lao động, phân bố dân cư giữa các khu vực; tăng dần quy mô
dân số; chuyển ngày càng nhiều nông dân thành thị dân, không ngừng cải thiện điều
kiện sống cư dân thành thị. Phát triển đô thị mới gắn với cải tạo, chỉnh trang
đô thị cũ; kết hợp hài hòa giữa bảo tồn, cải tạo, chỉnh trang đô thị cũ với xây
dựng đô thị mới, coi trọng việc tạo lập bản sắc kiến trúc đô thị Hải Phòng. Sử
dụng hiệu quả, tiết kiệm đất trong xây dựng phát triển đô thị. Phát triển và quản
lý đô thị phải là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của mỗi người dân.
Không ngừng nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đô thị của chính
quyền các cấp. Tập trung nguồn lực phát triển đô thị Hải Phòng theo ba hướng đột
phá được xác định trong Nghị quyết 04 NQ/TU của Thành ủy (hướng Đông Nam, hướng
Bắc, hướng hai bên sông Lạch Tray và Đồ Sơn).
b) Mục tiêu
- Mục tiêu chung: Xây dựng và phát triển
đô thị Hải Phòng là đô thị cảng biển, văn minh, hiện đại, là đô thị trung tâm cấp
quốc gia, thành phố kinh tế - sinh thái, đô thị có điều kiện sống tốt, có sức cạnh
tranh cao, có bản sắc riêng và phát triển bền vững; đến năm 2025 cơ bản đạt các
tiêu chí đô thị đặc biệt cấp quốc gia.
- Mục tiêu cụ thể:
+ Mục tiêu giai đoạn 2013 - 2015: Phát
triển đô thị theo 3 hướng đột phá, trong đó ưu tiên mô hình cấu trúc phát triển
không gian đô thị hướng biển; tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại
I; giữ vững và phát huy vai trò của đô thị trung tâm cấp quốc gia để Hải Phòng
cơ bản trở thành thành phố công nghiệp và dịch vụ cảng theo hướng văn minh, hiện
đại.
+ Mục tiêu đến năm 2025: Hoàn thiện hệ thống
hạ tầng kỹ thuật đô thị chiến lược, đầu mối giao thông kết nối quốc tế: Cảng cửa
ngõ quốc tế Hải Phòng, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; chuyển trung tâm hành
chính - chính trị thành phố về Bắc sông Cấm theo quy hoạch; xây dựng hệ thống
các khu đô thị, công nghiệp, trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, khoa học
- công nghệ... để Hải Phòng là trung tâm kinh tế - khoa học - kỹ thuật tổng hợp
của Vùng duyên hải Bắc Bộ, trung tâm phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc
Bộ và cả nước; phấn đấu đạt tiêu chí đô thị đặc biệt.
c) Các chỉ tiêu cụ thể
- Giai đoạn 2013 - 2015: hoàn thành 05 tiêu chí:
+ 80% cơ sở sản xuất mới đưa vào sử dụng có trạm
xử lý nước thải.
+ Có 04 khu đô thị được cải tạo, chỉnh trang, hiện
đại hóa.
+ Đất cây xanh công cộng khu vực đô thị đạt 5
m2/người.
+ Mật độ đường ống thoát nước chính đạt 4,5
km/km2.
+ Có 05 nhà tang lễ trong khu vực nội thị.
- Giai đoạn đến năm 2025: Phấn đấu đến năm 2020
đạt tiếp 8 tiêu chí còn lại của đô thị loại I, bao gồm: tỷ lệ đất giao thông, tỷ
lệ vận tải hành khách công cộng, đất xây dựng công trình phúc lợi, diện tích bến
xe tĩnh, mật độ đường, tỷ lệ tăng dân số...; năm 2025 đạt tiêu chí đô thị đặc
biệt.
