HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
11/2009/NQ-HĐND
|
Quy
Nhơn, ngày 15 tháng 7 năm 2009
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỀ ÁN HỖ TRỢ NGƯỜI NGHÈO VỀ NHÀ Ở TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 167/2008/QĐ-TTG NGÀY 12/12/2008 CỦA THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ 15
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và
UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị quyết số
753/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02/4/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy
chế hoạt động của Hội đồng nhân dân;
Căn cứ Quyết định số
167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ
người nghèo về nhà ở;
Sau khi xem xét Tờ trình số
68/TTr-UBND ngày 10/7/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thông qua Đề án hỗ
trợ người nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ
tướng Chính phủ; Báo cáo thẩm tra số 12/BCTT-BDT ngày 09/7/2009 của Ban Dân tộc
Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh
tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1.
Nhất trí thông qua Đề án hỗ trợ người nghèo về nhà ở theo
Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ (Có Đề án
kèm theo).
Điều 2.
Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị
quyết.
Điều 3.
Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các ban của Hội đồng
nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh kiểm tra, giám sát việc thực
hiện Nghị quyết.
Điều 4.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ
ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua. Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân
tỉnh khóa X, kỳ họp thứ 15 thông qua./.
ĐỀ ÁN
HỖ TRỢ NGƯỜI NGHÈO VỀ NHÀ Ở THEO QUYẾT ĐỊNH
167/2008/QĐ-TTg NGÀY 12/12/2008 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 11/2009/NQ-HĐND ngày 15/7/2009 của HĐND tỉnh)
1. TÊN ĐỀ ÁN: Đề án hỗ trợ người
nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng
Chính Phủ.
2. ĐỊA ĐIỂM THỰC HIỆN ĐỀ ÁN:
Trên địa bàn tỉnh Bình Định.
3. CHỦ QUẢN ĐỀ ÁN: UBND tỉnh.
4. CHỦ ĐẦU TƯ ĐỀ ÁN: Sở Xây dựng.
5. THỜI GIAN THỰC HIỆN: Từ năm
2009 đến 2011.
6. QUAN ĐIỂM HỖ TRỢ VỀ NHÀ Ở:
- Quan tâm đến việc hỗ trợ các hộ
gia đình nghèo xóa nhà tạm bợ dột nát nhằm cải thiện điều kiện sống và đảm bảo
xóa đói giảm nghèo bền vững là thể hiện đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc,
của quê hương và thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.
- Các cấp ủy Đảng, chính quyền,
các tổ chức trong hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội phải có trách nhiệm
tham gia vào việc thực hiện Chương trình hỗ trợ xóa nhà ở tạm bợ cho hộ nghèo.
- Thực hiện cơ chế kích cầu nhằm
tập trung huy động tối đa các nguồn lực hỗ trợ cho việc xóa nhà ở tạm bợ, dột
nát của hộ nghèo; tranh thủ các khả năng huy động nguồn lực từ bên ngoài để đẩy
nhanh tiến độ giải quyết vấn đề nhà ở cho hộ nghèo.
7. MỤC TIÊU, NGUYÊN TẮC HỖ TRỢ:
7.1. Mục tiêu:
Thực hiện Chính sách hỗ trợ hộ
nghèo về nhà ở nhằm mục đích trực tiếp hỗ trợ các hộ nghèo để có nhà ở ổn định,
an toàn, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.
7.2. Nguyên tắc hỗ trợ:
a. Hỗ trợ trực tiếp đến hộ gia
đình để xây dựng nhà ở theo đối tượng quy định.
b. Bảo đảm công khai, công bằng
và minh bạch trên cơ sở pháp luật và chính sách của Nhà nước; phù hợp với phong
tục tập quán của từng địa phương, dân tộc.
c. Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng
giúp đỡ, hộ gia đình tích cực trong việc tạo lập chỗ ở cho gia đình mình.
