HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 04/NQ-HĐND
|
Ninh Bình, ngày 16 tháng 07 năm 2014
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN SỐ
08/ĐA-UBND NGÀY 01/7/2014 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH VỀ KHUYẾN NÔNG, HỖ
TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT VỤ ĐÔNG GIAI ĐOẠN 2011 - 2015 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH
BÌNH
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
KHÓA XIII, KỲ HỌP THỨ 10
Căn cứ Luật Tổ chức Hội
đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày
26/11/2003; Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16/12/2002;
Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị
lần thứ 7 của Ban chấp hành Trung ương Đảng
khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi
hành Luật Ngân sách Nhà nước; Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08/01/2010 của
Chính phủ về khuyến nông;
Xét đề nghị của Ủy ban
nhân dân tỉnh Ninh Bình tại Tờ trình số 62/TTr-UBND
ngày 01/7/2014 về việc sửa đổi, bổ sung Đề
án số 12/ĐA-UBND ngày 22/11/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình về Khuyến
nông, hỗ trợ phát triển sản xuất vụ Đông giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh
Ninh Bình được phê duyệt tại Nghị quyết số 32/NQ-HĐND ngày 24/12/2010 của Hội đồng
nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách và ý kiến thảo luận
của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phê duyệt Đề án số 08/ĐA-UBND
ngày 01/7/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh
Ninh Bình về Khuyến nông, hỗ trợ phát triển sản xuất vụ Đông giai đoạn 2011 -
2015 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (có Đề án kèm theo).
Điều 2. Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình khóa XIII, kỳ họp
thứ 10 thông qua ngày 16/7/2014 và có hiệu lực kể từ ngày được thông qua.
Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 32/NQ-HĐND ngày
20/12/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình về việc phê duyệt Đề án số
26/ĐA-UBND ngày 12/12/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình về sửa đổi, bổ sung Đề án số 12/ĐA-UBND ngày 22/11/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh
Ninh Bình về Khuyến nông, hỗ trợ phát triển sản xuất vụ Đông giai đoạn 2011 -
2015 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình được phê duyệt tại Nghị quyết số 32/NQ-HĐND
ngày 24/12/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh và Nghị
quyết số 32/NQ-HĐND ngày 24/12/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình
về việc phê duyệt Đề án số 12/ĐA-UBND
ngày 22/11/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình về Khuyến nông, hỗ trợ phát triển sản xuất vụ Đông giai đoạn
2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Điều 3. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh
Bình tổ chức thực hiện Nghị quyết này.
Điều 4. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh,
các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường
vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- VP Quốc hội, VP Chính phủ;
- Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Tài chính;
- Ban Thường vụ tỉnh ủy;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- TT HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Các Ban của HĐND tỉnh;
- Các đại biểu HĐND tỉnh khóa XIII;
- VP Tỉnh ủy, VP Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh, VP UBND
tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- Ban Thường vụ các huyện, thành, thị ủy;
- TT HĐND, UBND, UBMTTQVN các huyện, thành phố,
thị xã;
- Website Chính phủ, Công báo tỉnh;
- Đài PT-TH tỉnh, Báo Ninh Bình;
- Lưu: VT, phòng CTHĐ.
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Tiến Thành
|
ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 08/ĐA-UBND
|
Ninh Bình, ngày 01 tháng 07 năm 2014
|
ĐỀ ÁN
VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG ĐỀ ÁN SỐ 12/ĐA-UBND NGÀY 22/11/2010
CỦA UBND TỈNH VỀ KHUYẾN NÔNG, HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT VỤ ĐÔNG GIAI ĐOẠN
2011-2015, TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH
1. Căn cứ pháp lý để xây dựng Đề án
Căn cứ Luật Tổ chức Hội
đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16/12/2002;
Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ
ban hành Chương trình hành động của Chính phủ
thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa
X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010
của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;
Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng
Chính phủ về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao
giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
Thực hiện Thông báo số 1223-TB/TU ngày 11/4/2014 của Ban thường
vụ Tỉnh ủy về rà soát chính sách hỗ trợ sản xuất
vụ Đông.
