Nghị quyết số 11/2005/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2005 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 11/2005/NQ-CP
Ngày ban hành 04/10/2005
Ngày có hiệu lực 29/10/2005
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 11/2005/NQ-CP

Hà Nội, ngày 04 tháng 10 năm 2005 

 

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 9 NĂM 2005

Trong hai ngày 28 và 29 tháng 9 năm 2005, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 9, bàn và quyết nghị những vấn đề sau:

1. Chính phủ nghe báo cáo nhanh của Văn phòng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình thiệt hại và các biện pháp khắc phục hậu quả cơn bảo số 7.

Cơn bão số 7 với sức gió mạnh nhất trong vòng 10 năm trở lại đây đã gây thiệt hại cho các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh tới Hà Tĩnh. Tuy nhiên, nhờ dự báo chính xác, theo dõi sát sao diễn biến cơn bão, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống bão và sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, sự phối hợp đồng bộ và quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân nên đã hạn chế đáng kể thiệt hại do bão gây ra. Chính phủ biểu dương cán bộ, nhân dân các tỉnh vùng bị bão và các lực lượng vũ trang nhân dân đã nổ lực phòng chống bão, bảo vệ đê điều, bảo vệ tài sản, hoa màu, giữ gìn an ninh trật tự và tổ chức ổn định đời sống nhân dân. Chính phủ yêu cầu các địa phương tập trung mọi nỗ lực hàn khẩu các tuyến đê bị vỡ, bị sạt lở, gia cố các tuyến đê biển để đối phó với những diễn biến bất thường của thời tiết; khẩn trương thực hiện các biện pháp khôi phục sản xuất và ổn định đời sống nhân dân. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, trình Chính phủ hỗ trợ cho các địa phương khắc phục hậu quả bão lụt và có chính sách cụ thể để từng bước kiên cố hóa hệ thống đê biển.

2. Chính phủ đã nghe Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2005 và Kế hoạch đầu tư phát triển năm 2006 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Ngân sách Nhà nước năm 2005, dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2006 và phân bổ dự toán Ngân sách Trung ương năm 2006 do Bộ trưởng Bộ Tài chính trình.

Năm 2005, tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến đạt từ 8,3 – 8,4% là thắng lợi lớn trong điều kiện nền kinh tế phải đương đầu với nhiều khó khăn gay gắt; cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch tiến bộ, chất lượng và hiệu quả phát triển được nâng lên; huy động vốn đầu tư của toàn xã hội tăng mạnh, nhất là vốn đầu tư nước ngoài và vốn của khu vực dân cư. Thu ngân sách năm 2005 và 5 năm 2001 – 2005 vượt dự toán, cơ cấu thu tiếp tục có tiến bộ, đáp ứng nhu cầu chi, tăng cường tiềm lực tài chính quốc gia. Các lĩnh vực xã hội đều có chuyển biến tốt, nhất là về xoá đói giảm nghèo và chăm lo phát triển con người, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đất nước ta đang bước vào thời cơ mới với những thuận lợi mới; thế và lực ta mạnh hơn; tình hình chính trị ổn định đang thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều khó khăn thách thức mới đang đặt ra trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Năm 2006, với thời cơ, thuận lợi mới do những thành tựu đạt được trong 5 năm 2001 – 2005 và sự ổn định chính trị, xã hội, cũng như vị trí địa – chính trị, địa – kinh tế của nước ta đem lại, tốc độ tăng trưởng GDP có thể đạt được mức 8% và có thể cao hơn.

Trong Báo cáo Kế hoạch và Ngân sách năm 2006 cần tiếp tục xử lý một số vấn đề sau đây:

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cùng các Bộ: Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất các biện pháp và bố trí vốn tập trung xử lý dứt điểm nợ xây dựng cơ bản trong Ngân sách nhà nước để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và các ngân hàng;

- Đối với những địa phương nghèo được Trung ương hỗ trợ vốn xây dựng cơ bản phải bảo đảm đồng bộ và đủ cả vốn đối ứng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu lập Quỹ đối ứng vốn ODA ở Trung ương để chủ động xử lý các nhu cầu của địa phương, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA;

- Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới đã tăng lên nhiều hơn, vì vậy trong kế hoạch năm 2006 phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để giải quyết vấn đề xóa đói giảm nghèo. Chính phủ sẽ tăng cường nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân giúp dân phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo;

- Bộ Tài chính tính toán lại nguồn thu từ dầu thô và phối hợp với các địa phương tích cực chống thất thu, tăng thêm số thu trong dự toán năm 2006 để giải quyết tốt các nhu cầu hợp lý mà các thành viên Chính phủ đã nêu lên và cố gắng tăng mức dự phòng ngân sách lên khoảng 4%.

