TỔNG LIÊN ĐOÀN
LAO ĐỘNG VIỆT NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 10C/NQ-BCH
|
Hà Nội, ngày 12
tháng 01 năm 2017
|
NGHỊ QUYẾT
HỘI NGHỊ LẦN THỨ 9 BAN CHẤP HÀNH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM (KHÓA XI)
VỀ
NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN
TRONG TÌNH HÌNH MỚI
I. TÌNH HÌNH
1. Từ khi Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn (khóa IX)
ban hành Nghị quyết số 5b/NQ-BCH về “Đẩy mạnh
công tác bảo hộ lao động của tổ chức công đoàn trong tình hình mới” đến nay,
công tác an toàn vệ sinh lao động của các cấp công đoàn đã đạt được một số kết
quả chủ yếu sau:
- Công tác an toàn vệ sinh lao động đã trở thành một
trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp công đoàn. Tổng Liên đoàn và các cấp
công đoàn đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền về công tác an toàn vệ sinh lao
động với nhiều hình thức phong phú, đa dạng đến người sử dụng lao động, người
lao động, cán bộ công đoàn, an toàn vệ sinh viên qua đó nâng cao nhận thức, ý thức
trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh lao động.
- Tổng Liên đoàn và các cấp công đoàn đã tham gia với
các cơ quan nhà nước xây dựng mới hoặc sửa đổi bổ sung nhiều văn bản pháp luật
liên quan đến công tác an toàn vệ sinh lao động như Hiến pháp, Bộ Luật
Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, đặc biệt là Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, các Nghị
định và Thông tư hướng dẫn công tác an toàn vệ sinh lao động, các Tiêu chuẩn và
Quy chuẩn kỹ thuật về an toàn vệ sinh lao động. Phối hợp với cơ quan nhà nước,
chính quyền đồng cấp và người sử dụng lao động kiểm tra, thanh tra về công tác
an toàn vệ sinh lao động, điều tra tai nạn lao động, phát hiện kịp thời các vi
phạm pháp luật, chế độ chính sách về an toàn vệ sinh lao động đối với người lao
động từ đó có những yêu cầu, kiến nghị, hướng dẫn cơ sở khắc phục các vi phạm,
phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động và xử lý các
trường hợp vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng.
- Phong trào quần chúng làm công tác an toàn vệ sinh
lao động đặc biệt là phong trào “Xanh - sạch - đẹp, Bảo đảm an toàn vệ sinh lao
động” tiếp tục được duy trì; đã có nhiều công trình, sáng kiến, đề tài liên
quan đến an toàn vệ sinh lao động góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện
môi trường và điều kiện lao động, cảnh quan nhà máy, công sở, bảo đảm an toàn vệ
sinh lao động cho người lao động.
- Công tác đào tạo kĩ sư, thạc sĩ bảo hộ lao động
được đẩy mạnh góp phần cung cấp nguồn nhân lực có chuyên môn, nghiệp vụ về công
tác an toàn vệ sinh lao động cho các cấp công đoàn, cơ quan quản lý nhà nước và
các doanh nghiệp.
2. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác an
toàn vệ sinh lao động của các cấp công đoàn còn một số tồn tại, hạn chế:
- Một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa quan tâm và
nhận thức đầy đủ về công tác an toàn vệ sinh lao động, cũng như chưa coi trọng
đúng mức vai trò, vị trí của tổ chức công đoàn trong công tác an toàn vệ sinh
lao động.
- Bộ máy, cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động
trong hệ thống công đoàn chưa được củng cố, kiện toàn như mục tiêu Nghị quyết số
5b/NQ-BCH đặt ra.
- Phong trào quần chúng làm công tác an toàn vệ
sinh lao động chưa phát triển đều khắp, chủ yếu được thực hiện ở các doanh nghiệp
nhà nước và ở những doanh nghiệp có công đoàn cơ sở. An toàn vệ sinh viên ở nhiều
cơ sở hoạt động còn hình thức, chưa có hiệu quả.
- Sự phối hợp giữa các cấp công đoàn với cơ quan chức
năng, người sử dụng lao động trong công tác an toàn vệ sinh lao động có nơi còn
thụ động, phụ thuộc vào cơ quan chức năng, người sử dụng lao động.
