Nghị quyết 192/NQ-HĐND năm 2015 về phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2016 do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành
Số hiệu | 192/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 22/12/2015 |
Ngày có hiệu lực | 01/01/2016 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Vĩnh Phúc |
Người ký | Hoàng Thị Thúy Lan |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 192/NQ-HĐND |
Vĩnh Phúc, ngày 22 tháng 12 năm 2015 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ PHÂN BỔ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH CẤP TỈNH NĂM 2016
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
KHOÁ XV, KỲ HỌP THỨ 15
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16/12/2002;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 73/2003/NĐ-CP ngày 26/3/2003 của Chính phủ về ban hành quy chế xem xét, quyết định dự toán phân bổ ngân sách và phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương;
Căn cứ Quyết định số 2100/QĐ-TTg ngày 28/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2016;
Căn cứ Quyết định số 2502/QĐ-BTC ngày 28/11/2015 của Bộ Tài chính về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2016;
Căn cứ Nghị quyết số 191/NQ-HĐND ngày 22/12/2015 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc về dự toán ngân sách nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc năm 2016;
Sau khi xem xét Báo cáo số 179/BC-UBND ngày 19/11/2015 của UBND tỉnh về đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2015 và xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2016; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh và thảo luận,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2016 như sau:
1. Thu ngân sách cấp tỉnh: 13.771.102 triệu đồng, trong đó:
a) Thu ngân sách cấp tỉnh hưởng theo phân cấp: 13.019.095 triệu đồng;
b) Bổ sung từ ngân sách Trung ương: 667.021 triệu đồng;
c) Thu để lại chi quản lý qua ngân sách: 84.986 triệu đồng.
2. Tổng chi ngân sách cấp tỉnh: 13.771.102 triệu đồng, trong đó:
a) Chi thực hiện nhiệm vụ ngân sách cấp tỉnh: 10.144.882 triệu đồng;
b) Chi bổ sung ngân sách huyện: 3.626.218 triệu đồng.
Phân bổ ngân sách cấp tỉnh cho từng cơ quan, đơn vị trực thuộc cấp tỉnh và mức bổ sung từ ngân sách cấp tỉnh cho ngân sách từng huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh (theo phụ lục số 1, 2, 3 kèm theo).
3. Hội đồng nhân dân tỉnh lưu ý một số vấn đề sau:
- Bảo đảm công khai, minh bạch trong việc phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
- UBND tỉnh cần rà soát, cơ cấu các khoản chi cho sát với nhiệm vụ thực tế của các cơ quan, đơn vị, xem xét cắt giảm, giãn các khoản chi chưa thực sự cần thiết, thực hiện tiết kiệm chi theo Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ; hạn chế tối đa việc bổ sung kinh phí cho chi thường xuyên.
- Trong từng ngành, lĩnh vực, chương trình, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án, công trình đã quyết toán, công trình hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng trước 31/12/2015 nhưng chưa bố trí đủ vốn; thanh toán nợ xây dựng cơ bản; các dự án dự kiến hoàn thành năm 2016; vốn đối ứng cho các dự án ODA theo tiến độ thực hiện dự án; bố trí vốn đầu tư tiếp tục thực hiện kiên cố hóa kênh mương.
- Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản cấp tỉnh quản lý 3.636,2 tỷ đồng (không bao gồm 1.441 tỷ đồng phân cấp về huyện, thành phố, thị xã quyết định đầu tư công trình). Phân bổ tổng vốn đầu tư theo cơ cấu (trong đó phân theo cơ cấu ngành, lĩnh vực, nhiệm vụ), chú trọng ưu tiên cho các công trình trọng điểm, công trình hạ tầng khu đô thị; khu, cụm công nghiệp; lĩnh vực y tế; giáo dục - đào tạo; hạn chế tối đa khởi công các công trình mới.
- Đối với nguồn vốn bổ sung trong năm dành cho chi đầu tư (ngoài số đã phân bổ chi tiết đầu năm); nguồn thu xổ số kiến thiết; nguồn tăng thu ngân sách tỉnh được hưởng, thưởng vượt thu (nếu có); điều chuyển vốn; nguồn phân bổ sau, UBND tỉnh lập phương án phân bổ, thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh trước khi quyết định, báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất, cụ thể:
+ Nguồn chi thường xuyên số tiền 3.377 tỷ đồng, trong đó: Các nhiệm vụ theo chính sách mới, tăng chỉ tiêu đào tạo các trường, lĩnh vực số tiền 25,6 tỷ đồng; kinh phí đào tạo giáo viên ngoại ngữ đạt chuẩn trong và ngoài nước số tiền 50 tỷ đồng); trang bị trường học theo mô hình trường học mới số tiền 150 tỷ đồng; kinh phí đề án dạy ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục số tiền 130 tỷ đồng; mua sắm trang thiết bị dạy nghề trong trường nghề số tiền 40 tỷ đồng; kinh phí thực hiện các dự án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực số tiền 130 tỷ đồng; nhiệm vụ quy hoạch các ngành, lĩnh vực số tiền 100 tỷ đồng; vốn ngân sách có tính chất đầu tư số tiền 150 tỷ đồng; kinh phí hỗ trợ thủy lợi phí số tiền 170 tỷ đồng; hỗ trợ hoạt động xe buýt số tiền 53,5 tỷ đồng; kinh phí phục vụ đối ngoại xúc tiến đầu tư số tiền 30 tỷ đồng; kinh phí thực hiện các chương trình chính sách mới sự nghiệp kinh tế số tiền 40,6 tỷ đồng; kinh phí ngân sách địa phương chi cho giao thông trường học số tiền 20 tỷ đồng; kinh phí thực hiện các chương trình kinh tế khác số tiền 23 tỷ đồng; kinh phí sự nghiệp dự kiến thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội số tiền 214 tỷ đồng; kinh phí hỗ trợ xuất khẩu nông sản (thanh long ruột đỏ) số tiền 75 tỷ đồng; kinh phí hỗ trợ sản xuất rau sạch bằng công nghệ hiện đại số tiền 75 tỷ đồng; kinh phí xử lý các điểm nguy cơ mất an toàn giao thông số tiền 80 tỷ đồng.