Nghị quyết 1078/2007/NQ-UBTVQH11 hướng dẫn về tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành

Số hiệu 1078/2007/NQ-UBTVQH11
Ngày ban hành 29/01/2007
Ngày có hiệu lực 29/01/2007
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Người ký Nguyễn Phú Trọng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

UỶ BAN THƯỜNG VỤ
QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1078/2007/NQ/UBTVQH11

Hà Nội, ngày 29 tháng 01 năm 2007

 

NGHỊ QUYẾT

BAN HÀNH “HƯỚNG DẪN MỘT SỐ ĐIỂM VỀ VIỆC TỔ CHỨC CUỘC BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHOÁ XII”

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

- Căn cứ Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 31/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
- Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1: Ban hành kèm theo Nghị quyết này bản "Hướng dẫn một số điểm về việc tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII".

Điều 2: Các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan có trách nhiệm thực hiện bản hướng dẫn này.

Điều 3: Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 285/2002/NQ-UBTVQH10 ngày 29 tháng 01 năm 2002 và có hiệu lực kể từ ngày ký.

 

 

T/M ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
CHỦ TỊCH




Nguyễn Phú Trọng

 

HƯỚNG DẪN

MỘT SÔ ĐIỂM VỀ VIỆC TỔ CHỨC CUỘC BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XII
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 1078/2007/NQ/UBTVQH11 ngày 29 tháng 01 năm 2007 của Ủy ban thường vụ Quốc hội)

Chương I

BẦU CỬ, ỨNG CỬ

Điều 1. Cách tính tuổi để thực hiện quyền bầu cử và ứng cử

Cách tính tuổi để thực hiện quyền bầu cử và ứng cử tại Điều 2 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội được quy định như sau:

1. Tuổi để thực hiện quyền bầu cử và ứng cử của công dân được tính từ ngày, tháng, năm sinh ghi trong Giấy khai sinh đến ngày bầu cử đại biểu đại biểu Quốc hội đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội ấn định. Trường hợp không có Giấy khai sinh thì căn cứ vào sổ hộ khẩu hoặc Giấy chứng minh nhân dân để tính tuổi thực hiện quyền bầu cử, ứng cử.

Mỗi tuổi tròn được tính từ ngày, tháng, năm sinh (dương lịch) của năm trước đến ngày, tháng, năm sinh (dương lịch) của năm sau.

2. Trường hợp không xác định được ngày sinh thì lấy ngày 01 của tháng sinh làm căn cứ để xác định tuổi thực hiện quyền bầu cử và ứng cử. Trường hợp không xác định được ngày và tháng sinh thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh làm căn cứ để xác định tuổi thực hiện quyền bầu cử và ứng cử.

Điều 2. Danh sách cử tri

1. Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, đủ mười tám tuổi trở lên, đang cư trú tại nơi mình có hộ khẩu thường trú và không thuộc các trường hợp không được ghi tên vào danh sách cử tri quy định tại Điều 3 của hướng dẫn này thì được ghi tên vào danh sách cử tri tại xã, phường, thị trấn nơi đã đăng ký thường trú và bầu cử đại biểu Quốc hội tại nơi đó.

2. Trong thời hạn lập danh sách cử tri, những người chưa có hộ khẩu thường trú nhưng có giấy chứng nhận chuyển đi của cơ quan có thẩm quyền ở nơi cư trú cũ thì được ghi tên vào danh sách cử tri tại nơi cư trú mới để tham gia bầu cử.

3. Trường hợp người tạm vắng khỏi nơi cư trú để đi lao động, làm ăn hoặc vì lý do khác, nếu đã đăng ký tạm trú từ sáu tháng trở lên ở nơi cư trú mới thì được ghi tên vào danh sách cử tri tại địa phương nơi cư trú mới để thực hiện quyền bầu cử.

4. Trường hợp người tạm vắng khỏi nơi cư trú để đi thăm người thân, đi du lịch hoặc vì lý do khác thì ghi tên vào danh sách cử tri nơi đăng ký hộ khẩu thường trú để thực hiện quyền bầu cử.

5. Sinh viên, học sinh, học viên có hộ khẩu tạm trú ở các trường chuyên nghiệp, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung học chuyên nghiệp và quân nhân ở các đơn vị vũ trang nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi học tập, công tác hoặc nơi đóng quân để tham gia bầu cử.

6. Quân nhân có hộ khẩu thường trú tại địa phương (gần nơi đóng quân) có thể được Thủ trưởng đơn vị cấp giấy chứng nhận để ghi tên vào danh sách cử tri tham gia bỏ phiếu bầu cử ở nơi cư trú.

7. Kể từ ngày niêm yết danh sách cử tri cho đến ngày bỏ phiếu, cán bộ, công chức nhà nước, cán bộ, chiến sĩ thuộc đơn vị vũ trang nhân dân đang đi công tác và những người di cư tự do, đi lao động, làm công, đi thăm người thân, đi du lịch ở nơi nào thì xuất trình thẻ cử tri do Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân xã) nơi cư trú cấp hoặc giấy chứng nhận "đi bỏ phiếu nơi khác" do chỉ huy đơn vị vũ trang nhân dân cấp tại Uỷ ban nhân xã nơi mới đến để được ghi tên bổ sung vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu ở nơi đó; nếu họ chưa có thẻ cử tri hoặc giấy chứng nhận "đi bỏ phiếu nơi khác" thì Uỷ ban nhân dân xã phải yêu cầu những người này liên hệ với Uỷ ban nhân dân xã hoặc chỉ huy đơn vị nơi lập danh sách cử tri trước ngày niêm yết danh sách cử tri để nhận thẻ cử tri hoặc giấy chứng nhận "đi bỏ phiếu nơi khác" để được bầu cử ở nơi mới đến.

[...]