Nghị quyết số 03/2007/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2007 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 03/2007/NQ-CP
Ngày ban hành 19/01/2007
Ngày có hiệu lực 14/02/2007
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

CHÍNH PHỦ

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 03/2007/NQ-CP

Hà Nội, ngày 19 tháng 01 năm 2007

 

 NGHỊ QUYẾT

VỀ NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2007

 Năm 2007 là năm đầu tiên nền kinh tế nước ta hội nhập đầy đủ, toàn diện vào nền kinh tế thế giới, năm thứ hai triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010. Kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2007 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 - 2010, nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 và thực hiện những cam kết của Việt Nam khi tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội khóa XI về kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2007 ngay từ đầu năm, các ngành, các cấp cần tập trung nguồn lực triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp thực hiện nhiệm vụ, trong đó tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm là phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức cao nhất (GDP tăng 8,5%), đẩy mạnh cải cách hành chính và thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp chủ yếu sau đây:

A. TIẾP TỤC HOÀN THIỆN THỂ CHẾ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

 I. Hoàn thiện hệ thống pháp luật

1. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật; hoàn thành tốt Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2007 của Quốc hội, Chương trình công tác, các Chương trình hành động của Chính phủ và những nhiệm vụ cụ thể nêu tại Nghị quyết này.

2. Bộ Tư pháp trình Chính phủ Đề án cải tiến quy trình xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng giảm tối đa thủ tục; khắc phục tình trạng chồng chéo hoặc thiếu cụ thể, rút ngắn thời gian xây dựng, ban hành văn bản so với hiện nay.

3. Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan phải nghiêm túc thực hiện quy định về việc xây dựng văn bản luật, pháp lệnh đồng thời với văn bản hướng dẫn để bảo đảm đủ các điều kiện thi hành luật, pháp lệnh ngay sau khi luật, pháp lệnh có hiệu lực thi hành.

4. Các Bộ, cơ quan chính quyền các cấp tập trung rà soát tất cả các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền đã ban hành; sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ ngay những quy định không còn phù hợp, nhất là các quy định về hồ sơ, thủ tục đầu tư, đăng ký hoạt động doanh nghiệp; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời những tồn tại, vướng mắc.

II. Thúc đẩy phát triển đồng bộ các loại thị trường

1. Bộ Tài chính chủ trì rà soát các cơ chế, chính sách, đa dạng hoá các công cụ huy động, phát triển thị trường vốn, như: phát hành cổ phiếu, trái phiếu ra công chúng, niêm yết trên thị trường chứng khoán của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, các ngân hàng thương mại; các quy định về quỹ đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, quỹ đầu tư phát triển địa phương, quỹ đầu tư bất động sản, quỹ đầu tư chứng khoán để xác định cụ thể các văn bản pháp luật cần được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới và triển khai thực hiện ngay từ quý I năm 2007. Tăng cường công tác quản lý, giám sát để bảo đảm thị trường phát triển ổn định, bền vững, nhất là trong điều kiện hội nhập. Chú trọng liên kết giữa thị trường tiền tệ với thị trường vốn.

2. Trong quý I năm 2007, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng các cơ chế, chính sách về tài chính, đấu thầu, đặt hàng dự án khoa học, công nghệ; về thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp; về phát triển các dịch vụ hỗ trợ về sở hữu trí tuệ, tư vấn, mua, bán công nghệ, giám định, đánh giá, chuyển giao công nghệ và thành lập vườn ươm công nghệ; thành lập, hoạt động quỹ đầu tư mạo hiểm; nhân rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của loại hình chợ, sàn giao dịch thiết bị công nghệ.

3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích nâng cao năng lực, chất lượng các cơ sở đào tạo nghề, các cơ sở cung ứng dịch vụ lao động; liên kết đào tạo, dạy nghề giữa cơ sở dạy nghề với cơ sở sản xuất, kinh doanh; các quy định về khuyến khích mở rộng thị trường lao động mới ở nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư cung ứng dịch vụ đào tạo nghề.

4. Trong quý I năm 2007, Bộ Xây dựng chủ trì ban hành hoặc trình Chính phủ ban hành các quy định hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản; các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản; thí điểm và nhân rộng mô hình các sàn giao dịch bất động sản, trước mắt ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

5. Trong quý I năm 2007, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách để chuyển quyền sử dụng đất thành hàng hoá theo hướng đơn giản, thuận tiện.

Giám sát và hướng dẫn các địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp cải cách thủ tục hành chính về quy hoạch, quản lý sử dụng đất, cấp và thực hiện quyền sử dụng đất, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, đấu giá quyền sử dụng đất ...; kiểm tra, thu hồi diện tích đất đã cấp, giao cho các cơ quan, đơn vị nhưng không sử dụng, sử dụng sai mục đích hoặc chậm sử dụng so với tiến độ theo quy định của Luật Đất đai; hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất vào cuối quý II năm 2007.

III. Tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển mạnh các loại hình doanh nghiệp

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách theo hướng:

a) Tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành và hoạt động của các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, có nhiều chủ sở hữu;

b) Hỗ trợ có hiệu quả cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trước hết là giảm tối đa các thủ tục hành chính trong việc thành lập, chuyển đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh; trong việc tiếp cận vốn, đất đai, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm;

c) Thu hút các tập đoàn kinh tế lớn của nước ngoài có tiềm năng về công nghệ cao vào đầu tư tại Việt Nam;

d) Phân định rõ về chức năng, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và của đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước;

đ) Thúc đẩy phát triển nhanh các loại hình kinh tế tập thể với những hình thức hợp tác đa dạng, nhất là trong nông nghiệp và nông thôn;

e) Thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó ưu tiên về đào tạo cán bộ quản trị và đào tạo nghề cho người lao động; hỗ trợ doanh nghiệp trong khâu xúc tiến thương mại, đầu tư, xây dựng thương hiệu. Thực hiện các chính sách tôn vinh các doanh nhân có tài, thành đạt, có tâm huyết, trách nhiệm với đất nước, tạo được nhiều việc làm, có đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước;

g) Tổ chức hợp lý việc thu thập, xử lý thông tin kinh tế để nâng cao chất lượng công tác dự báo, cung cấp thông tin về thị trường cho doanh nghiệp.

2. Bộ Tài chính ban hành hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách nhằm:

a) Đẩy mạnh việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước; trong năm 2007, cổ phần hoá 550 doanh nghiệp nhà nước, bao gồm một số tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước, doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng, doanh nghiệp hoạt động công ích, đưa các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá niêm yết trên thị trường chứng khoán. Thực hiện kiểm toán tất cả các tập đoàn và tổng công ty nhà nước. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Những doanh nghiệp nhà nước sản xuất, kinh doanh không hiệu quả phải được sắp xếp lại theo đúng quy định;

[...]