2. Nhiệm vụ phát triển hạ tầng
đô thị
a) Phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị
- Giao thông đô thị:
Về đường bộ: Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dự án
đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, triển khai đầu tư đường ô tô Tân Vũ - Lạch
Huyện. Lập kế hoạch, triển khai đầu tư xây dựng các đường hướng tâm và mạng lưới
đường đô thị, đảm bảo tiêu chuẩn, kết nối tốt giữa khu dân cư đô thị với khu dịch
vụ công cộng và các khu, cụm công nghiệp. Lập quy hoạch, kế hoạch và triển khai
đầu tư xây dựng các nút giao thông lập thể; trước mắt tập trung xây dựng cầu vượt
cho nút giao thông Lê Hồng Phong - Nguyễn Bỉnh Khiêm, đường Hồ Sen - cầu Rào 2
với đường Nguyễn Văn Linh, đường 356 với đường Nguyễn Bỉnh Khiêm; nâng cấp các
nút giao thông Đình Vũ, cầu Niệm, Quán Mau, ngã ba Thượng Lý, ngã 5... Lập quy
hoạch, kế hoạch và triển khai đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng vận tải khách đô
thị: các bến, điểm dừng, đỗ ô tô buýt, xe taxi, các bến xe tĩnh.
Về đường sắt: Nâng cấp, điện khí hóa tuyến đường
sắt Hà Nội - Hải Phòng hiện có (đoạn từ ga Thượng Lý đến ga Hải Phòng được đi
trên cao). Xây dựng mới tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đến Cảng cửa
ngõ quốc tế Hải Phòng; cải tạo các nút giao giữa đường sắt và các tuyến đường
đô thị. Lập quy hoạch tuyến đường sắt vận chuyển khách công cộng nội đô.
Về giao thông đường biển và đường thủy: Xây dựng
Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện Hải Phòng (Hợp phần A), Dự án xây dựng hai bến
khởi động (Hợp phần B) cho tàu có trọng tải 50.000 DWT đến 100.000 DWT, bến tàu
thủy nội địa Bến Bính. Định kỳ duy tu, nạo vét tuyến luồng vào cảng Hải Phòng để
đảm bảo độ sâu -7,2m thường xuyên lưu thông tàu tới 10.000 DWT không phụ thuộc
vào thuỷ triều, tàu từ 40.000 DWT - 50.000 DWT giảm tải khi triều cường. Cải tạo,
đầu tư nâng cao năng lực, năng suất khai thác cảng Hải Phòng; xây dựng cảng mới
khu công nghiệp Nam Đình Vũ. Lập quy hoạch chi tiết và triển khai xây dựng các
khu dịch vụ logistics tập trung trong Khu Kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, các khu
công nghiệp, ven các tuyến quốc lộ. Đầu tư tăng cường phát triển hạ tầng giao
thông đường thủy: nâng cấp luồng, xây dựng cảng, kho bãi, nâng năng lực các tuyến
đường sông vận chuyển hàng container. Khơi thông các tuyến đường thủy nội địa,
trước hết đầu tư tại khu vực cửa sông Cấm - Bạch Đằng; cải tạo, nâng cấp các bến
tầu khách: Cát Bà, Gia Luận, Bến Bèo.
Về cảng hàng không: Hoàn thành nâng cấp Cảng
hàng không quốc tế Cát Bi đồng bộ đạt tiêu chuẩn quốc tế cấp 4E; quy hoạch sân
bay taxi tại Đồ Sơn, Cát Bà, Bạch Long Vĩ phục vụ du lịch và cứu hộ.
- Cấp nước đô thị: Thực hiện các giải
pháp giảm tỷ lệ thất thoát nước xuống dưới 15%; hoàn thành Dự án mở rộng hệ thống
cấp nước thành phố giai đoạn 2.
- Thoát nước mưa, nước thải và xử lý nước thải:
Nâng cấp và xây dựng mới hệ thống thoát nước mưa, nước thải thuộc Dự án
thoát nước mưa, nước thải và quản lý chất thải rắn thành phố Hải Phòng giai đoạn
I. Lập dự án, huy động vốn để đầu tư hệ thống thoát nước các quận mới:
Kiến An, Hải An, Dương Kinh, Đồ Sơn; giải quyết triệt để tình trạng úng ngập cục
bộ trên địa bàn các quận; cải tạo các hồ điều hoà hiện có; xây dựng mới 12 hồ
điều hoà thoát nước mưa; duy tu, duy trì hoạt động thường xuyên các cống ngăn
triều và đầu tư bổ sung cống ngăn triều. Đưa vào vận hành Nhà máy xử lý nước thải
Vĩnh Niệm công suất 36.000 m3/ngày vào năm 2015. Tăng cường quản lý nhà nước
đôn đốc cơ sở sản xuất đang hoạt động xây dựng trạm xử lý nước thải; phấn đấu
80% số cơ sở sản xuất mới có trạm xử lý nước thải.
