Nghị quyết 149/2018/NQ-HĐND về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8 Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa IX
Số hiệu | 149/2018/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 07/12/2018 |
Ngày có hiệu lực | 17/12/2018 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Đồng Nai |
Người ký | Nguyễn Phú Cường |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 149/2018/NQ-HĐND |
Đồng Nai, ngày 07 tháng 12 năm 2018 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 8 HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI KHÓA IX
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
KHÓA IX - KỲ HỌP THỨ 8
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Trên cơ sở kết quả chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai Khóa IX,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh ghi nhận những kết quả, giải pháp của Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ngành trong việc trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 Hội đồng nhân dân tỉnh. Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế, thực hiện có hiệu quả một số nội dung sau:
1. Về tình hình an ninh trật tự
- Thực hiện hiệu quả công tác nghiệp vụ cơ bản, nắm tình hình hoạt động của tội phạm, tệ nạn xã hội, rà soát, xác định các đối tượng, băng nhóm đưa vào quản lý, nhất là các băng nhóm cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê, tổ chức đánh bạc, bảo kê... để kịp thời đề ra các biện pháp phòng, chống và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật.
- Xây dựng kế hoạch tổ chức các đợt cao điểm, chuyên đề tấn công trấn áp các băng nhóm tội phạm; tổ chức tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý đối với các đối tượng thanh thiếu niên tụ tập, mang theo hung khí, đánh nhau, gây rối trật tự công cộng...
- Tăng cường công tác quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, đặc biệt là việc quản lý dịch vụ Internet, nhà nghỉ, khách sạn, vũ trường, quán bar, kinh doanh trò chơi điện tử, cầm đồ.
- Tổ chức hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đạo đức, lối sống lành mạnh trong nhân dân và các chính sách, thủ tục liên quan đến tín dụng; phát động mạnh mẽ các phong trào quần chúng nhân dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm.
2. Về an toàn vệ sinh thực phẩm
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, xử lý nghiêm và công khai các vi phạm về an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng kiểm soát đối với thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, thực phẩm hết hạn sử dụng.
- Chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện việc thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại các huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn theo Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg, ngày 26 tháng 11 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ.
- Xây dựng lộ trình, kế hoạch để truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thiết yếu tại các chợ; đẩy nhanh tiến độ xây dựng giai đoạn 2 để mở rộng chợ đầu mối Dầu Giây; hình thành mối liên kết tiêu thụ sản phẩm từ chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây đến các chợ truyền thống.
- Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên đề, chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ tổ chức quản lý chợ; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức quản lý chợ, quy định cụ thể trách nhiệm người đứng đầu tổ chức quản lý chợ khi để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình điểm kinh doanh thực phẩm an toàn theo hình thức chuỗi liên kết hoặc chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tại các chợ trên địa bàn tỉnh.
3. Về công tác quản lý môi trường
- Hoàn thành và đưa vào vận hành dây chuyền phân loại rác, lò đốt chất thải rắn sinh hoạt theo đúng kế hoạch và báo cáo tác động môi trường (ĐTM) được phê duyệt; đảm bảo theo lộ trình giảm tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt xuống dưới 30% trong năm 2019 và dưới 15% vào năm 2020.
- Tiếp tục triển khai nhân rộng việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, đánh giá kết quả thực hiện, xác định các vấn đề ưu tiên và đề ra các giải pháp thực hiện chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt, đưa ra mô hình tối ưu để các địa phương chủ động hơn trong triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
- Xem xét xây dựng đơn giá xử lý chất thải phù hợp với từng loại công nghệ xử lý như: Chôn lấp, đốt, tái chế thành phân compost... để thực hiện thống nhất trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh phù hợp tình hình hiện nay và lộ trình về giảm thiểu tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt trong thời gian tới.
4. Về quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm
- Tăng cường sự phối hợp của lực lượng liên ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật; việc thanh tra, kiểm tra phải được thực hiện thường xuyên, liên tục; xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến kinh doanh trái quy định, vi phạm các quy định về vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường.