Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Nghị quyết số 140-CP về việc tăng cường tổ chức và quản lý công tác nhà trẻ do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 140-CP
Ngày ban hành 15/07/1971
Ngày có hiệu lực 30/07/1971
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Lê Thanh Nghị
Lĩnh vực Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 140-CP

Hà Nội, ngày 15 tháng 07 năm 1971 

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ CÔNG TÁC NHÀ TRẺ

I. TÌNH HÌNH CÔNG TÁC NHÀ TRẺ TRONG THỜI GIAN QUA

Trong những năm qua, sự nghiệp xây dựng nhà trẻ đã phát triển khá nhanh chóng. Nhiều xí nghiệp (nhà máy, công trường, nông trường, lâm trường) và cơ quan, nhiều xã, hợp tác xã, đường phố đã có nhà trẻ. Số trẻ em được thu nhận vào nhà trẻ mỗi năm một tăng. Một đội ngũ cô nuôi trẻ đã được đào tạo và bồi dưỡng. Một số nhà trẻ tốt đã xuất hiện. Ở những nơi làm tốt phong trào nhà trẻ, số ngày công lao động bình quân hàng năm và năng suất lao động của phụ nữ rõ ràng cao hơn nhiều so với những nơi chưa có phong trào nhà trẻ. Nhà trẻ đã có tác dụng tích cực trong việc phục vụ sản xuất và chiến đấu của nhân dân ta, đồng thời đã bước đầu tạo ra điều kiện nuôi dạy trẻ em tốt hơn.

Song công tác nhà trẻ hiện nay nói chung còn nhiều mặt yếu. Phong trào phát triển không đều; còn nhiều hợp tác xã, xí nghiệp, cơ quan chưa tích cực tổ chức nhà trẻ. Chất lượng các nhà trẻ nói chung thấp, cơ sở vật chất của nhà trẻ qúa thiếu, đội ngũ cô nuôi trẻ phần lớn không ổn định và yếu về mặt nghề nghiệp. Sức khoẻ, sức lớn cũng như sự phát triển về tâm lý, sinh lý, năng khiếu của trẻ em ở nhà trẻ chưa trội hơn hẳn so với trẻ em ở nhà trẻ em nuôi ở gia đình. Một số chế độ, chính sách về công tác nhà trẻ chưa được nghiên cứu và giải quyết chu đáo.

Những nguyên nhân chính của tình hình nói trên là:

1. Nhiều cán bộ có trách nhiệm ở một số ngành và địa phương chưa nhận thức rõ ràng ý nghĩa và tác dụng to lớn của công tác nhà trẻ đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ, đẩy mạnh sản xuất, tăng nhanh năng suất lao động, cũng như đối với sự nghiệp nuôi dạy thế hệ tương lai của đất nước.

2. Tổ chức quản lý công tác nhà trẻ bị phân tán, Nhà nước chưa có bộ máy chuyên trách và có hiệu lực để quản lý thống nhất toàn bộ vấn đề nhà trẻ. Sự phối hợp giữa các ngành và các đoàn thể có liên quan đến công tác nhà trẻ chưa tốt.

3. Hoàn cảnh chiến tranh và tình hình kinh tế của nước ta và của xã hội đối với công tác nhà trẻ.

II. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN CÔNG TÁC  NHÀ TRẺ TRONG THỜI GIAN TỚI.

Hiện nay, phụ nữ đã trở thành một lực lượng lao động to lớn của xã hội miền Bắc, nhưng lực lượng này chưa được phát huy đúng mức, một phần quan trọng là vì công tác nhà trẻ chưa được phát triển mạnh mẽ, cả về số lượng lẫn chất lượng. Công tác nhà trẻ chưa được giải quyết tốt thì nhiều phụ nữ còn phải tốn sức lực và thì giờ vào con cái, do đó, số ngày công, giờ công và năng suất lao động của chị em khó mà giảm bớt, khả năng của lao động phụ nữ làm ra của cải vật chất sẽ còn bị hạn chế.

Mặt khác, việc nuôi nấng và dạy dỗ trẻ em trong thời kỳ trứng nước (cho đến 3-4 tuổi) có tác dụng quyết định khá lớn đối với sự hình thành và phát triển thế hệ tương lai của dân tộc ta và có ý nghĩa rất sâu xa đối với tiền đồ của đất nước. Vì hai lẽ đó, Hội đồng Chính phủ quyết định:

1. Nhà nước ta khẳng định việc phát triển sự nghiệp nhà trẻ là một công tác quan trọng, không phải chỉ trong phạm vi phúc lợi xã hội, mà còn cả trên mặt trận kinh tế và văn hóa, nhằm giải phóng sức lao động của phụ nữ, đẩy mạnh sản xuất, tăng nhanh năng suất lao động xã hội, tăng cường nuôi dưỡng và giáo dục thế hệ trẻ trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Do đó, xây dựng phát triển nhà trẻ là một chính sách lớn của Nhà nước, kế hoạch phát triển sự nghiệp nhà trẻ là một bộ phận không thể thiếu được của kế hoạch Nhà nước phát triển kinh tế và văn hóa.