3. Thời gian tới, công tác an toàn vệ sinh lao động
đặt ra nhiều yêu cầu đòi hỏi mới, đặc biệt là việc thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 và các
Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Bên cạnh những thuận lợi thì hoạt động
an toàn vệ sinh lao động của tổ chức công đoàn cũng gặp nhiều thách thức. Việc
tham gia thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật
An toàn, vệ sinh lao động và các cam kết trong các Tiêu chuẩn của Tổ chức
lao động quốc tế ILO và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ góp phần
vào việc bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện làm việc cho người
lao động, bảo vệ môi trường, xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định và tiến
bộ tại nơi làm việc, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.
II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU
1. Quan điểm:
Tổ chức thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động
là nghĩa vụ, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân, người sử
dụng lao động, người lao động, trong đó Công đoàn có vai trò và trách nhiệm
quan trọng nhằm cải thiện điều kiện làm việc an toàn và vệ sinh, xây dựng văn
hóa an toàn lao động tại nơi làm việc, chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh
nghề nghiệp cho người lao động, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và tăng
năng suất lao động.
2. Mục tiêu:
2.1. Mục tiêu tổng quát:
Tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm
của cán bộ công đoàn, người sử dụng lao động, người lao động về tăng cường thực
hiện có hiệu quả công tác an toàn vệ sinh lao động trong giai đoạn đẩy mạnh
công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tiếp tục kiện toàn, nâng cao
năng lực bộ máy và cán bộ công đoàn làm công tác an toàn vệ sinh lao động đáp ứng
yêu cầu tình hình mới; cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm an toàn vệ sinh
lao động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động, xây
dựng văn hóa an toàn lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến
bộ tại nơi làm việc, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và tăng năng suất
lao động.
Thông qua thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh
lao động góp phần khẳng định vai trò, củng cố và nâng cao vị thế công đoàn,
phát triển đoàn viên, thu hút người lao động gia nhập công đoàn, xây dựng giai
cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh.
2.2. Chỉ tiêu cụ thể:
Phấn đấu từ nay đến năm 2023, công tác an toàn vệ
sinh lao động của tổ chức công đoàn đạt được một số chỉ tiêu sau đây:
- 100% cán bộ công đoàn làm công tác an toàn vệ
sinh lao động cấp trên cơ sở được huấn luyện về công tác an toàn vệ sinh lao động.
- 100% cán bộ công đoàn chủ chốt của các công đoàn
cơ sở ở doanh nghiệp thuộc ngành nghề có nguy cơ cao được huấn luyện về an toàn
vệ sinh lao động.
- 100% doanh nghiệp thuộc ngành nghề có nguy cơ cao
thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên.
- 100% doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công
và 50% trở lên số doanh nghiệp ngoài nhà nước hưởng ứng phong trào “Xanh - Sạch
- Đẹp, Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”.
- 100% các vụ tai nạn lao động nặng và chết người
được báo cáo, điều tra và có đại diện công đoàn tham gia đoàn điều tra, giám
sát việc giải quyết chế độ, đào tạo nghề và bố trí công việc cho người lao động
bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Tiến hành khởi kiện khi quyền của người lao động
hoặc tập thể người lao động về an toàn vệ sinh lao động bị xâm phạm nghiêm trọng.
III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
1. Nâng cao năng lực, hiệu quả
công đoàn tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện pháp luật, tiêu chuẩn và
quy chuẩn kỹ thuật, chế độ chính sách về an toàn vệ sinh lao động:
- Chủ động nghiên cứu, đề xuất ý kiến tham gia với
các cơ quan chức năng trong xây dựng các văn bản pháp luật, tiêu chuẩn và quy
chuẩn kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động, chế độ chính sách về an toàn vệ sinh
lao động; trong quá trình tham gia cần tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các chuyên
gia, cán bộ, đoàn viên công đoàn và người lao động đảm bảo các ý kiến đề xuất vừa
có cơ sở khoa học, thực tiễn, vừa có lợi cho người lao động.
- Chủ động phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức
kiểm tra, thanh tra, giám sát công tác an toàn vệ sinh lao động nhằm phát hiện,
xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm về an toàn vệ sinh lao động, phòng ngừa
tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
- Nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số đánh giá xếp hạng mức
độ hài lòng của người lao động đối với công tác an toàn vệ sinh lao động ở
doanh nghiệp.
