Nghị quyết 121/2015/NQ-HĐND về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 do tỉnh Hòa Bình ban hành

Số hiệu 121/2015/NQ-HĐND
Ngày ban hành 03/12/2015
Ngày có hiệu lực 13/12/2015
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Hòa Bình
Người ký Bùi Văn Tỉnh
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HOÀ BÌNH

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 121/2015/NQ-HĐND

Hoà Bình, ngày 03 tháng 12 năm 2015

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2016 - 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH
KHÓA XV, KỲ HỌP THỨ 12

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Quyết định số 917/QĐ-TTg ngày 11 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hòa Bình đến năm 2020;

Căn cứ Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020;

Sau khi xem xét Tờ trình số 204/TTr-UBND ngày 13 tháng 11 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; Báo cáo thẩm tra của các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thống nhất đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015, với các nội dung chủ yếu sau:

5 năm qua, tình hình kinh tế trong nước và của tỉnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, song với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, nhân dân các dân tộc và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội đã giành được nhiều thành tựu quan trọng. Kết thúc kỳ kế hoạch 5 năm 2011-2015 có 16/19 chỉ tiêu đạt và vượt so với nghị quyết; 02/19 chỉ tiêu chủ yếu thực hiện không đạt; 01/19 chỉ tiêu không so sánh được do Trung ương thay đổi tiêu chí đánh giá, trong đó: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 9,1%, đến hết năm 2015: Tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 19,5%, công nghiệp - xây dựng chiếm 54%, dịch vụ chiếm 26,5%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 36,6 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước bình quân hằng năm tăng 13,9%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 16,23%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm khoảng 3,94%. Đời sống nhân các dân tộc tiếp tục được cải thiện; văn hóa, xã hội có bước tiến bộ mới; chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh được giữ vững. Những thành tựu đạt được đánh dấu bước phát triển mới, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Tuy nhiên, nếu không tính giá trị tăng thêm của Công ty Thủy điện Hòa Bình vẫn còn 02 chỉ tiêu thực hiện không đạt nghị quyết đó là: Tăng trưởng kinh tế và số lao động được tạo việc làm mới hằng năm; Chỉ tiêu tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh không so sánh được do Trung ương thay đổi tiêu chí đánh giá; một số mặt hạn chế, yếu kém trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, nội chính, đối ngoại chưa kịp thời giải quyết.

Nguyên nhân do kinh tế thế giới trong những năm qua có sự biến động bất lợi, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của cả nước cũng như của tỉnh. Chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế, tiềm lực tài chính, khoa học kỹ thuật của tỉnh còn thấp. Chất lượng nguồn nhân lực, cải cách hành chính chưa đáp ứng kịp theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành có lúc, có nơi, có việc chưa đồng bộ, chặt chẽ, chủ động và kịp thời.

Điều 2. Quyết định Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 với mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như sau:

I. Mục tiêu tổng quát

Khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế, tích cực huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển; thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; đảm bảo quốc phòng, giữ vững an ninh trật tự.

II. Các chỉ tiêu chủ yếu

1. Về kinh tế

1.1. Giai đoạn 2016-2020: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,5%-9%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội hằng năm bằng khoảng 35% GRDP. Thu ngân sách Nhà nước bình quân tăng 17%/năm.

1.2. Đến năm 2020: GRDP bình quân đầu người đạt 60-65 triệu đồng; cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn: Công nghiệp - xây dựng 57,8%, dịch vụ 26,4%, nông nghiệp 15,8%. Số doanh nghiệp, hợp tác xã thành lập, hoạt động có hiệu quả tăng gấp 2 lần so với năm 2015; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 3,5 lần so với năm 2015; tỷ lệ đô thị hóa đạt 25%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới từ 40% trở lên.

2. Về xã hội

Đến năm 2020: Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 60%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55-60%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 20-22%; có 8,5 bác sỹ và 25 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 90% dân số; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3,0%/năm.

3. Về môi trường

Đến năm 2020: Có 95% dân số được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh; có 95% chất thải nguy hại, 90-100% chất thải y tế được xử lý; tỷ lệ che phủ rừng trên 50%.

III. Nhiệm vụ và giải pháp

1. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế, tập trung tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước

1.1. Xây dựng Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với phát triển bền vững. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế. Đặc biệt, tăng cường mở rộng liên kết vùng, trước hết với thành phố Hà Nội nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, tiêu thụ hàng hóa nông sản và khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch.

1.2. Triển khai Luật Đầu tư công, thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn; khuyến khích đầu tư theo hình thức công - tư (PPP); tập trung nguồn vốn cho các công trình trọng điểm, cấp thiết, vốn đối ứng, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; khắc phục tình trạng phân bổ vốn dàn trải; không để phát sinh thêm nợ đọng xây dựng cơ bản. Tăng cường quản lý, phân cấp quản lý đầu tư, thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng công trình.

[...]