Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP về việc hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba "Xét xử sơ thẩm" của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 do Hội đồng Thẩm phán - Toà án nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 04/2004/NQ-HĐTP
Ngày ban hành 05/11/2004
Ngày có hiệu lực 12/12/2004
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao
Người ký Nguyễn Văn Hiện
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự,Thủ tục Tố tụng

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc

Số: 04/2004/NQ-HĐTP 

Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 2004

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ 04/2004/NQ-HĐTP NGÀY 05 THÁNG 11 NĂM 2004 HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH TRONG PHẦN THỨ BA “XÉT XỬ SƠ THẨM” CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2003

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Căn cứ vào Luật tổ chức Toà án nhân dân;
Để thi hành đúng và thống nhất Phần thứ ba “Xét xử sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 (sau đây viết tắt là BLTTHS);
Sau khi có ý kiến thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp;

QUYẾT NGHỊ:

I. VỀ CHƯƠNG XVII “CHUẨN BỊ XÉT XỬ” CỦA BLTTHS

1. Về Điều 176 của BLTTHS

1.1. Nhận hồ sơ vụ án và thụ lý hồ sơ vụ án

Khi nhận hồ sơ vụ án do Viện kiểm sát chuyển đến, người nhận hồ sơ phải đối chiếu bản kê tài liệu và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án xem đã đầy đủ hay chưa; kiểm tra bản cáo trạng đã được giao cho bị can theo đúng quy định tại đoạn 3 khoản 1 Điều 166 của BLTTHS hay chưa và xử lý như sau:

a. Nếu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án chưa đầy đủ so với bản kê tài liệu hoặc bản cáo trạng chưa được giao cho bị can, thì không nhận hồ sơ vụ án vì chưa đúng quy định của BLTTHS.

b. Nếu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã đầy đủ so với bản kê tài liệu và bản cáo trạng đã được giao cho bị can, thì nhận và vào ngay sổ thụ lý hồ sơ vụ án.

Sau khi hồ sơ vụ án đã được thụ lý, Chánh án Toà án phân công ngay Thẩm phán làm chủ toạ phiên toà.

1.2. Thời hạn chuẩn bị xét xử

Điều 176 của BLTTHS quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử; do đó, các thời hạn quy định trong Điều này đều được tính trong thời hạn chuẩn bị xét xử. Tuỳ từng trường hợp cụ thể thời hạn chuẩn bị xét xử được tính như sau:

1.2.1. Trường hợp Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà ra quyết định đưa vụ án ra xét xử

a. Nếu không phải gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, thì thời hạn chuẩn bị xét xử kể từ ngày Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà nhận hồ sơ vụ án tối đa là:

a.1. Bốn mươi lăm ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng;

a.2. Hai tháng đối với tội phạm nghiêm trọng;

a.3. Hai tháng mười lăm ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng;

a.4. Ba tháng mười lăm ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

b. Nếu phải gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, thì thời hạn chuẩn bị xét xử kể từ ngày Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà nhận hồ sơ vụ án tối đa là:

b.1. Hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng;

b.2. Hai tháng mười lăm ngày đối với tội phạm nghiêm trọng;

b.3. Ba tháng mười lăm ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng;

b.4. Bốn tháng mười lăm ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

c. Trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm a và b trên đây mà phiên toà không mở được trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử vì có lý do chính đáng, thì thời hạn chuẩn bị xét xử đối với từng trường hợp được cộng thêm tối đa là mười lăm ngày nữa.

1.2.2. Trường hợp Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án

Trong trường hợp Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử kết thúc vào ngày ra quyết định. Đối với trường hợp ra quyết định tạm đình chỉ vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được bắt đầu tính lại, kể từ ngày Toà án tiếp tục giải quyết vụ án khi lý do tạm đình chỉ không còn.

[...]