- Chiếu sáng đô thị: Thực hiện chiếu sáng
trang trí một số cầu qua sông trên địa bàn đô thị (cầu qua các sông Cấm, Lạch
Tray) và công trình kiến trúc công cộng tiêu biểu. Triển khai dự án Trung tâm
quản lý và điều khiển chiếu sáng công cộng, hạ ngầm đường dây cấp điện chiếu
sáng trên địa bàn các quận.
- Nghĩa trang: Đầu tư xây dựng mới 2 nhà
tang lễ trong đô thị; xây dựng nghĩa trang liệt sỹ thành phố; mở rộng nghĩa
trang Phi Liệt; khuyến khích hỏa táng; kêu gọi đầu tư nghĩa trang công viên.
- Xử lý chất thải rắn: Đẩy nhanh tiến độ
Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Gia Minh, đưa vào hoạt động năm 2015.
Xây dựng hệ thống thu gom rác thải công cộng đô thị, hệ thống thu gom, xử lý chất
thải rắn đô thị theo quy hoạch. Khuyến khích vận động người dân phân loại rác tại
nguồn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ xử lý chất thải rắn 3R (giảm thiểu, tái chế,
tái sử dụng).
- Cây xanh, công viên: Cải tạo, nâng cấp
và xây dựng thêm công viên, vườn hoa: Công viên Hồ Đông, Tân Thành, Công viên rừng
Thiên Văn, Dải vườn hoa Trung tâm thành phố. Triển khai quản lý hệ thống cây
xanh đô thị bằng công nghệ GIS. Tăng cường chỉnh trang cây xanh đô thị, trồng bổ
sung cây hoa phượng đỏ ở một số điểm trung tâm, trên các đường phố, cửa ngõ vào
thành phố, hình thành các điểm trồng cây phượng vỹ tập trung.
- Hạ tầng đảm bảo an toàn đô thị: Xây dựng
hệ thống nước cứu hỏa công cộng trong đô thị đảm bảo đúng quy định phòng cháy,
chữa cháy; các công trình công cộng, khu thương mại, chợ dân sinh, nhà ở cao tầng,
khu dân cư đông người... phải được thiết kế, lắp đặt và được thường xuyên kiểm
tra; địa phương có các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh, sử dụng, tàng trữ hóa
chất, khí LPG, xăng dầu... xây dựng các kế hoạch ứng phó sự cố hóa chất, cháy nổ,
thường xuyên kiểm tra, định kỳ diễn tập. Xử lý các điểm đen về tai nạn giao
thông; xây dựng phương án chống ùn tắc giao thông. Xây dựng củng cố lực lượng cứu
hộ, cứu nạn có trang bị phương tiện thích hợp với đô thị hiện đại, cao tầng.
b) Phát triển hạ tầng xã hội
- Các công trình văn hóa, du lịch: Quy hoạch
và xây dựng hệ thống nhà hát, thư viện điện tử, nhà văn hóa, câu lạc bộ văn
hóa, hệ thống tượng đài, hệ thống bảo tàng, nghiên cứu lập dự án xây dựng bảo
tàng hàng hải. Đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch có chất
lượng cao, đồng bộ, nhất là du lịch nghỉ dưỡng biển. Xây dựng và triển khai thực
hiện Quy hoạch phát triển du lịch quần đảo Cát Bà. Phấn đấu để UNESCO công nhận
quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới; nghiên cứu quy hoạch khu tổ hợp
công viên vui chơi giải trí trên đảo Vũ Yên, Hồ Đông, Tân Thành, Công viên rừng
Thiên Văn.
- Các công trình thể dục thể thao: Tiếp tục
xây dựng thêm các hạng mục tại Khu Liên hợp Thể thao thành phố, phát huy vai
trò trung tâm vùng Duyên hải. Xây dựng Khu Liên hợp đua thuyền sông Giá. Hoàn
thiện xây dựng các công trình thể dục thể thao cấp quận, gồm: Nhà thi đấu, sân
vận động, bể bơi.
