Nghị quyết 129/NQ-HĐND năm 2024 về Kết quả giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 tỉnh Nghệ An (từ năm 2021 đến năm 2023)
Số hiệu | 129/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 06/12/2024 |
Ngày có hiệu lực | 06/12/2024 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Nghệ An |
Người ký | Hoàng Nghĩa Hiếu |
Lĩnh vực | Đầu tư |
HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 129/NQ-HĐND |
Nghệ An, ngày 06 tháng 12 năm 2024 |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
KHOÁ XVIII, KỲ HỌP THỨ 25
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 35/NQ-HĐND ngày 07 tháng 7 năm 2023 về Chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An năm 2024; Nghị quyết số 50/NQ-HĐND ngày 11 tháng 7 năm 2024 của HĐND tỉnh về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về “kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Nghệ An (từ năm 2021 đến năm 2023)”;
Trên cơ sở Báo cáo số 356/BC-ĐGS.HĐND ngày 27 tháng 11 năm 2024 của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Nghệ An (từ năm 2021 đến năm 2023); ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Đánh giá kết quả thực hiện
Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất với Báo cáo số 356/BC-ĐGS.HĐND ngày 27 tháng 11 năm 2024 của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Nghệ An (từ năm 2021 đến năm 2023).
1. Thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: Căn cứ Luật Đầu tư công và các văn bản có liên quan, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh đã kịp thời trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản chỉ đạo, điều hành để tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã kịp thời trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm bảo đảm công khai, minh bạch, phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển được xác định tại Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh và bám sát mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 và hằng năm. Công tác lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn tuân thủ theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và các quy định pháp luật liên quan, đảm bảo khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công; công tác thiết kế kỹ thuật, lập dự toán, công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy trình, quy định...
Kết quả thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và hằng năm (chưa bao gồm các Chương trình mục tiêu quốc gia): Tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 20.914,71 tỷ đồng, trong đó: Giao đầu kỳ: 19.768,244 tỷ đồng; Bổ sung trong kỳ: 1.184,39 tỷ đồng (Ngân sách trung ương - vốn trong nước: 60 tỷ đồng; vốn nước ngoài: 1.124,39 tỷ đồng); Điều chỉnh giảm trong kỳ: 37,924 tỷ đồng. Tổng kế hoạch đã bố trí các năm 2021 - 2023 là 13.436,172 tỷ đồng, đạt 64,24% kế hoạch trung hạn; bố trí để triển khai thực hiện 407 dự án/Kế hoạch trung hạn 456 dự án, đạt 89% (trong đó: đã kết thúc 223 dự án, 182 dự án đang triển khai thực hiện và 02 dự án đang vướng mắc khó hoàn thành trong năm 2025 theo tiến độ); Tỷ lệ giải ngân đạt 94,27% (chưa bao gồm kế hoạch năm 2023 kéo dài sang năm 2024). Tình hình điều chỉnh vốn kế hoạch các năm 2021 - 2023: thực hiện 14 đợt điều chỉnh với 227 lượt dự án/số vốn điều chỉnh 884,31 tỷ đồng. Tại thời điểm đầu kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã bố trí 416,8 tỷ đồng để thu hồi các khoản vốn ứng trước; các năm 2021 - 2022 thực hiện giải ngân (thực hiện nghiệp vụ thu hồi) 406,706 tỷ đồng, đạt 100%, số vốn còn lại không còn nhu cầu đã được cấp có thẩm quyền điều chỉnh sang vốn thực hiện dự án theo quy định. Về kết quả xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản: giai đoạn 2021 - 2025 vốn ngân sách tỉnh đã bố trí trả nợ cho 19 dự án với số vốn 74,427 tỷ đồng và đã bố trí đủ 100% số vốn này trong năm 2021 - 2022 để thanh toán nợ...
