Nghị quyết 15/NQ-HĐND năm 2023 kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết 12/NQ-HĐND phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và Nghị quyết 05/NQ-HĐND về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững tỉnh Đắk Nông đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
Số hiệu | 15/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 06/07/2023 |
Ngày có hiệu lực | 06/07/2023 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Đắk Nông |
Người ký | Y Quang BKrông |
Lĩnh vực | Thương mại,Tài nguyên - Môi trường |
HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/NQ-HĐND |
Đắk Nông, ngày 06 tháng 7 năm 2023 |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK NÔNG
KHÓA IV, KỲ HỌP THỨ 6
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và Đại biểu Hội đồng nhân dân;
Căn cứ Nghị quyết số 29/NQ-HĐND ngày 26 tháng 7 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh năm 2023;
Căn cứ Nghị quyết số 68/NQ-HĐND ngày 14 tháng 12 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về thành lập Đoàn giám sát kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-HĐND ngày 02/8/2018 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và Nghị quyết số 05/NQ-HĐND ngày 02/8/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững tỉnh Đắk Nông đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 56/BC-ĐGS ngày 04 tháng 7 năm 2023 của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành báo cáo kết quả giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-HĐND ngày 02/8/2018 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và Nghị quyết số 05/NQ-HĐND ngày 02/8/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững tỉnh Đắk Nông đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và thống nhất nhận định như sau:
Sau khi Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 02 Nghị quyết, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 02 Quyết định giao nhiệm vụ cụ thể cho Sở, ngành, địa phương tổ chức, thực hiện. Qua gần 05 năm, 02 Nghị quyết đã có những tác động tích cực đến sự phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh, nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc lựa chọn giống cây con, cũng như ứng dụng các mô hình mới tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp. Một số sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn đã dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường, xuất khẩu qua các thị trường như EU, Nhật Bản và xuất bán đi một số siêu thị trong nước; kết quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong thời gian qua đã góp phần quan trọng, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và thị trường.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình tổ chức, triển khai thực hiện còn một số tồn tại, hạn chế như: Nhiều chỉ tiêu, mục tiêu, nội dung của 02 Nghị quyết không đạt được như: Nghị quyết số 12/NQ-HĐND ngày 02/8/2018 đến năm 2035 phải hình thành 55 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng việc quy hoạch, tích tụ ruộng đất tại các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hầu như không triển khai được; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh gặp nhiều vướng mắc trong thủ tục đất đai, đầu tư xây dựng hạ tầng nên chưa phát huy được hiệu quả như mục tiêu đề ra. Đến năm 2022 mới công nhận được 04 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 ước đạt 1,5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu là 5-7%; tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn chậm, trong đó phần lớn các chỉ tiêu tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi đều không đạt (như cây cao su, cây ăn quả, cây mắc ca, đàn bò, gia cầm...); sản phẩm nông nghiệp chế biến sâu còn thấp; chất lượng sản phẩm chưa cao, chưa có thị trường tiêu thụ ổn định...
Để dẫn đến những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do một số nguyên nhân cơ bản sau: Đa số các Sở, ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về tổ chức thực hiện 02 Nghị quyết; một số chỉ tiêu, nội dung đề ra trong 02 Nghị quyết chưa sát với điều kiện thực tiễn; công tác quy hoạch, định hướng sản xuất chưa hiệu quả, dự báo thị trường còn yếu; chưa cân đối và bố trí đảm bảo nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; người sản xuất nông nghiệp vẫn còn giữ lề lối sản xuất nhỏ lẻ, manh mún chạy theo xu hướng thị trường; chưa có tư duy hợp tác trong sản xuất, hình thành chuỗi liên kết; công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên, công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa chặt chẽ...
Điều 2. Để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trở thành một trong ba trụ cột của nền kinh tế tỉnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XII đề ra trong thời gian tới. Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, các huyện, thành phố tiến hành rà soát, khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong Báo cáo của Đoàn giám sát, đồng thời tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
1. Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh
1.1. Kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ xem xét, sửa đổi Quyết định số 66/2015/QĐ-TTg ngày 25/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số tiêu chí công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho phù hợp với điều kiện, tình hình kinh tế địa phương; chỉ đạo các Bộ, ngành sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy hoạch khoáng sản ảnh hưởng đến việc triển khai nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, trong đó có các dự án đầu tư về lĩnh vực nông nghiệp; quan tâm, sớm bố trí kinh phí cho địa phương để triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, dự án thuộc ngành nông nghiệp đã được phê duyệt; chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu tham mưu Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế rừng, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng diện tích đất đang bị lấn, chiếm thuộc quy hoạch lâm nghiệp.
1.2. Đánh giá nghiêm túc, đầy đủ việc tổ chức thực hiện 02 Nghị quyết của HĐND tỉnh để xem xét kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đảm bảo theo đúng chủ trương chỉ đạo tại Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 23/10/2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII; Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 17/8/2022 của Tỉnh ủy và phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương.
1.3. Kiểm tra, đánh giá hiệu quả và sớm xử lý các khó khăn, vướng mắc tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh nhằm phát huy hiệu quả của dự án như mục tiêu đề ra.
1.4. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, kiểm tra không bố trí, sử dụng nguồn vốn sự nghiệp ngân sách tỉnh năm 2023 để chi các nội dung không đúng theo 02 Nghị quyết quy định; tập trung nguồn lực để đối ứng 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, vì hiện nay các chương trình mục tiêu quốc gia có hỗ trợ nhiều lĩnh vực nông nghiệp.
1.5. Chỉ đạo các Sở, Ban, ngành nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc triển khai 02 Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh; kiểm tra, rà soát đánh giá cụ thể trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ đã được Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho từng đơn vị, địa phương tại Quyết định số 1635/QĐ-UBND ngày 16/11/2018 và Quyết định số 02/QĐ-UBND ngày 03/01/2019.
1.6. Nghiên cứu sửa đổi Quyết định số 15/2019/QĐ-UBND ngày 07/6/2019 và Quyết định số 10/2021/QĐ-UBND ngày 24/6/2021 của UBND tỉnh cho phù hợp với các quy định Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
1.7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan đánh giá kết quả triển khai thực hiện Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.
1.8. Chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra các dự án nông nghiệp trên địa bàn nhằm tránh thất thoát ngân sách Nhà nước.
1.9. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu, tham mưu trình cấp có thẩm quyền có chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp; hỗ trợ cho công tác khuyến nông trên địa bàn.
2. Đối với HĐND và UBND các huyện, thành phố
2.1. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp. Đặc biệt là công tác lập kế hoạch đưa Nghị quyết vào cuộc sống gắn với công tác kiểm tra, giám sát.
2.2. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh các chương trình, kế hoạch, quy hoạch có liên quan phục vụ phát triển nông nghiệp trên địa bàn bảo đảm hiệu quả, khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.