Nghị quyết số 12/1997/NQ-QH10 về nhiệm vụ năm 1998 do Quốc hội ban hành

Số hiệu 12/1997/NQ-QH10
Ngày ban hành 12/12/1997
Ngày có hiệu lực 27/12/1997
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Nông Đức Mạnh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 12/1997/NQ-QH10

Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 1997

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ NĂM 1998

QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ vào Điều 84 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Sau khi xem xét báo cáo của Chính phủ, các cơ quan hữu quan về việc thực hiện nhiệm vụ năm 1997; phương hướng, nhiệm vụ năm 1998 và ý kiến của các đại biểu Quốc hội;

QUYẾT NGHỊ

Quốc hội tán thành đánh giá tình hình năm 1997, phương hướng, nhiệm vụ năm 1998 với các chỉ tiêu, giải pháp được nêu trong các báo cáo của Chính phủ và các cơ quan hữu quan, đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề sau đây:

I- ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH NĂM 1997

Năm 1997, nền kinh tế nước ta tiếp tục phát triển và đạt mức tăng trưởng khá cao, nhập siêu giảm, giá cả ổn định, nhiều sản phẩm quan trọng trong nông nghiệp và công nghiệp tăng hơn trước; một số chính sách xã hội được thực hiện có kết quả; quốc phòng - an ninh được củng cố; công tác bảo vệ pháp luật có nhiều cố gắng; quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng, vị thế quốc tế của nước ta được nâng cao.

Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức: hiệu quả đầu tư thấp, công nghệ lạc hậu, chất lượng sản phẩm kém, khả năng cạnh tranh không cao, bội chi ngân sách lớn, tốc độ tăng trưởng công nghiệp, thương mại, dịch vụ và xuất khẩu đã chậm lại, sức mua của xã hội tăng chậm. Công tác chống tham nhũng, chống buôn lậu, chống gian lận thương mại, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm đạt kết quả thấp. Tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm vẫn còn nghiêm trọng.

Ngoài ra, cơn bão số 5 đã gây thiệt hại nặng nề về người và của, cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ của các nước trong khu vực đã ảnh hưởng không nhỏ đến nước ta.

II- CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU CỦA NĂM 1998

- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 9%;

- Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 4,6%-4,8%;

- Sản lượng lương thực trên 31 triệu tấn;

- Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13,5%;

- Xuất khẩu tăng 25-26%, nhập siêu không quá 20% mức xuất khẩu;

- Mức lạm phát dưới 7%;

- Huy động vào ngân sách nhà nước khoảng 20% GDP, trong đó thuế và phí khoảng 19% GDP; mức bội chi ngân sách 3,5%-4% GDP;

- Tốc độ tăng dân số không quá 1,8%.

III- CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHÍNH

1- Kinh tế:

a) Về nông nghiệp:

Tiếp tục thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, tạo bước chuyển biến mới về cơ cấu sản xuất.

Tiếp tục sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn: Ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, phát triển ngành nghề truyền thống nhằm tăng chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của hàng hoá nông, lâm, thuỷ, hải sản, tăng thu nhập và tạo thêm việc làm cho nông dân. Tổ chức tốt việc tiêu thụ và có chính sách giá cả hợp lý đối với việc mua nông sản, bán vật tư nông nghiệp và định giá thóc thu thuế sử dụng đất nông nghiệp. Từng bước hình thành quỹ bảo hiểm nông nghiệp, quỹ trợ giá nông sản, quỹ hỗ trợ xuất khẩu. Giao cho ngành điện xây dựng quy chế trực tiếp quản lý lưới điện nông thôn, tính lại giá bán điện hợp lý, trước mắt công bố giá trần áp dụng đối với nông thôn; cùng với các Bộ hữu quan lập phương án trình Chính phủ quyết định việc đầu tư xây dựng các công trình điện nông thôn theo tinh thần "nhà nước và nhân dân cùng làm".

Thúc đẩy công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, nhất là việc xây dựng các hợp tác xã dịch vụ kiểu mới trong lĩnh vực này. Đưa nhanh các thành tựu công nghệ sinh học tiên tiến vào sản xuất trên diện rộng, coi đây là những biện pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội và điều chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phân công lại lao động ở nông thôn.

Tập trung khắc phục hậu quả cơn bão số 5, sớm ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân, khẩn trương khôi phục việc nuôi trồng, đánh bắt hải sản.

Thực hiện đúng chính sách hạn điền quy định tại Luật đất đai. Có biện pháp cụ thể, thiết thực để giải quyết tình trạng nông dân không có ruộng đất. Việc sử dụng đất cho phát triển công nghiệp, đô thị, cơ sở hạ tầng phải bảo đảm để nông dân không bị mất việc làm, mất nguồn sinh sống.

Xây dựng và phát triển kinh tế hợp tác, thực hiện liên kết kinh tế giữa các doanh nghiệp nhà nước với nông dân. Có biện pháp thu hẹp chênh lệch giàu nghèo, nhất là giữa thành thị và nông thôn.

[...]