Về công tác quyết toán các dự án đầu tư công: Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính tổ chức thẩm tra trình cấp thẩm quyền phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành theo quy định. Kết quả: Tổng số dự án do đơn vị thẩm định: 71 dự án; Tổng giá trị đề nghị quyết toán: 8.651.853,5 triệu đồng; Tổng kinh phí giảm trừ sau quyết toán: 24.543,92 triệu đồng (tỷ lệ giảm 0,284%).
Qua giám sát cho thấy, việc triển khai thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 đã góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thay đổi đáng kể kết cấu hạ tầng, huy động mọi nguồn lực góp phần tạo điều kiện tăng trưởng kinh tế cũng như thu hút nguồn vốn khác.
2. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 vẫn còn những tồn tại, hạn chế: Việc xác định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để xây dựng kế hoạch đầu tư công chưa sát thực tế dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm nhiều lần; Việc phân kỳ đầu tư một số công trình, dự án chưa phù hợp, thi công thiếu đồng bộ, đã triển khai xây dựng kéo dài nhiều năm chưa hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng hoặc chưa hoàn thành cả giai đoạn đã xuống cấp, hư hỏng, chưa phát huy hiệu quả nguồn vốn đã bố trí; Việc bố trí vốn đối ứng cấp huyện, xã để thực hiện các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của các địa phương vẫn còn hạn chế, chưa bảo đảm theo kế hoạch đã được phê duyệt; Công tác giải phóng mặt bằng mặc dù đã được các ngành, các cấp tập trung chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai, thực hiện dự án; vẫn còn tình trạng một số dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án nhiều lần làm mất nhiều thời gian, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn; Một số chủ đầu tư chưa thu hồi được vốn tạm ứng quá hạn với giá trị vốn tạm ứng phải thu hồi lớn; Kết quả giải ngân kế hoạch một số năm chưa đạt yêu cầu đề ra, đặc biệt là nguồn vốn nước ngoài; Tiến độ triển khai thực hiện các Dự án, Tiểu dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, tỷ lệ giải ngân thấp; Công tác lập hồ sơ, thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành nhìn chung vẫn còn chậm so với quy định, nhất là các công trình, dự án do cấp xã, cấp huyện làm chủ đầu tư...
3. Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, tồn tại trên là do: Thiên tai, đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh, nguồn lực đầu tư toàn xã hội giảm, thu ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng lớn đến việc cân đối và phân bổ nguồn lực để thực hiện và hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, ảnh hưởng tiến độ triển khai thực hiện của các dự án; Giá nguyên vật liệu tăng cao, các doanh nghiệp ký kết hợp đồng trọn gói gặp nhiều khó khăn về phương án tài chính; Hệ thống văn bản hướng dẫn, triển khai Luật Đầu tư công năm 2019 và các văn bản hướng dẫn, triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia chưa đồng bộ, thống nhất, sửa đổi, bổ sung nhiều lần; Một số quy định chưa phù hợp giữa Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước; Các quy định liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa rõ ràng, gây nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện; Việc phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Trung ương chậm, điều chỉnh nhiều lần, ảnh hưởng đến việc giao kế hoạch vốn và bố trí vốn đối ứng thực hiện dự án. Công tác dự báo, khảo sát, lập đề xuất thẩm định chủ trương đầu tư một số dự án còn hạn chế; việc xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Việc dự báo, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu ngân sách chưa sát thực tế; Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư công có lúc còn thiếu chặt chẽ, sâu sát; Một số địa phương chưa thật sự tích cực trong thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng của dự án; Một số chủ đầu tư chưa tập trung, quyết liệt trong công tác đánh giá đầu tư dự án, quản lý, giám sát tiến độ, chất lượng công trình, đôn đốc các nhà thầu thi công theo tiến độ; chậm hoàn trả vốn tạm ứng, lập hồ sơ quyết toán khi dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng. Một số chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, nhà thầu năng lực còn yếu ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả của dự án...