- Các công trình y tế: Đầu tư xây dựng hạ
tầng y tế đồng bộ đáp ứng yêu cầu để Hải Phòng trở thành trung tâm y tế vùng
Duyên hải Bắc Bộ, trung tâm y tế biển hàng đầu của cả nước. Tiếp tục nâng cấp
quy mô và năng lực của một số bệnh viện đa khoa tuyến huyện. Hình thành thêm một
số bệnh viện chuyên khoa, trạm y tế cơ sở. Tập trung đầu tư, hiện đại hoá trang
thiết bị, nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng một số Bệnh viện phát huy vai
trò trung tâm Vùng duyên hải Bắc Bộ và y học biển; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Bệnh
viện hữu nghị Việt Tiệp cơ sở II; khuyến khích tạo điều kiện xã hội hoá xây dựng
các bệnh viện, phòng khám, cơ sở y tế tư nhân.
- Các công trình giáo dục - đào tạo: Thực
hiện quy hoạch tổng thể hệ thống trường học mầm non và các cấp trong đô thị, bảo
đảm đáp ứng tốt nhu cầu học tập. Thực hiện Đề án xây dựng trường học đạt chuẩn
quốc gia, hoàn thành các dự án trọng điểm: Trường Đại học Hàng hải trở thành
trường trọng điểm quốc gia, Trường Đại học Hải Phòng, Đại học Y Hải Phòng, Trường
Trung học phổ thông chuyên Trần Phú. Thực hiện quy hoạch hệ thống dạy nghề; xây
dựng các trường nghề chất lượng cao gắn với cơ sở thực tập, thực hành và nhu cầu
sử dụng.
- Các công trình thương mại: Quy hoạch tổng
thể hệ thống chợ, trung tâm thương mại, siêu thị bán buôn, bán lẻ; cải tạo,
nâng cấp và xây mới chợ dân sinh tại các khu đô thị với quy mô thích hợp; chợ hạng
2 phục vụ khu vực thị trấn, thị tứ; phát triển thêm 5 - 9 trung tâm thương mại
và 5 - 10 siêu thị trên địa bàn thành phố; xây dựng dự án chợ đầu mối thủy sản
tại Cát Bà, Bạch Long Vỹ và 3 chợ đầu mối nông sản tại Hồng Bàng, Kiến Thụy và
chợ hoa tại Hải An.
c) Phát triển đô thị mới
- Mở rộng về phía Bắc sông Cấm: Hoàn thành
cơ bản hạ tầng Khu công nghiệp - Đô thị VSIP; xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật
khu Trung tâm Hành chính, chính trị thành phố mới cầu nối với trung tâm đô thị
cũ.
- Mở rộng về phía Đông: Phát triển khu
đô thị dịch vụ hậu cần sau Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện và các trung tâm tài
chính, ngân hàng, trung tâm logistic gắn với cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng;
hoàn thành đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường và cầu Tân Vũ - Lạch Huyện
trước năm 2016.
- Mở rộng về phía Đông Nam: Triển khai đầu
tư cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư vào Khu Kinh tế Đình Vũ - Cát Hải; chuẩn bị
các điều kiện đầu tư Khu Công nghiệp chuyên sâu, khu đô thị tại Tràng Cát.
- Mở rộng về phía Nam dọc đường Phạm Văn Đồng:
Hình thành các khu đô thị mới dọc đường Phạm Văn Đồng, 355, hai bên bờ sông
Lạch Tray, khu đô thị mới Anh Dũng, Tân Thành, Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc
tế, Khu liên hợp thể dục thể thao thành phố; khu giáo dục đào tạo, nghỉ dưỡng
ven biển và vành đai xanh sông Đa Độ; từng bước hoàn thiện quận Dương Kinh;
phát triển quận Đồ Sơn, thị trấn Cát Bà thành đô thị du lịch sinh thái, nghỉ
mát, nghỉ dưỡng, tắm biển và hội thảo; phát triển các khu đô thị du lịch lấn biển.
- Mở rộng về phía Tây Nam: Phát triển,
hoàn thiện quận Kiến An bằng các khu đô thị mới dọc trục đường trung tâm, khu
đô thị mới Cựu Viên, khu du lịch cảnh quan sông Lạch Tray, núi Thiên Văn; mở rộng
quận Hồng Bàng sang huyện An Dương bao gồm một phần xã An Đồng và xã Nam Sơn.
