Nghị quyết 102/NQ-HĐND năm 2017 về điều chỉnh Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Số hiệu 102/NQ-HĐND
Ngày ban hành 08/12/2017
Ngày có hiệu lực 08/12/2017
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Yên
Người ký Huỳnh Tấn Việt
Lĩnh vực Thương mại

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 102/NQ-HĐND

Phú Yên, ngày 08 tháng 12 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH PHÚ YÊN ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 6

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Số 122/QĐ-TTg ngày 29 tháng 8 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020; số 880/QĐ-TTg ngày 09 tháng 6 năm 2014 về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; số 2146/QĐ-TTg ngày 01 tháng 12 năm 2014 về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ các Thông tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Số 01/2012/TT-BKHĐT ngày 09 tháng 02 năm 2012 hướng dẫn xác định chi phí cho lập, thẩm định và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu; số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 10 năm 2013 về việc hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu; Thông tư số 50/2015/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2015 của Bộ Công Thương quy định về nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, quản lý quy hoạch phát triển ngành công nghiệp và thương mại;

Xét Tờ trình số 154/TTr-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc điều chỉnh Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của các đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Điều chỉnh Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với những nội dung cơ bản kèm theo.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

Hội đồng nhân dân tỉnh giao:

1. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh căn cứ chức năng nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên Khóa VII, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2017có hiệu lực từ ngày thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Việt

 

ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH

PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH PHÚ YÊN ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 102/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 của HĐND tỉnh)

I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU QUY HOẠCH

1. Quan điểm phát triển

- Phát triển công nghiệp Phú Yên theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp vùng và công nghiệp cả nước. Đặc biệt, quy hoạch công nghiệp phải có sự thống nhất, phù hợp với các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch phát triển du lịch… của tỉnh.

- Phát triển công nghiệp tỉnh phù hợp với Đề án thực hiện Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

- Phát triển công nghiệp với nhịp độ cao, bền vững, hiệu quả và khai thác tốt các lợi thế của Khu kinh tế Nam Phú Yên gắn với đặc khu kinh tế Vân Phong để làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

- Phát triển công nghiệp trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của từng loại sản phẩm ở địa phương nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp, thông qua phát huy nội lực và tranh thủ hợp tác quốc tế.

- Phát triển công nghiệp phải gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm, đi đôi với mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế về vốn, công nghệ; đồng thời hướng mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển.

- Phát triển công nghiệp phải dựa trên cơ sở xây dựng nguồn nhân lực tại chỗ; kết hợp hài hòa giữa công nghệ truyền thống với công nghệ hiện đại, công nghệ cao.

[...]