Các cấp ủy Đảng và chính quyền, các ngành và các đoàn thể cần nhận thức đầy đủ tầm quan trọng lớn của sự nghiệp nhà trẻ, trên cơ sở đó tăng cường hơn nữa sự chỉ đạo, làm cho sự nghiệp nhà trẻ phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ và vững chắc, kịp thời đáp ứng yêu cầu của sản xuất và công tác, chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, nuôi dưỡng và giáo dục thế hệ trẻ.

2. Giao cho Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em Trung ương, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, đảm nhiệm việc quản lý thống nhất toàn bộ công tác nhà trẻ.

Cụ thể là:

a) Nghiên cứu và trình Hội đồng chính phủ quyết định các phương hướng, chủ trương, nhiệm vụ, kế hoạch, chế độ, chính sách về công tác nhà trẻ.

b) Chỉ đạo việc tổ chức và quản lý thống nhất hệ thống nhà trẻ ở các ngành, các cấp. Tổ chức việc đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cô nuôi trẻ và cán bộ quản lý nhà trẻ, và quản lý thống nhất đội ngũ đó.

c) Thống nhất quản lý vấn đề chi tiêu cho công tác nhà trẻ:

- Xây dựng các chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức về công tác nhà trẻ, và kiểm tra việc thực hiện các chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức ấy.

- Tính toán và đề nghị kinh phí cần chi tiêu và trợ cấp về công tác nhà trẻ.

d) Tổ chức việc tuyên truyền, giáo dục về kiến thức nuôi dạy trẻ em trong cán bộ, công nhân, viên chức và trong nhân dân. Hướng dẫn các cấp, các ngành đẩy mạnh phong trào chăm sóc và nuôi dạy trẻ em.

e) Tổ chức công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật về nuôi dạy trẻ em.

h) Tham gia ý kiến với các ngành, các cấp về những việc có liên quan đến phúc lợi xã hội của trẻ em.

3. Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nhà trẻ, cần coi trọng cả hai mặt số lượng và chất lượng.

Để thu hút đông đảo các cháu vào nhà trẻ, phải tổ chức hệ thống nhà trẻ theo hình thức linh hoạt cho phù hợp với điều kiện sản xuất, công tác và sinh hoạt ở nông thôn và thành phố, trong khu vực Nhà nước cũng như trong khu vực tập thể. Phải căn cứ vào yêu cầu và khả năng của các ngành, các địa phương mà xây dựng và phát triển nhà trẻ một cách vững chắc. Phải từng bước làm cho nghiệp vụ nuôi dạy trẻ em của các nhà trẻ có cơ sở khoa học và thích hợp với điều kiện cụ thể của đất nước. Trong sự nghiệp nhà trẻ, phải dựa vào lực lượng của nhân dân là chính, đồng thời Nhà nước cần đầu tư một cách thích đáng.

4. Việc xây dựng đội ngũ cô nuôi trẻ và cán bộ quản lý nhà trẻ có nhiệt tình và phẩm chất cách mạng, yêu trẻ và yêu nghề, có trình độ khá về văn hóa và chuyên môn, có sức khỏe là vấn đề có ý nghĩa then chốt trong sự nghiệp phát nhà trẻ. Vì vậy, cần coi trọng việc tuyển chọn, đào tạo và bồi dưỡng một đội ngũ đông đảo cô nuôi trẻ và cán bộ quản lý nhà trẻ cần có chính sách đãi ngộ thích đáng đối với đội ngũ đó, để ổn định và khuyến khích các chị em yên tâm công tác, đi sâu vào nghiệp vụ, và cống hiến ngày càng nhiều cho sự nghiệp nuôi dưỡng các cháu.

5. Cần có kế hoạch từng bước xây dựng cơ sở vật chất và từng bước trang bị những phương tiện cần thiết cho các nhà trẻ đồng thời cần nghiên cứu để kịp thời sửa đổi hoặc bổ sung những chế độ, chính sách, tiêu chuẩn, định mức về công tác nhà trẻ, bảo đảm cho sự nghiệp nhà trẻ phát triển thuận lợi, phù hợp với yêu cầu và khả năng của ta.

[...]