Nghị quyết 17/2011/NQ-HĐND về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 do tỉnh Bình Thuận ban hành

Số hiệu 17/2011/NQ-HĐND
Ngày ban hành 14/12/2011
Ngày có hiệu lực 24/12/2011
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Nguyễn Mạnh Hùng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2011/NQ-HĐND

Bình Thuận, ngày 14 tháng 12 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ THỜI KỲ CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA GIAI ĐOẠN 2011 - 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ 3

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Chỉ thị số 1971/CT-TTg ngày 27/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân tộc thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

Căn cứ Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc;

Sau khi xem xét Tờ trình số 5643/TTr-UBND ngày 29/11/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

Điều 1. Nhất trí thông qua Tờ trình của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020, với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Mục tiêu chung:

- Tiếp tục huy động nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số một cách toàn diện; phấn đấu rút ngắn khoảng cách phát triển giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số với các vùng, miền khác trong tỉnh;

- Tập trung khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất nông, lâm nghiệp; gắn sản xuất, trồng trọt với đẩy mạnh phát triển chăn nuôi và ngành nghề, dịch vụ; tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững; không ngừng cải thiện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số;

- Đẩy mạnh và đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu, đúng thực chất. Gắn phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa với tiếp tục đầu tư cải tạo, xây dựng và phát huy có hiệu quả các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế, văn hóa và xây dựng nông thôn mới;

- Giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; đặc biệt giữ vững và không ngừng phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Về kinh tế:

- Về sản xuất: phát huy những thành quả đã đạt được về giải quyết đất sản xuất, vay vốn chăn nuôi bò, giao khoán bảo vệ rừng của Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa X). Quản lý và sử dụng có hiệu quả gần 15.000 ha đất sản xuất hiện có và giao khoán bảo vệ rừng ổn định 89.000 ha để tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho đồng bào; đến cuối năm 2014, hoàn thành và kết thúc việc rà soát tìm quỹ đất để giải quyết cho số hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu đất sản xuất theo điều kiện từng địa phương;

- Về đầu tư kết cấu hạ tầng: đến năm 2015 có 80% và đến năm 2020 có 100% đường giao thông từ trung tâm xã đến thôn, bản được kiên cố hóa; đến năm 2015 có trên 50% và đến năm 2020 có trên 70% đường trục giao thông thôn, bản và đường giao thông vào các khu sản xuất tập trung được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải. Đến năm 2015 hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh; trên 70% km kênh mương do xã quản lý được kiên cố hóa; 100% diện tích lúa nước được đảm bảo nước tưới. Đến năm 2015 có trên 95% số hộ và đến năm 2020 có trên 98% số hộ được dùng nước sạch hợp vệ sinh theo chuẩn quốc gia. Đến năm 2015 có trên 98% hộ và đến năm 2020 có 99,5% hộ được sử dụng điện; đến năm 2015 hoàn thành 3 khu và đến năm 2020 hoàn thành 5 khu dân cư nông thôn mới theo dự án định canh, định cư.

b) Về văn hóa - xã hội:

- Về lĩnh vực văn hóa: đến năm 2015 có 100% hộ được xem truyền hình, nghe đài phát thanh; 100% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; có trên 40% và đến năm 2020 có trên 70% thôn, bản được công nhận và giữ vững danh hiệu thôn, bản văn hóa; đến năm 2015 có 40% và đến năm 2020 có 60% nhà văn hóa và khu thể thao thôn, bản đạt quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; thu hút trên 25% người dân tham gia hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở;

- Về công tác giảm nghèo: phấn đấu đến năm 2015, giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí hiện nay) còn dưới 15% đối với vùng cao và dưới 7% đối với vùng đồng bào dân tộc Chăm, Tày, Nùng, Hơ Rê; đến năm 2020 phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí giai đoạn 2016 - 2020) thấp hơn năm 2015; không còn nhà tạm, dột nát. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 tăng 1,8 lần so với năm 2010 và năm 2020 tăng 2 lần so với năm 2015;

- Về phát triển giáo dục và đào tạo: đến năm 2015, giữ vững và duy trì kết quả đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở; phổ cập mầm non cho trẻ em 5 tuổi; đảm bảo đạt tỷ lệ huy động học sinh ra lớp đúng độ tuổi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phấn đấu đến năm 2020 có 100% xã đủ các loại hình trường, lớp từ mầm non đến trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất theo quy định;

- Về lĩnh vực y tế: đến năm 2015 giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm còn dưới 20%; tỷ lệ trẻ em dưới 01 tuổi được tiêm đầy đủ 8 loại vắcxin phòng bệnh hàng năm đạt trên 95%; số hộ có hố xí hợp vệ sinh đạt trên 85%, tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế đạt trên 60%, trong đó có 100% người nghèo được cấp thẻ BHYT miễn phí. Kiểm soát ngăn chặn các dịch bệnh nguy hiểm. Đến năm 2020 đạt các mục tiêu do ngành y tế quy định.

c) Về đào tạo nguồn nhân lực:

- Đa dạng hóa, phát triển nhanh các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số; phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 35%; đến năm 2020 đạt trên 50%;

- Thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Phấn đấu đến năm 2015 có 80% và đến năm 2020 có 100% đội ngũ cán bộ cơ sở đạt chuẩn theo quy định.

3. Nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu:

a) Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của từng xã gắn với quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch xây dựng nông thôn mới đến năm 2020; trong đó, chú ý quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có theo hướng văn minh, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp;

b) Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện lợi thế từng địa bàn, từng vùng; trong đó, cần hết sức coi trọng khâu chọn giống và đối tượng cây trồng vật nuôi trên cơ sở tổng kết thực tiễn quá trình sản xuất thời gian qua; gắn với tăng cường công tác khuyến nông để thúc đẩy sản xuất đạt hiệu quả. Tiến hành khẩn trương, tích cực việc giải quyết đất sản xuất, đối tượng chính là những hộ đồng bào dân tộc thiểu số vào thời điểm thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa X) thiếu đất sản xuất. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách về giao khoán bảo vệ rừng đi đôi với kiên quyết không để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng;

[...]