Nghị quyết 104/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2018

Số hiệu 104/NQ-CP
Ngày ban hành 08/08/2018
Ngày có hiệu lực 08/08/2018
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 104/NQ-CP

Hà Nội, ngày 08 tháng 8 năm 2018

 

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 7 NĂM 2018

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Trên cơ sở thảo luận của các thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2018, tổ chức vào ngày 31 tháng 7 và 01 tháng 8 năm 2018,

QUYẾT NGHỊ:

1. Về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)

Chính phủ thống nhất thông qua đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về bổ sung chính sách nâng chuẩn trình độ đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm theo lộ trình quy định tại dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Đồng thời, thống nhất chủ trương thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết số 29-NQ/TW (khóa XI); Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương xác định nhu cầu nguồn kinh phí thực hiện chính sách này theo lộ trình phù hợp.

Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục lấy ý kiến Nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học về dự án Luật này, nhất là việc tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia; phối hợp với Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Dân tộc rà soát vấn đề cử tuyển; chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội dự án Luật này.

2. Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học

Chính phủ thống nhất với đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc rà soát, sửa đổi các Luật liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học theo hướng một luật sửa nhiều luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, tháo gỡ vướng mắc trong triển khai cơ chế tự chủ đại học; bổ sung quy định về Hội đồng trường đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ có chức năng thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan chủ quản, giám sát các mặt hoạt động của trường đại học, tiến tới xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung quản lý nhà nước về giáo dục đại học.

Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục lấy ý kiến Nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự án Luật này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội.

3. Về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, ý kiến thẩm tra của Văn phòng Chính phủ, trong đó không thành lập quỹ phòng chống tác hại rượu, bia; chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội.

4. Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, ý kiến thẩm tra của Văn phòng Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội.

5. Về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định số: 77/2015/NĐ-CP, 136/2015/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư công; 161/2016/NĐ-CP về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng một số dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự thảo Nghị định, trong đó chỉ quy định các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành trong tháng 8 năm 2018. Đồng thời, đề xuất các nội dung cần xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

6. Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2018; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018

Chính phủ thống nhất đánh giá: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm tiếp tục xu thế tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Mặt bằng lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại tệ tương đối ổn định. Khu vực nông nghiệp tăng trưởng khá trong điều kiện chịu nhiều tác động bất lợi của tình hình thời tiết, nhất là ở khu vực phía Bắc và ven biển miền Trung. Khu vực công nghiệp tăng trưởng mạnh; trong đó chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 7 tăng 14,3%. Khu vực thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,1%; lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 25,4%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 15,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 18,7%. Thu ngân sách tăng. Tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký và giải ngân khá. Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện; trong đó Chỉ số đổi mới toàn cầu (GII) của Việt Nam xếp 45/126 quốc gia và nền kinh tế, tăng 02 bậc so với năm 2017, thứ hạng cao nhất đạt được từ trước đến nay; Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam xếp 57/156 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 11 bậc, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN; Chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics của Việt Nam tăng 25 bậc so với năm 2016, xếp 39/160 quốc gia. Nhiều hoạt động kỷ niệm, tri ân, đền ơn, đáp nghĩa nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27 tháng 7 được tổ chức trang trọng, thiết thực, chu đáo. Các chính sách an sinh xã hội việc làm, giảm nghèo, y tế được quan tâm thực hiện tốt. Nhiều hoạt động thúc đẩy tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, hợp tác hỗ trợ đổi mới sáng tạo, hỗ trợ hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp tục được đẩy mạnh. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được chú trọng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn còn những hạn chế bất cập và đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Giá các hàng hóa cơ bản trên thế giới biến động, có xu hướng tăng làm gia tăng sức ép lạm phát. Chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn diễn ra căng thẳng hơn cùng với xu hướng bảo hộ thương mại và áp đặt hàng rào phi thuế quan của các nước ảnh hưởng tới xuất khẩu và sản xuất, kinh doanh trong nước. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước và triển khai kế hoạch cổ phần hóa, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Tình hình thiên tai, bão lũ tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống. Tình trạng ô nhiễm môi trường, phá rừng, tai nạn giao thông, cháy nổ xảy ra còn nhiều...

Chính phủ kiên định các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2018 đã đề ra theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, trọng tâm là kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, đặc biệt là bảo đảm an toàn cho người dân, củng cố niềm tin xã hội, niềm tin thị trường, niềm tin doanh nghiệp; yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo thực hiện hiệu quả, đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là các Nghị quyết số: 01/NQ-CP, 19-2018/NQ-CP, 35/NQ-CP và các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ; trực tiếp chỉ đạo sát sao, quyết liệt, triển khai hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất, kinh doanh; tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ; trong đó tập trung thực hiện một số nội dung sau:

- Tổ điều hành kinh tế vĩ mô và các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế và trong nước, phối hợp điều hành kịp thời, hài hòa, hiệu quả các chính sách kinh tế vĩ mô. Ban Chỉ đạo điều hành giá theo dõi diễn biến thị trường các mặt hàng thiết yếu, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh khi có biến động bất thường. Trong năm 2018, Chính phủ chưa xem xét điều chỉnh giá điện và giá một số dịch vụ công thiết yếu do nhà nước quản lý.

- Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; tạo niềm tin, thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài quy mô lớn và có chuỗi giá trị toàn cầu. Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn, phát triển sản xuất, kinh doanh. Tăng cường phối hợp kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn việc nhập khẩu phế liệu, hàng hóa công nghệ lạc hậu, chất lượng kém vào Việt Nam; khẩn trương phân loại, giải tỏa, thanh tra, chấn chỉnh việc cấp phép nhập khẩu phế liệu thời gian qua. Từng Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan tập trung chỉ đạo sát sao, giải quyết kịp thời các vướng mắc, rà soát không để tình trạng chồng chéo, không rõ trách nhiệm, cơ cấu lại các ban quản lý dự án hoạt động không hiệu quả, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác; triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý ngoại hối, ổn định thị trường ngoại tệ; tiếp tục điều hành linh hoạt tỷ giá, phù hợp với diễn biến cung cầu thị trường, cân đối vĩ mô và mục tiêu kiểm soát lạm phát. Có biện pháp quản lý thanh toán điện tử liên quan đến dịch vụ xuyên biên giới. Kiểm soát chất lượng dư nợ tín dụng tiêu dùng, đặc biệt là hoạt động của các công ty tín dụng tiêu dùng, các quỹ tín dụng nhân dân. Đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương báo cáo Chính phủ tình hình sơ kết đánh giá 3 năm thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 để hoàn thiện, báo cáo Quốc hội theo quy định. Thành lập Tổ công tác đôn đốc, kiểm tra tình hình giải ngân vốn đầu tư công.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng năm 2019.

[...]