Nghị quyết số 08/2002/NQ-CP về phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2002 do Chính Phủ ban hành

Số hiệu 08/2002/NQ-CP
Ngày ban hành 04/07/2002
Ngày có hiệu lực 19/07/2002
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 08/2002/NQ-CP

Hà Nộ,i ngày 04 tháng 7 năm 2002

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 08/2002/NQ-CP NGÀY 04 THÁNG 7 NĂM 2002PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 6 NĂM 2002

Trong ngày 28 và sáng 29 tháng 6 năm 2002, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6 năm 2002, bàn và quyết nghị các vấn đề sau:

1. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Báo cáo bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch và ngân sách năm 2001, thực hiện nhiệm vụ kế hoạch và ngân sách 6 tháng đầu năm 2002; Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Báo cáo bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2001, tình hình ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2002 và các giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2002.

Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách năm 2001 có nhiều chuyển biến tích cực: công nghiệp tăng trưởng cao; huy động và thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội đạt kết quả khá hơn; hoạt động tài chính, tiền tệ có nhiều tiến bộ; thu ngân sách nhà nước tăng, bảo đảm kịp thời các khoản chi; hoạt động ngân hàng có chuyển biến tích cực; một số lĩnh vực văn hoá xã hội có tiến bộ như xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm... Tuy nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn trong 2 tháng cuối năm, vì vậy, so với Báo cáo của Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, một số chỉ tiêu đạt được thấp hơn. Có 4 chỉ tiêu đạt thấp hơn kế hoạch đầu năm và 5 chỉ tiêu đạt thấp hơn số đã báo cáo Quốc hội. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu thực tế chỉ tăng 4,5%, số đã báo cáo Quốc hội tăng 8% và kế hoạch đầu năm là tăng 16%.

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ và Tổng cục Thống kê chuẩn hoá các số liệu, hoàn chỉnh báo cáo; trình Thủ tướng Chính phủ để báo cáo bổ sung trước Quốc hội.

Ngay từ đầu năm 2002, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương nhanh chóng triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; ban hành nhiều cơ chế chính sách quan trọng và chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2002. Do vậy, dù gặp phải những khó khăn lớn cả trong và ngoài nước, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá, tiếp tục có những tiến bộ trên nhiều lĩnh vực: công nghiệp, nông, lâm, ngư nghiệp, đầu tư phát triển, thu ngân sách, giáo dục và đào tạo, xóa đói giảm nghèo... Tỷ lệ động viên tài chính ở mức hợp lý, có mức tăng trưởng khá, bảo đảm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh; cân đối tài chính có chuyển biến tích cực, tập trung cho thực hiện những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội; công tác quản lý nợ có tiến bộ.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu vẫn giảm, tỷ lệ nhập siêu tăng; đầu tư xây dựng tăng khá về huy động vốn song sử dụng chưa đạt hiệu quả cao, chất lượng một số công trình còn kém, hiệu quả đầu tư thấp; một số sản phẩm nông nghiệp còn khó tiêu thụ; thu ngân sách tăng nhưng chưa vững chắc, thất thu còn lớn; chi ngân sách chưa tập trung để thực hiện nhiệm vụ lâu dài với những quyết sách cơ bản có tính đột phá; tình trạng tham nhũng, lãng phí ngân sách còn lớn; thị trường tài chính và các dịch vụ tài chính chậm phát triển; một số lĩnh vực xã hội chưa có chuyển biến rõ nét.

Để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2002, trong 6 tháng cuối năm, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; thực hiện đồng bộ các giải pháp được đề ra trong Nghị quyết số 05/2002/NQ-CP ngày 24/4/2002 của Chính phủ, tháo gỡ những khó khăn, ách tắc nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu; giải ngân các nguồn vốn đầu tư; đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn sản xuất với thị trường, nghiên cứu và áp dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp và ngư nghiệp, nhất là các chương trình về giống; nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng và bảo đảm đầu tư theo quy hoạch; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những sai phạm, nhất là trong xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, buôn lậu và gian lận thương mại; tăng cường quản lý và chống thất thu ngân sách; tăng nguồn dự phòng, dự trữ phòng chống thiên tai; thực hiện tốt nhiệm vụ chi; quản lý, sử dụng ngân sách tiết kiệm, có hiệu quả, chống lãng phí; thực hiện tốt Pháp lệnh Phí và lệ phí và Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này.

