Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Nghị quyết 105/NQ-CP năm 2019 về triển khai thực hiện Kết luận về tình hình thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 105/NQ-CP
Ngày ban hành 19/11/2019
Ngày có hiệu lực 19/11/2019
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 105/NQ-CP

Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 2019

 

NGHỊ QUYẾT

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾT LUẬN CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 13-NQ/TW NGÀY 16 THÁNG 01 NĂM 2012 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG KHÓA XI VỀ XÂY DỰNG KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐỒNG BỘ NHẰM ĐƯA NƯỚC TA CƠ BẢN TRỞ THÀNH NƯỚC CÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG HIỆN ĐẠI VÀO NĂM 2020

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Thông báo số 53-TB/TW ngày 30 tháng 3 năm 2019 của Bộ Chính trị về tình hình thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT NGHỊ:

Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã kết luận về Kết quả sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 tại Thông báo số 53-TB/TW ngày 30 tháng 3 năm 2019. Bộ Chính trị đánh giá kết cấu hạ tầng đã có những bước tiến rõ rệt, nhiều dự án, công trình kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội nước ta phát triển, củng cố quốc phòng, an ninh. Bước đầu đã huy động được nguồn lực xã hội ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Song so với nhu cầu phát triển hiện nay, kết cấu hạ tầng còn nhiều mặt hạn chế và vẫn còn là điểm nghẽn cho sự phát triển.

Bộ Chính trị khẳng định trong thời gian tới, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ tiếp tục là một trong những đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021 - 2030.

Căn cứ tình hình thực tiễn và bối cảnh mới, Chính phủ ban hành Nghị quyết triển khai thực hiện định hướng nhiệm vụ phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng theo kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Việc xây dựng và ban hành Nghị quyết của Chính phủ nhằm quán triệt và chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện đúng tinh thần Thông báo số 53-TB/TW ngày 30 tháng 3 năm 2019 của Bộ Chính trị.

2. Việc triển khai thực hiện Thông báo số 53-TB/TW ngày 30 tháng 3 năm 2019 của Bộ Chính trị phải cụ thể hóa các yêu cầu bằng việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tập trung hoàn thiện thể chế, luật pháp, chính sách huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư để sớm hoàn thành các công trình dự án quan trọng quốc gia, các dự án có sức lan tỏa, tạo sự đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng.

3. Nhiệm vụ chủ yếu phải khắc phục được những hạn chế, thể hiện rõ vai trò kiến tạo, chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời tăng cường trách nhiệm giải trình của Chính phủ và cơ quan nhà nước các cấp trước Quốc hội và nhân dân.

II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

Các nhiệm vụ chủ yếu triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị tại Thông báo số 53-TB/TW ngày 30 tháng 3 năm 2019 bao gồm (chi tiết tại Phụ lục kèm theo):

1. Khẩn trương xây dựng và hoàn thành các nhiệm vụ của các ngành và địa phương đã được phân công tại Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW. Các bộ, ngành và địa phương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, sớm hoàn thành các công trình dự án quan trọng quốc gia, các dự án có sức lan tỏa, tạo nền tảng tiếp cận, nắm bắt cơ hội Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hạ tầng kinh tế số.

2. Tiếp tục hoàn thành nghiên cứu, xây dựng và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP)...; tập trung hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai... đảm bảo chất lượng, tiến độ trình Chính phủ, Quốc hội; rà soát, hoàn thiện văn bản hướng dẫn các Luật liên quan.

3. Thực hiện các giải pháp quyết liệt, đặc biệt các giải pháp về cơ chế, chính sách và huy động nguồn lực nhằm tập trung đầu tư xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước theo các mục tiêu Nghị quyết đề ra. Phát triển kết cấu hạ tầng gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo quốc, phòng, an ninh.

- Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư, đấu thầu, bảo đảm sự hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng kết cấu hạ tầng. Thực hiện giải pháp công khai, minh bạch thông tin và xây dựng cơ chế giám sát để các tầng lớp nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương.

- Tập trung huy động nguồn lực đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là triển khai các biện pháp thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trên cơ sở bảo đảm hiệu quả đầu tư, cân bằng lợi ích của các chủ thể. Nguồn lực từ ngân sách nhà nước tập trung đầu tư các công trình, dự án liên quan đến quốc phòng, an ninh hoặc các công trình, dự án không kêu gọi, thu hút được các nhà đầu tư... Đồng thời, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ tài sản công (theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công) tạo vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

4. Các ngành, lĩnh vực và các địa phương tập trung rà soát, xây dựng danh mục các công trình dự án kết cấu hạ tầng để tập trung ưu tiên đầu tư, bao gồm danh mục thu hút đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước. Tiếp tục tập trung nguồn lực, đầu tư có trọng điểm, cấp bách và hoàn thành dứt điểm các công trình, dự án dở dang.

5. Nghiên cứu đề án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ giai đoạn 2021 - 2030 theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW nhằm xác định những nhiệm vụ trọng tâm đảm bảo phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

6. Căn cứ Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn được ban hành, tập trung lập quy hoạch các ngành, lĩnh vực kết cấu hạ tầng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đảm bảo cân đối nguồn lực, khả thi và hiệu quả công trình, dự án kết cấu hạ tầng.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trên cơ sở các nhiệm vụ cụ thể trong Phụ lục kèm theo, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công.

2. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, cơ quan, địa phương làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo đồng thuận xã hội, phản ánh trung thực, khách quan các vấn đề liên quan đến đầu tư xây dựng các dự án, công trình kết cấu hạ tầng, phát huy tinh thần nỗ lực của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân để phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ theo kết luận của Bộ Chính trị.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và Nghị quyết của Chính phủ, kịp thời điều chỉnh các chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể phù hợp với yêu cầu thực tế, bảo đảm thực hiện có hiệu quả cao nhất.

[...]