Điều 2. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
Để việc thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 và hằng năm trên địa bàn tỉnh đạt kết quả cao nhất, Hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị triển khai thực hiện các kiến nghị đã nêu tại Báo cáo số 356/BC-ĐGS.HĐND ngày 27 tháng 11 năm 2024 của Đoàn giám sát chuyên đề Hội đồng nhân dân tỉnh và tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
1. Tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư công; tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công. Chủ động rà soát kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện các trình tự, thủ tục, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công bảo đảm đạt kết quả cao nhất. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và điều hành để sớm hoàn thành kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025; kịp thời đánh giá, rút ra những bài học kinh nghiệm để triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn tới bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
2. Rà soát, kịp thời báo cáo, kiến nghị Trung ương xem xét, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật còn chưa phù hợp liên quan đến đầu tư công và ngân sách. Rà soát, cập nhật các quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản...và các văn bản hướng dẫn thi hành; các quy định có liên quan đến việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm để xây dựng các nghị quyết trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành theo thẩm quyền bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất theo chỉ đạo của Trung ương.
3. Huy động tối đa các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế, trọng tâm là bảo đảm nguồn lực ngân sách nhà nước để bố trí kế hoạch vốn, đáp ứng nhu cầu còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Rà soát tổng thể các công trình, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trên địa bàn tỉnh đang còn dở dang, kéo dài chưa hoàn thành, còn vướng mắc để phân loại, xem xét có phương án giải quyết, đề xuất chuyển tiếp đưa vào kế hoạch đầu tư công của giai đoạn tiếp theo.
4. Chỉ đạo các chủ đầu tư thường xuyên rà soát các bất cập, kịp thời hoàn chỉnh các thủ tục để trình cơ quan có thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương, quyết định đầu tư các dự án (về tiến độ thời gian, quy mô, nguồn vốn...) bảo đảm đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị; kịp thời điều chuyển số vốn của các dự án có vướng mắc chưa giải ngân hoặc các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang dự án khác có nhu cầu sử dụng vốn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
5. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác điều tra, khảo sát, lập đề xuất, thẩm định chủ trương đầu tư nhằm bảo đảm dự án triển khai theo đúng tiến độ đề ra, tránh điều chỉnh nhiều lần. Tăng cường chỉ đạo công tác lập hồ sơ, thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành bảo đảm đúng quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công. Tiếp tục chỉ đạo rà soát các khoản tạm ứng còn tồn đọng kéo dài và có giải pháp thu hồi các khoản tạm ứng để hoàn trả ngân sách theo quy định.
6. Đối với công tác xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030:
a) Trên cơ sở các quy định, hướng dẫn của Trung ương và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan rà soát, đề xuất các công trình, dự án đưa vào kế hoạch đầu tư công bảo đảm phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển của Quy hoạch tỉnh, có tính lan tỏa cao, tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, bảo đảm an sinh xã hội; công tác lập, xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn bảo đảm trình tự, thủ tục; không bố trí dàn trải, manh mún; tập trung bố trí vốn để hoàn thành, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng của tỉnh; ứng dụng công nghệ thông tin, Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công...
b) Thực hiện bố trí vốn theo đúng hướng dẫn và quy định của pháp luật về đầu tư công, trong đó, rà soát, ưu tiên bố trí vốn những năm đầu kỳ kế hoạch cho các dự án chuyển tiếp của giai đoạn 2021 - 2025, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành dự án, phát huy hiệu quả của nguồn vốn và sớm đưa dự án đi vào hoạt động, tránh lãng phí.
c) Đối với những dự án trọng điểm của tỉnh, thực hiện việc tách dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công theo quy định Luật Đất đai năm 2024, Nghị quyết số 137/2024/QH15 của Quốc hội về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và các quy định có liên quan.
7. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm. Thường xuyên chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát đánh giá đầu tư dự án của các cơ quan chủ quản nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả dự án đầu tư công; kịp thời phát hiện và ngăn ngừa các tồn tại, thiếu sót trong quá trình thực hiện dự án; chấn chỉnh các địa phương, cơ quan, tổ chức, chủ đầu tư không chấp hành đầy đủ chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định của pháp luật. Đồng thời, rà soát, đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với các dự án có dấu hiệu lãng phí, chậm tiến độ.