Nghị quyết số 163-CP về cuộc vận động “Nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu” do Hội đồng Chính phủ ban hành.

Số hiệu 0163-CP
Ngày ban hành 25/10/1963
Ngày có hiệu lực 09/11/1963
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký ***
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

*******

Số: 163-CP

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

*******

Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 1963

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CUỘC VẬN ĐỘNG NÂNG CAO Ý THỨC TRÁCH NHIỆM, TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ KINH TẾ TÀI CHÍNH, CẢI TIẾN KỸ THUẬT, CHỐNG THAM Ô, LÃNG PHÍ, QUAN LIÊU

Từ ngày hòa bình được lập lại đến nay, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Trung ương Đảng và Chính phủ, với sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, nhân dân miền Bắc nước ta đã phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn và đã “giành được những thắng lợi to lớn trong công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và đang ra sức thực hiện một bước công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, bước đầu xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội”.

Trong một thời gian tương đối ngắn, thành phần kinh tế quốc doanh đã được xây dựng và phát triển nhanh chóng trong tất cả các ngành. Công nghiệp quốc doanh trung ương đang được xây dựng và phát triển, ngày càng phát huy tác dụng lãnh đạo trong nền kinh tế quốc dân. Cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội đang dần dần được xây dựng. Trên cơ sở quan hệ sản xuất được đổi mới và cơ sở vật chất và kỹ thuật được tăng cường một bước, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và nói chung mọi hoạt động kinh tế tài chính của ta đang phát triển khá nhanh. Đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật, cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật đã lớn hơn trước cả về số lượng và chất lượng.

Công tác quản lý kinh tế tài chính đã được nâng cao một bước. Trình độ kế hoạch hóa, quản lý sản xuất, quản lý kinh doanh, hạch toán kinh tế có những tiến bộ. Nhiều chính sách, chế độ thể lệ cụ thể về kinh tế tài chính đã được ban hành nhằm đưa công tác quản lý dần dần đi vào nền nếp. Các cơ sở và các ngành cũng được quản lý tập trung và thống nhất dần dần lại. Đáng chú ý là việc thực hiện hạch toán kinh tế từ năm 1957, cuộc vận động cải tiến chế độ quản lý xí nghiệp quốc doanh năm 1959 và bản điều lệ về chế độ giám đốc phụ trách quản lý xí nghiệp của Hội đồng Chính phủ ban hành năm 1962 đã có tác dụng quan trọng đối với công tác quản lý kinh tế tài chính. Công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các ngành, các cấp cũng có tiến bộ hơn trước.

Với những tiến bộ nói trên, các ngành và các cơ sở đã phấn đấu hoàn thành, kế hoạch Nhà nước, làm cho sản xuất và kinh doanh phát triển thuận lợi và nhanh chóng.

Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày càng phát triển, quy mô sản xuất và xây dựng ngày càng mở rộng. Phát huy những khả năng mới và thuận lợi mới chúng ta ra sức phấn đấu để khắc phục những khó khăn, những nhược điểm và khuyết điểm trong công tác quản lý kinh tế tài chính.

Quan hệ sản xuất mới tuy đã hình thành nhưng chưa được củng cố và hoàn thiện. Cơ sở vật chất và kỹ thuật mới bắt đầu được xây dựng, đang còn yếu.

Kinh nghiệm về quản lý Nhà nước nhất là về quản lý kinh tế tài chính của ta còn ít. Năng lực quản lý và trình độ hiểu biết về khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ của cán bộ và công nhân ta còn non kém.

Ý thức giác ngộ xã hội chủ nghĩa và quan điểm kinh doanh xã hội chủ nghĩa của cán bộ và công nhân chưa được bồi dưỡng và nâng lên kịp với yêu cầu. Tinh thần trách nhiệm chưa đầy đủ, kỷ luật lao động còn lỏng lẻo.

Tổ chức quản lý từ trên xuống dưới còn nhiều chỗ bất hợp lý, chế độ quản lý còn lỏng lẻo tạo nên nhiều sơ hở trong quản lý sản xuất và kinh doanh. Phương hướng, nhiệm vụ sản xuất và kinh doanh của nhiều cơ sở và một số ngành kinh tế chưa được xác định đầy đủ và cụ thể cho phù hợp với tình hình phát triển hiện nay. Tổ chức quản lý còn có nhiều cấp trung gian, nhiều đầu mối, quá phân tán, không phù hợp với yêu cầu quản lý tập trung thống nhất trong một xí nghiệp. Bộ máy quản lý của các ngành, các đơn vị cồng kềnh, chức năng của từng bộ môn, trách nhiệm của mỗi cá nhân chưa rõ ràng. Bệnh quan liêu, giấy tờ nặng. Giây chuyền sản xuất, tổ chức lao động chưa được bố trí hợp lý, chưa phát huy mạnh mẽ công suất của thiết bị và khả năng lao động của công nhân. Chế độ thủ trưởng phụ trách quản lý xí nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, công nhân tham gia quản lý, chưa được quán triệt và thực hiện đúng đắn. Nhiều chính sách, thể lệ, chế độ về kinh tế tài chính chưa được chấp hành nghiêm chỉnh và có nhiều trường hợp bị vi phạm nghiêm trọng. Trong các chính sách, chế độ, thể lệ đã ban hành, có điểm chưa hợp lý hoặc chưa đầy đủ nhưng cũng chưa được sửa đổi và bổ sung. Có nhiều chính sách, chế độ cần thiết chưa được nghiên cứu ban hành. Các mặt nghiệp vụ quản lý còn yếu nhất là về quản lý kỹ thuật. Chất lượng hạch toán kinh tế còn thấp, chưa phản ánh được chính xác và kịp thời mọi hoạt động kinh tế của các ngành, các đơn vị.