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bổ sung các điểm sau đây, hoàn chỉnh các Báo cáo để trình Quốc hội.

3. Chính phủ nghe Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23 tháng 02 năm 2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới do Bộ trưởng Bộ Y tế trình.

Ngày 23 tháng 02 năm 2005, Bộ Chính trị (khóa IX) đã ban hành Nghị quyết số 46-NQ/TW về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Nghị quyết này là định hướng để Chính phủ hoạch định chính sách và phát triển công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Mục tiêu của Chương trình hành động của Chính phủ là phải cụ thể hóa các nhiệm vụ, các giải pháp thực hiện Nghị quyết; phân công rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp và sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân trong tổ chức thực hiện; tạo bước chuyển biến rõ rệt trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, thể hiện nhất quán quan điểm phát triển bền vững: tăng trưởng kinh tế kết hợp với công bằng xã hội, chăm lo nhân tố con người.

Giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.

4. Chính phủ nghe Đề án điều chỉnh học phí trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân do Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo trình; nghe Đề án sửa đổi chính sách viện phí do Bộ trưởng Bộ Y tế trình.

Giao Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan, tiếp thu ý kiến phát biểu tại phiên họp, lấy thêm ý kiến các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, hoàn chỉnh dự thảo Đề án và Nghị định kèm theo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.

5. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo thủ tục ban hành Nghị quyết của Chính phủ về xét duyệt, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

Việc xét duyệt, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phải thực hiện đúng thẩm quyền của Chính phủ theo quy định của Luật Đất đai đồng thời bảo đảm thủ tục nhanh gọn, đáp ứng kịp thời nhu cầu quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, khẩn trương lấy ý kiến các thành viên Chính phủ; hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết về xét duyệt, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

6. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo về việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh dự án Luật Đăng ký bất động sản (đã được Chính phủ thảo luận và cho ý kiến tại phiên họp thường kỳ tháng 8 năm 2005); Bộ trưởng Bộ Y tế trình dự án Pháp lệnh Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người; nghe Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến thành viên Chính phủ về dự án Pháp lệnh này.

a) Dự án Luật Đăng ký bất động sản trình Chính phủ đã được tiếp thu, chỉnh sửa theo đúng Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2005, thể hiện tinh thần cải cách hành chính, thực hiện “một giấy, một cơ quan đăng ký”, bảo đảm tính pháp lý, thuận lợi đối với người sử dụng đất và sở hữu tài sản gắn liền với đất. Giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật này.

b) Về dự án Pháp lệnh Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người: Xuất phát từ nhu cầu được hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người là rất lớn và ngày càng gia tăng, để tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích nhân đạo cứu người, chữa bệnh cho nhân dân, phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, Pháp lệnh này phải thể hiện sự tôn trọng quyền nhân thân của con người, tính tự nguyện vì mục đích nhân đạo, bảo đảm đạo đức y học và bảo mật thông tin, nâng cao chất lượng chữa bệnh cho nhân dân và phù hợp với các văn bản pháp luật có liên quan.

Chính phủ nhất trí thông qua dự án Pháp lệnh Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người. Giao Bộ trưởng Bộ Y tế thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Pháp lệnh này.

7. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo về việc phát hành Trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế năm 2005; nghe Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 90/1998/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 1998 ban hành Quy chế Quản lý vay và trả nợ nước ngoài.

a) Chính phủ chấp thuận việc phát hành Trái phiếu Chính phủ Việt Nam ra thị trường vốn quốc tế theo Quyết định số 914/2005/QĐ-TTg ngày 01 tháng 9 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ. Ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Tài chính, hoặc người được Bộ trưởng Bộ Tài chính ủy quyền ký các văn bản pháp lý liên quan đến phát hành trái phiếu quốc tế với các điều khoản theo thông lệ quốc tế và quyết định mọi điều kiện, điều khoản của trái phiếu.

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