2. Đổi mới hình thức, nâng cao
hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, tập huấn nâng cao nhận thức,
ý thức trách nhiệm bảo đảm an toàn vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động,
cán bộ, đoàn viên và người lao động
- Đổi mới nội dung và đa dạng hóa hình thức tuyên
truyền, chủ động hoặc phối hợp với cơ quan chức năng thường xuyên thông tin,
tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và kiến thức về an toàn vệ sinh
lao động, lồng ghép thông tin về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
với các chương trình, hoạt động thông tin, truyền thông khác.
- Phối hợp với cơ quan chức năng, người sử dụng lao
động tổ chức tập huấn, huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động, các yếu tố nguy
hiểm, yếu tố có hại, đánh giá nguy cơ rủi ro và các biện pháp bảo đảm an toàn vệ
sinh lao động cho người lao động. Tăng cường việc phổ biến kinh nghiệm, tập huấn
phương pháp và kỹ năng phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho cán bộ
công đoàn, người sử dụng lao động và người lao động.
3. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả
phong trào quần chúng làm công tác an toàn vệ sinh lao động và góp phần thúc đẩy
thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu
- Phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức phát động
phong trào thi đua về an toàn vệ sinh lao động, phong trào quần chúng làm công
tác an toàn vệ sinh lao động. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp,
Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, từ đó thúc đẩy sự tham gia của người sử dụng
lao động và người lao động trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh lao động.
- Đẩy mạnh việc phát triển về số lượng, đồng thời
nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở
các cơ sở sản xuất. Tổ chức tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh lao động và kỹ
năng, phương pháp hoạt động cho mạng lưới an toàn vệ sinh viên.
4. Tăng cường hiệu quả phối hợp
với các cơ quan chức năng, người sử dụng lao động trong công tác an toàn vệ
sinh lao động
- Công đoàn cấp trên cơ sở chủ động đề xuất và phối
hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các
quy định về an toàn vệ sinh lao động; cũng như chỉ đạo công đoàn cơ sở chủ động
phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức tự kiểm tra công tác an toàn vệ
sinh lao động.
- Chủ động và kịp thời đề xuất ý kiến tham gia xây
dựng các văn bản pháp luật, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về an toàn vệ sinh
lao động; đồng thời tổng hợp các kiến nghị, đề xuất từ cán bộ, đoàn viên công
đoàn và người lao động về những bất cập, vướng mắc để kiến nghị, đề xuất với cơ
quan chức năng sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động
và quyền, lợi ích, chế độ chính sách cho người lao động.
- Công đoàn cơ sở chủ động phối hợp với người sử dụng
lao động: xây dựng kế hoạch an toàn vệ sinh lao động, nội quy, quy trình, biện
pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh
viên, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể, tổ chức đối thoại tại
nơi làm việc trong đó có các điều khoản, nội dung về điều kiện làm việc, an
toàn vệ sinh lao động cụ thể, chi tiết và có lợi cho người lao động; tổ chức tự
kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động, đánh giá nguy cơ và rủi ro tại nơi
làm việc; điều tra đầy đủ, kịp thời, chính xác tất cả các vụ tai nạn lao động nặng
và chết người, giám sát đôn đốc việc giải quyết chế độ cho người lao động bị
tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tổ chức phát động phong trào thi đua, phong
trào quần chúng làm công tác an toàn vệ sinh lao động, xây dựng văn hóa an toàn
lao động tại nơi làm việc.
5. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng
công tác đào tạo kĩ sư bảo hộ lao động, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ
an toàn vệ sinh lao động, cải thiện môi trường và điều kiện làm việc cho người
lao động
- Nâng cao chất lượng đào tạo kĩ sư bảo hộ lao động
ở Trường Đại học Công đoàn và Trường Đại học Tôn Đức Thắng và công tác huấn luyện
về an toàn vệ sinh lao động trong các cơ sở dạy nghề của hệ thống công đoàn gắn
với nhu cầu và yêu cầu của thực tiễn công tác an toàn vệ sinh lao động, của
doanh nghiệp và vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong tình hình mới.
