Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP về việc hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất "Những quy định chung" của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 do Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 03/2004/NQ-HĐTP
Ngày ban hành 02/10/2004
Ngày có hiệu lực 28/10/2004
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao
Người ký Nguyễn Văn Hiện
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự,Thủ tục Tố tụng

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03/2004/NQ-HĐTP

Hà Nội, ngày 02 tháng 10 năm 2004

 

NGHỊ QUYẾT

HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH TRONG PHẦN THỨ NHẤT "NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG" CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2003

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Căn cứ vào Luật Tổ chức Tòa án nhân dân;
Để thi hành đúng và thống nhất Phần thứ nhất "Những quy định chung" của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003;
Sau khi có ý kiến thống nhất của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

I. VỀ NGƯỜI TIẾN HÀNH TỐ TỤNG VÀ VIỆC THAY ĐỔI NGƯỜI TIẾN HÀNH TỐ TỤNG

1. Về quy định tại khoản 3 Điều 38 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

a) Theo quy định tại khoản 3 Điều 38 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì khi được Chánh án Tòa án phân công giải quyết, xét xử vụ án hình sự, Phó Chánh án Tòa án có những nhiệm vụ và quyền hạn quy định tại khoản 2 Điều này; do đó, Phó Chánh án Tòa án có những nhiệm vụ và quyền hạn quy định tại khoản 2 Điều 38 của Bộ Luật Tố tụng hình sự trong các trường hợp sau đây:

a.1) Được Chánh án Tòa án phân công phụ trách thường xuyên công tác giải quyết các vụ án hình sự;

a.2) Được Chánh án Tòa án phân công giải quyết, xét xử vụ án hình sự cụ thể;

a.3) Được Chánh án Tòa án phân công tạm thời phụ trách công tác giải quyết các vụ án hình sự thay thế cho Phó Chánh án được phân công phụ trách thường xuyên công tác giải quyết các vụ án hình sự vắng mặt.

b) Khi Phó Chánh án Tòa án được Chánh án Tòa án phân công giải quyết, xét xử các vụ án hình sự thuộc các trường hợp được hướng dẫn tại điểm a mục 1 này, thì Phó Chánh án Tòa án có những nhiệm vụ và quyền hạn quy định tại khoản 2 Điều 38 của Bộ luật Tố tụng hình sự mà không phải thực hiện việc ủy nhiệm của Chánh án Tòa án, cho nên không phải là ký thay Chánh án; cụ thể như sau:

PHÓ CHÁNH ÁN

TÒA ÁN..........................

Chữ

(Họ, tên)

c) Chỉ có Chánh án Tòa án mới có những nhiệm vụ và quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều 38 của Bộ luật Tố tụng hình sự; do đó, trong trường hợp Phó Chánh án Tòa án được Chánh án Tòa án ủy nhiệm thực hiện những nhiệm vụ và quyền hạn của Chánh án quy định tại khoản 1 Điều 38 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì trước khi ký cần phải ghi ký thay Chánh án; cụ thể như sau:

KT. CHÁNH ÁN

TÒA ÁN......................

PHÓ CHÁNH ÁN

Chữ

(Họ, tên)

2. Về quy định tại điểm a khoản 2 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng hình sự

Điểm a khoản 2 Điều 39 của Bộ Luật Tố tụng hình sự quy định Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa có nhiệm vụ, quyền hạn: "quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn theo quy định của Bộ luật này". Theo quy định tại các Điều 79, 80, 88, 91, 92 và 93 của Bộ luật Tố tụng hình sự về các biện pháp ngăn chặn và việc quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, nếu Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa không phải là Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Chánh tòa, Phó Chánh tòa Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao thì không được quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp bắt, tạm giam mà chỉ được quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn sau đây:

a) Cấm đi khỏi nơi cư trú (Điều 91 của Bộ luật Tố tụng hình sự);

b) Bảo lĩnh (Điều 92 của Bộ luật Tố tụng hình sự);

c) Đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm (Điều 93 của Bộ luật Tố tụng hình sự).

Khi quyết định việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn cần bảo đảm đúng các quy định về điều kiện, đối tượng và các quy định khác tại các điều luật tương ứng của Bộ luật Tố tụng hình sự.

[...]