Việc hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật chưa được coi trọng đúng mức, tiến bộ kỹ thuật còn chậm.

Sự chỉ đạo của các ngành, các cấp đối với các cơ sở chưa được toàn diện, thiếu sâu sát và kịp thời. Công tác kế hoạch hóa kinh tế quốc dân còn yếu, chưa được cải tiến và tăng cường đúng mức để bảo đảm sự phát triển cân đối của các ngành kinh tế và văn hóa.

Tình hình trên đã làm cho sản xuất và kinh doanh phát triển chưa được mạnh mẽ. Công suất của các thiết bị, máy móc sử dụng chưa được tốt, “năng suất lao động chung tăng chậm, giá thành còn cao, chất lượng còn kém, hiệu quả kinh tế đạt được còn thấp. Tệ tham ô, lãng phí, quan liêu xảy ra khá phổ biến, có nơi khá nghiêm trọng, đã gây nhiều thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân ta”.

Để phát huy mọi khả năng và thuận lợi và khắc phục những khuyết điểm, nhược điểm hiện nay nhằm đẩy mạnh sản xuất phát triển và cải thiện đời sống nhân dân, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ra nghị quyết về cuộc vận động “nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”. Quốc hội trong kỳ họp thứ 6 khóa II đã ra nghị quyết nhất trí tán thành chủ trương tiến hành cuộc vận động này.

Để thi hành nghị quyết của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng và nghị quyết của Quốc hội, từ nay cho đến cuối năm 1965, Hội đồng Chính phủ quyết định mở rộng cuộc vận động này trong khu vực kinh tế quốc doanh, trong các đơn vị sự nghiệp và cơ quan hành chính các cấp. Cuộc vận động này cùng với cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật trong nông nghiệp, sẽ có tác dụng to lớn là đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội và cải thiện đời sống nhân dân, đưa miền Bắc tiến nhanh tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội làm cơ sở vững mạnh cho công cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.

Hội đồng Chính phủ hoàn toàn nhất trí với mục đích và yêu cầu của cuộc vận động này do Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra trong bản nghị quyết số 83-QN-TƯ. Trên cơ sở đó Hội đồng Chính phủ quyết định cụ thể về yêu cầu và trách nhiệm của các ngành, các cấp, và cách tiến hành cuộc vận động.

“A. Mục đích của cuộc vận động này là: tăng cường và cải tiến quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, nhằm đẩy mạnh sản xuất phát triển, tăng năng suất lao động xã hội, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, tích cực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, tiếp tục hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa và cải thiện đời sống của nhân dân”.

Trước mắt, cuộc vận động này nhằm động viên toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất về phát triển kinh tế quốc dân.

“B. Yêu cầu chung của cuộc vận động: trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm 1965, làm cho các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, đến các cơ sở, quán triệt đường lối và nhiệm vụ cách mạng hiện nay, ra sức thực hiện một sự chuyển biến cách mạng trên các mặt tư tưởng và tổ chức, đưa công tác quản lý kinh tế tài chính tiến lên trình độ mới, theo đúng quan điểm và nguyên tắc quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa. Đây là một cuộc đấu tranh cách mạng nhằm xóa bỏ những tư tưởng, những thói hư tật xấu của giai cấp tư sản, những tàn dư của chế độ bóc lột, khắc phục ảnh hưởng của những tập quán kinh doanh cá thể, nhằm hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật, phát triển lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế toàn diện và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cụ thể là:

1. “Bồi dưỡng và nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa và quan điểm quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa:

Tăng cường giáo dục chính trị và tư tưởng, làm cho cán bộ, công nhân, viên chức quán triệt nghị quyết đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng và các nghị quyết hội nghị lần thứ 5, thứ 7, thứ 8 của Trung ương Đảng. Trên cơ sở đó, nâng cao giác ngộ giai cấp, xây dựng và bồi dưỡng quan điểm quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa, phát huy mạnh mẽ ý thức làm chủ tập thể của mọi người, nâng cao nhiệt tình cách mạng, nâng cao ý thức trách nhiệm, ý thức tổ chức và kỷ luật, tinh thần tự lực cánh sinh và cần kiệm xây dựng nước nhà.

- Kiên quyết và bền bỉ đấu tranh chống mọi tư tưởng và hành động trái với quan điểm và nguyên tắc quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa, nhất là tình trạng quản lý phân tán, vô tổ chức.

- Tăng cường đoàn kết nhất trí, ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, thi đua làm nhiều, nhanh, tốt, rẻ.

2. “Tăng cường và cải tiến tổ chức quản lý và nghiệp vụ quản lý:

“Xác định rõ ràng phương hướng, nhiệm vụ sản xuất và kinh doanh của mỗi đơn vị, mỗi ngành”.

- Chấn chỉnh và củng cố tổ chức của các cấp, các ngành, các đơn vị cho hợp lý, mạnh mẽ, gọn, nhẹ, phù hợp với nguyên tắc quản lý tập trung thống nhất và tập trung dân chủ. Quy định rõ ràng chức năng và trách nhiệm của từng tổ, từng cá nhân. Tinh giản biên chế, cải tiến tác phong lãnh đạo và lề lối làm việc, cải tiến tác phong lãnh đạo và lề lối làm việc, khắc phục tình trạng quan liêu, sự vụ, giấy tờ, hội họp quá nhiều.

- Đưa vào nền nếp và quy củ việc chấp hành các chính sách, chế độ, thể lệ về kinh tế tài chính. Bổ sung những điểm còn thiếu, sửa đổi những điểm chưa hợp lý. Nghiên cứu và ban hành các chính sách, chế độ, thể lệ cần thiết. Đưa công tác kiểm tra vào chế độ thường xuyên.

[...]