- Mở rộng về phía Tây Bắc: Phát triển các
khu ở hiện có, các khu đô thị mới Tân Tiến, Bắc Sơn; Khu công nghiệp công nghệ
cao (Hồng Phong, Lê Thiện, Đại Bản...), Khu công nghiệp NOMURA và Cụm công nghiệp
Vật Cách làm cơ sở để hình thành quận mới gồm các xã: Đại Bản, An Hưng, Tân Tiến,
An Hồng, Lê Thiện, Hồng Phong, An Hoà, Bắc Sơn và phường Quán Toan.
d) Phát triển không gian đô thị khu vực ngoại
thành
Triển khai lập quy hoạch và từng bước đầu tư xây
dựng cơ sở hạ tầng các đô thị sau:
- Bảy đô thị vệ tinh: Minh Đức, Núi Đèo, An Lão,
Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Núi Đối, Cát Bà. Nâng cấp thị trấn Minh Đức và thị trấn
Tiên Lãng lên đô thị loại IV vào năm 2020.
- Bảy thị trấn: Quảng Thanh, Lưu Kiếm, Hòa Bình,
Hùng Thắng, Tam Cường, Trường Sơn, Bạch Long Vĩ.
3. Nhiệm vụ về quản lý đô thị
theo hướng văn minh, hiện đại
a) Bảo tồn, chỉnh trang, cải tạo, nâng cấp đô
thị
Ban hành quy định về cải tạo, chỉnh trang, nâng
cấp đô thị cũ kết hợp xây dựng mới thay thế công trình cũ không có giá trị,
công trình không làm thay đổi lớn về cơ cấu sử dụng đất và cảnh quan kiến trúc
đô thị cũ. Nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị cũ bao gồm cắt hè, nâng cấp
đường, cải tạo ngõ, ngầm hóa các công trình hạ tầng kỹ thuật. Cải tạo các khu
chung cư hết hạn sử dụng. Ban hành tiêu chí công trình kiến trúc thành phố cần
bảo tồn; quy định về sửa chữa, cải tạo công trình bảo tồn kiến trúc. Lập danh mục
và kế hoạch bảo tồn, tôn tạo các công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, văn
hóa, từng bước đầu tư phục hồi nguyên trạng, giữ gìn bản sắc kiến trúc đô thị
cũ. Nghiên cứu sắp xếp và qui định một số đường phố trở thành đường phố thương
mại, ẩm thực, đi bộ đảm bảo yêu cầu trật tự, văn minh, hấp dẫn khách du lịch.
b) Quản lý quy hoạch, kiến trúc và thiết kế
đô thị
Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về
quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị: sớm ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến
trúc đô thị theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng
đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050; quy định quản lý kiến trúc công trình
trong đô thị cũ... Hoàn thành phê duyệt 07 đồ án phân khu các quận: Hồng Bàng,
Lê Chân, Ngô Quyền, Dương Kinh, Đồ Sơn, Hải An, Kiến An và các vùng đô thị phát
triển mới. Triển khai lập quy hoạch phân khu theo Quy hoạch chung Khu kinh tế
Đình Vũ-Cát Hải đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Lập quy hoạch chi tiết
1/500 và thiết kế đô thị: Khu trung tâm hành chính- chính trị thành phố tại Khu
đô thị Bắc sông Cấm, hai bên sông Lạch Tray, sông Cấm; các tuyến phố chính nằm
trong khu vực trung tâm cũ như: Dải trung tâm thành phố, Hoàng Văn Thụ, Cầu Đất,
Tô Hiệu, Lê Lợi, Trần Nguyên Hãn, Điện Biên Phủ, Đà Nẵng. Lập quy hoạch chi tiết,
thiết kế và đầu tư xây dựng các nút giao thông tại các khu vực cửa ngõ thành phố,
khu vực có mật độ giao thông lớn. Lập các quy hoạch chuyên ngành: Cấp nước,
thoát nước, bảo vệ nguồn nước, nghĩa trang, hệ thống công viên, cây xanh, chiếu
sáng đô thị, giao thông đô thị. Tổ chức thiết kế các công trình mẫu để thực hiện
thiết kế đô thị. Xây dựng trung tâm triển lãm giới thiệu quy hoạch, thiết kế đô
thị. Công khai quy hoạch đô thị các phường tại các phòng “một cửa”.
