Nghị quyết 18/NQ-HĐND năm 2023 thông qua quy hoạch Thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Số hiệu 18/NQ-HĐND
Ngày ban hành 18/07/2023
Ngày có hiệu lực 18/07/2023
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Phạm Văn Lập
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/NQ-HĐND

Hải Phòng, ngày 18 tháng 7 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA QUY HOẠCH THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ 11

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch;

Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;

Căn cứ Quyết định số 1412/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Kết luận số 261-KL/TU ngày 13 tháng 7 năm 2023 của Hội nghị Thành ủy lần thứ 12 khóa XVI;

Xét Tờ trình số 98/TTr-UBND ngày 12 tháng 7 năm 2023 của Ủy ban nhân dân thành phố; Báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân thành phố; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch thành phố Hải Phòng) với một số nội dung chính như sau:

I. PHẠM VI, RANH GIỚI QUY HOẠCH

Phạm vi, ranh giới Quy hoạch thành phố Hải Phòng bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền thành phố Hải Phòng và phần không gian biển được xác định theo Luật Biển Việt Nam năm 2012, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ CÁC ĐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm phát triển

a) Quy hoạch thành phố Hải Phòng phải phù hợp với định hướng, tầm nhìn phát triển đất nước, tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của cả nước, các quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng; cụ thể hóa tư tưởng chỉ đạo về phát triển thành phố của Đảng và Nhà nước; chủ động nắm bắt cơ hội, phát huy lợi thế đặc biệt về cảng biển của thành phố đối với cả miền Bắc, lợi thế nằm trên “hai hành lang một vành đai kinh tế” giữa Việt Nam và Trung Quốc, xây dựng Hải Phòng thành thành phố cảng biển lớn, một trung tâm kết nối trong nước và quốc tế, phát triển “ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở Châu Á”, là động lực phát triển của vùng và cả nước.

b) Mở rộng không gian khu kinh tế ven biến, phát triển nhanh các ngành kinh tế biển, lĩnh vực khoa học - công nghệ biển để Hải Phòng thực sự đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước, sớm trở thành thành phố có công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn, gắn với chuyển đổi số, góp phần quan trọng vào việc xây dựng vùng đồng bằng sông Hồng thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước.

c) Phân bố không gian phát triển hợp lý, gắn kết chặt chẽ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với đô thị hóa, phát triển thành phố Hải Phòng trở thành đô thị loại đặc biệt, xanh, thông minh. Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, trước hết là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối thông suốt cảng biển với các các vùng nội địa, làm cơ sở cho việc phát triển mạnh dịch vụ logistics và hạ tầng phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số.

d) Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh và đối ngoại, góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo quốc gia; đảm bảo an toàn cuộc sống và sản xuất của người dân, doanh nghiệp cả trên đất liền và trên biển, đảo; thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế, tận dụng nguồn lực quốc tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

đ) Sử dụng hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên, phát triển kinh tế xanh, bảo đảm môi trường tự nhiên xanh, sạch, đẹp và hấp dẫn; phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu đến năm 2030

- Mục tiêu tổng quát:

Xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số; là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; có công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững; có dịch vụ phát triển hiện đại, là trung tâm du lịch biên quốc tế, kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường hàng không và đường thủy nội địa; trung tâm logistics quốc tế; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở Châu Á; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững.

- Mục tiêu cụ thể:

+ Về kinh tế:

(1) Tỷ trọng đóng góp GRDP của thành phố Hải Phòng vào tổng sản phẩm (GDP) của cả nước đạt khoảng 6,8%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 tăng khoảng 13,5%/năm, trong đó: Công nghiệp - xây dựng tăng khoảng 15,3%/năm (công nghiệp tăng 15,8%/năm, xây dựng tăng 12,2%/năm); dịch vụ tăng khoảng 12,5%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khoảng 0,9%/năm;

[...]