- Nâng cao chất lượng nghiên cứu cung cấp cơ sở
khoa học và thực tiễn cho Tổng Liên đoàn và các cấp công đoàn trong tham gia ý
kiến với các cơ quan nhà nước xây dựng pháp luật, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ
thuật an toàn vệ sinh lao động, chế độ chính sách về an toàn vệ sinh lao động
cho người lao động; Viện nghiên cứu KHKT Bảo hộ lao động chú trọng nghiên cứu về
điều kiện làm việc, các nguy cơ rủi ro ở các ngành nghề, lĩnh vực mới, những
ngành nghề, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và
các giải pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để bảo đảm an toàn vệ sinh lao động,
cải thiện môi trường và điều kiện làm việc cho người lao động.
- Tổ chức, vận động và động viên, khen thưởng kịp
thời đoàn viên, người lao động có các sáng kiến, giải pháp kỹ thuật cải tiến kỹ
thuật, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao năng suất lao động và bảo đảm an
toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Nghiên cứu xây dựng Đề án “Xây dựng Bệnh viện sức
khỏe nghề nghiệp” trực thuộc Viện nghiên cứu khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động
trình Chính phủ.
6. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao
năng lực cho cán bộ công đoàn làm công tác an toàn vệ sinh lao động
- Phân công cán bộ được đào tạo chuyên ngành về bảo
hộ lao động để làm công tác an toàn vệ sinh lao động ở Ban Chính sách - Pháp luật
Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương, Công đoàn Tổng công
ty trực thuộc Tổng Liên đoàn.
- Xây dựng tiêu chuẩn và nâng cao chất lượng tuyển
dụng, sử dụng cán bộ công đoàn làm công tác an toàn vệ sinh lao động. Chú trọng
đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực và chất lượng cho cán bộ làm công tác an
toàn vệ sinh lao động trong hệ thống công đoàn; hàng năm, tổ chức tập huấn nghiệp
vụ và kỹ năng, phương pháp hoạt động an toàn vệ sinh lao động cho cán bộ công
đoàn làm công tác an toàn vệ sinh lao động.
7. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về
an toàn vệ sinh lao động
- Tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, tiếp
cận, ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến của các nước để góp phần bảo đảm
tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện làm việc cho người
lao động.
- Tranh thủ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu
tư, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các công đoàn các nước về kỹ thuật, chuyên
gia, kinh phí cho công tác an toàn vệ sinh lao động của tổ chức công đoàn.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
- Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn xây dựng kế hoạch
triển khai và hướng dẫn việc tổ chức thực hiện Nghị quyết này ở các cấp công
đoàn.
- Ban Quan hệ lao động tham mưu giúp Đoàn Chủ tịch
Tổng Liên đoàn xây dựng kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết này ở
các cấp công đoàn; theo dõi, kiểm tra, đánh giá, báo cáo, sơ, tổng kết việc thực
hiện Nghị quyết trong các cấp công đoàn.
- Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố,
Công đoàn ngành trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn chỉ
đạo, tổ chức tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết đến các cấp công đoàn trực thuộc;
xây dựng kế hoạch triển khai và kiểm tra, đánh giá việc tổ chức thực hiện Nghị
quyết phù hợp tình hình, đặc điểm của địa phương, ngành. Tổ chức sơ kết, tổng kết
kết quả thực hiện Nghị quyết theo chỉ đạo của Tổng Liên đoàn.
- Các cấp công đoàn cần xác định công tác an toàn vệ
sinh lao động là nhiệm vụ quan trọng và đưa vào chương trình, kế hoạch hoạt động
toàn khóa và hàng năm, ban hành các tiêu chí và đưa vào nội dung đánh giá, tổng
kết nhiệm vụ và xét thi đua của cấp mình và các cấp công đoàn trực thuộc.
Nghị quyết này được triển khai thực hiện ở các cấp
công đoàn. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản
ánh về Tổng Liên đoàn (qua Ban Quan hệ lao động) để được hướng dẫn kịp thời./.
Nơi nhận:
- Ban Dân vận trung ương;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc VN;
- Các Bộ: LĐTBXH, Y tế, Công an;
- Các ủy viên Ban Chấp hành TLĐ;
- Thường trực Đoàn Chủ tịch TLĐ;
- Các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành TW, Công đoàn Tcty trực thuộc
TLĐ;
- Các Ban, đơn vị trực thuộc TLĐ;
- Lưu: VT, QHLĐ.
|
TM. BAN CHẤP
HÀNH
CHỦ TỊCH
Bùi Văn Cường
|