c) Quản lý trật tự đô thị
Hoàn thiện mô hình tổ chức quản lý đô thị ở các
cấp, quản lý Dải trung tâm, quản lý tuyến đường kiểu mẫu, nhân rộng mô hình tới
các phường, thị trấn trên địa bàn thành phố. Gắn công tác quản lý đô thị với xây
dựng các tuyến đường kiểu mẫu, đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng tổ dân phố văn
hoá, tổ dân phố kiểu mẫu, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, nhất là nếp sống
văn minh trong việc cưới, việc tang, vệ sinh đô thị. Sắp xếp, đổi mới, nâng cao
năng lực hoạt động của các đơn vị hoạt động dịch vụ công; nghiên cứu chuyển dần
sang thực hiện cơ chế thị trường, kết hợp với hình thức xã hội hóa đối với các
hoạt động dịch vụ công hiện nay.
d) Quản lý, khai thác và sử dụng đất đô thị
Triển khai nhanh các cơ chế, biện pháp, quy định
quản lý cụ thể đối với đất đô thị cũ và đất nông thôn được quy hoạch xây dựng
đô thị các quận, phường mới, bảo đảm sử dụng đất đô thị đúng mục đích, tiết kiệm,
có hiệu quả cao. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra sử dụng đất đai; ngăn chặn
việc sử dụng đất sai mục đích, sai quy hoạch, kiên quyết xử lý thu hồi đất vi
phạm pháp Luật liên quan, nhất là sử dụng sai mục đích, sai quy hoạch. Đẩy
nhanh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và công
trình gắn với đất. Rà soát thống kê đầy đủ quỹ đất trên địa bàn các quận, thị
trấn; ban hành quy định quản lý đất còn chưa đưa vào sử dụng theo quy hoạch. Áp
dụng quản lý đất đai bằng công nghệ bản đồ số GIS, trước mắt tập trung số hóa bản
đồ địa chính các quận, phường.
đ) Quản lý nhà ở đô thị
Phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở đô thị,
trước hết nhà ở xã hội thành phố Hải Phòng đến năm 2025; phấn đấu đến năm 2015,
đạt chỉ số diện tích sàn xây dựng nhà ở xã hội là 685.500 m2, trong
đó nhà ở công nhân 422.300 m2, nhà ở sinh viên 90.800m2,
nhà ở cho người có thu nhập thấp 172.400m2. Nghiên cứu và phê duyệt
quy hoạch chi tiết các khu vực phát triển nhà ở. Lập các dự án nhà ở đáp ứng
nhu cầu về tái định cư, di chuyển cấp bách công trình của thành phố, nhà công vụ,
nhà ở xã hội... Hoàn thành việc giao nhận quỹ nhà ở tự quản ở các doanh nghiệp
và các quận để có phương án xử lý theo hướng xây dựng mới, cải tạo hoặc bán cho
dân. Tăng cường công tác quản lý thị trường chuyển nhượng nhà ở đô thị, phát
triển các sàn giao dịch nhà ở. Thực hiện cải tạo, xây mới các khu nhà chung cư
đã xuống cấp, có khả năng gây nguy hiểm cho người dân. Ban hành Quy chế quản lý
nhà ở chung cư, nhà ở cao tầng.
e) Xây dựng nếp sống văn minh đô thị
Tập trung xây dựng lối sống và làm việc theo
pháp luật, tác phong công nghiệp, xây dựng và thực hiện các quy tắc ứng xử văn
hóa, xây dựng cộng đồng lành mạnh an toàn, đô thị xanh, sạch, đẹp. Chú trọng
tuyên truyền, hướng dẫn về văn hóa ứng xử, văn minh lịch sự nơi công cộng, giữ
gìn trật tự đô thị và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ công trình công
cộng đô thị của người dân. Nghiên cứu, ban hành các quy định về chế tài xử phạt
các hành vi vi phạm trật tự công cộng. Đẩy mạnh thực hiện phong trào toàn dân
đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; tổ chức các sự kiện, biểu diễn văn hoá nghệ
thuật, giải trí lành mạnh, giá trị tinh thần ngày càng cao. Tạo thuận lợi cho
các đối tượng xã hội như người tàn tật, già yếu, trẻ em...