8. YÊU CẦU VỀ DIỆN TÍCH VÀ CHẤT
LƯỢNG NHÀ Ở XÂY DỰNG MỚI:
Xây dựng được căn nhà có diện
tích sử dụng tối thiểu 24 m2; tường xây gạch trát vữa xi măng có quét vôi, nền
xi măng, mái ngói hoặc tole, tuổi thọ căn nhà từ 10 năm trở lên (tương ứng với
chi phí xây dựng khoảng 30 triệu đồng/ căn nhà ở huyện miền núi và khoảng 25
triệu đồng/ căn nhà đối với các huyện đồng bằng).
9. MỨC HỖ TRỢ, MỨC VAY ĐỂ LÀM
NHÀ Ở:
9.1. Mức hỗ
trợ:
- Đối với các hộ nghèo thuộc diện
đối tượng được hỗ trợ nhà ở đang cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng
khó khăn quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ- TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng
Chính phủ ban hành Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn: hỗ trợ
8,4 triệu đồng/hộ (trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 7,0 triệu đồng/hộ và hỗ
trợ bổ sung phần vốn đối ứng 0,7 triệu đồng/hộ, ngân sách tỉnh hỗ trợ 0,7 triệu
đồng/hộ).
- Đối với các hộ nghèo thuộc diện
đối tượng được hỗ trợ nhà ở còn lại: hỗ trợ 7,2 triệu đồng/hộ (trong đó, ngân sách
Trung ương hỗ trợ 6,0 triệu đồng/hộ và hỗ trợ bổ sung phần vốn đối ứng 0,6 triệu
đồng/hộ, ngân sách tỉnh hỗ trợ 0,6 triệu đồng/hộ).
9.2. Mức vay và phương thức cho
vay:
a. Mức vay: hộ dân có nhu cầu,
được vay tín dụng từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội của tỉnh để làm nhà ở.
Mức vay tối đa 8 triệu đồng/hộ, lãi suất vay 3%/năm, ngân sách tỉnh hỗ trợ toàn
bộ số lãi vay cho các hộ nghèo vay vốn xây dựng nhà ở. Thời hạn vay là 10 năm,
trong đó thời gian ân hạn là 5 năm. Thời gian trả nợ là 5 năm, mức trả nợ mỗi
năm tối thiểu là 20% tổng số vốn đã vay;
b. Phương thức cho vay: Chi
nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội của tỉnh thực hiện cho vay các hộ thuộc diện
được hỗ trợ theo quy định.
9.3 Gia đình và cộng đồng tham
gia đóng góp:
- Đối với các huyện miền núi:
khoảng 14 triệu đồng/hộ.
- Đối với các huyện đồng bằng:
khoảng 9 triệu đồng/hộ.
10. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HỖ TRỢ NHÀ Ở
VÀ XẾP LOẠI THỨ TỰ ƯU TIÊN:
10.1. Đối tượng:
Đối tượng được hỗ trợ về nhà ở
theo quy định của Đề án này phải có đủ ba điều kiện sau:
a. Là hộ nghèo (theo Chuẩn nghèo
quy định tại Quyết định số 170/2005/QĐ- TTg ngày 08 tháng 7 năm 2005 của Thủ tướng
Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 - 2010), đang
cư trú tại địa phương, có trong danh sách hộ nghèo do Ủy ban nhân dân cấp xã quản
lý tại thời điểm Quyết định 167/2008/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành;
b. Hộ chưa có nhà ở hoặc đã có
nhà ở nhưng nhà ở quá tạm bợ, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ và không có
khả năng tự cải thiện nhà ở;
c. Hộ không thuộc diện đối tượng
được hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20 tháng
7 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất
ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó
khăn và theo các chính sách hỗ trợ nhà ở khác.
10.2. Xếp loại thứ tự ưu tiên hỗ
trợ:
Thực hiện ưu tiên hỗ trợ trước
cho các đối tượng theo thứ tự sau đây:
a. Hộ gia đình có công với cách
mạng;
b. Hộ gia đình là đồng bào dân tộc
thiểu số;
c. Hộ gia đình trong vùng thường
xuyên xảy ra thiên tai;
d. Hộ gia đình có hoàn cảnh khó
khăn (già cả, neo đơn, tàn tật…);
đ. Hộ gia đình đang sinh sống
trong vùng đặc biệt khó khăn;
e. Các hộ gia đình còn lại.
