Nghị quyết số 12/NQ/HĐNN7 về chế độ đối với đại biểu Quốc hội do Hội đồng nhà nước ban hành

Số hiệu 12/NQ/HĐNN7
Ngày ban hành 28/08/1981
Ngày có hiệu lực 12/09/1981
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Nhà nước
Người ký Trường Chinh
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 12/NQ/HĐNN7

Hà Nội, ngày 28 tháng 8 năm 1981

 

QUYẾT NGHỊ

CỦA HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC  SỐ 12 NQ/HĐNN7 NGÀY 28 THÁNG 8 NĂM 1981

HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ vào Điều 23 của Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước ;
Theo đề nghị của Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước ;

QUYẾT NGHỊ :

Điều 1. Chế độ đối với đại biểu Quốc hội quy định như sau :

1- Mỗi đại biểu Quốc hội được hưởng một khoảng phụ cấp hoạt động đại biểu Quốc hội hàng năm là 720 đồng.

2- Đại biểu Quốc hội đi dự hội nghị Quốc hội, trong thời gian hội nghị, được hưởng chế độ phụ cấp hội nghị cao nhất của Nhà nước đã quy định.

3- Đại biểu Quốc hội đi làm nhiệm vụ đại biểu được quyền ưu tiên trong việc mua vé tàu hoả, ô-tô, ca-nô, máy bay. Chi phí vận tải do Nhà nước đài thọ theo thuế lệ hiện hành. Đại biểu Quốc hội không hưởng khoản phụ cấp đi đường.

4- Khi đại biểu Quốc hội phải tạm thời thoát ly nơi mình làm việc thường xuyên để đi làm nhiệm vụ đại biểu thì :

- Nếu đại biểu ở trong biên chế Nhà nước thì cơ quan mà đại biểu làn việc thường xuyên vẫn đài thọ lương và phụ cấp của đại biểu trong thời gian ấy.

- Nếu đại biểu làm việc ở một tổ chức không thuộc biên chế Nhà nước, và nếu tổ chức này không có điều kiện trả lương và phụ cấp trong thời gian đại biểu vắng mặt, thì ngân sách Nhà nước đài thọ lương và phụ cấp cho đại biểu.

5- Khi đau ốm cần điều trị, đại biểu Quốc hội được hưởng chế độ cung cấp thuốc men, nằm bệnh viện theo tiêu chuẩn đã quy định đối với cán bộ trung cao cấp.

6- Mỗi đại biểu Quốc hội được cấp Công báo nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các tài liệu khác mà Chủ tịch Quốc hội xét cần thiết cho sự hoạt động của đại biểu.

7- Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu chịu trách nhiệm cung cấp nhà và tiện nghi, mọi chi phí về tổ chức phòng tiếp dân của các Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương.

Điều 2. Lương của Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng Nhà nước ; Chủ tịch và Phó Chủ tịch Quốc hội ; Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc ; Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm các Uỷ ban của Quốc hội quy định như sau :

1- Chủ tịch Hội đồng Nhà nước hưởng lương 230 đồng.

2- Chủ tịch Quốc hội hưởng lương 216 đồng.

3- Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước hưởng mức lương 204 đồng.

4- Phó Chủ tịch Quốc hội hưởng mức lương 200 đồng.

Những Phó Chủ tịch Quốc hội không chuyên trách công tác Quốc hội thì hưởng chế độ lương và phụ cấp theo nhiệm vụ công tác chủ yếu của mình, do cơ quan nơi mình làm việc chính đài thọ. Nếu mức lương thấp hơn 200 đồng thì được phụ cấp bù chênh lệch để hưởng mức lương 200 đồng.

5- Uỷ viên Hội đồng Nhà nước hưởng mức lương 192 đồng.

Những Uỷ viên Hội đồng Nhà nước không chuyên trách công tác của Hội đồng Nhà nước thì hưởng chế độ lương và phụ cấp theo nhiệm vụ công tác chủ yếu của mình, do cơ quan nơi mình làm việc chính đài thọ. Nếu mức lương thấp hơn 192 đồng thì được phụ cấp bù chênh lệch để hưởng mức lương 192 đồng.

6- Chủ tịch Hội đồng dân tộc hưởng mức lương 200 đồng.

Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc hưởng mức lương 180 đồng.

Chủ tịch và những Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc không chuyên trách công tác của Hội đồng dân tộc thì hưởng chế độ lương và phụ cấp theo nhiệm vụ công tác chủ yếu của mình, do cơ quan nơi mình làm việc chính đài thọ. Nếu mức lương thấp hơn 200 đồng (đối với Chủ tịch) hoặc thấp hơn 180 đồng (đối với Phó Chủ tịch) thì được phụ cấp bù chênh lệch để hưởng mức lương 200 đồng (đối với Chủ tịch) hoặc mức lương 180 đồng (đối với Phó Chủ tịch).

7- Chủ nhiệm các Uỷ ban của Quốc hội hưởng mức lương 192 đồng.

Phó Chủ nhiệm các Uỷ ban của Quốc hội hưởng mức lương 170 đồng.

[...]