Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Nghị quyết 141/2009/NQ-HĐND tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 do Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa VII, kỳ họp thứ 16 ban hành

Số hiệu 141/2009/NQ-HĐND
Ngày ban hành 16/07/2009
Ngày có hiệu lực 26/07/2009
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Trần Đình Thành
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 141/2009/NQ-HĐND

Biên Hòa, ngày 16 tháng 7 năm 2009

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CÔNG TÁC DÂN SỐ - KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH TỈNH ĐỒNG NAI ĐẾN NĂM 2010 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
KHÓA VII - KỲ HỌP THỨ 16

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Chỉ thị số 23/2008/CT-TTg ngày 04/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ);
Thực hiện công văn số 1545/TTg-KGVX ngày 17/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc công tác DS-KHHGĐ;
Sau khi xem xét Tờ trình số 5242/TTr-UBND ngày 03/7/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị thông qua Đề án "Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác DS-KHHGĐ tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020"; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội và tổng hợp ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại tổ và tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua Tờ trình số 5242/TTr-UBND ngày 03/7/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc "Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác DS-KHHGĐ tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020" với những nội dung sau:

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát:

- Tập trung mọi nỗ lực thực hiện mục tiêu mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chỉ có 01 hoặc 02 con, nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế, tiến tới ổn định quy mô dân số ở mức hợp lý.

- Từng bước nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ và tinh thần, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh.

b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020:

- Mức giảm sinh bình quân mỗi năm 0,02%. Phấn đấu tỷ suất sinh đạt 15,52%0 và tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 1,12% vào năm 2010 và dưới 1% vào năm 2020.

- Tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên giảm còn 7,0% vào năm 2010 và bình quân mỗi năm giảm 0,2 - 0,3% sau năm 2010.

- Tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các BPTT hiện đại đạt trên 75% vào năm 2010 và 80% vào năm 2020.

- Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm còn dưới 15% vào năm 2010 và 10% vào năm 2020.

- Giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi xuống 23%0 vào năm 2010 và 10%0 vào năm 2020.

2. Đối tượng, phạm vi áp dụng

a) Các tập thể, tổ chức, cá nhân sinh sống trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tham gia thực hiện chính sách DS-KHHGĐ.

b) Các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh sống trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tự nguyện thực hiện chính sách DS-KHHGĐ.

3. Các giải pháp

a) Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức quán triệt sâu rộng chính sách DS-KHHGĐ trong các cấp chính quyền, nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm công tác DS-KHHGĐ thời gian qua, khắc phục triệt để tư tưởng chủ quan, buông lỏng trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác này.

b) Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý công tác DS-KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo biên chế, cơ sở vật chất cho hệ thống dân số hoạt động.

c) Tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục:

- Đa dạng hóa về hình thức và nâng cao chất lượng về nội dung hoạt động truyền thông giáo dục; phê phán mạnh mẽ những tâm lý, tư tưởng lạc hậu, những hành vi vi phạm chính sách DS-KHHGĐ.

- Triển khai có hiệu quả Chiến dịch tăng cường truyền thông vận động, lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ trên địa bàn toàn tỉnh, tập trung trọng tâm ở các địa bàn đông dân có mức sinh cao, vùng sâu, vùng xa và vùng khó khăn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong và ngoài nhà trường.

- Lồng ghép công tác tuyên truyền giáo dục về DS-KHHGĐ với các hoạt động của các cơ quan, đơn vị.

- Xây dựng các mô hình ấp, khu phố, xã, phường, thị trấn không có người sinh con thứ ba trở lên; xây dựng các hương ước, quy ước về DS-KHHGĐ cho cộng đồng dân cư ấp, khu phố trong toàn tỉnh.

d) Tăng cường cung cấp và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản.

[...]