11. PHẠM VI ÁP DỤNG:
Chính sách hỗ trợ hộ nghèo về
nhà ở được áp dụng đối với các hộ thuộc diện đối tượng theo quy định của Đề án
này đang cư trú tại khu vực nông thôn (không thuộc khu vực đô thị như phường,
thị trấn ở các đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III, loại IV, loại V
được quy định tại Nghị định số 72/2001/NĐ-CP ngày 05/10/2001 của Chính phủ).
12. XÁC ĐỊNH SỐ LƯỢNG HỘ NGHÈO CẦN
HỖ TRỢ VỀ NHÀ Ở TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH:
12.1. Tổng số hộ nghèo của tỉnh
theo chuẩn nghèo giai đoạn 2006-2010: 41.424 (hộ). Trong đó, số hộ nghèo tại
khu vực nông thôn: 36.034 (hộ).
12.2. Tổng số hộ thuộc diện đối
tượng được hỗ trợ về nhà ở tại khu vực nông thôn (tính đến thời điểm Quyết định
167/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành): 3.805 (hộ).
- Trong đó:
+ Tổng số hộ thuộc diện đối tượng
được hỗ trợ về nhà ở là đồng bào dân tộc thiểu số: 1.467 (hộ).
+ Tổng số hộ thuộc diện đối tượng
được hỗ trợ về nhà ở là người kinh: 2.338 (hộ).
- Trong đó, tổng số hộ thuộc diện
đối tượng được hỗ trợ về nhà ở đang cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng
khó khăn quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ- TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng
Chính phủ: 2.601 (hộ).
13. PHÂN LOẠI ĐỐI TƯỢNG ƯU TIÊN:
a. Hộ gia đình có công với cách
mạng: 178 (hộ);
b. Hộ gia đình là đồng bào dân tộc
thiểu số: 1.445 (hộ);
c. Hộ gia đình sống trong vùng
thường xuyên xảy ra thiên tai: 343 (hộ);
d. Hộ gia đình có hoàn cảnh khó
khăn (già cả, neo đơn, tàn tật,…): 408 (hộ);
đ. Hộ gia đình sống trong vùng đặc
biệt khó khăn: 151 (hộ);
e. Các hộ gia đình còn lại:
1.280 (hộ).
14. NGUỒN VỐN THỰC HIỆN:
a. Ngân sách Trung ương và ngân
sách tỉnh:
- Đối với các hộ nghèo thuộc diện
đối tượng được hỗ trợ nhà ở đang cư trú tại các đơn vị hành chính theo Quyết định
số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục các
đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn: ngân sách Trung ương hỗ trợ 7,0 triệu đồng/hộ
và hỗ trợ bổ sung phần vốn đối ứng
0,7 triệu đồng/hộ, ngân sách tỉnh
hỗ trợ 0,7 triệu đồng/hộ.
- Đối với các hộ nghèo thuộc diện
đối tượng được hỗ trợ nhà ở còn lại: ngân sách Trung ương hỗ trợ 6,0 triệu đồng/hộ
và hỗ trợ bổ sung phần vốn đối ứng 0,6 triệu đồng/hộ, ngân sách tỉnh hỗ trợ 0,6
triệu đồng/hộ.
b. Chi nhánh Ngân hàng Chính
sách Xã hội tỉnh Bình Định bảo đảm kinh phí cho các hộ dân thuộc diện đối tượng
vay theo mức quy định tại Đề án này.
c. Vốn huy động từ quỹ ‘‘Ngày vì
người nghèo’’ do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam tỉnh Bình Định phát động
và vận động từ các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, các tổ chức và các cá nhân.