II. Tình hình sản xuất vụ đông giai đoạn 2011-2013
1. Kết quả đạt được
Tiếp tục triển khai Nghị quyết số 03/NQ-TU ngày 14/4/2006 của Tỉnh ủy, ngày 24/12/2010 Hội đồng nhân dân tỉnh
ban hành Nghị quyết số 32/NQ-HĐND về việc phê duyệt Đề án số 12/ĐA-UBND ngày
22/11/2010 của UBND tỉnh về Khuyến nông hỗ trợ
phát triển sản xuất vụ Đông giai đoạn
2011-2015, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Trong 3 năm
2011-2013, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, cùng với sự nỗ lực của các cấp, các
ngành đặc biệt là sự tích cực, chủ động của nông dân trong tỉnh sản xuất vụ
Đông đã đạt được những kết quả nhất định.
Cụ thể:
- Tổng diện tích cây vụ đông giai đoạn 2011-2013 đạt
38.253,5 ha đạt 85% kế hoạch. Tổng giá trị các cây trồng vụ đông 2011-2013 đạt khoảng
1.704,4 tỷ đồng; bình quân giá trị cây vụ đông 2011-2013 đạt trên 44,5 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, diện tích gieo trồng giảm đều qua các năm, như: Năm 2011 đạt 13.453,15
ha, giá trị sản xuất đạt trên 514 tỷ đồng, bình quân khoảng 38,2 triệu đồng/ha;
năm 2012 đạt 13.260,9 ha, giá trị sản xuất đạt trên 584,7 tỷ đồng, bình quân 44
triệu đồng/ha; năm 2013 đạt 11.539,5 ha, giá trị sản xuất đạt trên 605,7 tỷ đồng,
bình quân 52,5 triệu đồng/ha.
- Các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao chủ yếu tập trung
vào những cây trồng có diện tích sản xuất nhỏ như: Khoai sọ, ớt, bí xanh, khoai
tây là những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao (đạt giá trị từ 60 triệu
đến 95 triệu đồng/ 01 ha); các cây trồng còn lại có diện tích canh tác nhiều nhưng chỉ đạt từ 17 triệu - 55 triệu
đồng/ 01 ha như: Đậu tương (khoảng 2.300ha), ngô (khoảng 2.400ha), khoai lang
(khoảng 1.400ha), lạc (khoảng 250ha), rau các loại (khoảng 4.800ha).
(Chi tiết kèm theo phụ lục số
1,2,3,4)
2. Kinh phí hỗ trợ
Trong giai đoạn 2011-2013, tổng
kinh phí hỗ trợ cho sản xuất vụ Đông từ ngân sách tỉnh là 44.673,85 triệu đồng,
trong đó: Năm 2011 kinh phí hỗ trợ
15.602,87 triệu đồng; Năm 2012 kinh phí hỗ trợ 16.827,459 triệu đồng; Năm 2013
kinh phí hỗ trợ 12.243,521 triệu đồng.
Nguồn kinh phí hỗ trợ
sản xuất vụ đông được bố trí trong ngân sách của tỉnh và được cấp về ngân sách
của các huyện, thị xã, thành phố ngay từ đầu năm trên cơ sở kế hoạch sản xuất và những cây trồng được hỗ trợ để các địa phương chủ động bố trí sản
xuất.
(Chi tiết kèm theo phụ lục số 5)
3. Đánh giá chung về sản xuất vụ đông
a) Ưu điểm
- Sản xuất vụ đông đã thực sự đem lại hiệu quả và trở thành
vụ sản xuất chính, nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần nâng cao giá
trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác từ 29,2 triệu/ha năm 2006 lên trên 86 triệu/ha
năm 2013.
- Chính sách khuyến khích hỗ trợ giống một số cây trồng mới đã tạo điều kiện thuận lợi cho
sản xuất vụ đông và trở thành tập quán sản
xuất của người dân.