4. Giải pháp, cơ chế chính
sách về phát triển và quản lý đô thị
a) Đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao nhận thức
về đô thị
Tăng cường phổ biến quán triệt sâu sắc pháp luật
về quản lý và xây dựng phát triển đô thị đến các cấp, các ngành, tổ chức chính
trị - xã hội và nhân dân; tuyên truyền vận động kết hợp xử lý vi phạm, xây dựng
ý thức tuân thủ pháp luật về đô thị. Công khai các đồ án quy hoạch, thiết kế đô
thị bằng nhiều hình thức và tổ chức cắm mốc giới để người dân thực hiện đúng
quy hoạch, thiết kế đô thị và tham gia giám sát, quản lý quy hoạch, thiết kế đô
thị.
b) Củng cố nâng cao năng lực lập quy hoạch, thiết
kế đô thị, quản lý, duy tu, bảo dưỡng các hệ thống hạ tầng đô thị
Ứng dụng công nghệ mới nâng cao chất lượng lập
quy hoạch đô thị; huy động chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm, hình thành lực lượng
thiết kế đô thị đủ năng lực thiết kế đô thị Hải Phòng hiện đại, văn minh. Rà
soát, kiện toàn các hội đồng về đô thị; nghiên cứu hình thành cơ quan chuyên
trách về kiến trúc đô thị. Đổi mới hiện đại hoá mô hình tổ chức các đơn vị dịch
vụ sự nghiệp đô thị, xã hội hoá các hoạt động duy tu, bảo dưỡng các hệ thống hạ
tầng đô thị bảo đảm yêu cầu nâng chất lượng, tuổi thọ các công trình đô thị và
giảm chi phí quản lý. Rà soát, bổ sung hoàn chỉnh toàn bộ các quy định quản lý
duy tu, bảo dưỡng các hệ thống hạ tầng đô thị, văn minh hiện đại. Tăng cường
trang thiết bị hiện đại cần thiết cho các hoạt động dịch vụ đô thị văn minh.
Thành lập Ban chỉ đạo để nghiên cứu, xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí
hậu và nước biển dâng, lập quy hoạch vùng bờ, quy hoạch không gian biển phục vụ
phát triển đô thị. Đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường
trong dịch vụ sự nghiệp đô thị như: xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải, vật
liệu xây dựng thay thế, chiếu sáng, cây xanh... trong thi công xây dựng hạ tầng
kỹ thuật đô thị đồng thời xây dựng mô hình quản lý tiên tiến và khai thác hiệu
quả hạ tầng kỹ thuật. Nghiên cứu xây dựng, áp dụng bộ chỉ số cạnh tranh, bộ chỉ
số quản lý đô thị toàn cầu trong công tác phát triển và quản lý đô thị.
c) Đẩy mạnh cải cách hành chính nâng cao hiệu
lực quản lý nhà nước về đô thị và tạo tạo thuận lợi cho xây dựng phát triển đô
thị
Rà soát, bổ sung chức năng, nhiệm vụ quản lý đô
thị của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan ở các cấp bảo đảm tinh gọn, nâng
hiệu lực, hiệu quả quản lý. Phân cấp mạnh hơn cho Uỷ ban nhân dân quận, huyện,
phường, xã đồng thời gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong các lĩnh vực quản
lý quy hoạch kiến trúc, trật tự xây dựng, trật tự đô thị và quản lý đường hè.
Thực hiện đảm bảo cơ chế một cửa và áp dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực
quản lý đô thị, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công. Đề xuất Chính phủ
cho phép nghiên cứu Đề án triển khai mô hình chính quyền đô thị tại Hải Phòng.
Xây dựng các chế tài, cơ chế nhằm tăng cường kỷ cương chấp hành thực hiện quy
hoạch, quản lý kiến trúc đô thị, quản lý trật tự xây dựng... đặc biệt cơ chế xử
lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp để xảy ra vi phạm trong quản
lý quy hoạch và xây dựng. Sơ kết mô hình Tổ quản lý đô thị phường, đề xuất,
hoàn thiện các mô hình quản lý đô thị.
d) Tăng cường đào tạo và phát triển nguồn
nhân lực phục vụ xây dựng phát triển và quản lý đô thị
Lập kế hoạch tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng tạo
nguồn nhân lực chất lượng cao để khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng hiệu lực, hiệu
quả lập, quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, quản lý kiến trúc và thiết kế đô
thị từ thành phố đến quận, thị trấn, phường. Rà soát đội ngũ cán bộ hoạt động
trong lĩnh vực quản lý quy hoạch, xây dựng, đất đai, môi trường để bố trí, luân
chuyển, bổ nhiệm đảm bảo đúng chuyên môn, nghiệp vụ.