Các Bộ, ngành và địa phương cần nghiêm túc thực hiện chủ trương của Chính phủ về chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính; tăng cường phối hợp trong việc thực hiện nhiệm vụ. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thừa lệnh Thủ tướng Chính phủ, chủ trì tổ chức các cuộc họp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thống nhất, xử lý kịp thời các vấn đề có tính chất phối hợp liên ngành; đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.

2. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình Báo cáo một số vấn đề về công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ 6 tháng đầu năm 2002.

Trong 6 tháng qua, Chính phủ đã triển khai kịp thời các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện các Nghị quyết của Trung ương Đảng và Quốc hội; duy trì nề nếp thực hiện Chương trình công tác và Quy chế làm việc của Chính phủ, tập trung vào những mục tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; vừa quan tâm chỉ đạo, xử lý những vấn đề cấp bách, những diễn biến đột xuất, vừa tập trung nghiên cứu, hoạch định những chủ trương, những quyết sách cơ bản, lâu dài; chú trọng kết hợp đổi mới kinh tế - xã hội với cải cách hành chính. Tập thể Chính phủ đoàn kết, đề cao ý thức trách nhiệm trước nhân dân, bảo đảm tập trung dân chủ trong nội bộ và chủ động phối hợp với các cơ quan của Đảng, Quốc hội và các đoàn thể chính trị xã hội trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước.

Chính phủ nhất trí thông qua Báo cáo này. Giao Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh Báo cáo, trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ trước khi gửi các Bộ, ngành và địa phương.

3. Chính phủ nghe Tổng Thanh tra Nhà nước trình dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về dự án Luật.

Luật Khiếu nại, tố cáo được Quốc hội khoá X thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1999 đã tạo điều kiện phát huy dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Các cấp các ngành đã nhận thức đầy đủ hơn ý nghĩa của công tác giải quyết khiếu nại tố cáo và trách nhiệm của mình trong công tác này. Tuy nhiên, tình hình thực hiện Luật cho thấy, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại còn hạn chế. Một số quy định của Luật hiện hành có những điểm chưa phù hợp với thực tế, cần được sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Sửa đổi Luật Khiếu nại, tố cáo nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm, gây khó khăn, chậm trễ trong công tác giải quyết khiếu kiện của nhân dân; nâng cao vai trò của Toà án hành chính trong việc giải quyết khiếu kiện; tập trung vào xử lý những vướng mắc trong việc giải quyết khiếu nại quyết định hành chính và hành vi hành chính; thiết lập được trình tự giải quyết khiếu nại của các cơ quan hành chính nhà nước theo hướng đơn giản, gọn nhẹ, nhanh chóng và có hiệu quả.

Giao Thanh tra Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh Dự án Luật; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

4. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình dự án Pháp lệnh Động viên công nghiệp; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về dự án Pháp lệnh.

Tình hình thế giới và khu vực còn tiềm ẩn những nhân tố bất ổn, khó lường, đòi hỏi phải thường xuyên chăm lo tới nhiệm vụ tăng cường tiềm lực quốc phòng của đất nước, kết hợp hài hoà hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, việc huy động năng lực của các cơ sở sản xuất công nghiệp dân sinh chuẩn bị cho sản xuất, sửa chữa các sản phẩm khí tài quân sự vừa là yêu cầu khách quan, vừa là chính sách phù hợp với khả năng và điều kiện của đất nước. Chính sách động viên công nghiệp phục vụ quốc phòng góp phần sử dụng hợp lý tiềm lực của đất nước, khai thác có hiệu quả năng lực của các cơ sở sản xuất công nghiệp trong mọi tình huống.

Giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Pháp lệnh động viên công nghiệp phục vụ quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)