- Được sự quan tâm, ưu tiên nguồn lực của tỉnh cho sản xuất.
Đưa những cây trong có giá trị kinh tế, phù hợp với điều kiện tự nhiên.
b) Hạn chế, tồn tại
- Diện tích sản xuất vụ đông còn nhỏ lẻ, manh mún, không tập
trung, việc đầu tư thâm canh, chăm sóc gặp
nhiều khó khăn, do đó hiệu quả sản xuất một số
cây trồng chưa cao, nhất là cây đậu tương.
- Chi phí, giá cả vật tư đầu vào,
ngày công lao động, trong những năm gần đây có
xu hướng tăng. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản
xuất như kênh mương tưới, tiêu mặc dù đã được đầu
tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của
sản xuất, nhất là khi xảy ra những diễn biến bất thường của thời tiết khí hậu.
- Công tác dự báo thị trường chưa được chú trọng, các cơ sở chế
biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp còn
ít, quy mô hạn chế.
- Ngân sách nhà nước hỗ trợ
trong nhiều năm nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao, kết
quả đạt được chưa tương xứng với hỗ trợ. Cơ chế cấp phát và thanh toán kinh phí
hỗ trợ chưa thực sự chặt chẽ dẫn đến dễ nảy sinh tiêu cực.
c) Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại
- Cơ chế hỗ trợ cho sản
xuất vụ đông dàn trải, hỗ trợ nhiều loại cây trồng, chưa tập trung hỗ trợ những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế
cao.
- Sự liên kết giữa hộ
nông dân với hộ nông dân, hộ nông dân với hợp tác xã và doanh nghiệp còn hạn chế,
chưa thực sự gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.
- Giá ngày công lao động tăng, thị trường tiêu thụ khó khăn
dẫn đến hiệu quả sản xuất của một số cây
trồng vụ đông chưa cao. Trong khi đó một bộ phận lao động nông nghiệp nhất là
lao động trẻ chuyển sang làm nghề khác có thu nhập cao hơn.
- Thời tiết vụ đông hàng năm thường diễn biến phức tạp, ảnh
hưởng trực tiếp đến việc bố trí thời vụ cho cây trồng, đặc biệt là sinh trưởng,
phát triển và năng suất của cây vụ đông.
III. Sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Đề án
số 12/ĐA-UBND ngày 22/11/2010 của UBND tỉnh Ninh Bình
Trong những năm qua, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ kinh phí cho
nông dân mua giống cây trồng để sản xuất vụ đông. Tuy nhiên, việc hỗ trợ kinh phí mua giống đã làm hạn chế sự
linh hoạt trong việc lựa chọn cây trồng đưa vào tổ chức sản xuất. Bên cạnh đó,
giá giống các loại cây đều tăng dẫn đến tăng chi phí sản xuất. Vì vậy, hiệu quả kinh tế từ một số cây trồng
vụ đông chưa cao và chưa tương xứng với hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Công tác quản lý, sử dụng
và cấp phát kinh phí hỗ trợ sản xuất vụ đông ở một số địa phương chưa kịp thời,
thiếu chặt chẽ dễ xảy ra sai phạm trong việc thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ.
Hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi đã được quan tâm đầu tư xây
dựng trong những năm qua. Tuy nhiên, có những công trình, kênh mương chưa được tu bổ, cải tạo nên chưa đáp ứng được nhu cầu chủ động tưới tiêu cho sản xuất
nông nghiệp nói chung và cây vụ đông nói riêng.
Với mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp theo hướng gia
tăng giá trị và phát triển bền vững, Ủy ban nhân dân tỉnh kính trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Đề án sửa đổi, bổ sung sản xuất vụ đông giai đoạn 2011-2015 với những nội
dung chính như sau:
IV. Mục đích và quan điểm sửa đổi, bổ sung đề án
1. Mục đích
- Nâng cao giá trị cây trồng vụ Đông, tăng cường liên kết sản
xuất gắn với tiêu thụ nông sản xây dựng cánh đồng lớn; từng bước hoàn thành mục
tiêu xây dựng nông thôn mới.