d. Vốn huy động của cộng đồng,
dòng họ và của chính hộ gia đình được hỗ trợ;
15. XÁC ĐỊNH TỔNG SỐ VỐN THỰC HIỆN
VÀ PHÂN KHAI NGUỒN VỐN THỰC HIỆN:
Tổng số vốn cần có để thực hiện:
105,621 tỷ đồng (tương ứng với số hộ gia đình được hỗ trợ về nhà ở đang cư trú
thuộc vùng khó khăn theo QĐ số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng
Chính phủ ban hành Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn là 2.601
hộ và số hộ gia đình các loại còn lại được hỗ trợ về nhà ở là 1.204 hộ). Trong
đó:
- Vốn ngân sách Trung
ương: 27,959 tỷ đồng;
- Vốn ngân sách của tỉnh:
2,542 tỷ đồng;
- Vốn vay tín dụng ưu
đãi: 30,424 tỷ đồng;
- Dự kiến vốn huy động tại địa
phương từ quỹ “Ngày vì người nghèo” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam phát động và vận động từ các doanh nghiệp, vốn huy động của cộng đồng, dòng
họ và của chính hộ gia đình được hỗ trợ làm nhà ở: 44,696 tỷ đồng.
16. CÁCH THỨC THỰC HIỆN:
a. Căn cứ Đề án đã được phê duyệt,
UBND các cấp tiến hành rà soát lại các đối tượng được hỗ trợ theo đúng quy định,
đồng thời tiến hành các bước tiếp theo để các hộ được hỗ trợ nhà ở có thể tiến
hành xây dựng nhà ở.
b. Cấp vốn làm nhà ở:
- Đối với vốn ngân sách: Hỗ trợ
trực tiếp đến hộ gia đình để xây dựng nhà ở theo đối tượng quy định;
- Đối với vốn vay: Hộ gia đình
được hỗ trợ làm nhà ở, trực tiếp đến Ngân hàng
Chính sách Xã hội trên địa bàn để
được hướng dẫn vay theo quy định.
- Đối với vốn huy động từ các
nguồn khác: do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc vận động và các doanh nghiệp tài trợ được
bổ sung thông qua UBND xã.
- Người dân phải tự bổ sung kinh
phí để xây dựng nhà ở cho mình.
c. Hộ người nghèo tự xây dựng
nhà ở.
17. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN:
a. Năm 2009: phải thực hiện xong
việc bình xét, lập danh sách số hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở theo quy định của
Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời
hoàn thành việc thực hiện hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng là hộ nghèo thuộc
diện chính sách; là hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số và các hộ nghèo đang
sinh sống tại 3 huyện miền núi (Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão).
b. Năm 2010: hoàn thành việc thực
hiện hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng là hộ nghèo trong vùng thường xuyên xảy
ra thiên tai; là hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn và các hộ nghèo đang sống tại
vùng đặc biệt khó khăn.
c. Năm 2011: hoàn thành việc thực
hiện hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng còn lại ở các huyện đồng bằng.
d. Năm 2012: tổng kết, đánh giá
việc thực hiện Chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở.
18. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN VỐN HÀNG
NĂM:
a. Năm 2009:
Tổng số vốn cần có để thực hiện:
65,421 tỷ đồng
Trong đó:
- Vốn ngân sách Trung ương:
16,794 tỷ đồng
- Vốn ngân sách của tỉnh: 1,527
tỷ đồng
- Vốn vay tín dụng ưu đãi:
17,560 tỷ đồng
- Vốn huy động của cộng đồng và
gia đình được hỗ trợ: 29,540 tỷ đồng
b. Năm 2010:
Tổng số vốn cần có để thực hiện:
13,150 tỷ đồng
Trong đó:
- Vốn ngân sách Trung ương:
3,771 tỷ đồng
- Vốn ngân sách của tỉnh: 0,343
tỷ đồng
- Vốn vay tín dụng ưu đãi: 4,208
tỷ đồng
- Vốn huy động khác: 4,828 tỷ đồng
c. Năm 2011:
Tổng số vốn cần có để thực hiện:
27,050 tỷ đồng
Trong đó:
- Vốn ngân sách Trung ương:
7,394 tỷ đồng
- Vốn ngân sách của tỉnh: 0,672
tỷ đồng
- Vốn vay tín dụng ưu đãi: 8,656
tỷ đồng
- Vốn huy động khác: 10,328 tỷ đồng./.