đ) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phát triển
và quản lý đô thị
Duy trì và phát huy vị thế là thành viên chính
thức của tổ chức Citynet (Hiệp hội đô thị Châu Á, Thái Bình Dương); phối hợp với
các tổ chức quốc tế tổ chức các hội thảo, chương trình về phát triển và quản lý
đô thị theo mô hình đô thị kinh tế - sinh thái, phát triển đô thị bền vững...
Tăng cường hợp tác với tư vấn nước ngoài trong việc lập, thẩm định các đồ án
quy hoạch để nâng cao chất lượng và tiếp cận trình độ tiên tiến thế giới; hợp
tác với các nhà tài trợ quốc tế trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng đô thị nhất là hạ
tầng giao thông và nâng cao năng lực quản lý đô thị; các dự án kết cấu hạ tầng ứng
phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
e) Ban hành thực hiện các cơ chế chính sách đẩy
mạnh huy động các nguồn lực tài chính, xây dựng, cải tạo phát triển đô thị
Nghiên cứu, lập Đề án phát hành trái phiếu đô thị
tại thị trường trong nước trình Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, phê duyệt.
Ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực phát triển hạ
tầng đô thị như: thoát nước, xử lý nước thải, công viên cây xanh, bãi đỗ xe
tĩnh, nghĩa trang; các khu trung tâm vui chơi giải trí, dịch vụ, y tế, giáo dục...;
đẩy mạnh các hình thức xã hội hoá “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong lĩnh vực
cải tạo đường giao thông ngõ, xóm, hè phố, công trình thể thao, văn hoá...
Phát huy hiệu quả quỹ đất trong phạm vi quy hoạch
đô thị tập trung cho xây dựng phát triển đô thị, đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng
đất, đấu thầu các dự án có sử dụng đất, đấu giá các tài sản công sử dụng kém hiệu
quả tạo nguồn vốn để phát triển đô thị. Kiên quyết thu nợ tiền sử dụng đất,
đất để lại của các dự án phát triển nhà kinh doanh, xử lý nghiêm các trường hợp
cố tình không thực hiện.
Xây dựng cơ chế phân bổ vốn đầu tư ngân sách tập
trung cho các dự án lớn, trọng điểm phục vụ phát triển đô thị, đặc biệt các dự
án đầu tư cơ sở hạ tầng cho các quận, huyện, thị trấn mới thành lập. Thanh
tra, kiểm tra xử lý khắc phục tình trạng: đầu tư phát triển đô thị dàn trải,
lãng phí nguồn lực tài nguyên đất đai, vốn, đặc biệt là các dự án sử dụng nhiều
đất, chậm triển khai. Kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ sớm có cơ chế, chính
sách phát triển đô thị trung tâp cấp quốc gia: phân một tỷ lệ nhất định trong tổng
số thu Hải quan hàng năm trên địa bàn cho nhu cầu xây dựng, phát triển đô thị Hải
Phòng; thu một số phí, lệ phí đặc thù để tái đầu tư, nâng cấp các công trình
giao thông, cảng biển; sử dụng ngân sách Trung ương thực hiện công tác giải
phóng mặt bằng đối với dự án sử dụng vốn ODA trên địa bàn thành phố. Ban
hành danh mục các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô
thị để kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước theo hình thức BT, BOT, BTO, PPP và sử
dụng nguồn vốn ODA.
g) Khái toán kinh phí thực hiện
Tổng vốn đầu tư cho các dự án, đề án ưu tiên thực
hiện phát triển và quản lý đô thị giai đoạn 2013 - 2015 dự kiến khoảng 121.915
tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách thành phố: 11.145 tỷ đồng chiếm 9,1%; nguồn
vốn ngân sách trung ương (ODA, Trái phiếu Chính phủ, ngân sách Trung ương):
42.418 tỷ đồng chiếm 34,8%; nguồn vốn khác, xã hội hóa 68.351 tỷ đồng chiếm
56,1%.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
Giao Uỷ ban nhân dân thành phố chỉ đạo các sở,
ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết; trước hết
hoàn thiện Đề án về đô thị để tổ chức thực hiện.
Giao Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố,
các Ban, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố và các đại biểu Hội đồng nhân
dân thành phố đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành
phố và các tổ chức thành viên tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện
và giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân thành
phố Hải Phòng khóa XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 07/12/2012, có hiệu lực sau
10 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân thành phố thông qua./.
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Thành
|