- Thực hiện việc áp dụng quy trình
thực hành nông nghiệp tốt Vietgap đối với cây trồng vụ Đông, tạo ra sản phẩm đảm
bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm vụ Đông trên thị trường.
- Khuyến khích phát triển vụ Đông phải đảm bảo phù hợp với
quy hoạch sản xuất xây dựng nông thôn mới,
các sản phẩm vụ đông có phương án tiêu thụ sản phẩm hoặc hợp đồng tiêu thụ sản
phẩm góp phần thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị
gia tăng và phát triển bền vững.
2. Quan điểm sửa đổi,
bổ sung
- Không hỗ trợ những cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp.
- Nâng cao khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh trên thị trường tiêu dùng trong và ngoài
tỉnh, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá
trị gia tăng và phát triển bền vững.
- Hoàn thiện cơ chế hỗ trợ,
cấp phát theo hướng để thực hiện, đảm bảo đúng quy định.
V. Nội dung của Đề án:
1. Sửa đổi, bổ sung nội dung tại mục II, Phần II của Đề án như sau
1.1. Đối tượng, cơ chế và chính sách hỗ trợ
a) Đối tượng hỗ trợ
- Các hộ, nhóm hộ nông dân trực tiếp sản xuất các cây trồng
vụ Đông trên diện tích đất 2 lúa và đất lúa màu, gồm các cây trồng: Khoai tây,
khoai sọ, trạch tả, ngô ngọt, bí xanh, dưa bao tử, cà chua nhót, ớt. Được tổ chức
sản xuất theo các mô hình liên kết giữa hộ nông dân với hộ nông dân, giữa hộ
nông dân với hợp tác xã và doanh nghiệp.
- Đối với một số cây trồng vụ đông khác, Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo trình Hội đồng
nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
Không hỗ trợ đối với
các cây trồng (trong Đề án số 12/ĐA-UBND): đậu tương, ngô đại trà, khoai lang
thường, lạc.
b) Chính sách hỗ trợ
- Hỗ trợ hàng năm: mua vật tư sản xuất, bao gồm: Giống, phân bón, thuốc
bảo vệ thực vật:
+ Hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha đối với các loại cây trồng: Khoai
tây, khoai sọ, trạch tả.
+ Hỗ trợ 1.500.000 đồng/ha
đối với các loại cây trồng: Ngô ngọt, bí
xanh, dưa bao tử, cà chua nhót, ớt, Khoai lang Hoàng Long.
- Hỗ kinh phí 1 lần để đầu tư trợ hạ tầng vùng sản xuất vụ
đông tập trung với định mức 2.500.000 đồng/ha.
c) Điều kiện hỗ trợ:
- Là các mô hình có sự liên kết giữa các hộ, nhóm hộ, được
thể hiện bằng phương án tiêu thụ sản phẩm hoặc hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
- Quy mô diện tích đất sản xuất
từ 0,2 ha trở lên.
- Phù hợp với quy hoạch phát triển sản xuất trong quy hoạch
xây dựng nông thôn mới đã được phê duyệt.
1.2. Kinh phí thực hiện
- Năm 2014 dự kiến kinh phí hỗ
trợ thực hiện khoảng 7,8 tỷ đồng.
- Năm 2015, ngân sách tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ khoảng 8,5 tỷ đồng.
1.3. Cơ chế cấp phát, thanh toán vốn hỗ trợ
Trên cơ sở kế hoạch đăng ký sản
xuất vụ đông của các huyện, thị xã, thành
phố. Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp
trình UBND tỉnh cấp ứng 50% kinh phí hỗ trợ.
Sau khi các ngành chức năng có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm
tra, nghiệm thu theo quy định hiện hành sẽ cấp số kinh phí còn lại để thực hiện
hỗ trợ cho người dân (cấp bằng tiền trực
tiếp cho người sản xuất)
1.4. Thời gian thực hiện
- Thực hiện từ vụ đông năm 2014 đến hết vụ đông năm 2015.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đinh Quốc Trị
|