Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Nghị quyết 17/2006/NQ-HĐND về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bình Dương 5 năm 2006 – 2010

Số hiệu 17/2006/NQ-HĐND
Ngày ban hành 18/12/2006
Ngày có hiệu lực 19/12/2006
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Vũ Minh Sang
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2006/NQ-HĐND

Thủ Dầu Một, ngày 18 tháng 12 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI TỈNH BÌNH DƯƠNG 5 NĂM 2006 – 2010

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
KHÓA VII – KỲ HỌP THỨ 7

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Sau khi xem xét Tờ trình số 6098/TTr-UBND ngày 21 tháng 11 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương về đề nghị phê chuẩn Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương 5 năm 2006 – 2010; Báo cáo thẩm tra số 51/BC-HĐND-KTNS ngày 04 tháng 12 năm 2006 của Ban Kinh tế - Ngân sách và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản tán thành nội dung đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001 - 2005; phương hướng, nhiệm vụ và các chỉ tiêu, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 đã nêu trong báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh và Báo cáo thẩm tra số 51/BC-HĐND-KTNS của Ban Kinh tế - Ngân sách. Đồng thời quyết nghị:

1. Về đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001 – 2005:

Trong điều kiện có nhiều thuận lợi, khó khăn đan xen, cùng với sự nỗ lực quyết tâm phấn đấu cao của các cấp, các ngành trong tỉnh và được sự chỉ đạo kịp thời của các Bộ ngành Trung ương, trong 5 năm 2001 - 2005, kinh tế - xã hội tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, những chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ khóa VII đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 15,3%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 35,6%, dịch vụ tăng 15,5%, nông nghiệp tăng 6,2%, cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp đạt tương ứng 63,8% - 28,2% - 8%, chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ và giảm tỉ trọng ngành nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người đạt 15,4 triệu đồng/năm. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống nhân dân được nâng cao. Quốc phòng - an ninh được giữ vững và ổn định.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, kinh tế - xã hội tỉnh vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định như: kinh tế tăng trưởng chưa bền vững, giá trị gia tăng còn thấp; ngành dịch vụ phát triển chưa tương xứng; Lĩnh vực văn hóa - xã hội mặc dù có nhiều tiến bộ nhưng chưa đáp ứng kịp nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân; phát triển đô thị còn mang tính tự phát, thiếu đồng bộ…; công tác quy hoạch chưa được chú trọng về chất lượng quy hoạch; chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, thiếu lao động trình độ cao ở hầu hết các lĩnh vực; đội ngũ công nhân chủ yếu là lao động ngoài tỉnh, chưa được đào tạo cơ bản; tình trạng ô nhiễm môi trường có dấu hiệu ngày càng gia tăng.

2. Về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010:

a) Mục tiêu tổng quát

Mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2006 - 2010 là tạo ra bước đột phá mới nhằm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống dân cư, góp phần cải thiện đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của người dân trong tỉnh. Phấn đấu tăng tỉ trọng GDP của tỉnh trong GDP của toàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tăng trưởng kinh tế gắn với đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo được phát triển bền vững. Tạo ra sự chuyển biến cơ bản về văn hóa, giáo dục, y tế,…rút ngắn chênh lệch về đời sống giữa thành thị và nông thôn. Phát triển công nghiệp theo hướng ứng dụng các công nghệ hiện đại vào sản xuất. Đa dạng hóa và từng bước nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ, hình thành thị trường tài chính, bất động sản,… Thực hiện tốt việc cải cách hành chính, đẩy lùi nạn tham nhũng, xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng.

b) Các mục tiêu chủ yếu

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 là bước cụ thể hóa các nội dung về quy hoạch, chiến lược và những định hướng phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Phát triển kinh tế với tốc độ cao, bền vững, tạo nền tảng đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức gắn với hội nhập vùng, khu vực và quốc tế.

Đến quý I năm 2007, thị xã Thủ Dầu Một trở thành đô thị loại III và năm 2010 thị xã Thủ Dầu Một thành đô thị loại II trực thuộc tỉnh.

Giải quyết việc làm cho khoảng 10.000 lao động tăng thêm hàng năm, giảm tỉ lệ lao động thất nghiệp, tăng tỉ trọng lao động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Nâng cao chất lượng công tác giáo dục - đào tạo. Chú trọng hơn công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; tăng tuổi thọ, chiều cao và cân nặng; giảm các bệnh nhiễm khuẩn, không để xảy ra các dịch bệnh lớn.

Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ ở cả đô thị và nông thôn, tập trung xây dựng các trục đường giao thông huyết mạch, phát triển hệ thống giao thông nông thôn, xóa điện kế tổng, cung cấp điện và nước sạch đến các vùng nông thôn.

Phát triển kinh tế gắn với ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

c) Các chỉ tiêu chủ yếu

Về kinh tế:

- Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm 15%.

- GDP bình quân đầu người đạt khoảng 30 triệu đồng vào năm 2010.

- Cơ cấu kinh tế của tỉnh công nghiệp - dịch vụ - nông lâm nghiệp với tỉ trọng tương ứng 65,5% - 30% - 4,5%.

- Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hàng năm 29 - 30%, nông nghiệp tăng 5,5 - 6%, dịch vụ tăng 18 - 20%.

[...]