Nghị quyết 15-NQ/TW năm 2002 đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001 - 2010 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành

Số hiệu 15-NQ/TW
Ngày ban hành 18/03/2002
Ngày có hiệu lực 18/03/2002
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Ban Chấp hành Trung ương
Người ký ***
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BAN CHẤP HÀNH
TRUNG ƯƠNG ĐẢNG
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 15-NQ/TW

Hà Nội, ngày 18 tháng 3 năm 2002

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ ĐẨY NHANH CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN THỜI KỲ 2001 - 2010

I- ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN

Hơn 10 năm qua, nông nghiệp nước ta về cơ bản đã chuyển sang sản xuất hàng hoá, phát triển tương đối toàn diện, tăng trưởng khá (bình quân 4,2%/năm). Công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ ở nông thôn bước đầu phục hồi và phát triển; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư xây dựng, môi trường sinh thái và đời sống nông dân ở hầu hết các vùng được cải thiện rõ rệt. Quan hệ sản xuất từng bước đổi mới phù hợp với yêu cầu phát triển nền nông nghiệp hàng hoá; hệ thống chính trị ở cơ sở được tăng cường, dân chủ được phát huy tốt hơn; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn được bảo đảm. Những thành tựu đó góp phần rất quan trọng vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Tuy vậy, cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn chuyển dịch chậm, chưa theo sát với thị trường. Sản xuất nông nghiệp ở nhiều nơi còn phân tán, manh mún, mang nhiều yếu tố tự phát; ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất chậm; trình độ khoa học, công nghệ của sản xuất nhiều mặt còn lạc hậu nên năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều sản phẩm nông nghiệp còn thấp, kém hiệu quả và thiếu bền vững. Công nghiệp ở nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản phát triển chậm; ngành nghề và dịch vụ chưa thu hút được nhiều lao động; lao động còn phổ biến là thủ công, tỉ lệ qua đào tạo thấp, thiếu việc làm nghiêm trọng. Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống ở một số vùng, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Quan hệ sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp hàng hoá theo cơ chế mới. Đời sống vật chất, văn hoá của nhân dân ở nhiều vùng nông thôn còn thấp kém, chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng đang tăng lên.

Những yếu kém trên có nguyên nhân khách quan là do xuất phát từ một nền nông nghiệp lạc hậu, lại trải qua nhiều năm chiến tranh, nông dân và nông thôn nước ta còn nghèo, thiếu vốn, dân trí thấp, gặp nhiều khó khăn trong việc trang bị máy móc, thiết bị và áp dụng thành tựu khoa học - công nghệ mới vào sản xuất, tiếp cận và đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Nhưng có những nguyên nhân chủ quan như : Nhận thức về vai trò, vị trí của công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn chưa đầy đủ và chưa sâu sắc. Nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng về công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn chưa được thực hiện nghiêm túc. Một số cơ chế, chính sách chưa phù hợp, chậm được điều chỉnh kịp thời, nhất là chính sách về đất đai, tín dụng, khoa học, công nghệ và thị trường. Hệ thống quản lý, chỉ đạo phát triển nông nghiệp và nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất hàng hoá và xây dựng nông thôn mới. Công tác quy hoạch, kế hoạch chất lượng thấp, chưa phù hợp với yêu cầu của cơ chế thị trường. Đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn tuy đã có nhiều cố gắng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác nghiên cứu và triển khai khoa học, công nghệ phục vụ nông nghiệp, nhất là giống cây trồng, vật nuôi và chế biến nông, lâm, thuỷ sản chưa được quan tâm chỉ đạo chặt chẽ. Thực tiễn công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn chậm được tổng kết. Việc nghiên cứu vận dụng các kinh nghiệm về công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và kinh nghiệm quản lý tiên tiến của các nước vào điều kiện nước ta còn nhiều hạn chế.

II- NỘI DUNG TỔNG QUÁT, QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1- Nội dung tổng quát của công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn

- Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá lớn, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường; thực hiện cơ khí hoá, điện khí hoá, thuỷ lợi hoá, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ, trước hết là công nghệ sinh học đưa thiết bị, kỹ thuật và công nghệ hiện đại vào các khâu sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nông sản hàng hoá trên thị trường.

- Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng nhanh tỉ trọng giá trị sản phẩm và lao động các ngành công nghiệp và dịch vụ; giảm dần tỉ trọng sản phẩm và lao động nông nghiệp; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái; tổ chức lại sản xuất và xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp; xây dựng nông thôn dân chủ, công bằng, văn minh, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân ở nông thôn.

2- Những quan điểm về đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn

- Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Phát triển công nghiệp, dịch vụ phải gắn bó chặt chẽ, hỗ trợ đắc lực và phục vụ có hiệu quả cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

- Ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất, chú trọng phát huy nguồn lực con người, ứng dụng rộng rãi thành tựu khoa học, công nghệ; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát huy lợi thế của từng vùng gắn với thị trường để sản xuất hàng hoá quy mô lớn với chất lượng và hiệu quả cao; bảo vệ môi trường, phòng chống, hạn chế và giảm nhẹ thiên tai, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

- Dựa vào nội lực là chính, đồng thời tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài, phát huy tiềm năng của các thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc; phát triển mạnh mẽ kinh tế hộ sản xuất hàng hoá, các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nông thôn.

- Kết hợp chặt chẽ các vấn đề kinh tế và xã hội trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn nhằm giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, ổn định xã hội và phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của người dân nông thôn, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; giữ gìn, phát huy truyền thống văn hoá và thuần phong mỹ tục.

- Kết hợp chặt chẽ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn với xây dựng tiềm lực và thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thể hiện trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của các ngành, các địa phương. Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, ổn định dân cư các vùng xung yếu, vùng biên giới, cửa khẩu, hải đảo phù hợp với chiến lược quốc phòng và chiến lược an ninh quốc gia.

3- Mục tiêu

Mục tiêu tổng quát và lâu dài của công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn, hiệu quả và bền vững, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; xây dựng nông thôn ngày càng giàu đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh, có cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất phù hợp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển ngày càng hiện đại.

Từ nay đến năm 2010 tập trung mọi nguồn lực để thực hiện một bước cơ bản mục tiêu tổng quát và lâu dài đó.

III- NHỮNG CHỦ TRƯƠNG VÀ GIẢI PHÁP LỚN

A- Về chủ trương

1- Phát triển lực lượng sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn

- Về nông nghiệp :

Bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo trên cơ sở hình thành các vùng sản xuất lúa chất lượng cao, giá thành hạ, gắn với chế biến và tiêu thụ.

Phát triển sản xuất và chế biến các loại nông sản hàng hoá xuất khẩu có lợi thế của từng vùng, với quy mô hợp lý; tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm này (như lúa gạo, thủy sản, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, chè, cao su, rau quả nhiệt đới, thịt lợn...) trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đối với những mặt hàng còn đang phải nhập khẩu nhưng trong nước có điều kiện sản xuất có hiệu quả (như ngô, bông, đậu tương, thuốc lá, dầu ăn, sữa, bột giấy...) cần phát triển sản xuất hợp lý ở các vùng để từng bước thay thế nhập khẩu.

Đối với cây lương thực : Xây dựng các vùng sản xuất tập trung lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng; vùng ngô ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, trung du, miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long; sử dụng các giống mới có năng suất cao, chất lượng phù hợp với yêu cầu thị trường, áp dụng các biện pháp đồng bộ để hạ giá thành; phát triển công nghệ bảo quản, công nghiệp chế biến. Đối với một số địa phương miền núi dân cư phân tán, sản xuất hàng hoá chưa phát triển, kết cấu hạ tầng yếu kém, điều kiện vận chuyển, cung ứng lương thực gặp nhiều khó khăn, nhưng có điều kiện sản xuất lương thực thì Nhà nước ưu tiên đầu tư thuỷ lợi nhỏ, xây dựng ruộng bậc thang và hỗ trợ giống tốt để đồng bào sản xuất lúa, màu, bảo đảm ổn định đời sống.

[...]