Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước 1981

Số hiệu 1-LCT/HĐNN7
Ngày ban hành 03/07/1981
Ngày có hiệu lực 11/07/1981
Loại văn bản Luật
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Trường Chinh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1-LCT/HĐNN7

Hà Nội, ngày 03 tháng 7 năm 1981

 

LUẬT

TỔ CHỨC QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ vào Chương VI và Chương VII của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật này quy định về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, về nhiệm vụ và quyền hạn của các đại biểu Quốc hội.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hội đồng Nhà nước, do Quốc hội bầu ra, là cơ quan cao nhất hoạt động thường xuyên của Quốc hội, là Chủ tịch tập thể của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 2

Tổ chức và hoạt động của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước bảo đảm cho Quốc hội và Hội đồng Nhà nước thực hiện những nhiệm vụ và quyền hạn quy định trong Điều 83 và Điều 100 của Hiến pháp, thực hiện và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động trong phạm vi cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, nhằm hoàn thành những nhiệm vụ của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 3

Quốc hội và Hội đồng Nhà nước làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số.

Hiệu quả hoạt động của Quốc hội được bảo đảm bằng hiệu quả của các kỳ họp Quốc hội, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhà nước, của các Hội đồng, các Uỷ ban của Quốc hội và của các đại biểu Quốc hội.

Điều 4

Khi thực hiện nhiệm vụ và sử dụng quyền hạn của mình, Quốc hội,

Hội đồng Nhà nước, các Hội đồng, các Uỷ ban của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội dựa vào sự tham gia của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của các đoàn thể nhân dân và của công dân.

Các cơ quan và nhân viên Nhà nước, trong phạm vi quyền hạn của mình, có trách nhiệm tạo điều kiện cho các Hội đồng, các Uỷ ban của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội làm nhiệm vụ.

Chương 2:

KỲ HỌP QUỐC HỘI

Điều 5

Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ, một kỳ vào giữa năm và một kỳ vào cuối năm, do Hội đồng Nhà nước triệu tập.

Hội đồng Nhà nước có thể triệu tập Quốc hội họp bất thường theo quyết định của mình, theo yêu cầu của Hội đồng bộ trưởng hoặc ít nhất là một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội.

Kỳ họp thứ nhất của mỗi khoá Quốc hội do Hội đồng Nhà nước khoá trước triệu tập chậm nhất là hai tháng sau cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội.

Kỳ họp thứ nhất của mỗi khoá Quốc hội do Chủ tịch Hội đồng Nhà nước khoá trước khai mạc. Chủ tịch Hội đồng Nhà nước chủ toạ các phiên họp cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch Quốc hội khoá mới.

Điều 6

Quốc hội họp công khai.

Quốc hội quyết định họp kín theo đề nghị của Hội đồng Nhà nước, của Chủ tịch Quốc hội, của Hội đồng bộ trưởng hoặc của các đoàn đại biểu Quốc hội.

Điều 7

Trong phiên họp đầu tiên của kỳ họp thứ nhất của mỗi khoá Quốc hội, Quốc hội bầu Uỷ ban thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội.

[...]